Anh Nguyễn Phan Hội, năm nay ngoài 40 tuổi, sinh ra và lớn lên ở làng hoa Tây Tựu (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – một trong những vùng đất nổi tiếng với nghề trồng hoa ở thủ đô Hà Nội. Cũng bởi ngày ngày được ngắm nhìn những cánh đồng hoa sặc sỡ sắc màu, anh Hội đã đam mê loài hoa lúc này nào chẳng hay.
Năm 2016, anh Nguyễn Phan Hội rời Hà Nội lên thành phố Lai Châu khởi nghiệp trồng hoa hồng.
Nghe nói khí hậu, thổ nhưỡng ở thành phố Lai Châu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây hoa hồng, năm 2016, anh Hội quyết định đưa vợ con lên núi lập nghiệp, trồng hoa hồng. Nơi anh chọn khởi nghiệp trồng hoa là ở bản San Thàng 2 (xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu).
Thuê được khoảng 2ha ruộng bậc thang của người dân trong bản, anh Hội bắt tay vào cải tạo, rồi về Mê Linh mua cây giống lên trồng. Trước khi trồng, anh Hội nhúng toàn bộ gốc cây hoa hồng giống vào nước thuốc kích rễ để kích thích bộ rễ của chúng phát triển nhanh. Khi cây hoa phát triển ổn định (chừng 2 tháng sau khi trồng) anh Hội mới tiến hành bón phân gà, phân trâu kết hợp với phân lân đầu trâu cho ruộng hoa hồng của gia đình. Được vợ chồng anh chăm chút mỗi ngày, ruộng hoa hồng phát triển tốt, chả mấy chốc đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Ngày ruộng hoa hồng nở rộ, vợ chồng anh Hội ngắm mãi không thấy chán.
Được chăm bón cẩn thận, vườn hoa hồng của anh Hội phát triển xanh tốt.
“Tôi từng đi thăm nhiều vùng trồng hoa hồng, nhưng chưa thấy nơi nào cây hoa hồng sinh trưởng, phát triển tốt như ở thành phố Lai Châu. Điều đó cho thấy cây hoa hồng rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Không chỉ phát triển tốt mà khi cây hoa hồng nở hoa cũng rất đẹp, bông to, lâu tàn, màu sắc đậm hơn, ai nhìn cũng thích” – anh Hội nhận định.
Trao đổi với Dân Việt, anh Hội cho biết: "Muốn trồng hoa hồng thành công thì ngoài chọn vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, phải đặc biệt chú ý đến khâu chăm bón. Trong đó, việc phun thuốc phòng trừ nấm bệnh phải được tiến hành thường xuyên. Tôi chăm sóc ruộng hoa hồng của gia đình theo nguyên tắc 3 đủ, đó là đủ nước, đủ phân và đủ thuốc. Thực hiện tốt nguyên tắc này thì cây hoa luôn sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đều đặn".
Mỗi năm, anh Hội bán ra thị trường khoảng 80 vạn bông hoa tươi.
“Tôi phun thuốc phòng trừ nấm bệnh cho ruộng hoa hồng của gia đình theo định kỳ, mỗi tuần một lần. Còn tưới nước thì tùy theo điều kiện thời tiết, nếu trời nắng nóng kéo dài thì ngày nào tôi cũng tưới cho ruộng hoa hồng...” – anh Hội chia sẻ thêm.
Anh Hội không thu hoạch hoa theo kiểu rải rác, mà tập trung thu theo lứa. Để có thể thu hoạch hoa theo lứa và theo ý muốn của mình, anh Hội sử dụng “bí quyết” bấm, tỉa để cây hoa hồng nở hoa đúng vào những dịp lễ, tết. Qua kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch hoa hồng, anh Hội nắm bắt được đặc tính cũng như chu kỳ của một lứa hoa.
Nhờ trồng hoa hồng, kinh tế gia đình anh Hội khấm khá hẳn lên.
“Muốn có hoa hồng bán vào dịp rằm tháng 7 hay ngày 20/10 hàng năm, thì trước đó tầm 50 – 51 ngày, tôi tiến hành bấm, tỉa đồng loạt, kể cả những cây đang ra hoa, để ruộng hoa nở đồng loạt. Tôi thường chọn thu hoạch hoa bán ra thị trường vào 2 dịp này, bởi vào các thời điểm đó, giá bán cao hơn ngày thường” – anh Hội tiết lộ với phóng viên Dân Việt.
Theo tính toán của anh Hội, trồng hoa hồng tuy vất vả song bù lại cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác. Với 2ha trồng hoa hồng, mỗi năm anh Hội thu 4 lứa hoa, mỗi lứa khoảng 20 vạn bông. Bán ra thị trường với giá dao động từ 1.000 – 3.000 đồng/bông, mỗi năm anh Hội thu gần 2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi hơn 600 triệu đồng/năm.
Đăng nhận xét