Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, mai mực là một vị thuốc quý trong Đông Y.
Theo đó, mai mực vị mặn, tính bình, có tác dụng thông huyết mạch, trừ hàn thấp, cầm máu, bổ phế, hút nước chua dạ dày.
Về thành phần hóa học, trong mai mực có các muối calci cacbonat, canxi photphat, muối natri clorua, các chất hữu cơ, chất keo.
Mai mực là một vị thuốc quý trong Đông Y.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, cách bào chế mai mực để dùng tương đối đơn giản, thường người ta lấy mai mực, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài, ngâm nước cho đến khi hết mặn, sau đó phơi hoặc sấy khô, khi dùng tán bột, sao kỹ.
Mai mực có tác dụng thông huyết mạch, khử hàn thấp và cầm máu, thường dùng để chữa thổ huyết, ho, nôn ra máu, chảy máu cam, đi ngoài xuất huyết, phụ nữ bị bế kinh. Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung cũng lưu ý, người âm hư thì không nên dùng.
Một số bài thuốc có thành phần mai mực được lương y Vũ Quốc Trung khuyên dùng như sau:
1. Cầm máu vết thương
Dùng bột mai mực tán rắc vào vết thương để cầm máu: từ 4-8 gam bột.
2. Chữa nôn hoặc ho ra máu (thổ huyết)
Mai mực (ô tắc cột) tán nhỏ ngày uống 4-5 lần, mỗi lần 2 gam với nước hoặc nước cơm để chữa nôn hoặc ho ra máu.
3. Chữa viêm tai giữa
Người bị viêm tai giữa, tai có mủ có thể dùng 2 gam mai mực (ô tắc cột), xạ hương 0,4 gam tán nhỏ, chấm vào bông tăm vào tai.
4. Chữa âm hộ lở loét
Dùng mai mực (ô tắc cột) đốt thành than trộn với lòng đỏ trứng gà để bôi vào chỗ lở loét của âm hộ.
5. Chữa viêm loét dạ dày-tá tràng
Mai mực 40g, cam thảo 24g, thổ bối mẫu 12g. Đem các vị tán nhỏ thành bột. Người lớn mỗi lần uống 10g, ngày uống 2 lần vào lúc đói.
6. Trẻ em chậm lớn
Ngày uống 4-8g bột mai mực. Dùng 7-10 ngày, nghỉ 1 tuần, sau lại dùng tiếp nếu cần thiết.
7. Chữa đại tiện ra máu
Mai mực nướng vàng, tán bột mỗi lần uống 4-8g với nước hoặc nước cơm.
Đăng nhận xét