100% gà Trung Quốc nhập vào Việt Nam là trái phép

Mặt khác cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc ngăn cấm thương mại quốc tế là rất khó.

Cuối tháng 1/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị song phương Việt Nam -Trung Quốc về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới.

 100% ga trung quoc nhap vao viet nam la trai phep - 1

Người tiêu dùng lo ngại phải đối mặt với tình trạng gà bẩn tràn lan nếu cho phép nhập khẩu gà Trung Quốc.

Đáng chú ý, theo website của Cục Thú y “Hội thảo cũng nhằm mục đích xúc tiến về việc thương mại bước đầu một số loại động vật, sản phẩm động vật an toàn của hai nước dựa trên tình hình thực tế, đặc biệt là xuất khẩu thịt gà và gà con 1 ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng như xuất heo thịt và bò từ Việt Nam sang Trung Quốc”. 

Lâu nay, nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật từ Trung Quốc luôn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, chính vì thế điều này đang làm dấy lên lo ngại thực phẩm bẩn có cơ hội tràn vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước. Phóng viên báo điện tử Infonet đã phỏng vấn Lãnh đạo Cục Thú y để làm rõ hơn về vấn đề này.

Gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng có thông tin Cục Thú y đang làm việc với phía Trung Quốc để lên kế hoạch mở cửa cho gà nước này vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ được xuất khẩu heo, bò sang Trung Quốc, điều này có chính xác không thưa ông?

Trong thực tế, việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đã và đang diễn ra, cụ thể là gà thịt, gà giống 01 ngày tuổi từ Trung Quốc sang Việt Nam và trâu, bò, lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước.

Do vậy, các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đều là bất hợp pháp; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển qua biên giới phần lớn đều không xác định được nguồn gốc, có nguy cơ mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh,.. do không có sự quản lý, giám sát của chuyên môn thú y. 

Xuất phát từ các vấn đề nêu trên và được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y Trung Quốc đã tổ chức họp song phương về kỹ thuật nhằm chia sẻ các thông tin về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn các kết quả về giám sát dịch bệnh động vật và một số kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh động vật.

Hội nghị tổ chức tháng 01/2016 vừa qua với sự hỗ trợ của FAO là Hội nghị song phương lần thứ 4 về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới.

Tại Hội nghị, hai bên cũng đề cập giải pháp lâu dài để kiểm soát, giảm thiểu các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới hai nước.

Việc này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu hiện nay; các nước phải xây dựng hàng rào kỹ thuật dựa trên định mức tiêu chuẩn chất lượng, hạn mức kỹ thuật cụ thể đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Về phía Việt Nam, đây chính là nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép ban hành theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012) phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với gia cầm nhập khẩu; ban hành các quy định, quy trình và thủ tục nhập khẩu gia cầm không để lợi dụng cơ chế chính sách để vi phạm pháp luật.

Về phía Trung Quốc, nhiệm vụ của cơ quan thú y cũng là tìm giải pháp giảm thiểu nguy cơ vi rút Lở mồm long móng ở trâu bò, lợn, vi rút Tai xanh ở lợn và vi rút Cúm gia cầm ở vịt đẻ từ Việt Nam xâm nhập vào Trung Quốc.

Kế hoạch này đã thực hiện đến đâu rồi thưa ông?

Hiện nay mới chỉ dừng ở việc trao đổi sơ bộ về chủ trương tại cuộc họp song phương giữa hai nước và chưa có kế hoạch cụ thể nào; Cục Thú y đang dự thảo báo cáo Bộ về kết quả cuộc họp song phương nêu trên để xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo.

Hiện tại, tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật đều phải theo quy định của quốc tế và quy trình đánh giá của nước nhập khẩu, cụ thể: Phải xác định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của quốc tế hoặc có sự tham gia, đánh giá của Tổ chức FAO.

Sau đó cơ quan thú y hai nước mới tổ chức dự thảo các yêu cầu cụ thể về vệ sinh thú y, quy trình và thủ tục nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật một cách chặt chẽ (tổ chức đánh giá các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cấp mã số cho từng cơ sở, nội dung kiểm dịch đối với từng loại hàng hóa có chứng nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu,... và khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo từng lô hàng tại các cửa khẩu nhập theo đúng quy định) nhằm đảm bảo không có mầm bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam và an toàn thực phẩm cho người.

Sau đó sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá tại nước xuất khẩu; kết quả đánh giá tại nước xuất khẩu sẽ được báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định có cho phép nhập khẩu hay không. 

Nhiều ý kiến lo ngại là cho phép nhập khẩu gà Trung Quốc vào ngành chăn nuôi trong nước sẽ gặp khó, thứ hai là lo ngại về an toàn thực phẩm. Cái được ở đây có chăng là chỉ ngành thú y tăng lệ phí?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc ngăn cấm thương mai quốc tế là rất khó, các nước chỉ có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thương mại, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Việc này cũng không ngoại lệ với thương mại động vật, sản phẩm động vật, các hàng rào kỹ thuật sẽ giúp hạn chế sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Ý kiến về việc cho phép nhập khẩu gà từ Trung Quốc để tăng lệ phí cho ngành thú y là suy diễn không chính xác.

Vừa qua, Cục Thú y đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y (Thông tư số 04/2012/TT-BTC) theo hướng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu thực tế hiện nay, nhưng không trái với các quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đến ngày 07/8/2015 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 113/2015/TT-BTC (có hiệu lực ngày 08/8/2015) về việc sửa đổi Thông tư 04 theo đó, bãi bỏ 14 mục lệ phí và 21 khoản thu phí thú y ở các khâu khác nhau. Quốc hội đã ban hành Luật phí, lệ phí và sẽ có hiệu lực trong năm tới và việc thu phí, lệ phí nói chung sẽ nộp vào ngân sách; nhiều loại phí và lệ phí sẽ phải chuyển sang cơ chế giá. Cơ chế giá này sẽ được thực hiện theo Luật giá, tạo điều kiện tốt hơn, thông thoáng hơn trong quá trình thực hiện.

- Xin cảm ơn ông.