"Thấy các mẹ khoe con, bé nào cũng mập mà em chạnh lòng quá, sữa em không mát, làm mẹ như em tệ quá phải không mom?
Em sợ cảm giác con bị viêm ruột, em không dám nghĩ lại, mỗi lần con đi cầu là em phải săm soi phân con thế nào? Em chỉ mong con em sống khỏe mạnh thôi".
Đó là những dòng chia sẻ của chị Hoàng Thị Hòa (25 tuổi, Đắk Lắk) trong một nhóm các mẹ bỉm sữa khiến ai cũng phải nghẹn lòng. Trò chuyện thêm với chị Hòa mới hiểu được, đôi khi mong ước lớn nhất của một người làm mẹ không phải là con lớn lên xinh đẹp, đáng yêu mà chỉ đơn giản là con thật khỏe mạnh.
Chị Hòa và con trai Trọng Tấn (7 tháng tuổi)
Chị Hòa kể, với vóc dáng người nhỏ nhắn, khi biết tin mình mang song thai, cả chị và chồng đều lo lắng, sợ mẹ sẽ không đủ sức chăm lo cho con được tốt.
Thế là suốt 7 tháng đầu mang thai, chị đi khám bác sĩ liên tục. Tin buồn bắt đầu ập đến khi ở tháng thứ 7, chị được bác sĩ thông báo mắc tiền sản giật, sợ không giữ được hai bé trong bụng. Và kết quả, "hai con chuột 8 lạng và 1kg chào đời khi mới 29 tuần 5 ngày tuổi. Bác sĩ nói cơ hội sống của con em chỉ 60% thôi, 2 bé quá yếu". Đó là những lời bác sĩ nói mà chị Hòa nhớ như in trong đầu, không thể nào quên.
Chưa kịp vui mừng vì chào đón con song sinh, chỉ 5 ngày sau, người mẹ trẻ và gia đình đau đớn tiễn đưa bé anh. "Sau 5 ngày giành giật sự sống, nghe chồng mình kể lại, bé anh bị suy hô hấp, thủng ruột, xuất huyết phổi, vào nhìn thấy con chảy máu mắt, ộc máu miệng. Mình đã mất bé anh rồi. Lúc đó mình còn trong bệnh viện, còn chưa thấy mặt con. Hy vọng cuối cùng của mình là ở bé em - Phạm Trọng Tấn", chị Hòa buồn bã nhớ lại.
Thế rồi, sau 35 ngày trong lồng kính, cuối cùng bà mẹ trẻ kiên cường cũng được gặp con.
Bé Tấn may mắn hơn anh trai khi bảo toàn được mạng sống sau sinh.
"Nhìn con bé xíu nằm trọn trong vòng tay, mình không cầm được nước mắt. Bé lúc này bị bệnh võng mạc phải qua Nhi đồng mổ mắt, chuỗi ngày sợ hãi lại bắt đầu.
Lúc con nhập viện mình phải thức trắng 2 đêm trông con vì sợ con không thở được, mổ mắt xong con bị viêm phổi phải ở lại bệnh viện 2 tuần".
Bé Tấn được về với gia đình sau cuộc phẫu thuật mổ mắt.
Sau chuỗi ngày tháng đó, gia đình họ hàng chị Hòa vui mừng được ít hôm khi bé Tấn trở về nhà thì lại canh cánh nỗi lo khi con tiếp tục nhập viện vì viêm ruột.
"10 ngày kinh hoàng bắt đầu, con em bụng chướng như quả bóng, ộc sữa liên tục, đi ngoài ra máu, nhìn con rên chứ không thể khóc em sợ hãi, em sợ lại mất đi đứa con này.
Mỗi ngày trôi qua là cả 1 cực hình, con phải nhịn ăn 5 ngày, truyền kháng sinh và dịch, dây dựa đầy mình, một ngày 2 lần vào thăm con trong phòng cấp cứu, mỗi lần chỉ được 30 phút, nhìn con chỉ nằm im không có sức để khóc, mở mắt nhìn mẹ", chị Hòa đưa tay lau những giọt nước mắt khi nhớ lại tình cảnh của Tấn lúc đó.
Những ngày tháng Tấn trong viện điều trị viêm ruột.
Sau nỗi đau mất đi đứa con cả, chị Hòa một lần nữa "đau như muốn chết đi" khi cầm kết quả siêu âm mà bác sĩ đưa cho. Trọng Tấn bị nang trong não, hở van tim và có 1 lỗ trong tim, thoát vị bẹn. Chị cứ ngỡ rằng cơ hội con được sống là vô cùng mong manh, chị hoang mang tột độ nghĩ rằng đứa con duy nhất còn lại cũng sắp bỏ mẹ, bỏ bố, bỏ cả gia đình để "đi theo anh".
Thế rồi, phép màu đã đến. "Bé đang hồi phục, bé bắt đầu ăn được 3ml sữa rồi lên 5, 10, 15, 20, 25. Tình hình tốt lên rồi bé được bác sĩ cho xuất viện. Sau hơn 10 ngày chống chọi, cuối cùng cũng được về nhà. 2 tháng sau sinh bé có 1,3 kg", chị Hòa chia sẻ.
Cũng theo chị Hòa, trong suốt khoảng thời gian đó đến nay, Trọng Tấn nhiều lần bị ốm và phải nhập viện thêm 1 một lần nữa. Nay bé đã tròn 7 tháng tuổi, phải uống sữa mẹ hoàn toàn để tránh bị viêm ruột lại.
Hình ảnh Trọng Tấn hiện tại
"Tình hình sức khỏe hiện tại trộm vía bé vẫn tốt. Bé đã biết lật, nặng 4,6kg và dài 55cm. Ngày 25/4 tới đây bé sẽ nhập viện mổ thoát vị bẹn. Sau cuộc phẫu thuật bẹn, mình sẽ tính tiếp đến việc điều trị sứt môi cho con".
Nói về quãng thời gian chăm con, chị Hòa không thể quên nó vất vả đến nhường nào. "Vì bé hay ốm, nhất là về đường ruột nên mình cũng lo lắm, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Bố đi làm chỉ 2 mẹ con ở nhà. Nhiều khi đành phải để bé chơi 1 mình để mẹ đi làm việc cá nhân nhưng luôn cố gắng nhanh nhất có thể để không để con phút giây nào vắng mẹ.
Lúc mới về, bé yếu nên khóc suốt, mọi người trong nhà phải thay nhau suốt đêm trông Tấn. Một ngày mình chỉ ngủ được 3 tiếng thôi. Giờ con lớn hơn nên đỡ vất vả hơn rồi.
Dù 7 tháng nhưng do con sinh non nên tính ra mới được 5 tháng. Mình cũng chưa cho con ăn dặm gì ngoài sữa mẹ vì rất có thể sẽ làm bé bị nghẽn ruột. Tất cả phải theo sự tư vấn của bác sĩ".
Vừa chăm con nhưng cũng phải lo kinh tế giá đình, vì thế, chồng chị Hòa cũng không thể ở nhà giúp vợ được nhiều. Anh vẫn phải đi làm, ngoài giờ làm thì phụ vợ chăm con, chơi với con.
Những ngày con nhập viện, anh luôn cố gắng tranh thủ được phút nào vào viện thăm con, đỡ đần vợ thì hay phút ấy, bởi nếu nghỉ cả thì cơ hội điều trị hoàn toàn cho con ngày lại càng mong manh.
Chồng chị Hòa luôn cố gắng dành thời gian rảnh rỗi để chơi với con.
Thế nhưng, dù có thế nào, vợ chồng chị Hòa luôn đồng tâm hiệp lực chữa trị, yêu thương con nhất có thể bởi Trọng Tấn chính là đứa trẻ mang trong mình hai sinh mạng, cho bé và cho cả anh trai mình.
Với chị Hòa cũng như chồng, sẽ luôn cố gắng chữa trị và yêu thương Trọng Tấn nhiều nhất có thể.
Đăng nhận xét