(Dân Việt) Nhiều chuyên gia BĐS và luật sư cho rằng, việc cấp sổ đỏ lâu dài cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel) là trái với Luật Đất đai hiện hành. Hiện nay có nhiều địa phương đã “xé rào” cấp sổ đỏ lâu dài, thay vì cấp có thời hạn theo luật định.
Cái kết đắng của condotel
Vừa qua, trong văn bản báo cáo một số kiến nghị của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết Công ty 586 là chủ đầu tư dự án trên đất có mục đích sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, trong đó có căn hộ condotel tại TP. Đà Nẵng.
Công ty này phản ánh tình trạng trước đây UBND TP. Đà Nẵng và một số địa phương khác đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel trên đất có mục đích sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ có thời hạn ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở, tại thời điểm năm 2008.
Các chuyên gia BĐS và luật sư cho rằng, việc cấp sổ đỏ lâu dài cho condotel là trái luật. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã kết luận về việc cấp như trên là sai, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Để sửa sai, TP.Đà Nẵng đã chọn phương án cấp lại sổ đỏ cho người mua căn hộ condotel trên đất, thay thế cho sổ đỏ có thời hạn ổn định lâu dài được cấp từ năm 2008. Theo quy định của Luật đất đai, thời hạn sử dụng của người mua nhà ghi trên sổ đỏ chỉ còn là 39 năm do dự án đã đưa vào sử dụng 11 năm, tính từ năm 2008.
Hiện nay, tại các địa phương khác đã có nhiều dự án condotel như ở Khánh Hoà, Bình Định,…đã được chính quyền cấp sổ đỏ, sở hữu lâu dài. Ngoài ra, nhiều dự án khác đang triển khai vẫn được môi giới quảng cáo là condotel được cấp sổ đỏ, sở hữu lâu dài.
Luật không cho phép cấp sổ đỏ lâu dài cho condotel
Trao đổi với báo chí, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nói rằng, để tăng thêm tính hấp dẫn khi bán hàng, chủ đầu tư dự án condotel cam kết người mua condotel sẽ được cấp sổ đỏ ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở.
Trong khi đó, Luật Đất đai hiện hành không có quy định cấp sổ đỏ ổn định lâu dài mà chỉ quy định cấp sổ đỏ có thời hạn cho người mua condotel. Nhưng, trên thực tế các năm qua, đã có vài địa phương “xé rào”, cấp sổ đỏ ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở cho người mua căn hộ condotel. Việc làm của các địa phương này là trái với quy định của pháp luật đất đai hiện hành.
Condotel là từ ghép của từ “condo” và từ “hotel”, có nghĩa là “căn hộ khách sạn” hay “phòng khách sạn có bếp” để người thuê lưu trú nếu có nhu cầu thì có thể tự nấu ăn trong kỳ nghỉ, rất thích hợp cho hộ gia đình, nhóm bạn du lịch, nghỉ dưỡng.
Hiện nay, rất nhiều chủ đầu tư dự án condotel đang nói là đang có khoảng trống pháp luật về các loại hình bất động sản “con lai”. Trước hết, là xuất phát từ lợi ích của các chủ đầu tư dự án.
Trong các năm qua, các chủ đầu tư dự án condotel đã đạt được lợi nhuận rất lớn, do giá bán căn hộ condotel tương đương giá bán căn hộ cao cấp, trong lúc giá thành thấp và nghĩa vụ của doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án vào ngân sách Nhà nước chưa tương xứng.
Kế đến là mục đích của các chủ đầu tư muốn bán nhanh, chốt lời nhanh dự án condotel, nên các chủ đầu tư thường thực hiện phương thức bán căn hộ condotel với cam kết lợi nhuận phổ biến từ 8-12%/năm trong 8-12 năm, với thủ thuật tăng giá bán cao hơn rất nhiều so với giá gốc.
Nói cách khác, chủ đầu tư lấy tiền trước của khách hàng rồi trả lại dần cho khách hàng theo cam kết lợi nhuận, kiểu “lấy mỡ nó rán nó”.
“Các dự án condotel được phát triển rất mạnh trong những năm gần đây, thu hút rất nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp và một nguồn vốn tín dụng, vốn xã hội rất lớn. Sau một thời gian phát triển quá nóng, hiện nay condotel đang chững lại và đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, trước hết là về hiệu quả kinh doanh, tính thanh khoản, thực hiện cam kết đảm bảo lợi nhuận và cấp sổ đỏ cho khách hàng”, ông Châu nói.
Cũng theo vị Chủ tịch HoREA, rất cần thiết sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép thực hiện chế độ sử dụng đất ổn định lâu dài đối với đất du lịch. Bởi đất du lịch chỉ được sử dụng nhằm mục đích phục vụ du lịch mà thôi.
Như vậy, ngoài hình thức thuê đất có thời hạn, chủ đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng còn có thể lựa chọn hình thức sử dụng đất du lịch ổn định lâu dài, và sẽ phải có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất phù hợp giá thị trường vào ngân sách Nhà nước, tương tự như chính sách thu tiền sử dụng đất ở.
Trên cơ sở đó, người mua căn hộ condotel sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. Đồng thời, cần bổ sung quy định thực hiện bảo lãnh ngân hàng khi bán condotel hình thành trong tương lai để bảo vệ nhà đầu tư thứ cấp.
“Trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cấp ngay sổ đỏ có thời hạn cho người mua căn hộ condotel để đảm bảo quyền lợi khách hàng và cần có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel thực hiện nghĩa vụ đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp như đã cam kết trong hợp đồng”, ông Châu đề nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay pháp luật chưa có quy định riêng về dự án cho bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, biệt thự biển) mà cá nhân hoặc tổ chức được sở hữu riêng từng căn hộ (condotel) hoặc biệt thự.
Theo quy định, dự án du lịch sẽ được thuê đất và không được phân chia bán từng căn hộ (condotel) hoặc biệt thự. Chủ đầu tư đăng ký dự án du lịch chỉ được kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Hiện tượng này phát triển đầu tiên ở hồ Tuyền Lâm (tỉnh Lâm Đồng) và bị xử lý, sau đó mới chạy sang các tỉnh khác.
Để huy động vốn cho chủ đầu tư, một số địa phương như tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang… lại giao đất với loại đất ở (và như tỉnh Khánh Hòa sáng tạo ra hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở) cho các doanh nghiệp. Từ đó, chủ đầu tư lại bán từng căn hộ (condotel) hoặc biệt thự cho khách hàng, vì họ lý luận là chủ đầu tư bán nhà ở, người mua được sở hữu lâu dài.
Như vậy, việc giao đất ở cho dự án du lịch là trái với quy định Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật du lịch. Bản chất hình thức đăng ký dự án là dự án du lịch (dịch vụ lưu trú) nhưng được xây trên đất ở, bán như dự án nhà ở thương mại.
Về việc nhiều dự án condotel, biệt thự biển vẫn quảng cáo được sổ đỏ lâu dài để câu khách, bất chấp mọi cảnh báo, ông Phượng nói rằng, dù một số tỉnh mở đường cho các chủ đầu tư thông qua việc giao đất ở (hoặc đất ở không hình thành đơn vị ở) nhưng không thể cấp sổ cho từng khách hàng mua, do không đúng quy định pháp luật. Hay nói một cách khác, vì không đúng quy định pháp luật nên các địa phương không dám cấp sổ, hoặc đã cấp sổ thì tiến hành thu hồi lại.
Một số chủ đầu tư quảng cáo, condotel được cấp sổ có thời hạn lâu dài để câu khách là hành vi vi phạm Luật Quảng cáo, hành vi lừa dối khách hàng. Trường hợp lỡ mua bán, giao dịch mà không được cấp sổ thì khách hàng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nam, hủy giao dịch thì không được, chuyển nhượng hợp đồng cho người khác thì không được công chứng thực hiện, cấp sổ thì không được.
Tag: condotel, dự án bất động sản nghỉ dưỡng, sổ đỏ, cấp sổ đỏ cho condotel, HoREA, Đà Nẵng, Luật Đất đai 2013,
Đăng nhận xét