(Dân Việt) Sáng 7.5, hơn 1,4 tỷ triệu cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, mã chứng khoán HVN) chính thức niêm yết trên sàn HoSE và giao dịch với giá tham chiếu 40.600 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức vốn hóa thị trường đạt hơn 56.800 tỷ đồng.
Tính đến 9h30 phút sáng, cổ phiếu HVN đã tăng 4,4% so với tham chiếu trong phiên chào sàn HoSE, đạt mức giá 42.400 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa thị trường của HVN vượt 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang khoảng 10h30 phút, cổ phiếu HVN giảm về mức giá 41.250 đồng/CP (tăng 1,6%), với khối lượng giao dịch đạt gần 500.000 nghìn cổ phiếu; vốn hóa HVN thời điểm này chỉ còn 58.504 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVN đã tăng 4,4% so với tham chiếu trong phiên chào sàn HoSE, đạt mức giá 42.400 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa thị trường của HVN vượt 60.000 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 23.4 vừa qua, toàn bộ cổ phiếu HVN đã được hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán UPCoM. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tại UpCoM diễn ra vào ngày 22.4, giá cổ phiếu HVN dừng ở mức 40.300 đồng/CP. Tuy nhiên, mức giá này đã tăng gần 1,5 lần so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (ngày 3.1.2017) của cổ phiếu HVN, ở mức 28.000 đồng/CP.
Giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines khi đó là hơn 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.
Kể từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào đầu năm 2015, Vietnam Airlines đã có nhiều tăng trưởng về kết quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, nếu năm 2014, Vietnam Airlines chỉ đạt tổng doanh thu 69.377 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 416 tỷ đồng. Sang đến năm 2017, sau 2 năm cổ phần hóa, hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất sau thuế lần lượt tăng lên tới con số 83.553 tỷ đồng và 2.659 tỷ đồng.
Bước sang năm 2018, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt xấp xỉ con số 100.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.312 tỷ đồng, vượt 23,4% so với kế hoạch. Song song đó, các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines cũng được cải thiện đáng kể như: Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (không bao gồm doanh thu bán) đã đạt tỷ lệ 2,58:1 vào cuối năm 2018 và dự kiến còn khoảng 2,41:1 vào cuối năm 2019.
Giá cổ phiếu của HVN tại thời điểm sáng ngày 7.5
Trong quý I/2019, hoạt động kinh doanh của HVN tiếp tục có những kết quả khả quan với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt gần 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch cả năm. Kết quả hợp nhất công ty mẹ ước đạt 19.346 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,5% so với cùng kì và 1.224 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36,6% so với cùng kì.
Hiện, số lượng tàu bay thân hẹp mà Vietnam Airlines khai thác tại thời điểm 31.3 là 63 chiếc và dự kiến tăng lên 71 chiếc vào cuối năm 2021.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển đội bay giai đoạn 2021-2025 của Vietnam Airlines (bao gồm Jetstar Pacific Airlines), ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, qui mô đội tàu của HVN đến năm 2015 dự kiến đạt 135-177 chiếc, trong đó đội tàu bay thân hẹp đạt khoảng 95-120 chiếc.
Theo các hợp đồng thuê, mua và kế hoạch bán tàu bay hiện tại, số lượng tàu bay thân hẹp sẽ hết thời hạn thuê, bán thanh lí trong giai đoạn 2021-2025 là 26 chiếc. Số lượng tàu thân hẹp cần bổ sung trong giai đoạn 2021-2025 là từ 50 đến 75 chiếc.
Để đảm bảo an toàn trong phương án đầu tư, Vietnam Airlines dự kiến sẽ đặt hàng chắc chắn mua (firm order) 50 chiếc có lịch giao từ 2021 đến 2025, và đặt hàng có lựa chọn mua (optional) thêm 50 chiếc nữa với lịch giao linh hoạt. Nếu thị trường tăng trưởng theo kịch bản cao, tùy theo tình hình mà Vietnam Airlines có thể bổ sung tàu bay thân hẹp thông qua phương án thuê khai thác trên thị trường hoặc lập dự án đầu tư thực hiện quyền mua bổ sung.
Tag: vietnam airlines, HVN, tổng công ty hàng không VN, cổ phiếu hvn, sàn HoSE, thị trường chứng khoán, niêm yết
Đăng nhận xét