Mặc dù vẫn lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow, Tổng thống Pháp đã nói chuyện với người đồng cấp Nga qua điện thoại nhiều lần kể từ tháng 2/2022. Động thái này khiến ông Macron bị những người ủng hộ Kiev chỉ trích, bao gồm cả Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki.
Tuy nhiên, trong một bộ phim tài liệu gần đây được phát sóng trên truyền hình Pháp, ông Macron đã đưa ra một số cái nhìn sâu sắc về cách tiếp cận ngoại giao của mình.
Được quay trên một chuyến tàu trở về từ Kiev vào tháng trước, ông Macron giải thích rằng việc nói chuyện với ông Putin là cần thiết để ngăn cuộc xung đột ở Ukraine trở thành một cuộc chiến rộng hơn. Bình luận về thông điệp của một số nhà lãnh đạo rằng "chúng ta phải tiêu diệt Nga, làm suy yếu nước này vĩnh viễn", Macron nói rằng mục tiêu của ông là "giúp Ukraine giành chiến thắng" và "không chống lại Nga, chứ đừng nói là tiêu diệt nước này".
Bất chấp những điểm khác biệt giữa cách tiếp cận của Macron và của những người đồng cấp Mỹ hay Anh, tất cả đều đã cung cấp cho Kiev vũ khí cũng như đạn dược.
Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Lloyd Austin mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là một cơ hội để khiến Nga "suy yếu", Macron tuyên bố rằng phương Tây "không nên chỉ trích Nga" nhằm thực hiện một thỏa thuận hòa bình vào một ngày nào đó.
Ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson nhiều lần bác bỏ ý tưởng đàm phán hòa bình với Moscow. Trong khi đó, người đứng đầu lực lượng vũ trang mới được bổ nhiệm của Anh đã tuyên bố rằng quân đội nước này phải chuẩn bị cho khả năng "đánh bại Nga trên chiến trường".
Ngược lại, Macron đã nói rằng các nhà lãnh đạo châu Âu phải "luôn tôn trọng Nga và người dân nước này", lập luận rằng "sẽ không có hòa bình lâu dài nếu Nga không tham gia vào một cấu trúc hòa bình vĩ đại trên lục địa của chúng ta".
Trên thực tế, Macron vẫn đứng về phía các nhà lãnh đạo G7 và đồng ý hỗ trợ quân đội của Kiev "chừng nào còn có thể". Ông cũng khẳng định rằng "Ukraine sẽ tự quyết định các điều kiện xây dựng hòa bình", đây được đánh giá là lập trường cởi mở phản ánh quan điểm của Mỹ, Anh và các nước NATO khác.
Đăng nhận xét