Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh do virus Zika gây teo não đang diễn biến phức tạp trên thế giới với sự lây lan nhanh, đến nay đã có trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika, chủ yếu là các nước khu vực châu Mỹ.
Hiện nay, WHO đang tập trung nghiên cứu để xác định về mối liên quan của virus Zika với hội chứng não nhỏ và hội chứng viêm da đa rễ và dây thần kinh Guillain-Barre do sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc những bệnh này trong các ổ dịch Zika tại Brasil.
Theo Cục Y tế Dự phòng, nước ta hiện nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika, tuy nhiên do sự giao lưu du lịch, thương mai, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt có sự gia tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Bính thân nên cần đề phòng virus Zika xâm nhập vào nước ta. Đồng thời, nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes, đây cũng là loại muỗi truyền virus Zika.
Chỉ cần có một trường hợp nhiễm virus Zika, bệnh rất nhanh bùng phát trên diện rộng.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chủ tịch các tỉnh/Thành phố chỉ đạo Sở Y tế triển khai các hoạt động kiểm dịch tại các cửa khẩu quốc tế, giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt những người đi về từ vùng đang có dịch để phát hiện sớm và kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly, xử lý kịp thời.
Chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế chủ động lấy mẫu để xét nghiệp các trường hợp nghi ngờ có tiền sử về từ vùng dịch để gửi về các viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương và Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm virus Zika nhắm phát hiện sớm và xử lý ổ dịch.
Tăng cường phòng chống dịch tại cộng đồng tương tự như phòng chống sốt xuất huyết để hạn chế sự phát triển của muỗi Aedes, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do virus Zika có thể lây lan nhanh khi xâm nhập vào nước ta.
Bản đồ các quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lây lan virus Zika trong vòng 9 tháng qua (đến ngày 28/01/2016).
Phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh việc truyền thông phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại các khu vực cửa khẩu và tại cộng đồng, lưu ý những đi về từ vùng dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng ít nhất 12 ngày, phụ nữ mang thai nên hạn đế đi đến các cùng có dịch.
Cuối cùng, các Sở Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực cho công tác phòng chống bệnh do virus Zika, như: nhân lực, phương tiện, thuốc, hóa chất, giường bệnh…để sẵn sàng triển khai các hoạt động đáp ứng khi có dịch xâm nhập.
Cùng với ngành y tế, các ngành khác như: truyền thông, văn hóa, tài chính cũng cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp nhằm chủ động phòng chống dịch.
Cũng liên quan đến loại bệnh do virus Zika, ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tuy Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, nhưng chúng ta không loại trừ khả năng nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào nước ta.
Lý giải về vấn đề này, ông Tấn cho biết: “Thứ nhất là do trong nước đang có sẵn vecto truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika hoàn toàn có thể lây truyền nơi có muỗi Aedes lưu hành.
Thứ hai là chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này, đây là loại virus mà thế giới chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra.
Do đó, Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng”.
Theo ông Tấn, khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm vi rút Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: - Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ chứng. - Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. - Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch. |
Đăng nhận xét