Cây trồng biến đổi gen được “bật đèn xanh” ở Nam Úc

Cây trồng biến đổi gen được “bật đèn xanh” ở Nam Úc - Ảnh 1.

Sau 16 năm, Nam Úc gỡ bỏ lệnh cấm với cây trồng biến đổi gen. Ảnh: ABC Open.

Sự thay đổi này có được sau khi Chính phủ đã tiến hành rất nhiều các nỗ lực khác nhau để gỡ bỏ lệnh cấm vào năm ngoái, đưa khu vực Nam Úc có các chính sách tương đồng với toàn bộ khu vực đất liền của nước Úc. 

Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm (sau 16 năm) được ban hành sau khi một đánh giá độc lập cho thấy chỉ tính riêng cây cải dầu, lệnh cấm đã tạo ra tổn thất khoảng 33 triệu đô la kể từ năm 2004.

Ông Tim Whetstone – Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Cơ bản đã tham gia đàm phán với các bên phản đối để đưa ra một phương án khả thi nhất. 

Trong một phát biểu, ông cho biết: "Sau 16 năm và hàng triệu đô la tổn thất kinh tế cũng như các cơ hội nghiên cứu bị bỏ lỡ, đây là một ngày quan trọng có tính lịch sử với nông dân Nam Úc – những người từ nay có thể lựa chọn họ có thể trồng các giống cây phù hợp nhất với họ trong thời gian tới. Quyết định này cũng mang lại cho nông dân sự chắc chắn về pháp lý để họ có thể tiếp tục đầu tư vào gieo trồng các hạt giống BĐG và trồng các giống cây này từ mùa vụ năm sau (2021)."

Bằng việc mang đến cho người nông dân nhiều công cụ hơn, chúng ta đang hỗ trợ họ thúc đẩy ngành nông nghiệp khi mà nông dân đang phải chiến đấu với hạn hán và khí hậu biến đổi, phát triển nền kinh tế và tạo ra việc làm." – ông Whetstone chia sẻ thêm.

Giám đốc điều hành CropLife Australia, ông Matthew Cossey, cho biết, ngành khoa học thực vật rất vui mừng khi các cơ sở và bằng chứng khoa học đối với vấn đề cây trồng BĐG ở Nam Úc cuối cùng đã được ưu tiên.

"Với điều kiện thời tiết không thuận lợi và khí hậu thay đổi sẽ khiến việc canh tác trở nên khó khăn hơn, người trồng ở Nam Úc cần được tiếp cận với mọi công nghệ an toàn và hiệu quả có thể hỗ trợ họ canh tác theo cách bền vững hơn với môi trường. Việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ không chỉ mang đến lợi ích về kinh tế cho nông dân, mà còn đưa Nam Úc lên một sân chơi bình đẳng với các bang khác tại lục địa Úc nơi đã tiếp cận với công nghệ BĐG trong ít nhất một thập kỷ." – ông Matthew nhấn mạnh.

Cây trồng biến đổi gen được “bật đèn xanh” ở Nam Úc - Ảnh 2.

Cánh đồng cải dầu tại Úc. Ảnh: ABC Rural.

Nông dân vui mừng

Các nhóm nông dân cho biết đây là một ngày "đặc biệt quan trọng".

Giám đốc Điều hành Grain Producer SA, bà Caroline Rhodes nói: "Ngày hôm nay, cuối cùng chúng tôi đã được chứng kiến một quyết định đột phá mà chúng tôi đã vận động từ năm 2004 tới nay. Ở khu vực Nam Úc, thời điểm gieo hạt đã qua, nông dân sẽ không thể bắt đầu gieo trồng ngay các giống cây BĐG cho mùa vụ . Nhưng tôi biết chắc chắn, nông dân đang rất háo hức và mong muốn được trồng thử nghiệm ngay các giống cây cải dầu BĐG – giống cây rất phổ biến tại các khu vực khác tại nước Úc và trải nghiệm các đổi mới mà công nghệ này sẽ mang lại cho khu vực Nam Úc".

Ông Robin Schaefer, quản lý trang trại Bulla Burra in Loxton cho rằng lệnh cấm được dỡ bỏ sẽ giúp nâng tầm nông nghiệp khu vực Nam Úc. "Chúng tôi rất mong muốn được nhìn thấy lệnh cấm cây trồng BĐG được dỡ bỏ để khu vực Nam Úc có thể thoát khỏi những ngày tháng đen tối".

"Điều tôi lo lắng đó là chúng ta sẽ không tạo ra một tình thế mà có các địa phương sẽ quyết định trồng cây trồng BĐG và có những địa phương không trong cùng một bang, nếu không điều này sẽ gây ra các trở ngại khá lớn cho việc quản lý ở tất cả các phương diện." – ông Robin Schaefer chia sẻ thêm.

Cây trồng BĐG đã tạo điều kiện cho nông dân ở các tiểu bang khác và trên thế giới cải thiện năng suất, giảm lượng khí thải carbon, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thuốc BVTV bền vững hơn và bảo vệ đất thông qua việc canh tác không cày xới trong nhiều thập kỷ.

 Cây trồng BĐG mang lại lợi ích không chỉ cho nông dân mà cho cả môi trường. Và bây giờ nông dân ở lục địa Nam Úc sẽ được quyền tiếp cận các công nghệ nông nghiệp quan trọng này.

Trong hơn 20 năm, các loại cây trồng BĐG được phê duyệt đã được trồng ở Úc và trên thế giới, nhờ vào đó 183 triệu ha đất được cứu khỏi việc cày xới đất. Điều này đã dẫn đến việc tích trữ nước được cải thiện, giảm đáng kể xói mòn đất và rừng nguyên sinh được cứu khỏi việc trở thành đất sản xuất nông nghiệp.

 Cây trồng BĐG đã giúp tiết kiệm 27 tỷ kg lượng khí thải CO2 - tương đương với việc loại bỏ 90% xe ô tô chở khách hoạt động tại Úc trong một năm.

Các loại cây trồng BĐG đang được thử nghiệm và phát triển có thể giúp nông dân Nam Úc chống lại các căng thẳng môi trường như hạn hán, đất chua, nhiễm mặn và sương giá, và mang lại lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng với các sản phẩm như ngũ cốc có hàm lượng dinh dưỡng cao, tinh bột và dầu ăn lành mạnh hơn được điều chỉnh để có chất béo bão hòa thấp hơn và chất lượng nấu ăn được cải thiện.

Chính quyền các địa phương vẫn sẽ có thể lựa chọn không canh tác cây trồng biến đổi gen (BĐG) trong khu vực của họ bằng việc đề xuất trở thành một "khu vực không canh tác cây trồng BĐG".