Có cha là đạo diễn nổi tiếng, 5-6 tuổi, nghệ sĩ Chiều Xuân đã đến rạp xem cha dựng các vở kịch kinh điển… Ai cũng nghĩ con đường sự nghiệp của chị vốn trải đầy hoa hồng nhưng trong cuộc trò chuyện với PV Báo GĐ&XH, diễn viên phim “Mẹ chồng tôi” thừa nhận, trái với tưởng tượng của số đông, chị được dạy dỗ trong sự khắc nghiệt.
Chồng mềm dẻo, vợ cứng rắn
Mới đây, chị vừa “tháp tùng” con gái thứ hai đến trình diễn thơ tại Ngày thơ Việt Nam. Có vẻ như các con chị đều có thiên hướng hoạt động nghệ thuật như bố mẹ?
- Đúng là cả Hồng Mi và Hồng Khanh nhà tôi đều có điểm chung là năng khiếu nghệ thuật. Hồng Mi không chỉ hát hay, múa giỏi, từng đoạt Quán quân trong một vài cuộc thi năng khiếu mà còn viết văn, làm thơ, đăng nhiều kì trên Báo Nhi đồng, Mực Tím, giành giải một số cuộc thi viết. Nhưng bộc lộ thiên hướng rõ nhất lại là Hồng Khanh. So với chị gái, Khanh mạnh mẽ, khỏe khoắn hơn. Từ nhỏ, Hồng Mi đã được bố mẹ cho đi học đàn piano và nhiều thứ, nhưng chúng tôi vẫn không chủ trương cho con theo đến tận cùng một bộ môn hay cuộc thi nào vì sức khỏe cháu yếu. Gia đình tôi hoạt động nghệ thuật nên con cái cũng may mắn được sống hết mình với ý thích. Điều tôi mừng nhất là dù hai con cách nhau 17 tuổi nhưng rất gắn bó, đồng cảm. Hồng Mi thuộc tuýp người hướng nội, trong khi Hồng Khanh hướng ngoại, đó là sự bù trừ, chia sẻ được cho nhau.
Nghệ sĩ Chiều Xuân và con gái Hồng Khanh (ảnh nhân vật cung cấp).
Trong khi nhiều nghệ sĩ có xu hướng “giấu con” vì sợ sự quan tâm của dư luận ảnh hưởng đến con mình, nhưng gia đình chị lại chọn cách ngược lại. Có bao giờ chị băn khoăn vì sự lựa chọn này?
- Tôi nghĩ có hai thái cực, mà nếu mình thuộc một trong hai thì đều không ổn, đó là cho con tham gia một cách thái quá hoặc tuyệt đối không. Việc để con tham gia nghệ thuật ban đầu tôi cũng hơi lo ngại nhưng điều khiến tôi yên tâm là con mình có nhu cầu và như Hồng Khanh thì càng đứng trước đám đông, được cổ vũ thì càng thăng hoa. Cháu thích thú bằng sự hồn nhiên, hào hứng của trẻ con. Từ lúc Hồng Khanh còn nhỏ, Hồng Mi đã rủ bạn về để Khanh “tiếp chuyện”. Cháu trò chuyện với các cụ già hay các em nhỏ hơn mình đều được. Vậy không có lý gì mà chúng tôi lại không cho con tham gia những hoạt động mà con thích.
Từng nghĩ sao bố lại “ác” với mình…
Nhiều người nghĩ con đường nghệ thuật của chị đương nhiên “thuận buồm xuôi gió” vì có bố là đạo diễn đã định hướng, chỉ bảo tận tình…
- Thực ra, bố mẹ đã không chiều tôi như tôi chiều con mình. Tôi được dạy dỗ trong sự khắc nghiệt. Mẹ tôi hiền lành, đẹp và dịu dàng. Còn bố tôi khá khắc nghiệt. Khi tôi thi vào trường điện ảnh, ông chẳng những không cho một lời động viên, bảo ban con mà còn nói: “Thấy mình đủ khả năng thì thi vào, không thì thôi. Không có tài chỉ tổ vướng chân người khác!”. Không được bố hướng dẫn, nhóm đạo diễn Lưu Trọng Ninh - học sinh của bố tôi - đã hỗ trợ tôi làm tiểu phẩm. Lúc thi, tôi đọc bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh được nửa bài thì quên nên về nhà buồn chán, khóc mãi. Bố tôi thấy vậy bảo ngay: “Đấy, mọi chuyện không đơn giản đâu”. Tôi từng nghĩ sao bố lại “ác” với mình thế. Con người ta đi thi có bố mẹ lo lắng, hỏi han từng li, từng tí, còn mình thì không.
Chị có vì thế mà giận bố mình không?
- Trước thì có, nhưng sau này tôi dần hiểu ra và biết ơn sự khắt khe của bố. Tôi thi được đến 2 vòng thì ông gọi ra chỉ bảo. Đó là cách một người cha để con tự vượt qua chính bản thân, xem có xứng đáng cho ông dạy dỗ không. Bố chính là định hướng đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Vừa là đạo diễn, là giảng viên… sau những năm tháng tu nghiệp bên Bungari, hành trang ông mang về là chiếc máy quay đĩa than với tất cả các bài hát nổi tiếng thế giới và những câu chuyện đời, chuyện nghề kể cho con cái, học trò nghe để tự ngẫm. Tôi thấy mình cũng ảnh hưởng phần nào trong cách dạy con của bố.
Chị có chuẩn bị tâm lý cho con trước mặt trái con đường nghệ thuật?
- Có chứ! Tôi hay nói với các con, nếu mình làm không hay thì sẽ sinh ra chuyện vô bổ, mất thời gian dẫn đến những điều lãng phí, sai lệch trong cuộc sống. Đời người như bóng câu qua cửa, thoáng cái đã hết nên làm thì hãy toàn tâm toàn ý. Những cám dỗ, sai lầm, những sự việc đa chiều của đời sống các con đều biết hết thông qua sách báo, Internet. Trước những hiện tượng lớn, tôi chỉ tham gia một vài câu hoặc đưa ra ý kiến cho con tự lựa chọn câu trả lời.
Vì sao chị không hạn chế con tiếp xúc với Internet như nhiều phụ huynh khác?
- Vì sự khác biệt giữa thời đại của mình và con cái mình. Ngày xưa tôi rất nhút nhát, đi đâu đều sợ có ánh mắt nhìn mình, còn thời đại của thanh, thiếu niên bây giờ là thế giới phẳng. Tất nhiên, nói không hạn chế không có nghĩa là mình buông thả cho con thích làm gì thì làm, mà vẫn phải có sự kiểm soát để những gì con tiếp xúc là hợp lứa tuổi, tâm sinh lý. Nếu con mải mê vui chơi mà chểnh mảng học hành thì tôi sẽ cảnh cáo. Đã vài lần tôi thu điện thoại của con rồi. Cả Hồng Mi và Hồng Khanh đều không “nghiện” công nghệ mà các cháu có thiên hướng tương tác với cuộc sống hơn. Ngày nghỉ, không có chuyện các cháu cắm mặt vào điện thoại mà thường đi dã ngoại hoặc rủ bạn đến nhà nấu ăn, nô đùa, còn tôi thì được làm chân “ô-sin” không công, chuyên thu xếp “bãi chiến trường” do lũ trẻ bày biện.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Nghệ sĩ Chiều Xuân chia sẻ: “Vợ chồng tôi khá thống nhất trong cách dạy con. Trong nhà, tôi cứng rắn, anh Quân lại mềm dẻo, thương con theo kiểu chủ nghĩa tình cảm. Anh ấy không những cưng chiều mà còn ngưỡng mộ con, suốt ngày hỏi han, thủ thỉ. Thậm chí, có lúc anh ấy còn vào hùa với con để chống đối, phản bác lại ý kiến của tôi. Tôi không có con trai nên không biết nỗi lo con trai lớn trong nhà sẽ thế nào nhưng nhiều người nói với tôi rằng, con trai thường hiếu động, xác suất rơi vào tệ nạn xã hội cao hơn con gái. Là mẹ của các con gái, tôi thường lo về sự tự tin, về cảm xúc hay những vấp váp tình cảm - những điều mình từng trải qua, từng chứng kiến… Đôi lúc nghĩ đến thôi đã đủ thót tim rồi. Tôi chỉ mong với những gì trang bị cho con, con sẽ tự xử lý được tình huống cuộc sống và cân bằng tốt nhất. Như tôi vẫn nói với con, không ai có thể bảo vệ mình bằng tự mình”. |
Đăng nhận xét