Con được 3 tuổi, chị bí mật làm xét nghiệm ADN, và điếng người khi biết Bi không phải là con của anh Hải. Một lần anh Hải tìm đồ và phát hiện ra tờ kết quả dưới đáy tủ. Chị thú thật với anh mọi chuyện và xin anh tha thứ. Nhưng anh cương quyết ly hôn vì cảm thấy bị phụ bạc và quá sốc.
5 năm giải quyết các vụ ly hôn, luật sư Vũ Quang Bá (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho hay anh gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tình huống đòi bồi thường tổn thất tinh thần của đôi vợ chồng ở Thái Bình cuối năm ngoái là hy hữu.
Chị Thu Trang, 30 tuổi, là công nhân một nhà máy, từng yêu một người 4 năm nhưng gia đình nhà trai phản đối. Họ chia tay. Chị Trang sau đó yêu anh Hải, 33 tuổi.
Trước khi kết hôn, Trang có vài lần gặp lại tình cũ. Hai người thống nhất gặp nhau lần cuối và vượt quá giới hạn. Anh này cũng cưới vợ sau đó không lâu.
Sau khi cưới chừng một tháng, chị Trang phát hiện mình mang bầu, không mảy may nghĩ đó là của tình cũ. Chồng chị rất vui khi biết tin, chăm sóc chị kỹ lưỡng, không tiếc thứ gì để chị bồi bổ sức khỏe. Khi bé Bi chào đời, cả nhà nội ai cũng xuýt xoa thằng bé giống bố. Anh Hải dù bận việc kinh doanh nhưng hết lòng chăm sóc con.
Ảnh minh họa
Con lớn dần, chị Trang hoang mang nhận ra thằng bé có những nét giống người tình cũ. Con được 3 tuổi, chị bí mật làm xét nghiệm ADN, và điếng người khi biết Bi không phải là con của anh Hải. Một lần anh Hải tìm đồ và phát hiện ra tờ kết quả dưới đáy tủ. Chị thú thật với anh mọi chuyện và xin anh tha thứ. Nhưng anh cương quyết ly hôn vì cảm thấy bị phụ bạc và quá sốc.
Anh Hải để vợ về nhà ngoại, còn vẫn giữ bé Bi lại nhà nội. Chị Trang lo sợ anh có thể làm gì cậu bé, nên quyết định thuê luật sư để giải quyết ly hôn nhanh chóng. "Tôi vẫn nhớ gương mặt đẫm nước mắt của chị khi tới tìm gặp tôi. Chị nói mọi lỗi lầm là do mình, nên sẽ đồng ý ly hôn. Chị chỉ mong sớm được nhận lại con", luật sư Bá kể lại.
Trái với lo lắng của chị, anh Hải vẫn chăm sóc con như bình thường. Anh chỉ yêu cầu chị bồi thường 100 triệu đồng là "phí tổn thương tinh thần". "Tâm sự với tôi, anh ấy nói không cần tiền, nhưng rất buồn vì điều đã xảy ra, và muốn làm gì đó để trút những bực tức trong lòng. Vì danh dự, anh buộc phải ly hôn", luật sư Bá chia sẻ.
Chị Trang sau đó vay mượn đủ tiền để trả anh Hải theo thỏa thuận. Sau phiên tòa xử ly hôn, anh Hải tiến lại gần bé Bi và nói: "Ba không ở cùng con nữa, nhưng khi nào con cần ba vẫn xuất hiện. Ba vẫn luôn yêu thương con", luật sư Bá kể. Khoảnh khắc đó khiến chị Trang rơi nước mắt.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho hay cách đây hai năm, anh cũng từng xử lý một trường hợp đòi bồi thường tương tự ở Hà Giang, là vụ việc anh lần đầu gặp sau nhiều năm hành nghề.
Người vợ tên Lan, 28 tuổi, ly hôn anh chồng tên Trung. Chị được tòa phân xử nuôi đứa con trai 4 tuổi. Người chồng tìm mọi cách giành lại quyền nuôi con. Chị Lan phải nhờ chính quyền can thiệp mới được đón con về.
Hai năm sau ngày ly dị, chị Lan tái hôn với người yêu cũ. Anh Trung tuyên bố không trả con lại, vì không muốn con có bố dượng. Đến nước này, chị Lan mới đưa bản xét nghiệm ADN cho thấy cậu bé không phải con anh Trung, mà chính là con ruột của người chồng hiện tại. Hóa ra hai người từng có thời gian ngắn qua lại khi chị Lan mới kết hôn. Chị cũng không biết đó là con tình cũ cho đến khi con càng lớn càng giống người kia.
Anh Trung sau đó yêu cầu chị Lan phải bồi thường tổn thương tinh thần 200 triệu đồng và phí nuôi con 4 năm. Vì nhanh chóng muốn đón con về và tránh những rắc rối về sau, chị Lan lo đủ số tiền trả cho chồng cũ.
"Trường hợp này không nằm trong quy định nào của pháp luật. Việc đòi bù đắp tổn thương tinh thần là do cả vợ, chồng đồng ý, trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Việc này giúp cả hai cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn trong mối quan hệ về sau", luật sư Hồng Thái nói.
Ảnh minh họa
Bà Lê Thị Hằng, chủ tịch Hội luật gia quận 4, TP HCM, với 40 năm trong nghề, trong đó có 30 năm làm thẩm phán, cho biết bà từng xử lý nhiều vụ ly hôn khi chồng phát hiện không phải con mình nhờ giám định ADN, nhưng chưa thấy ca nào chồng đòi vợ phải bồi thường tổn thương tinh thần.
"Trong những trường hợp này, rất khó để chứng minh người chồng bị tổn thương tinh thần thế nào. Còn người vợ chỉ giấu giếm sự việc, chứ không có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hay uy tín của chồng, vì vậy tòa sẽ không thụ lý giải quyết", bà Hằng nói.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình TP HCM, trong những trường hợp này, khi phát hiện ra sự thật, cách giải quyết thấu đáo nhất là người phụ nữ nên thẳng thắn nói với chồng mình. Có nhiều người đàn ông vị tha sẵn sàng tha thứ khi vợ thành thật, hối cải. Còn khi sự việc vỡ lở sẽ rất khó để cứu vãn.
Cũng là một tình huống đòi bồi thường khi "nuôi con tu hú", báo chí Anh hồi đầu năm nay đồng loạt đưa về vụ triệu phú Anh, Richard Mason phát hiện 20 năm nuôi con người khác, sau một lần đi khám biết mình bị vô sinh bẩm sinh. Ông đệ đơn ra tòa, đòi lại 4 triệu bảng Anh, đồng thời kiện vợ cũ vì tội lừa đảo. Cuối 2018, bà vợ đã đồng ý trả chồng cũ 250.000 bảng Anh.
Tại Trung Quốc, một số người chồng đã đòi được bồi thường tổn thất tinh thần sau khi biết vợ lừa dối, khiến họ nuôi con người.
Cuối năm 2018, tòa án Chung Minh, Thượng Hải, xử lý vụ việc anh chồng họ Shen đòi vợ phải bồi thường 100.000 tệ (350 triệu đồng) cho 7 năm nuôi con hờ. Ra tòa, người vợ đồng ý ly hôn nhưng không muốn xét nghiệm ADN, khăng khăng đó là con chồng, và cũng không đồng ý bồi thường. Sau đó, anh Shen cung cấp được các chứng cứ anh không cùng phòng với vợ trong quá trình cô thụ thai. Tòa án đã đồng ý cho họ ly hôn và người vợ buộc phải bồi thường.
Một người đàn ông khác phát hiện vợ mình có dấu hiệu ngoại tình, đã đem con gái 2 tuổi đi xét nghiệm ADN. Khi biết không phải con mình, anh đã kiện vụ việc lên tòa án quận Du Thuỷ (Tân Dư, Giang Tây). Toà phán quyết anh được bồi thường 43.200 tệ (148 triệu đồng).
(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.
Đăng nhận xét