Quy định cấm bình luận xấu về giáo dục thực hư ra sao?

(Dân Việt) Thông tư 06 có quy định học sinh, giáo viên không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin, hình ảnh làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

Bộ GDĐT vừa có Thông tư số 06.2019 (có hiệu lực từ ngày 28.5) quy định "Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên" trong đó có nội dung: Học sinh, giáo viên không sử dụng mạng xã hội để phán tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin và hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

Quy định này đã gây không ít tranh cãi. 

Không cấm học sinh, giáo viên lên tiếng

Cô Bùi Thu Hương (giáo viên cấp 1, tiểu học TS, TP.Thanh Hóa) cho biết quy định kể trên thực tế chỉ hạn chế việc tung các tin đồn, thông tin xấu trên mạng xã hội chứ không phải là cấm học sinh, giáo viên được lên tiếng trước những điều xấu, tiêu cực.

"Bản thân tôi thấy mạng xã hội có cả mặt xấu và mặt tốt, việc sử dụng như thế nào để nó mang lại lợi ích cho mình và xã hội là điều quan trọng. Quy định ứng xử kể trên theo tôi là tốt, vì nó hạn chế việc phát tán các thông tin sai sự thật, lan tỏa tâm lý tiêu cực trong ngành giáo dục", cô Hương nói. 

 quy dinh cam binh luan xau ve giao duc thuc hu ra sao? hinh anh 1

Không cấm học sinh lên tiếng để phản biện. Ảnh minh họa: VP

Theo cô Hương, nếu học sinh, giáo viên gặp khó khăn, bức xúc trong công việc, thì điều đầu tiên là nên tìm kiếm sự giúp đỡ xung quanh mình trước. "Việc ngay lập tức đưa thông tin lên mạng xã hội khi gặp những vấn đề trong học đường là không nên, bởi mạng xã hội với khả năng phát tán thông tin cực nhanh khiến cho sự việc nhanh chóng trở nên rối, khó xử lý. Dĩ nhiên, nếu nạn nhân không thể tìm tới bất kỳ sự giúp đỡ nào xung quanh mình, việc đưa lên mạng xã hội là bất khả kháng thì tôi không bàn tới".

Em Vũ Thúy An (học sinh THCS Cầu Giấy - Hà Nội) cho rằng, việc học sinh chia sẻ các vụ việc nóng trên mạng xã hội là một nhu cầu bình thường. "Chúng em không phải chia sẻ là để lan truyền cái xấu, mà đó là cách để thể hiện quan điểm cá nhân của mình. Dĩ nhiên, việc chọn lọc thông tin là điều vô cùng quan trọng, những thông tin sai lệch, mù mờ, có tính một chiều thì không nên a dua chia sẻ". 

Không áp dụng cứng nhắc

Thứ trưởng GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, Thông tư 06 lần đầu tiên quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục được thể hiện qua trang phục, hành vi thức ứng xử của các chủ thể trong cơ sở giáo dục được ban hành chính thức, dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực thi hành sẽ cao hơn các văn bản chỉ đạo trước đây của Bộ GDĐT.

"Điều 4 của Thông tư 06 nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu góp ý đó có cơ sở và mang tính chất xây dựng. Tôi muốn nói thêm, quy định tại Thông tư 06 là quy định khung, từ đó, các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hóa trong các bộ quy tắc ứng xử riêng, phù hợp yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở", bà Nghĩa cho biết.

Bà Nghĩa chia sẻ, trước đó, Đề án văn hóa công vụ cũng đã quy định rõ ràng về việc sử dụng mạng xã hội đối với giáo viên. “Cán bộ, công chức, viên chức không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ”, bà Nghĩa cho biết.

Theo Bộ GDĐT, trên cơ sở Thông tư 06, các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của những bên liên quan (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh…). Như vậy, bộ quy tắc ứng xử tại các trường học sẽ có nhiều nội dung đã được bổ sung cụ thể, phù hợp đặc điểm văn hóa vùng miền, địa phương.

Tag:  cấm bình luận trên mạng, bình luận trên mạng xã hội, bộ giáo dục đào tạo