Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Ông Abe Shinzo đã dành cho Việt Nam nhiều ngoại lệ đặc biệt

Tôi là Đại sứ Việt Nam ở Nhật Bản nhiệm kỳ 2015 – 2018. Hơn 3 năm đó tôi có nhiều dịp tiếp xúc với Thủ tướng Abe Shinzo, đặc biệt trong các dịp lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm Nhật Bản, có những chuyến thăm rất ấn tượng

Qua một số tiếp xúc cá nhân và nhân các sự kiện đối ngoại, tôi cảm nhận rõ tình cảm của ông Abe với Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Nhiều ngoại lệ đặc biệt ông Abe Shinzo dành cho Việt Nam - Ảnh 1.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường và phu nhân chụp ảnh cùng Thủ tướng Abe Shinzo và phu nhân. Ảnh: FB Đại sứ.

Những ngoại lệ đặc biệt

Câu nói của ông Abe Shinzo mà tôi nhớ nhiều nhất là một cam kết của ông thúc đẩy quan hệ với Việt Nam: Tôi muốn tay trong tay với lãnh đạo Việt Nam để đưa quan hệ phát triển sâu rộng hơn nữa".

Ông Abe không chỉ nói mà còn hành động. Quan hệ Việt Nhật phát triển rất sâu rộng và thực chất với sự thúc đẩy của ông Abe. Tất cả lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi các chuyến thăm, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam năm  2017. Riêng Thủ tướng Abe 4 lần thăm chính thức Việt Nam. Có lẽ Việt Nam là nước ngoài ông tới thăm nhiều nhất trừ Mỹ. Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện Nhật cũng đều đã có các chuyến thăm Việt Nam.

Nhật Bản cũng đã đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  với tư cách quốc khách vào tháng 9/2015, chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản năm 2018. Trong 5 năm có 2 chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản, là một ngoại lệ rất đặc biệt riêng cho Việt Nam. Thủ tướng ta năm nào cũng thăm Nhật Bản và có nhiều trao đổi sâu sắc. Tại các hội nghị quốc tế có mặt lãnh đạo 2 bên, ông Shinzo đều muốn có các tiếp xúc với phía Việt Nam.

Tin rằng Việt Nam có tiếng nói hàng đầu khu vực

Ông Abe luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Ông cho rằng Việt Nam đi đầu, có tiếng nói trong khu vực Đông Nam Á và ASEAN.

Chính phủ Abe một mặt đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam, đồng thời muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường vai trò, vị thế đó.  Khi Nhật Bản là chủ nhà hội nghị cấp cao G7 năm 2006 thì Thủ tướng Việt Nam được mời tham dự. Khi Nhật là chủ nhà G20 năm 2019, Thủ tướng Việt Nam tiếp tục  được mời tham dự. Đó là những cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, có những tiếng nói trong khu vực và toàn cầu. Với những lời mời này, ông  Abe Shinzo mong muốn Việt Nam nâng cao vị thế và có những đóng góp toàn cầu.

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo dành tình cảm rất yêu quý Việt Nam.  Ông đánh giá cao, hỗ trợ Việt Nam rất nhiều. Ông có nhiều ấn tượng với Việt Nam. Ông nói mỗi lần tới thăm Việt Nam lại thấy những thay đổi, sức trẻ, thấy người Việt Nam cần cù chịu khó, vì thế ông mong muốn gia tăng hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Nhiều ngoại lệ đặc biệt ông Abe Shinzo dành cho Việt Nam - Ảnh 2.

Chuyến tàu riêng

Ông cũng nói rằng Việt Nam là bạn bè thủy chung, trước sau như một. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản sau khi nhậm chức năm 2016, Thủ tướng Abe lúc đó đã phá lệ mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia G7 mở rộng.

Nhưng hơn thế, khi đó mặc dù rất bận với các đoàn cấp cao các lãnh đạo G7, Thủ tướng Abe đã mời riêng đoàn Việt Nam đi tàu riêng từ Nie về Tokyo, tổ chức đón, hội đàm như thăm chính thức.

Trong chiêu đãi thân mật lúc đó, ông Abe nói rằng ông yêu quý và gắn bó với Việt Nam từ khi là một nghị sĩ, tới khi là Thủ tướng vẫn nguyên tình cảm đó;  và ông luôn cảm nhận sức sống mãnh liệt vươn lên của Việt Nam. Khi ông là Thủ tướng năm 2006, ông được lãnh đạo Việt Nam đón tiếp như người bạn thân tình. Sau đó dù không còn là thủ tướng mà thăm Việt Nam với tư cách nghị sĩ, ông vẫn được đón tiếp trọng thị. Vì thế ông luôn trân trọng rằng người Việt Nam rất thủy chung. Do vậy khi đắc cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 12/2012, thì ngay tháng 1/2013 ông chọn thăm Việt Nam đầu tiên.

Món quà vô giá từ ngài Thủ tướng

Cá nhân tôi với cựu Thủ tướng Abe có khá nhiều kỷ niệm. Chẳng hạn khihi biết tôi có ý định thăm quê ông ở tỉnh Yamagachi, ông đã cho Văn phòng nội các bố trí chuyến thăm rất chu đáo. Tôi đã được tới thăm các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp của tỉnh, các di tích lịch sử văn hóa, qua đó tôi hiểu hiểu Yamaguchi là cái nôi của Cách mạng Minh Trị Duy Tân, mở đầu cho sự phát triển của Nhật Bản từ thế kỷ 19 – 20 đến nay.

Một kỷ niệm nữa là trước khi tôi kết thúc nhiệm kỳ rời Nhật Bản về nước, tôi nhận được món quà bất ngờ từ Thủ tướng Abe Shinzo lúc đó: Bức thư của cá nhân Thủ tướng, trong đó ông đánh giá cao nỗ lực đóng góp của cá nhân tôi với tư cách đại sứ trong mấy năm qua, thay mặt người dân Nhật Bản cảm ơn sự đóng góp của tôi. Đó là món quà có ý nghĩa  vô giá, một cử chỉ đặc biệt của Thủ tướng Abe dành cho tôi.

Adblock test (Why?)