Sáng 31-5, mạng xã hội Facebook truyền tay nhau một câu chuyện đầy tính nhân văn về lòng tin giữa con người với nhau. Chúng tôi đã đi tìm hiểu sự thật, kết quả thật bất ngờ.
Không biết tên, vẫn cho vay tiền
Anh Nguyễn Trọng Lịch (Hà Nội) chia sẻ sáng cùng ngày, anh tới một cửa hàng trên phố Chùa Láng để mua bánh sinh nhật cho con trai. Tuy nhiên, khi chuẩn bị thanh toán, anh phát hiện mình quên ví ở nhà, điện thoại thì hết pin, không làm cách nào để xác định danh tính. Anh lại đang rất vội, con trai thì đang cần bánh ngay nên không biết giải quyết như thế nào.
Điều bất ngờ đã xảy ra, nữ nhân viên của cửa hàng thấy vậy đã sẵn sàng cho anh mang bánh về, chỉ đưa số tài khoản để anh gửi trả tiền sau.
Nữ nhân viên tiệm bánh tốt bụng trong câu chuyện đầy tính nhân văn. Ảnh: TUYẾN PHAN
Giá trị chiếc bánh không quá lớn, nhưng cảm kích trước hành động tốt bụng cũng như lòng tin với người khác, anh Trọng sau khi về nhà gọi điện cảm ơn, đồng thời gửi trả tiền bánh kèm theo một số tiền tương đương chiếc bánh nhằm bày tỏ sự biết ơn với nữ nhân viên kia.
Ngoài ra, anh còn viết thư cảm ơn, gửi trực tiếp tới đơn vị quản lý của chị. Trong thư, anh nói: “Tôi nghĩ rằng nên viết thư cảm ơn ông/bà và quý công ty đã tuyển dụng, đào tạo nhân viên rất tốt. Nếu tôi không trả tiền bánh thì chắc chắn chị nhân viên sẽ phải bỏ tiền túi bù vào thiệt hại vì lòng tin của mình. Hành động của chị cho thấy sự tận tụy trong việc phục vụ khách hàng và nỗ lực bán hàng. Cao hơn nữa, nó gieo cho chúng tôi niềm tin vào sự lương thiện của con người. Hôm nay là một ngày vui của bố con tôi và chị”.
Không trả coi như mất một bữa cơm!
Chị nhân viên cửa tốt bụng nói trên chính là Nguyễn Thị Trang (33 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội), đã làm việc tại cửa hàng 6 năm.
Khi phóng viên tới gặp và chia sẻ về câu chuyện của anh Lịch, chị vô cùng bất ngờ. Trước đề nghị muốn đưa hành động nhân văn này lên báo để cộng đồng biết tới, chị liên tục cười rồi từ chối vì “nó rất bình thường mà”. Phải thuyết phục một hồi, chị mới đồng ý với chúng tôi.
Chị nói đã cho nhiều khách nợ tiền, có người trả nhưng cũng có người không. Ảnh: TUYẾN PHAN
Chị kể hồi sáng có một người đàn ông tới mua bánh, khi thanh toán tiền thì người này mới biết mình quên ví. Anh ta đặt vấn đề có ship hay không, nếu có thì sẽ thanh toán khi nhận được bánh. Thế nhưng cửa hàng chỉ có một mình nên chị không thể.
Thấy khách cần lấy bánh ngay, trong khi đó nhà lại ở cách xa so với cửa hàng, nếu đi lại sẽ rất mất công nên không mảy may suy nghĩ, chị nói cứ cầm bánh về rồi đưa số tài khoản ngân hàng để gửi trả sau.
“- Chị có biết tên, địa chỉ cụ thể của khách không? Không sợ họ quỵt sao?
- Không , chị cười tươi. Tôi chỉ biết anh ta ở phố Khâm Thiên thôi, không trả thì coi như mất một ngày công vậy!”
Anh Lịch chuyển tiền bánh kèm theo số tiền gửi thêm và lời cảm ơn. Ảnh: TUYẾN PHAN
Đây không phải lần đầu chị cho khách mua chịu. Chị từng gặp rất nhiều khách, nhất là sinh viên khi mua bánh bị thiếu 30-40.000 đồng. Những trường hợp vậy, chị đều cho nợ, nhưng có người trả, cũng có người không.
“- Chị có 2 con nhỏ, một chiếc bánh là một ngày ăn của hai đứa, nếu khách không trả tiền cũng có nghĩa là chính con mình chịu thiệt?
- Thì kệ thôi, coi như mình mất một bữa cơm và ai đó đã ăn giùm mình bữa cơm đó".
Chị cho biết bình thường rất thích giúp đỡ người khác, nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ được ai đó phải giúp hoặc mong trả ơn. Khi xem những trường hợp nghèo khó trên tivi hoặc mạng xã hội, chị hay rơi nước mắt và chỉ ước mình có thật nhiều tiền để giúp đỡ họ.
Chị nói nhiều lúc cũng đặt câu hỏi sao một người không quen biết gì mà mình cũng có thể cho vay được, nhưng bản tính đã vậy nên chị cứ làm hoài. Đến khi nhận được tin nhắn thông báo chuyển khoản từ ngân hàng, chị rất bất ngờ.
“Chiếc bánh chỉ có 260 ngàn nhưng anh ấy gửi tận 500 ngàn, tôi liền gọi lại hỏi họ có chuyển nhầm không. Khi họ nói gửi tặng để cảm ơn sự tin tưởng của tôi, tôi thấy rất ngại vì nó là điều rất bình thường” – chị cười tươi.
Đăng nhận xét