Bác Hồ - Người lãnh tụ cả đời gắn bó với nông dân Việt Nam

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nguồn gốc nông dân, từ nhỏ Bác đã tham gia lao động với cha, đã từng chịu đựng gian khổ mất mát và thấu cái cảnh khổ cực của đồng bào, sau này Bác nói: "Tôi tuy con nhà khoa bảng nhưng gốc nông dân".

Hình ảnh người nông dân theo Bác suốt một đời hoạt động

Tuổi thơ của Bác gắn liền với những người nông dân quanh năm vất vả, lại chịu dưới hai tầng áp bức của phong kiến, thực dân nên cuộc sống quanh năm cơ hàn, đói rách. Lớn lên, hiểu biết hơn, Bác đã đứng về phía nông dân mà chống lại chế độ thực dân phong kiến.

Năm 1908, lần đầu tiên Người xuất đầu lộ diện trong cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến là việc tham gia cuộc biểu tình của nông dân 6 huyện Thừa Thiên - Huế đòi giảm sưu, giảm thuế, do bị mất mùa liên tiếp trong ba năm.

Bác Hồ - Người suốt đời gắn bó với nông dân Việt Nam - Ảnh 1.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

60 năm sau, trước khi vĩnh biệt thế giới này, trong bản Di chúc lịch sử, những dòng cuối cùng Người viết năm 1968 cho đồng bào nông dân lại liên quan đến vấn đề thuế. Người ghi nhận những hy sinh, chịu đựng gian khổ của đồng bào nông dân đã ra sức góp của góp người cho kháng chiến và đề nghị sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, Nhà nước thực hiện miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hồ hởi, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất.

Chỉ thống kê trong 10 năm, từ 1955-1965, Bác đã có 700 chuyến đi xuống cơ sở, trong đó, có nhiều chuyến đi thăm bà con nông dân các địa phương. Bác đắp guồng chống úng, cầm gầu tát nước chống hạn với dân, lội ruộng thồ máy cấy lúa...

Là người Việt Nam đầu tiên trở thành người cộng sản, đại biểu cho nông dân thuộc địa dự Hội nghị Quốc tế nông dân của Quốc tế Cộng sản năm 1923 tại Mátxcơva, Liên Xô, Bác đã tích cực đóng góp ý kiến có giá trị cả về thực tiễn và lý luận cho Hội nghị, được bầu vào Đoàn Chủ tịch, trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân, biên tập viên của tờ tạp chí Quốc tế Nông dân. 

Bài viết đầu tiên của Bác đăng trên tạp chí Quốc tế Nông dân số 1 năm 1924 là bài: Tình cảnh nông dân An Nam, với bức tranh và hình ảnh người nông dân Việt Nam lúc đó: Thửa ruộng, cái cày, con trâu, nỗi vất vả của nhà nông bị áp bức bóc lột, một cổ mấy tròng, đã theo Bác suốt một đời hoạt động.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Bác đã trải qua những năm tháng kiếm sống, thâm nhập thực tiễn cuộc sống của những người lao động nhiều nước trên thế giới, phân tích tình hình, tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, lựa chọn con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

Từ khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vẫn với phong cách ấy, Bác thường tranh thủ mọi cơ hội đi thăm các xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, đơn vị quân đội, công an, cơ sở Đảng, chính quyền, tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ, đoàn nghệ thuật, nhà xuất bản, tòa soạn báo... 

Chỉ thống kê trong 10 năm, từ 1955-1965, Bác đã có 700 chuyến đi xuống cơ sở, trong đó, có nhiều chuyến đi thăm bà con nông dân các địa phương. Bác đắp guồng chống úng, cầm gầu tát nước chống hạn với dân, lội ruộng thồ máy cấy lúa... Người quan tâm sâu sát, cụ thể đến mọi công việc của nhà nông.

Bác Hồ - Người suốt đời gắn bó với nông dân Việt Nam - Ảnh 2.

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội..

Những cuộc đi thăm này không phải là hình thức, mà rất cần thiết với Bác. Người muốn biết đồng bào, đồng chí, người dân ăn, ở, làm việc, học tập, sản xuất và chiến đấu như thế nào, để có sự quan tâm, chỉ đạo cho thiết thực. Đây là cuộc sống, là tình cảm thiết tha của Bác.

Tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm của Bác với nông dân còn thể hiện trong nhiều bài viết về nông dân, nông nghiệp, bài nói chuyện khi đi thăm các địa phương, nhắc nhở chỉ đạo, khen thưởng, các bài báo khen chê, biểu dương thành tích, phê bình những việc làm chưa tốt, đặc biệt là những bài báo phản biện những kinh nghiệm, kiến thức về nông nghiệp mà Người học hỏi được trong các chuyến đi thăm trong nước, nước ngoài, hoặc qua sách, báo, đài...

Tháng 10/1960, Bác đi thăm Trung Quốc. Khi về nước, Người có đem theo về ba cây cọ dầu từ đảo Hải Nam và trồng ở khu vườn cạnh nhà khách Phủ Chủ tịch. Bác nói: Vùng này đất và khí hậu cũng giống nước ta, ta đem mấy cây về trồng thử. Nếu phát triển tốt có thể nhân giống trồng. 

Gần đây chương trình Bạn của nhà nông phát trên VTV2 giới thiệu phương pháp nuôi lợn bằng thức ăn sinh học. Mong rằng bà con nông dân ta sớm được tiếp cận với những phương pháp chăn nuôi khoa học như trên.

Sau đó, Người đề nghị Bộ Nông nghiệp nghiên cứu để hướng dẫn nông dân trồng cây cọ dầu lấy quả ép dầu cho dân dùng. Năm 1961, Văn phòng Phủ Chủ tịch yêu cầu Bộ Nông nghiệp báo cáo về cây ca cao, và đặc biệt, về cây cọ dầu.

Một kỹ sư nông học, chuyên viên cao cấp, công tác ở Vụ Khoa học kỹ thuật được giao viết báo cáo điều tra về cây cọ dầu. Báo cáo được gửi đến Bác Hồ, ít lâu sau, báo cáo được trả lại Bộ Nông nghiệp, với ý kiến Bác: "Bình quân một cây cọ mỗi năm được đủ 25 kilo dầu. Mỗi nhân trồng hai cây thì để mà ăn cả năm. Đề nghị: Vài cán bộ sang Hải Nam nghiên cứu từ việc chăm và ươm giống cho đến việc ép dầu. B. 27-11-1961" (tài liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Tháng 6/1969, đọc một tờ báo Trung Quốc viết về một hợp tác xã dùng "trung khúc" (Bác viết bằng chữ Trung Quốc, là một loại thức ăn để nuôi lợn, giống như dấm bỗng), nuôi lợn lớn nhanh, Người đã viết thư gửi đồng chí Ngô Minh Loan, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, đề nghị cử người đến tận nơi học tập để về phổ biến cho bà con nông dân ta áp dụng. Kèm theo bức thư là tờ báo Trung Quốc đăng bài viết về huyện Đại Hưng có hợp tác xã dùng "Trung khúc" nuôi lợn lớn nhanh.

Trước đây, ở Việt Nam nhiều gia đình đã chăn nuôi bằng thức ăn có trộn dấm bỗng. Lợn ăn thức ăn có pha trộn dấm bỗng lớn nhanh, thịt lại thơm ngon. Bây giờ khắp nơi, từ trang trại đến hộ gia đình đều nuôi lợn bằng cám chế biến sẵn, để lợn siêu lớn, siêu nạc nhưng chất lượng thịt không đảm bảo. 

Bác trực tiếp tham gia công việc nhà nông

Không dừng ở việc chỉ đạo, quan tâm, mà chính Bác cũng dành thời gian tham gia vào công việc của nhà nông. Trong kháng chiến chống Pháp, công việc bận rộn, lại phải di chuyển chỗ ở liên tục, Bác kêu gọi cán bộ, nhân viên trong cơ quan làm vườn, trồng rau, đậu, bí, nêu một tấm gương sáng trong lao động cần cù, sáng tạo. Cán bộ, nhân viên văn phòng các bộ, các cơ quan kháng chiến khác cũng tích cực tăng gia sản xuất. Thỉnh thoảng họ lại gửi biếu Bác những sản phẩm do chính họ nuôi, trồng được.

Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, Người vẫn có thú vui làm vườn, nuôi cá. Người đã cho cải tạo vườn, ao trong Phủ Chủ tịch để trồng cây ăn quả, trồng rau, nuôi cá. Giống cá trong ao Bác đã đem tặng các địa phương. Ao cá trong Phủ Chủ tịch với diện tích khoảng 3.700m2 mặt nước, năng suất đã từ 1 tấn/ha, tăng lên 6,5 tấn trong một năm. Người thường nhắc nhở cho giống "ao cá nhà Bác" để các nơi nuôi cá cải thiện đời sống. 

Tháng 5/1960, Bác tặng Hợp tác xã Yên Duyên, ngoại thành Hà Nội lúc đó 100 con cá rô phi giống lấy từ "ao cá nhà Bác". Sau đó số cá này đã được nhân lên với số lượng rất lớn, có năm cao nhất thu hoạch được 200 tấn. Phong trào nuôi cá của hợp tác xã phát triển mạnh vừa thiết thực cải thiện đời sống xã viên vừa làm nghĩa vụ thực phẩm với Nhà nước. Các địa phương động viên nhân dân làm theo gương Bác.

Sau khi Bác qua đời, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã cho lấy vườn cây, ao cá Bác Hồ làm mô hình tiêu biểu, để động viên phong trào trồng cây và phong trào nuôi cá nước ngọt trong cả nước. Phong trào này đã được hưởng ứng nhiệt liệt và nhanh chóng phát triển ra nhiều địa phương trong cả nước. 

Ngay sau khi phát động, ngày 17/11/1978, Thủ đô Hà Nội đã mở đầu tổ chức trọng thể việc đón cá từ "ao nhà Bác" về nuôi và xây dựng các "ao cá Bác Hồ". Rồi sau đó là Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... và các đơn vị bộ đội.

Bác Hồ - Người suốt đời gắn bó với nông dân Việt Nam - Ảnh 3.

Bác Hồ tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội (12/1/1958).

Ngày nay, bà con nông dân đã áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào công việc nhà nông, nhiều mô hình sản xuất mới xuất hiện, chăn nuôi có thức ăn chế biến sẵn, trồng trọt cũng có nhiều giống lúa mới... 

Nhưng những câu chuyện từ 60 năm về trước, những chỉ đạo cụ thể của Bác đối với ngành nông nghiệp vẫn có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ thể hiện sự quan tâm chia sẻ của Bác đối với nỗi vất vả của nhà nông, mà còn mang tính thời sự, liên quan đến công cuộc phát triển một nền nông nghiệp xanh sạch bền vững.

Người luôn tin vào năng lực, trí tuệ của Bác, đặc biệt lưu ý cán bộ: "Có người cho là "dân ngu khu đen", thì là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm, sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi". Và Người chỉ đạo: "Cán bộ ta cần tham gia tổng kết những kinh nghiệm quý báu ấy... phải phổ biến cho người khác cùng áp dụng".

Tấm gương một lãnh tụ yêu thích tăng gia sản xuất, kinh nghiệm trồng cây, đào ao, thả cá, những lời dạy của Bác là một số khích lệ động viên lớn, một bài học quý cho mỗi chúng ta. Chúng ta hãy nhớ Bác và làm theo những lời dạy của Người một cách thiết thực và hiệu quả, đó chính là thể hiện Bác sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, cả về tinh thần cho bà con nông dân vượt khó tiến lên xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới thành công.

Vài năm gần đây, báo Nông thôn Ngày nay/báo điện tử Dân Việt có thời gian tổ chức chương trình Tự hào nông dân Việt Nam tôn vinh những nhà nông giỏi, trong đó có cuộc thi viết Tự hào nông dân Việt. Cuộc thi đã góp phần tổng kết, phổ biến những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt cho đông đảo bà con nông dân trong cả nước học tập và làm theo. Như vậy, Báo đã thấm nhuần tư tưởng của Bác.