'Cuộc chiến khí đốt' Nga-EU: Dòng chảy phương Bắc 1 là gì và tại sao nó quan trọng với châu Âu?

'Cuộc chiến khí đốt' Nga-EU: Dòng chảy phương Bắc 1 là gì và tại sao nó quan trọng với châu Âu? - Ảnh 1.

Lượng khí đốt tự nhiên của Nga đến châu Âu thông qua Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm xuống còn 20% công suất của đường ống kể từ thứ Tư 27/7. Ảnh Bloomberg

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 đang trở thành tâm điểm trong căng thẳng giữa Nga và các thành viên EU trong những tuần gần đây, khi Brussels vật lộn tìm cách đảm bảo tích trữ đủ lượng khí đốt để đưa các nước thành viên vượt qua mùa đông châu Âu sắp tới.

Gazprom, gã khổng lồ khí đốt do nhà nước kiểm soát của Nga, đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải "đau đầu" khi liên tục thông báo về việc nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị gián đoạn do các vấn đề kỹ thuật và công tác bảo trì.

Hôm thứ Ba 26/7, các bộ trưởng năng lượng của EU đã họp tại Brussels để thông qua một kế hoạch khẩn cấp nhằm đối phó với việc Nga giảm mạnh dòng chảy khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1.

Người đứng đầu chính sách năng lượng của EU, ông Kadri Simson nhấn mạnh rằng, thông báo của Gazprom để giảm nguồn cung khí đốt xuống 20% công suất của đường ống kể từ ngày 27/7 là "có động cơ chính trị".

Vậy đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 là gì và tại sao nó quan trọng với Châu Âu?

Dòng chảy phương Bắc 1 do Gazprom sở hữu phần lớn, là đường ống lớn nhất duy nhất đưa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng của Nga đến châu Âu thông qua Đức.

EU lâu nay phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Năm ngoái, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên mà EU cần.

Nhưng nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm đáng kể trong năm nay do cuộc chiến giữa nước này và Ukraine. Điều này gây căng thẳng cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và đẩy giá hàng hóa tăng vọt.

Công việc bảo trì như những gì Gazprom mô tả phần lớn không được chú ý trong quá khứ, nhưng đường ống hiện được cho là đã trở thành "một con bài mặc cả" khi Nga và phương Tây tung ra các đòn kinh tế nhắm vào nhau sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng Hai.

Nga đã cắt giảm lượng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 40% công suất của đường ống vào tháng 6, với lý do việc đưa tuabin đang được bảo dưỡng ở Canada trở lại bị trì hoãn vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Moscow sau đó khóa van khí đốt hoàn toàn trong 10 ngày với lý do để bảo trì đường ống thường niên trong tháng này và chỉ vừa khởi động lại vào ngày 21/7 ở mức 40% công suất như trước. Nhưng đầu tuần này, Gazprom thông báo họ đã tạm dừng hoạt động của một trong hai tuabin của đường ống vì lý do kỹ thuật. Do đó, lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu sẽ giảm xuống còn khoảng 20% công suất của đường ống kể từ hôm nay 27/7.

Giám đốc chính sách năng lượng của EU, Kadri Simson hôm thứ Ba 26/7 tuyên bố: "Chúng tôi biết rằng không có lý do kỹ thuật nào để làm như vậy".

Ông Simson nói thêm rằng EU đã phải đối phó với các động thái của Moscow bằng cách giảm tiêu thụ khí đốt.

Nhưng vì sao các quan chức châu Âu cáo buộc động thái của Moscow có "động cơ chính trị"? Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói với các phóng viên hôm thứ Hai 25/7 rằng Nga không tính đến việc cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Tuy nhiên, “nếu châu Âu tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế một cách liều lĩnh gây ảnh hưởng đến họ, thì tình hình có thể thay đổi”, ông Peskov cảnh báo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã báo trước về sự cắt giảm mới nhất, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng, các lệnh trừng phạt tiếp tục có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng thảm khốc đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bình luận trên hãng thông tấn DPA rằng, Tổng thống Putin “đang chơi một trò chơi khôn ngoan”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm Chủ nhật 24/2 cáo buộc rằng Nga đang tiến hành một "cuộc chiến tranh khí đốt công khai" chống lại châu Âu, đồng thời kêu gọi EU "đáp trả" bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Bất chấp những lời cam đoan, Nga được cho là có thể cắt giảm nguồn khí đốt đến châu Âu vào mùa đông này, khiến nước Đức rơi vào suy thoái và khiến giá lương thực cũng như năng lượng ngày càng tăng cao hơn do xung đột Nga-Ukraine.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt để sưởi ấm các ngôi nhà trong mùa đông này.

Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu hôm thứ Ba 26/7 đã đạt được thỏa thuận về một đề xuất khẩn cấp yêu cầu tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt vào giữa tháng 9 tới 15% để tiết kiệm khoảng 45 tỷ mét khối khí đốt cần thiết cho mùa đông.

EU có thể đưa yêu cầu này trở thành bắt buộc nếu các quốc gia thành viên không đạt được mục tiêu, bất chấp sự phản đối của các nước như Hy Lạp, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Adblock test (Why?)