Theo thống kê của Hội Thận học Thế giới, ước tính khoảng 500 triệu người đang có vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận. Khoảng 3 triệu người bệnh trên thế giới đang sống nhờ các biện pháp thay thế.
Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Bệnh nhân suy thận phải lọc máu chu kỳ hay còn gọi là chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
Họ đối diện với nhiều nguy cơ cao, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thứ nhất: Tụt huyết áp.
Trong chạy thận nhân tạo, tụt huyết áp liên quan đến thể tích máu giảm quá mức hoặc giảm quá nhanh. Tụt huyết áp trong chạy thận bắt nguồn chủ yếu từ giảm thể tích máu do rút dịch (siêu lọc) mà đáp ứng huyết động bù trừ không đủ.
Duy trì thể tích máu trong chạy thận dựa chủ yếu vào sự tái làm đầy lòng mạch từ mô kẽ, một quá trình có tốc độ thay đổi tùy bệnh nhân. Giảm thể tích máu làm giảm đổ đầy tim, gây ra giảm cung lượng tim và cuối cùng là tụt huyết áp.
Thứ hai: Chuột rút
Nguyên nhân gây chuột rút chưa được biết đến nhưng có bốn yếu tố thuận lợi gây ra, gồm tụt huyết áp, giảm thể tích (bệnh nhân thấp hơn trọng lượng khô), tốc độ siêu lọc cao (tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận), và dùng dịch lọc có nồng độ natri thấp.
Tất cả các yếu tố này dường như tạo thuận lợi cho co mạch, gây giảm tưới máu cơ làm rối loạn thư giãn cơ. Chuột rút thường xảy ra nhất khi tụt huyết áp. Sau đó chuột rút thường kéo dài dai dẳng dù huyết áp đã phục hồi đầy đủ. Tần suất chuột rút tăng theo lôgarit với nhu cầu rút dịch. Mức rút dịch 2%, 4% và 6% lần lượt liên quan đến tần suất chuột rút là 2%, 26% và 49%.
Bệnh nhân chạy thận đối diện với nhiều biến chứng có thể xảy ra.
Chuột rút cũng thường gặp ở tháng đầu của chạy thận hơn là giai đoạn về sau.
Ngoài ra: Hạ magiê máu cũng có thể gây chuột rút kháng trị trong lúc chạy thận. Hạ can xi máu cũng nên được xem như là một nguyên nhân tiềm tàng, đặc biệt ở bệnh nhân được dùng dịch lọc có nồng độ canxi tương đối (1.5 mM) và thuốc gắn phospho không chứa canxi và/hoặc cinacalcet. Hạ kali máu trước chạy thận sẽ nặng thêm bởi nồng độ kali dịch lọc thường dùng (2 mM) và cũng có thể gây chuột rút.
Thứ ba: Nôn và buồn nôn
Biến chứng này xảy ra lên tới 10% trường hợp chạy thận thường quy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ở bệnh nhân ổn định, hầu hết do tụt huyết áp. Buồn nôn và nôn có thể có triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng.
Bệnh nhân chạy thận dường như bị buồn nôn và nôn dễ hơn những bệnh nhân khác (nhiễm trùng hô hấp, dùng thuốc gây nghiện, tăng canxi máu); chạy thận có thể làm nặng triệu chứng này trong các bệnh lý trên.
Thứ tư: Nhức đầu
Nhức đầu thường gặp trong lúc chạy thận, nguyên nhân thường chưa rõ. Có thể là triệu chứng kín đáo của hội chứng mất cân bằng. Với nhức đầu không điển hình hoặc quá nặng, nên xem xét nguyên nhân thần kinh (đặc biệt là xuất huyết thúc đẩy bởi thuốc kháng đông).
Phòng biến chứng này bằng cách giảm nồng độ natri dịch lọc có thể có ích ở bệnh nhân đang dùng dịch lọc có nồng độ natri cao.
Thứ 5: Đau ngực và đau lưng
Đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực (thường ít nhiều có đau lưng kèm theo) xảy ra trong 1-4% bệnh nhân chạy thận. Nguyên nhân không rõ. Không có xử trí hay phòng ngừa đặc hiệu, mặc dù chuyển qua dùng một loại màng lọc khác có thể có lợi. Xảy ra đau thắt ngực trong chạy thận là thường gặp, và phải được chẩn đoán phân biệt với nhiều nguyên nhân đau ngực khác (ví dụ tán huyết, thuyên tắc khí, viêm màng ngoài tim).
Thứ sáu: Ngứa
Ngứa, một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân chạy thận, đôi khi được thúc đẩy hoặc nặng lên do chạy thận. Ngứa xảy ra chỉ trong chạy thận, đặc biệt nếu có kèm các triệu chứng dị ứng nhẹ khác, có thể là triệu chứng của dị ứng mức độ nhẹ với màng lọc hoặc thành phần của dây chạy thận.
Tuy nhiên, thường gặp là ngứa mãn tính, được ghi nhận trong lúc chạy thận khi bệnh nhân phải ngồi lâu (bệnh nhân có thể nằm trên giường hay ngồi ghế trong lúc chạy thận). Không nên bỏ qua viêm gan siêu vi (hoặc do thuốc) như là nguyên nhân tiềm tàng của ngứa.
Ngoài ra, khi chạy thận người bệnh còn có biến chứng sốt và ớn lạnh. Biến chứng ít gặp nhưng nghiêm trọng bao gồm hội chứng mất cân bằng, phản ứng dị ứng, rối loạn nhịp tim, chèn ép tim, xuất huyết nội sọ, co giật, tán huyết và thuyên tắc khí.
Bạn bị bệnh phụ khoa, nam khoa, những căn bệnh khó nói, trẻ có dấu hiệu bệnh hoặc những triệu chứng không rõ nguyên nhân, lo lắng bệnh nặng, dấu hiệu nghi ung thư… Hãy gửi chia sẻ về chuyên mục Sức khỏe tại địa chỉ Suckhoe@khampha.vn. Các câu hỏi của bạn sẽ được các chuyên gia y tế, bác sĩ trả lời để có những cách chữa trị kịp thời nhất. |
Đăng nhận xét