Những thứ cần bỏ túi để tự cứu mình khi ở ngoài đường

Gừng

Gia đình chị Lan Anh (ở Hà Nội) cho con trai 3 tuổi đi du lịch ở Sa Pa (Lào Cai). Khi cả nhà thuê xe ôm đi từ Sa Pa lên dốc Ô Quy Hồ chơi thì cậu con trai kêu mệt rồi lả dần. Cậu lái xe ôm liền tạt xe vào nhà ven đường nhờ giúp đỡ. Cô chủ nhà tốt bụng vội pha cốc nước đường gừng nóng cho em bé uống. Rất may, ít phút sau thì cậu bé tỉnh táo dần.

Theo lương y Phúc Toàn Anh (Hội Đông y Hà Nội), thời tiết này rất dễ mắc cảm lạnh vì mưa lạnh, gió bấc, hay ra vào phòng điều hòa... nếu không có "bảo bối" để dùng sẽ rất mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc.

nhung thu can bo tui de tu cuu minh khi o ngoai duong - 1

Ngậm gừng khi đi ô tô sẽ hạn chế được say xe, nôn ói. Ảnh: TL

Gừng nướng là bảo bối đầu tiên cần mang theo trong túi. Gừng vị cay, tính ấm, giúp khắc chế cái lạnh, điều chỉnh cơ thể. Khi bỗng dưng cảm thấy ớn lạnh dọc xương sống, nhức đầu, mệt mỏi uể oải, sởn gai ốc, tiêu chảy, hạ đường huyết, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, mệt lả, chân không đứng vững… là đã bị nhiễm lạnh. Khi đó chỉ cần lấy củ gừng nướng trong túi ra nhai sẽ giúp giảm bớt phần nào triệu chứng trên.

Khi có thể thì cần dùng ngay nước đường - gừng tươi nóng (hoặc đánh cảm ngay) là khỏi. Gừng ngậm gừng khi đi ô tô sẽ hạn chế được say xe, nôn ói.

Hoặc để vài gói trà gừng trong túi, khi cần xin nước nóng để giải cảm, đau đầu do lạnh… rất hữu hiệu. Nếu kết hợp bấm huyệt nhân trung sẽ tăng hiệu quả.

Dầu gió cần dùng đúng cách

“Bảo bối” thứ 2 cần bỏ túi là dầu cao, dầu khuynh diệp... Theo lương y quốc gia Nguyễn Anh Đào (nguyên bác sĩ Viện Nghiên cứu y học cổ truyền quân đội), dầu cao, dầu gió bỏ túi rất hữu hiệu trị các chứng bệnh thời khí như ho, cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, đầy hơi, chậm tiêu, khó tiêu, chống lạnh đường hô hấp... Khi bị ho chỉ cần lấy dầu trong túi ra thoa vào gan bàn chân, đi tất ấm sẽ giảm hẳn ho. Làm cách này buổi tối là tốt nhất, làm vài tối liền thì cơn ho sẽ dứt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng được dầu gió. Những người này cần tránh dùng:

- Phụ nữ có thai, đang cho con bú, người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao, vừa ốm dậy, người suy nhược, táo bón, tăng huyết áp… không nên dùng (các đối tượng này muốn đánh cảm thì dùng trứng luộc nhét đồng bạc, hoặc rượu gừng - tóc rối). Trẻ trên 1 tuổi xoa dầu gió cần có cha mẹ theo dõi.

- Người bình thường không nên dùng dầu gió nhiều. Không dùng nhiều hơn 3 - 4 lần trong ngày.

- Chỉ dùng dầu gió ngoài da, tuyệt đối không được uống. Không bôi dầu gió lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở (chỉ bôi ở điểm đau, vùng đau).

- Người có bệnh mạn tính, tim mạch, huyết áp cần có sự tư vấn của các bác sĩ.

- Sau khi xoa dầu gió giải cảm trong vòng 1 – 2 giờ thấy triệu chứng bỏng, nôn ói, lừ đừ, co giật, hôn mê, suy hô hấp... là đã bị ngộ độc dầu gió, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ điều trị kịp thời.

Thuộc các huyệt đạo trị ho

Mọi người nên có thêm “bảo bối” là thuộc các huyệt đạo dễ tìm để xử trí chứng ho - rất dễ mắc khi trời lạnh, như huyệt Thái Uyên, Dũng Tuyền để cắt cơn ho.

1. Sáng sớm hay bị ho sặc sụa, hãy day huyệt Thái Uyên (hơi co bàn tay vào phía cẳng tay, tại bờ ngoài lằn chỉ cổ tay, gần xương tay quay có 1 chỗ rất lõm - gọi là huyệt Thái Uyên - chủ trị ho có đờm, ho suyễn, ngực đau, lưng và vai đau, quanh khớp cổ tay đau… Đặt hai tay dưới bụng, lòng bàn tay hướng vào trong, bốn ngón tay của tay kia hướng xuống dưới, tay cái bấm vào huyệt thái dương bấm liên tục 14 lần, dừng rồi bấm tiếp. Làm trong 3 phút.

Với trẻ nhỏ dưới 24 tháng bị ho về đêm cũng xoa bấm huyệt Thái Uyên này, nhưng làm nhẹ tay hơn.

2. Khi bị ho do bị lạnh, cảm lạnh, cúm, sốt, dị ứng thời tiết, ho dai… thì xoa bóp, bấm huyệt Dũng Tuyền - đại huyệt dưới gan bàn chân để tiêu ho dai dẳng. Chữa ho bằng huyệt Dũng Tuyền là "phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả kỳ diệu".

Huyệt Dũng Tuyền ở chỗ lõm 1/3 trước gan bàn chân. Khi bị ho, cần day bấm huyệt Dũng Tuyền 15 phút/chân, làm 3 lượt sẽ khỏi đến 80%. Nhưng không nên day nhiều vì sẽ dẫn đến hiệu quả ngược.

Cách kích thích huyệt Dũng Tuyền, ủ ấm lòng bàn chân trị ho rất nhanh, động tác đơn giản nhưng hiệu quả. Nếu ho nhiều thì buổi trưa làm 1 lần, buổi tối làm 1 lần trước khi đi ngủ. Một số lương y cho rằng, kích hoạt huyệt Dũng Tuyền có thể giảm ho, thậm chí hết ho, nhưng chỉ hiệu quả lúc giao mùa, tiết Đông – Xuân, hoặc do dùng điều hòa.

Nhưng xoa bóp huyệt Dũng Tuyền không hiệu quả với trẻ em (mà chỉ nên dùng rượu gừng xoa nóng bàn chân cho trẻ).

Những vật dụng khác

Ngoài những vật dụng trên, thời tiết này nên mang thêm áo khoác 2 lớp nhẹ dài để giữ ấm bụng hiệu quả (vì bụng dễ bị nhiễm lạnh gây tiêu chảy, sốt, mất nước, mất sức đề kháng…).

Đi giày ấm, tất dài để giữ ấm bàn chân, cổ chân để đi xe máy chân không bị lạnh mà sinh bệnh.

Trong túi để khăn, mũ, khẩu trang, tất ấm để giữ ấm đầu, tai cổ, chân nhằm tránh đầu lạnh (gây ê nhức đầu), tai lạnh (gây cảm lạnh, đau đầu), cổ lạnh (gây ho, viêm họng, khàn giọng...), mũi bị lạnh (gây bệnh hô hấp), bàn chân lạnh (gây bệnh thời khí). Những ngày mưa lạnh nên bỏ thêm đôi tất vào túi đề phòng tất ướt cần thay.

Cao dán Salonpas cũng rất hiệu quả khi dán huyệt Dũng Tuyền, Thái Uyên cũng giảm ho.

Mẹo tự kiểm tra sức khoẻ trong 2 phút có thể cứu sống bạn
Đôi khi, thay vì đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, mà một vài mẹo kiểm tra nhanh chóng có thể giúp bạn phát hiện ra bệnh.
Theo Uyển Hương (Gia đình & Xã hội)