"Chiến dịch bão táp" đưa người Việt từ Ấn Độ về nước

Đây thực sự là "chuyến bay bão táp" với các công dân và với Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ. Để có được chuyến bay này, việc chuẩn bị đã diễn ra suốt ba tháng qua với nhiều thăng trầm, nhiều lúc thót tim. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ nhiều thông tin suốt quá trình này, và ông ví chuyến bay như một chiến dịch, những cán bộ ngoại giao như những người lính.

Khó khăn lớn nhất là người Việt ở rải rác nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ. Việc di chuyển đến New Delhi để đón chuyến bay về nước rất khó khăn, trong khi Ấn Độ vẫn phong tỏa toàn bộ đất nước cả đường hàng không và đường bộ.

Đến sát ngày bay, ĐSQ mới xin được các giấy phép cất cánh cho 3 chuyến bay nội địa đưa bà con về New Delhi, trong đó có một sân bay quân sự Pune. Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết trên Facebook cá nhân: Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng của ĐSQ đã liên tục gọi điện cho Không quân và Bộ Quốc phòng Ấn Độ, đến trưa 18/5 mới có giấy phép cất cánh từ sân bay quân sự Pune.  

"Chiến dịch bão táp" đưa người Việt từ Ấn Độ về nước - Ảnh 1.

Một nhóm công dân và Phật tử tại sân bay New Delhi trước khi về nước.

Bộ Nội vụ Ấn Độ cũng phải cấp giấy phép đi đường cho các nhóm công dân Việt khác nhau từ các vùng của Ấn Độ đi đường bộ về New Delhi. Các nhóm này cần thư đi đường của ĐSQ, Công hàm chấp thuận của Bộ Ngoại giao, hộ chiếu và vé máy bay. ĐSQ đã gửi ra 23 Công hàm để tổ chức cho các chuyến đi này.

Có một nhóm công dân bị kẹt ở Nepal đã đăng ký về nước, song họ không thể sang Delhi nên 14 suất bay này được Trưởng phòng lãnh sự của ĐSQ gọi cho từng người trong danh sách dự bị để có thể về nước vào phút chót.

"Khi Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo công tác Bảo hộ công dân kết thúc thì cũng đúng lúc ĐSQ mở rộng cửa đón 4 đoàn bà con nhân dân từ Gujarat, Uttrakhand, Rajastgan và Hymachan Pradesh về đến ĐSQ. Họ sẽ được Chánh Văn phòng ĐSQ bố trí ăn và nghỉ tại ĐSQ. Tối nay, 4 đoàn khác sẽ về đến ĐSQ để hội quân" - Đại sứ Sanh Châu viết.

Tại thành phố Mumbay, Tổng lãnh sự Hoàng Tùng đã lên kế hoạch đưa bà con đến sân bay Pune. Trong địa bàn thuộc vùng quản lý của TLS tại Mumbay có 7 nhóm công dân hội tụ để trở về Delhi. Tại Banglalore phía nam Ấn Độ, tại Thánh đại Phật giáo Gaya cũng có các nhóm công dân khác nhau từ nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ tập trung trước khi về Delhi.

Tất cả có 13 "cánh quân" với 340 người, di chuyển trên 66 chiếc xe, 3 máy bay nội địa, vượt hàng chục nghìn km của 15 tiểu bang, đi cả ngày lẫn đêm để kịp về hội quân tại sân bay Delhi - Đại sứ Sanh Châu cho biết. 

Các cán bộ và nhân viên ĐSQ đã đưa bà con ra sân bay, chuẩn bị cơm nắm, muối vừng, hoa quả, trứng, nước để sẵn trong 360 gói để tiếp tế.

"Năm cánh quân lớn đã hội quân đúng giờ G tại sân bay (ở Delhi) như kế hoạch. Tuy nhiên, máy bay lại cất cánh muộn hơn 2 tiếng. Nguyên nhân là thủ tục gia hạn visa rất phức tạp mà một số bà con là tăng ni, phật tử không biết khai. Bạn lại thay đổi mẫu đơn nên bị giữ lại và bắt phạt mỗi người 300 USD. ĐSQ lại phải khai giúp bà con và làm việc với xuất nhập cảnh để họ không phạt. Một nguyên nhân khác là đại diện hàng không phải viết thẻ lên tàu cho từng hành khách bằng tay mà viết sai liên tục, lúc sai ngày lúc lại sai tên lúc lại sai cả ký hiệu chuyến bay. Hơn nữa chỉ mở một quầy thay vì 5 hay 6 quầy và in thẻ bằng máy. Check in cho hơn 300 người mà mất hơn 5 tiếng".

Chuyến bay này đã được Đại sứ Sanh Châu và ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ minh bạch thông tin từ phút đầu tiên. Mọi thông tin về ngày giờ bay, giá vé được thông báo rõ ràng là 370 USD cho chặng Delhi - Cần Thơ. Đến những ngày gần cuối, khi giá vé các chặng được chốt, ĐSQ thông báo rõ ràng số tiền và tiền thừa, cán bộ ĐSQ và TLSQ đã trả lại cho bà con trước khi lên máy bay.

Đại sứ Sanh Châu cho biết: "ĐSQ quyên góp được tiền để mua 15 vé máy bay nội địa, 5 vé quốc tế, hỗ trợ giảm giá cho 15 vé nội địa và quốc tế. Nhân dịp này, ĐSQ trân trọng cảm ơn Thầy Thích Tường Quang chùa Đại Lộc, mở lòng nhân từ hỗ trợ 50 đô tiền vé cho mỗi Phật tử trong số gần 100 Phật tử hành hương từ Bồ Đề Đạo tràng về trên chuyến Gaya- Delhi. ĐSQ trân trọng cảm ơn Thầy Huyền Diệu và Thầy Huệ Sơn có nhã ý đóng góp một số tiền nhưng ĐSQ xin từ chối vì trong hai tháng qua chùa Việt Nam Phật Quốc Tự đã lo cho ăn ở miễn phí gần 20 Phật tử. ĐSQ cũng trân trọng cảm ơn một số bạn bè từ Việt Nam đã đóng góp để có thể mua, giảm vé cho các trường hợp khó khăn mặc dù ngay từ đầu ĐSQ thấy có thể tự thu xếp nên chủ trương không kêu gọi quyên góp từ trong nước".

Trên chuyến bay về nước, ĐSQ đã xin phép cho 2 trường hợp người nước ngoài về Việt Nam: Một trường hợp mẹ Nga con Việt về đoàn tụ gia đình, và doanh nhân Ấn Độ Ravi có nhà máy tại Nam Định, được nhập cảnh để trả lương cho hơn 700 công nhân.

"Covid làm cho người ta khổ quá. Đúng là một chuyến bay lịch sử, đầy thách thức và khó khăn đến tận phút cuối cùng. Nhiều lúc tưởng không thể tổ chức được vì quá phức tạp!" - Đại sứ viết trong status mới nhất trước khi chuyến bay cất cánh đêm qua.

"Bất chấp tất cả khó khăn, với sự đồng lòng quyết chí của Trung Đội AD31, chiến dịch mang tên Bác phiên bản Ấn đã thành công tốt đẹp và là hành động thiết thực nhất để chào mừng 130 năm Ngày Sinh của Bác vì Bác dặn rồi :"Đảng ta phải lo cả tương, cà, mắm muối cho dân". Học theo lời Bác, ĐSQ cũng lo cả cơm nắm muối vừng, khai tờ khai và đôi khi dắt người dân đi qua cửa khẩu".

31 cán bộ, nhân viên ĐSQ và TLSQ đã làm việc không ngừng nghỉ 3 tháng qua để có chuyến bay này. Đại sứ Sanh Châu ghi nhận công sức của tất cả cán bộ và bà con: "Xin cảm ơn các đồng đội của tôi ! Và xin chúc đồng bào của tôi thượng lộ bình an, về đến quê Mẹ Việt Nam an toàn. Chúng tôi những người lính ngoại giao vẫn tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao!"