Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài viết về những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận cứu người. Họ là những con người thầm lặng nhất, thậm chí còn bị kỳ thị bởi chính định kiến xã hội, chính đồng nghiệp và cả những người thân trong gia đình. Hay những bác sĩ đang ngày đêm tận tụy tìm ra những bài thuốc đông y “cứu cánh” cho những cặp vợ chồng hiếm muộn… Tất cả họ đều rất đáng tôn vinh. |
Có lẽ, với những ai chỉ nghe kể mà không trực tiếp gặp bác sĩ Hoàng Hải Hà (Bệnh viện 09 Hà Nội) thì không thể tin được câu chuyện đã từng xảy ra với chính bác sĩ cách đây hơn chục năm về trước.
Ngày đó, với kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp, đồng thời đang công tác ở nơi được cho là tụ điểm ma túy mới nổi ở Hà Nội, bác sĩ Hà đã cùng các chiến sĩ công an đội phòng chống ma túy đi truy quét tội phạm trên địa bàn quận Thanh Xuân. Do thời gian truy quét tội phạm vào thời điểm trời tối, cộng với những tối tượng buôn bán và sử dụng ma túy rất liều lĩnh, chính vì thế bác sĩ Hà đã lĩnh trọn một bơm kim tiêm còn nguyên máu tươi của nam thiếu niên mới 15 tuổi.
“Có lẽ đây là ký ức, kỷ niệm nghề nghiệp đáng nhớ nhất của đời tôi. Khi đã trải qua những lúc như vậy, giờ tôi cảm thấy đời không còn gì để mất, và mình phải cống hiến hết mình để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân đang nhiễm HIV tại đây”, bác sĩ cho biết.
Khi hỏi cụ thể về những việc đã từng xảy ra với bản thân trong đợt truy quét tội phạm và sau đó bị phơi nhiễm HIV, bác sĩ Hà ngậm ngùi kể lại: “Đó là câu chuyện xảy ra năm 2001,khi tôi còn đang phụ trách quản lý người nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm y tế quận Thanh Xuân.
Bác sĩ Hoàng Hải Hà đang khám cho bệnh nhân.
Hôm đó vào khoảng 10 giờ đêm, khi lực lượng công an vây bắt được 8 đối tượng sử dụng ma túy. Một trong số đó khai bị nhiễm HIV nên công an gọi bác sĩ đến lấy máu xét nghiệm cho đối tượng này. Trong khi lấy máu xét nghiệm, tôi đã bị một thanh niên 15 tuổi đâm và bơm cả xilanh máu vào người.
Khi có kết quả xét nghiệm, không chỉ có tôi mà tất cả mọi người đều bàng hoàng khi biết đối tượng này bị nhiễm HIV. Khi đó, có một vài người cũng bị phơi nhiễm nhưng nhẹ hơn, tôi bị nặng nhất khi lĩnh trọn cả một bơm kim tiêm đầy máu vào người”.
Bác sĩ Hà cho biết, sau khi bị “tai nạn” trên, ngay lập tức bác sĩ được tiến hành sơ cứu và uống thuốc dự phòng HIV. Tuy nhiên, thời gian đó cũng chính là lúc bác sĩ Hà phải chịu nhiều bi kịch của cuộc đời nhất. Khi mà bạn bè, hàng xóm dường như ai cũng xa lánh.
Không chỉ có vậy, bác sĩ Hà còn phải vật lộn chịu đựng với những tác dụng phụ mà thuốc chống nhiễm gây ra như: cơ thể gầy rộc, thiếu máu… và vô hình dung tất cả những điều đó càng làm cho mọi người đồn đoán: “chắc chắn mắc bệnh HIV rồi”.
“Lúc đó, ai cũng nghĩ bị HIV, thậm chí ngay cả bản thân mình cũng nghĩ vậy. Trong đầu khi đó đã có suy nghĩ cận kề cái chết, và đã nghĩ đến những viễn cảnh vợ con bơ vơ, nhất là khi đó con tôi chưa đầy một tuổi. Thậm chí tôi nghĩ đến trường hợp xấu nhất xảy ra và đã tự viết một bản di chúc vì nghĩ mình sẽ ra đi”, bác sĩ Hà nhớ lại.
Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với người bác sĩ có tâm, sau khi dùng thuốc dự phòng và tiến hành làm các xét nghiệm định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm, kết quả đều thể hiện âm tính với HIV.
“Có lẽ đây cũng là cái cơ duyên của mình, sau khi kết quả xét nghiệm âm tính, bản thân tôi đã có đơn tự nguyện xin chuyển về Bệnh viện 09 để trực tiếp khám, chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV”, bác sĩ Hà nói.
Qua câu chuyện trên, bác sĩ Hà muốn gửi đến tất cả mọi người một thông điệp, đó là đừng kỳ thị những bệnh nhân nhiễm HIV, đừng xa lánh họ, bởi HIV không phải căn bệnh dễ lây nhiễm cho cộng đồng.
“Đôi khi, những bệnh nhân nhiễm HIV không chết vì mắc căn bệnh này, mà họ lại chết vì sự kỳ thị của xã hội, của gia đình”, bác sĩ Hà kết luận.
Đăng nhận xét