Sự ra đi của cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa sau nhiều tháng biểu tình kéo dài được người dân Sri Lanka chào đón bằng sự hân hoan. Tuy nhiên, đối với nhiều người theo phong trào phản đối, việc loại bỏ Rajapaksa chỉ là bước đầu tiên để cách mạng hóa chính trị ở Sri Lanka. Và sau khi đơn từ chức được công bố, một trở ngại khác dường như ngay lập tức xuất hiện.
Hôm 15/7, thủ tướng Wickremesinghe đã được bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời cho đến khi quốc hội họp vào tuần tới để bỏ phiếu xem ai sẽ chính thức đảm nhận vai trò này.
Thông báo đã khiến nhiều người dân tức giận và thất vọng trên đường phố Colombo. Wickremesinghe, hiện đã 6 lần làm thủ tướng, bị buộc tội bảo vệ và nâng đỡ triều đại gia đình Rajapaksa trong nhiều năm, che chở họ khỏi các cáo buộc tham nhũng và tạo điều kiện cho họ trở lại nắm quyền.
Sự thất vọng của công chúng đối với Wickremesinghe đã được thể hiện nhiều lần, từ việc tư dinh của ông bị thiêu rụi cho đến các văn phòng của ông bị những người biểu tình xông vào hôm 13/7.
Nhưng bất chấp thông điệp rõ ràng từ những người biểu tình rằng ông không phải là nhà lãnh đạo mà họ muốn, hôm 15/7, Wickremesinghe tuyên bố ông sẽ ứng cử tổng thống.
Ông sẽ là ứng cử viên cho đảng cầm quyền của Rajapaksas, Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP), đảng vẫn có số ghế lớn nhất trong quốc hội. Ông có cơ hội cao được bầu sau cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ trong quốc hội dự kiến vào 19 hoặc 20/7.
Động thái mới làm dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội.
"Ranil Wickremesinghe nên từ chức, ông ấy không xứng đáng", linh mục Công giáo Jeevantha Peiris, lãnh đạo cuộc biểu tình, nói. "Là công dân, chúng tôi không chấp nhận ông ấy, chúng tôi không cần một nhà lãnh đạo tham nhũng khác. Chúng tôi muốn thay đổi toàn bộ hệ thống".
Nhiều người đang sống trong trại biểu tình chống chính phủ ở khu Galle Face, trung tâm Colombo bày tỏ lo lắng, và đến hôm 15/7, trại đã được đổi tên từ Gota Go Gama (Gota về nhà) thành Ranil Go Gama (Ranil Về nhà).
Wickremesinghe đã mô tả nhóm biểu tình trong những ngày gần đây là "những kẻ phát xít" và "những kẻ cực đoan".
Việc ông Wickremesinghe được đề cử thậm chí còn khiến SLPP chia rẽ. Chủ tịch đảng GL Peiris đã gửi một lá thư cho tổng bí thư của đảng bày tỏ "sự ngạc nhiên và hoàn toàn không tin tưởng" trước tuyên bố rằng họ sẽ ủng hộ Wickremesinghe làm ứng cử viên tổng thống.
Wickremesinghe sẽ đối đầu với một số ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu kín của tổng thống vào tuần tới, bao gồm cả thủ lĩnh của phe đối lập, Sajith Premadasa - người đã thề đảm bảo rằng "chế độ độc tài sẽ không bao giờ diễn ra nữa", cùng một chính trị gia SLPP khác, Dullas Alahapperuma.
Khi quốc hội họp lại hôm 16/7, một ghi chú của Rajapaksa đã được công bố - những lời đầu tiên được nghe công khai kể từ khi ông chạy trốn đến Maldives và tới Singapore.
"Tôi đã đóng góp hết sức mình cho đất nước," thư của Rajapaksa viết. "Trong tương lai, tôi cũng vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho đất nước".
Đăng nhận xét