Trong bài bình luận được xuất bản ngày 1/5, DW viết, khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bước sang tháng thứ 3, một câu hỏi đặt ra là liệu Tổng thống Putin có thể tuyên bố chiến thắng nào đó vào ngày 9/5, ngày đánh dấu chiến thắng của Nga trước Đức Quốc xã vào năm 1945 hay không? Các lực lượng Nga đang tham chiến ở Ukraine được cho là đã được giao mục tiêu phải giành được một chiến thắng nào đó vào ngày 9/5 tới.
Người Ukraine, sau tất cả, vẫn đang kháng cự quyết liệt. Trong khi đó, các lực lượng Nga dù đã thu hẹp mục tiêu so với mục tiêu ban đầu, rút khỏi Kiev để chuyển trọng tâm sang "chinh phục" các vùng phía Đông và Nam Ukraine, nhưng vẫn chưa giành được ưu thế và thành tựu đáng kể, theo đánh giá mới đây của Lầu Năm góc.
Theo DW, quân Nga đã "được chào đón" ở Ukraine bằng sự kháng cự quyết liệt chứ không phải bằng hoa lá. Mỗi ngày xung đột kéo dài, tổn thất sẽ ngày càng tồi tệ hơn và số lượng binh lính Nga thiệt mạng có lẽ sẽ càng nhiều hơn.
Cuộc xung đột với Ukraine cũng khiến nước Nga bị phương Tây cô lập và cấm vận chưa từng thấy. Phương Tây cũng đang hướng tới việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong vòng vài tháng. Cuộc xung đột cũng khiến người Đức, một nhóm dân cư vốn thích hòa hợp tán thành lập trường cứng rắn hơn với Nga. Các nhà lập pháp Đức đã chấp nhận gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine. Những chính trị gia cánh tả trong Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh đã quyết định rót hàng tỷ Euro chi tiêu quốc phòng để củng cố các lực lượng vũ trang của chính nước Đức.
Trong vòng vài tháng, theo DW, nước Đức đã thay đổi theo cách mà họ đã không làm trong nhiều thập kỷ.
Các nước châu Âu khác cũng phản ứng theo cách tương tự. Phần Lan và Thụy Điển đang xem xét gia nhập NATO. Và Nhật Bản cũng đã quyết định tăng cường khả năng phòng thủ của mình theo sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bằng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, theo DW, Tổng thống Putin đã "hồi sinh" NATO - một liên minh quân sự từng bị chính một số thành viên mô tả là "chết não".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố châu Âu không thể tiếp tục trông chờ vào khả năng phòng vệ tập thể của NATO vì liên minh đang "chết não", theo Reuters.
"Những gì chúng ta đang chứng kiến là một NATO đang chết não", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố với tờ The Economist trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 7/11/2019 khi ông bày tỏ hoài nghi về sự lung lay của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện nay.
Thậm chí, khi được hỏi liệu ông còn tin vào Điều 5 về Phòng vệ Tập thể của NATO, trong đó quy định cuộc tấn công nhằm vào một nước thành viên NATO sẽ được xem như cuộc tấn công nhằm vào cả tổ chức, ông Macron từng trả lời: "Tôi không rõ nữa".
Nhưng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được cho là đã thúc đẩy phản ứng cứng rắn và đồng nhất đáng kinh ngạc của các thành viên NATO.
Mỹ đã cam kết hỗ trợ hơn 30 tỷ USD (28,5 tỷ Euro) để giúp Ukraine tự vệ. Liên minh châu Âu cũng hành động tương tự.
Theo DW, hiện không ai nói về một chiến thắng chóng vánh của Nga ở Ukraine - ngược lại, NATO dự đoán cuộc xung đột này sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Lầu Năm Góc đã không còn che giấu ý định của Mỹ để làm nước Nga suy yếu đến mức không thể tiến hành bất cứ một chiến dịch quân sự nào khác trong tương lai.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 26/4 tuyên bố, Nga đang suy yếu cả về mặt kinh tế lẫn quân sự khi đưa quân vào Ukraine. Ông Kirby công khai tuyên bố mục tiêu của Washington là muốn Moscow yếu đến mức không còn đe dọa được nước khác.
Tuyên bố của ông Kirby trên thực tế lặp lại lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin một ngày trước đó. Theo đó, trong cuộc họp báo sau khi thăm Kiev ngày 25/4, ông Austin đã tuyên bố rằng, Mỹ muốn Nga yếu đến mức không thể lặp lại các hành động quân sự như đã từng làm với Ukraine.
Theo DW, trong khi Nga đang "suy yếu" thì phương Tây đang lớn hơn, đoàn kết hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Như vậy, bằng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã "vô tình" thống nhất phương Tây, mở rộng NATO và thúc đẩy nước Đức tái vũ trang, DW lập luận.
Đăng nhận xét