Theo Aljazeera, hơn 9 tháng sau khi Iraq tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10/2021, các nhà lãnh đạo chính trị vẫn không thể thành lập chính phủ.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Iraq lên đến đỉnh điểm khi đám đông biểu tình vượt qua hàng rào bê tông, xông vào Vùng Xanh và tràn vào trong tòa nhà quốc hội ở thủ đô Baghdad hôm 27/7. Mục đích của người biểu tình là để phản đối tham nhũng và việc các đảng thân Iran đề cử thủ tướng mới.
Vùng Xanh là khu vực được bảo vệ cẩn mật, vì là nơi tọa lạc một số tòa nhà quan trọng nhất của thủ đô, trong đó có tòa nhà quốc hội và các đại sứ quán.
Cuộc biểu tình nổ ra sau khi liên minh các đảng thân Iran ở Iraq, Coordination Framework, ngày 25/7 đề cử ông Mohammed al-Sudani làm tân thủ tướng thay thế ông Mustafa al-Kadhimi.
Giáo sĩ Muqtada al-Sadr, người có ảnh hưởng lớn trong chính trường Iraq đã phản đối đề cử này.
Ảnh hưởng lớn của giáo sĩ Muqtada al-Sadr
Marsin Alshamary, một nhà nghiên cứu của Trường Harvard Kennedy bình luận trên Al Jazeera rằng: “Al-Sudani chỉ là một cái cớ hoàn hảo để giáo sĩ Muqtada al-Sadr bày tỏ sự không hài lòng của mình với toàn bộ Coordination Framework và hệ thống chính trị ở Iraq".
Ông Alshamary thậm chí cho rằng, giáo sĩ Muqtada al-Sadr sẽ vẫn có khả năng kích động người biểu tình dù "bất cứ ai khác được đề cử".
"Al-Sudani thực sự đại diện cho một trong những nhân vật ít gây tranh cãi nhất của Coordination Framework”, ông Alshamary bình luận.
Những người biểu tình đã mang theo chân dung của giáo sĩ al-Sadr và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ ông. Họ chỉ rời tòa nhà quốc hội để về nhà sau khi vị giáo sĩ này yêu cầu họ làm điều đó trên Twitter và nhấn mạnh rằng, thông điệp của họ đã được ghi nhận.
Sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn ở Iraq trong những ngày tới?
Quốc hội Iraq dự kiến tổ chức phiên họp trong vài ngày tới để bầu ra tổng thống mới trong số 25 ứng viên. Tân tổng thống Iraq sẽ chỉ định thủ tướng mới. Quốc hội Iraq được cho là nhiều khả năng sẽ phê chuẩn đề cử ông al-Sudani.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng, sự rạn nứt giữa các nhóm Shia của Iraq sẽ gây chia rẽ chưa từng có và nếu giáo sĩ al-Sadr hay Coordination Framework bị gạt sang một bên, phản ứng dữ dội sẽ gần như không thể tránh khỏi.
Quốc hội Iraq vốn đã rơi vào khủng hoảng kể từ sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 10/2021, khi các cuộc đàm phán giữa các đảng phái chính trị không đạt kết quả để chọn ra thủ tướng mới. Các nghị sĩ Iraq đã 3 lần thất bại trong việc bầu ra một tổng thống mới, bước quan trọng đầu tiên trước khi chọn ra thủ tướng và sau đó là thành lập chính phủ mới. Hai nhóm theo dòng Shia trong quốc hội Iraq gồm liên minh do giáo sĩ Sadr đứng đầu và nhóm Coordination Framework đều tuyên bố chiếm đa số trong Quốc hội và có quyền bổ nhiệm thủ tướng.
Vụ việc người biểu tình ủng hộ giáo sĩ al-Sadr tràn vào quốc hội hôm 27/7 và việc vị giáo sĩ này thể hiện quyền kiểm soát đối với những người ủng hộ ông rõ ràng đã gửi một cảnh báo ngầm đối với Coordination Framework về khả năng khủng hoảng leo thang nếu ông al-Sudani trở thành thủ tướng.
Al-Sadr đã chỉ ra rằng, ngay cả khi những người ủng hộ ông không tràn vào quốc hội, ông vẫn không thể bị các chính trị gia Iraq "phớt lờ".
Đăng nhận xét