Colombo hỗn loạn
Trưa 13/7 theo giờ Việt Nam, Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Tổng thống Rajapaksa và phu nhân bỏ trốn đến Maldives vài giờ trước khi ông từ chức. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã trở thành quyền tổng thống.
Vài giờ sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi Sri Lanka , văn phòng thủ tướng nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Động thái này diễn ra ngay cả khi hàng nghìn người biểu tình xông vào khu văn phòng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe - người đã được bổ nhiệm làm quyền tổng thống - kêu gọi ông từ chức một lần nữa, hô vang khẩu “hiệu Ranil hãy về nhà”. Trong khi đó cảnh sát đáp trả bằng hơi cay.
Đài truyền hình nhà nước Rupavahini cũng buộc phải ngừng phát sóng, sau khi những người biểu tình xông vào đây.
Thủ tướng Wickremesinghe đã thể hiện sự cứng rắn với hy vọng vãn hồi trật tự: "Tôi đã ra lệnh cho các chỉ huy quân đội và cảnh sát trưởng làm những gì cần thiết để lập lại trật tự", ông Wickremesinghe phát biểu trước đó trên truyền hình. "Chúng ta không thể xé bỏ hiến pháp của mình. Chúng ta không thể cho phép phát xít tiếp quản. Chúng ta phải chấm dứt mối đe dọa của phát xít đối với nền dân chủ", ông nói thêm.
Tình trạng ở thủ đô Colombo cực kỳ hỗn loạn. Thủ tướng Sri Lanka Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm nhưng điều đó là vô ích. Bất chấp tất cả, người biểu tình xông vào văn phòng thủ tướng đòi ông từ chức, khiến ông phải hủy bỏ cả hai lệnh.
Chiều tối 13/7, người biểu tình tiếp tục tập trung bên ngoài văn phòng chủ tịch quốc hội nước này, ông Mahinda Yapa Abeywardena, sau khi hay tin rằng tổng thống Rajapaksa mới khẳng định từ chức bằng một cú điện thoại, nhưng vẫn chưa gửi thư chính thức. Theo hiến pháp Sri Lanka, việc từ chức của tổng thống chỉ được coi là chính thức sau khi chủ tịch quốc hội nhận được thư từ chức.
Ông Rajapaksa phải đối mặt với một số cáo buộc hình sự, trong đó có tham nhũng cấp độ cao và quản lý kém khiến Sri Lanka vỡ nợ. Việc ông từ chức là chưa đủ, người dân cũng muốn ông phải chịu trách nhiệm về tất cả các cáo buộc tham nhũng và quản lý ngân quỹ yếu kém.
Gia đình quyền lực
Một trong những khao khát của người biểu tình là gia đình Rajapaksa vốn thống trị chính trường đất nước Sri Lanka suốt 20 năm qua, nhất là ở các vùng nông thôn phía nam, phải rời bỏ quyền lực.
Hôm 12/7, các quan chức nhập cư đã ngăn cản cựu bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa, anh trai của tổng thống, bay ra khỏi đất nước.
Điều này cho thấy rõ ảnh hưởng đang suy yếu của gia đình Rajapaksa. Họ đã cố gắng củng cố quyền lực khi Mahinda Rajapaksa đắc cử tổng thống vào năm 2005.
Mahinda đã lãnh đạo đất nước trong giai đoạn kết thúc tàn khốc của cuộc nội chiến kéo dài 26 năm, chứng kiến sự tiêu diệt của quân nổi dậy Hổ Tamil vào năm 2009. Gotabaya Rajapaksa khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng.
Kể từ sau chiến tranh, Gotabaya đã phải đối mặt với những cáo buộc về tội ác chiến tranh và tra tấn, mà ông luôn phủ nhận.
Mahinda vẫn nắm quyền cho đến năm 2015, khi ông bất ngờ thất bại trước phe đối lập do cựu trợ lý của mình lãnh đạo.
Gia đình này trở lại nắm quyền vào năm 2019 sau các vụ đánh bom chết chóc vào Chủ nhật Phục sinh với lời hứa hẹn tăng cường an ninh. Gotabaya Rajapaksa được bầu làm tổng thống cho đến lúc này.
Vào tháng 8 năm 2020, đảng của ông đã tăng đa số lên 2/3 trong quốc hội, cho phép bãi bỏ các luật hạn chế quyền lực tổng thống, bao gồm cả giới hạn hai nhiệm kỳ. Ông tái bổ nhiệm Mahinda làm thủ tướng và những người thân khác vào các vai trò bộ trưởng.
Mahinda từ chức thủ tướng sau khi một đám đông những người ủng hộ ông tấn công những người biểu tình chống chính phủ vào ngày 9/5.
Trước chuyến bay sáng sớm nay tới Maldives, Gotabaya là người cuối cùng trong số sáu thành viên của gia đình bám lấy quyền lực.
Khủng hoảng và lòng tin
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ chạy sau nhiều tháng biểu tình ở quốc đảo, nơi đang chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. 22 triệu người dân nước này phải vật lộn để mua được lương thực cơ bản, thuốc men, xăng dầu.
Rajapaksa phải lẩn trốn và cuối cùng đồng ý từ chức hôm nay để dọn đường cho một "quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình". Nhưng quá trình này xem ra còn xa vời.
Thủ tướng Wickremesinghe, người đang tạm nắm quyền, cho biết ông sẽ từ chức thủ tướng nếu đạt được sự đồng thuận về việc thành lập một chính phủ đoàn kết. Nhưng ngay cả bây giờ dân chúng cũng phản đối ông Wickremesinghe dữ dội. Họ không còn lòng tin vào thể chế nước này sau nhiều tháng bất ổn.
Nhiều khả năng Chủ tịch quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena sẽ điều hành đất nước cho đến khi một tổng thống mới được bầu trong bỏ phiếu 20/7.
Lãnh đạo của đảng đối lập chính, Sajith Premadasa, người đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019 trước Rajapaksa, cho biết ông sẽ tranh cử vị trí này. Một số thành viên của đảng cầm quyền hiện tại cũng đã đưa ra ý tưởng về việc Wickremesinghe sẽ chính thức tranh cử tổng thống.
Sri Lanka vốn là một thiên đường du lịch, nơi thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ Ấn Độ, Trung Quốc. Nhưng nền kinh tế của quốc đảo đã bị tàn phá bởi đại dịch toàn cầu, dẫn đến việc đóng cửa ngành du lịch. Ngoài ra là chính sách quản lý yếu kém, nạn tham nhũng tràn lan khiến nước này mắc kẹt trong khủng hoảng kinh tế tài chính, không có tiền để nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu.
Lượng kiều hối cạn kiệt, cùng với một loạt các đợt cắt giảm thuế đã khiến Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc chế độ thuộc địa vào năm 1948. Cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá cả càng đắt đỏ, hàng hóa khan hiếm. Chính phủ đã sử dụng dự trữ ngoại hối để tài trợ cho các hoạt động nhập khẩu thiết yếu.
Tình trạng thiếu lương thực, khí đốt, nhiên liệu và thuốc men đã gây ra sự giận dữ của công chúng đối với chính phủ, cộng thêm những cáo buộc về quản lý yếu kém, tham nhũng và chuyên quyền.
Các cơ quan xếp hạng, lo ngại về tài chính của chính phủ và không có khả năng trả các khoản nợ nước ngoài lớn, đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Sri Lanka từ năm 2020 trở đi. Điều này khiến đất nước bị đóng băng khỏi thị trường tài chính quốc tế.
Ngân hàng trung ương cho biết lạm phát đã đạt 54,6% vào tháng trước và có thể tăng lên 70%.
Chính phủ mới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử của Sri Lanka, nhưng theo giới quan sát, sự ổn định kinh tế sẽ không có nếu thiếu sự ổn định chính trị. Con đường phía trước sẽ rất khó khăn, nhưng Sri Lanka cần một chính phủ ổn định mới có thể từng bước thoát khỏi khủng hoảng.
Chính phủ cần thu xếp các điều kiện cứu trợ với IMF và cơ cấu lại khoản nợ khổng lồ của đất nước cũng như giảm lạm phát. Muốn có được cứu trợ, Sri Lanka phải chứng minh được họ có khả năng minh bạch hóa trong điều hành để có thể sử dụng hiệu quả tiền cứu trợ. Mà điều này, trong bối cảnh Sri Lanka đang khủng hoảng, mất lòng tin, dường như còn rất xa vời.
Đăng nhận xét