Các nhà hàng ở vùng tây bắc nước Mỹ - nơi không thường xuyên sử dụng điều hòa - phải dừng khu ăn ngoài trời, thậm chí là đóng cửa cả quán, khi nắng nóng khắc nghiệt kéo dài.
Hôm 27/7, nhiệt độ trong căn bếp chật hẹp tại Blotto - một nhà hàng pizza ở Seattle - lên tới 42,2 độ C. Giống như nhiều nhà hàng khác trong thành phố, Blotto không có máy lạnh. Quay mặt về phía tây, nhà hàng này hứng trọn ánh nắng mặt trời vào buổi chiều mỗi mùa hè trong hàng giờ liền.
Chủ tiệm bánh pizza, Jordan Koplowitz và Caleb Hoffmann, làm việc trong nhà bếp - khu vực nóng nhất của cửa hàng nhỏ. Để đối phó với cái nóng, họ uống nhiều nước và đắp khăn ướt lên người.
“Chúng tôi cố gắng làm pizza xong càng sớm càng tốt để tắt lò nướng, đồng thời cho nhân viên rời cửa hàng”, ông Koplowitz cho biết.
Blotto chỉ là một trong số hàng trăm nhà hàng ở vùng Tây Bắc nước Mỹ ven biển Thái Bình Dương đang cố gắng chống chọi với đợt nắng nóng kéo dài cả tuần qua. Nhiệt độ đạt kỷ lục trong khi điều hòa nhiệt độ không quá phổ biến tại khu vực này.
Tuy nhiên, cái nóng khắc nghiệt này - do con người gây ra dẫn tới biến đổi khí hậu - giống như một thực tế mới với ngành công nghiệp nhà hàng tại Mỹ. Dần dần, chuyện ăn uống ở ngoài trời là gần như không thể, trong khi chi phí làm mát tăng cao, còn nhiệt độ trong bếp đạt đến mức nóng không thể chịu nổi, theo New York Times.
"Gần như không ai chọn ăn ngoài trời"
Nhiệt độ tăng cao dự kiến kéo dài đến hết tuần và đạt đỉnh 43,3 độ C ở khu vực phía đông Oregon và Washington. Đợt nắng nóng này gợi nhớ đến hiện tượng “vòm nhiệt” vào năm ngoái khiến hàng trăm người ở Oregon, Washington và British Columbia (Canada) tử vong.
Blotto mở cửa cách đây hơn một năm, ngay trước khi hiện tượng “vòm nhiệt” xuất hiện. Sức nóng đã buộc nhà hàng phải đóng cửa trong một ngày và tạm thời thay đổi thực đơn. Để có thể mở cửa trong mùa hè này, chủ nhà hàng đã phải rút ngắn thời gian phục vụ và khuyến khích khách hàng gọi đồ ăn mang về.
Tuy vậy, có những người muốn cặm cụi làm việc suốt cả đợt nắng nóng cũng không được, ví dụ như Erica Montgomery - chủ sở hữu và đầu bếp tại Erica's Soul Food, một xe bán đồ ăn ở Portland, Oregon.
Vào đợt nắng nóng năm ngoái, cô đã đóng cửa xe bán đồ ăn khi tất cả thực phẩm bị hỏng vì mất điện. Năm nay, cô không còn lựa chọn. Cô đã đóng xe bán đồ ăn cả tuần nay và cất mọi thực phẩm trong gian bếp có máy lạnh.
“Nếu bên ngoài là 35 độ C, thì bên trong xe ít nhất cũng phải nóng hơn vài độ”, cô nói.
Ở Washington, chỉ 53% hộ gia đình sử dụng một số loại điều hòa không khí. Ở Oregon, con số này là 76%, theo báo cáo năm 2022 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Nhưng mặc dù không có máy lạnh trong căn hộ nhỏ, Kirsten Weiler McGarvey - sinh viên 33 tuổi ở Portland - vẫn không tìm nhà hàng có máy lạnh bởi lo ngại tình hình Covid-19.
Năm ngoái, khi nhiệt độ ở Portland lên tới 46,6 độ C, cô nói việc đi ăn hàng khá khó khăn bởi nhiều quán đã đóng cửa.
“Portland hoàn toàn không chuẩn bị cho sóng nhiệt”, cô nói. “Nhiều người ở vùng khác coi điều hòa là thứ rất bình thường. Năm ngoái, mọi thứ tan chảy theo đúng nghĩa”.
Nostrana, một nhà hàng Italy ở Portland, đã phải đóng cửa trong đợt nắng nóng năm ngoái. Năm nay, nhà hàng dự tính chỉ dừng hoạt động khu vực ăn uống ngoài trời.
Cathy Whims, đầu bếp và chủ quán, cho biết gần như không có ai lựa chọn ngồi ngoài trời vào hôm 27/7. Bà nói nhà hàng sẽ đóng cửa khu vực này vào cả 29-30/7.
Bà Whims cho biết khó có thể bỏ hẳn khu ăn ngoài trời bởi nhiều người không thoải mái khi ăn trong nhà vì số ca Covid-19 lại tăng trong thời gian gần đây.
Trải qua những đợt nắng nóng thế này khiến hoạt động kinh doanh của cửa hàng giảm 30-40%, trong khi đây thường là thời gian bận rộn nhất trong năm của các nhà hàng ở Portland. Bà nói thêm chi phí năng lượng của nhà hàng cũng tăng đột biến trong thời kỳ nắng nóng cao điểm.
Thay đổi thực đơn nếu trời quá nóng
Double Mountain Brewery, cách Portland khoảng 1 giờ lái xe về phía đông, có phục vụ pizza kèm bia, nhưng chỉ khi thời tiết mát mẻ.
Matt Swihart, chủ sở hữu và người nấu bia, cho biết khách hàng tại Double Mountain không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đợt nắng nóng lần này, khi máy lạnh và bia có thể giúp họ thoải mái.
Thế nhưng, nhà bếp lại là nơi gánh chịu sức nóng. Hệ thống hút mùi của lò nướng bánh pizza giúp dẫn khói ra khỏi tòa nhà, nhưng cũng đồng thời mang không khí nóng từ bên ngoài vào.
Sau khi phải đóng cửa vào mùa hè năm ngoái, ông Swihart giờ yêu cầu tắt lò nướng bánh pizza khi nhiệt độ trong bếp đạt 37,8 độ C vào hôm 20-21/7. Lúc này, Double Mountain chuyển thực đơn chỉ có bánh sandwich.
Vào những ngày Double Mountain chỉ có thể phục vụ bánh mì kẹp, ông Swihart ước tính doanh thu hàng ngày sẽ mất 30-40%. Trong khi đó, hóa đơn điện tăng 25%.
Năm ngoái, chi phí năng lượng tại nhà hàng tăng lên hàng nghìn USD. Ông Swihart đang trồng thêm cây dọc theo khu vực ăn uống ngoài trời để tạo bóng mát, đồng thời lắp thêm bộ làm mát trị giá 20.000 USD.
Nhưng tại Blotto, ông Hoffmann và ông Koplowitz không có kế hoạch sửa lại nhà hàng để ứng phó với nắng nóng. Vì nhà hàng không có máy lạnh, họ phải giảm nhiệt độ tủ lạnh xuống khi trời quá nóng, khiến chi phí năng lượng tăng lên.
“Nó (nắng nóng) chỉ ảnh hưởng tới chúng tôi khoảng 2 ngày trong năm”, ông Koplowitz nói. “Thật khó khăn nếu phải bỏ tiền hoặc thời gian để giải quyết một vấn đề gần như không tồn tại”.
“Chúng tôi vô cùng may mắn vì chỉ phải chịu cảnh này khoảng một lần trong năm. Nhưng rõ ràng là tần suất, thời gian và mức độ nghiêm trọng (của nắng nóng) ngày càng tăng. Điều này thật đáng sợ”, ông Hoffman nói thêm. "Nhưng thời gian còn lại trong năm, mọi thứ khá dễ chịu”.
Trong khi đó, ông Swihart không lạc quan đến vậy: “Khí hậu ngày càng ấm lên qua mỗi năm. Tôi hy vọng những tình huống như thế này sẽ không thường xuyên xảy ra nữa, nhưng tâm trí tôi biết mọi thứ sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn”.
Đăng nhận xét