(Dân Việt) Dùng xe kéo, tay không tiêu hủy lợn dịch, chôn lấp ẩu, xác lợn chết đầy kênh... là cách tiêu hủy lợn chết do bị dịch tả lợn châu Phi ở một số xã của huyện Nho Quan (Ninh Bình). Tình trạng này đang khiến người dân sinh sống và chăn nuôi trên địa bàn các xã này rất búc xúc.
CLIP: Người dân bức xúc vì xã tiêu hủy lợn dịch ẩu.
Là người trực tiếp theo sát công tác tiêu hủy lợn chết dịch ở địa bàn các xã Phú Lộc, Văn Phú..., trong 2 ngày 27 và 28/5, PV Dân Việt đã tận mắt thấy những xe kéo tự chế chở đầy xác lợn dịch, không được che chắn cẩn thận đưa đi khắp các đường làng, ngõ xóm. Thậm chí, các cán bộ làm công tác này cũng không có đồ bảo hộ, bao tay mà dùng tay không để tiêu hủy lợn.
Phản ánh với chúng tôi về cách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình, bà Phạm Thị Thương ở xã Phú Lộc tỏ ra rất bức xúc. Bà Thương cho rằng, các cán bộ của xã Phú Lộc đang rất coi thường dịch và làm chưa hết trách nhiệm, sai quy trình tiêu hủy lợn dịch.
"Hiện số hộ có lợn bị dịch phải tiêu hủy rất nhiều, song số hộ còn lại cũng đang rất lo lắng, bà con phải dùng đủ mọi cách để phòng dịch, cầm cự nhưng với cách làm ẩu như hiện tại thì không khác nào rắc dịch từ nơi này sang nơi khác", bà Thương nói.
Cán bộ thú y xã Phú Lộc dùng xe tự chế chở lợn chết dịch đưa đi tiêu hủy ngày 28/7.
Theo phản ánh của người dân xã Phú Lộc, không chỉ tiêu hủy ẩu, việc chôn lấp lợn chết dịch ở địa phương này cũng đang có vấn đề. Ông Tạ Văn Thiệu ở xã Phú Lộc cho biết, hiện nay việc đào các hố để tiêu hủy lợn dịch ở Phú Lộc rất bừa bãi, từ các khu đất bên nghĩa trang đến ruộng của dân cũng bị đào xới.
"Họ đào hố xong đưa lợn ra vứt đó, để thối rữa mấy ngày cũng không lấp. Đến khi bà con ra đồng gần đó thu hoạch lúa lãnh đủ, kể cả người chăn nuôi gia súc cũng không dám đến chăn thả khu này nữa", ông Thiệu nói.
Phân trần về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Lộc cho hay: Do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, đàn lợn của xã chết dịch tăng liên tục và quá tải từng ngày nên cán bộ xử lý không xuể mới dẫn đến thiếu sót.
"Trong các ngày tới chúng tôi sẽ cố gắng làm cẩn thận và chu đáo hơn", ông Thủy khẳng định.
Theo báo cáo của xã Phú Lộc, đến ngày 28/5, xã này đã có 8/15 thôn bị dịch tả lợn châu Phi với trên 60 hộ bị thiệt hại.
Các xe chở lợn chết dịch không được phủ bạt, khiến bà con lo lắng dịch sẽ bị reo rắc từ nơi này sang nơi khác.
Theo đó, số lợn bị tiêu hủy của Phú Lộc khoảng 29 tấn với gần 400 con trên tổng số hơn 5.000 con toàn xã.
"Hiện, xã đang gặp khó khăn đủ thứ, từ nhân lực, vật lực đến chi phí thuê nhân công xử lý tiêu hủy lợn dịch..., nhất là khu đất tiêu hủy lợn dịch. Nếu trong các ngày tới lợn vẫn chết nhiều, địa phương sẽ bị quá tải khu tiêu hủy", ông Vũ Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc khẳng định.
Tiếp giáp với xã Phú Lộc, xã Văn Phú cũng đang bị quá tải chỗ tiêu hủy lợn dịch. Đến nay, đàn lợn của xã này bị chết dịch phải tiêu hủy lên đến gần 500 con với trên 30 tấn lợn. Toàn xã hiện còn trên dưới 6.000 con lợn nhưng số lợn này đang giảm dần do lượng lợn chết dịch tăng theo ngày.
Ông Bùi Đức Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Văn Phú cho biết, lợn chết dịch tại xã đang tăng chóng mặt từng ngày nên việc tìm chỗ tiêu hủy cũng là cả một vấn đề.
"Chúng tôi có 3 chỗ tiêu hủy nhưng đến giờ đã gần như quá tải, người dân cũng phản đối không muốn cho chôn lợn ở đó nữa nên chúng tôi đang rất bí bách, đau đầu vì vấn đề này", ông Toàn nói.
Cán bộ không mặc đồ bảo hộ, dùng tay không để tiêu hủy lợn.
Do lợn bị dịch nhiều, lực lượng cán bộ thú y quá mỏng nên việc tiêu hủy không xuể, nhiều hộ dân có lợn chết dịch phải tự túc mượn, thuê người đến xử lý. Ví như trường hợp hộ ông Đinh Văn Hùng ở thôn Yên Sơn, xã Phú Lộc khi phát hiện lợn nhà bị bệnh, vợ chồng ông đã mượn người đến nhà dùng cuốc, xẻng đào hố chôn 8 con lợn ở khu vườn chuối của gia đình.
"Giờ khu tiêu hủy lợn của xã quá tải, cán bộ làm không xuể nên gia đình tôi phải tự túc xử lý cho nhanh, để lâu lợn chết thối ô nhiễm lắm", ông Hùng chia sẻ.
Hố tiêu hủy lợn chết dịch nằm ngay bên cạnh nghĩa trang.
Ông Hùng dùng tay không xách con lợn mới chết dịch đưa đi tiêu hủy ở vườn nhà.
Ông Hùng chỉ khu vườn chuối nơi gia đình ông mượn người đến đào hố, tiêu hủy lợn chết dịch.
Do quá tải nên con lợn nái chết dịch của gia đình ông Đinh Văn Thiệu ở xã Văn Phú cũng phải chờ cả ngày mới có cán bộ đến kiểm đếm đưa đi tiêu hủy.
Tag: dịch tả lợn châu Phi, tiêu hủy lợn dịch, Nho Quan, Ninh Bình, thú y, tiêu hủy dịch tả ẩu, dùng tay không tiêu huỷ dịch tả
Đăng nhận xét