Những tật xấu hằng ngày đẩy vợ chồng đến ly hôn

Những thói quen gây hại nhất lại không phải là ngoại tình hay bạo hành mà là những điều vụn vặt đến mức bạn không ngờ tới.

Nói xấu nhau sau lưng

Rất nhiều người, đặc biệt là các bà vợ, có thói quen này. Thường xuyên kể xấu về vợ/chồng có thể thực sự khiến sự tôn trọng với bạn đời trong lòng bạn giảm xuống. Nếu vô tình để họ biết thì sẽ là tổn thương rất lớn. Khi phát hiện 1, họ có thể suy diễn rằng đã có đến hàng trăm lời nặng nề cỡ đó trở lên.

Từ đó, những cảm xúc tiêu cực, các so sánh nghiêng về chiều hướng xấu cũng đến, hóa thành lời chỉ trích, cãi vã.

Không thay đổi định kiến

Luôn luôn “ghim” những điểm xấu của nhau không khiến bạn đời tốt lên mà chỉ khiến tâm trạng bạn xấu đi. Thói quen suy nghĩ tiêu cực này sẽ đưa bạn đến thái độ tiêu cực tương tự, thể hiện rõ qua cách đối xử với đối phương. Tất nhiên người ta sẽ nhận ra. Nếu bạn đời không phải là người bao dung với mình nhất đó sẽ là nỗi thất vọng lớn.

Không đặt mình vào vị trí của nhau

Đàn ông thường gặp khó khăn trong việc nhìn mọi việc bằng quan điểm của bạn đời, một phần vì cấu tạo sinh học và tâm lý của giới tính. Tuy nhiên, những cuộc hôn nhân mà chồng không bao giờ chịu chấp nhận quan điểm của vợ chỉ đưa đến kết cuộc chia tay.

Trong khi đó, nếu vợ không chia sẻ, thấu hiểu được những khó khăn mà chồng mình đang trải qua, “châm chước” một chút cho chàng thì những lời trách móc liên tục sẽ như màn tra tấn hằng ngày với anh ấy.

Quá nóng nảy

Nóng tính không phải là điều tốt, nó sẽ đẩy bạn đời ra xa, khiến họ e ngại, sợ hãi ở gần bạn.

Dù đàn ông là phái mạnh nhưng người hay thiếu kiềm chế khi tranh cãi lại là phụ nữ. Họ dễ nổi nóng, tranh cãi tiêu cực nhiều hơn trong những tình huống đáng lẽ cần bình tĩnh để xem xét tình hình. Ngay cả khi nóng giận, bạn vẫn nên kiểm soát giọng nói và phát ngôn của mình. Ông bà đã nói “đừng nói thỏa giận” vì sẽ có những lời mà người nghe không bao giờ quên.

Không biết điểm dừng

Một khi cuộc tranh cãi nổi lên, nó rất dễ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Khi ấy, cả cơ chế sinh học của cơ thể bạn cũng đi vào tình trạng "chiến đấu". Bạn có thể hoàn toàn mất khả năng suy nghĩ và rối loạn ngôn từ.

Khi phát hiện ra rằng mình không còn có thể nói năng tỉnh táo, chỉ muốn la hét giận dữ, tốt nhất là bạn nên im lặng để bình tĩnh lại.

Luôn che giấu cảm xúc

Bài liên quan: 

Có người khi gặp tình trạng xúc động mạnh lại quá điềm tĩnh, kiềm chế đến mức triệt tiêu cả khả năng bày tỏ cảm xúc của mình. Thế nhưng làm như thế lại khiến bạn đời bối rối, không hiểu được ý bạn. Nếu giữ góc riêng quá kiên cố với chính bạn đời của mình bạn sẽ khiến họ nản lòng và đi chia sẻ với…người khác.

Không bao giờ tranh cãi

Không ai có thể luôn luôn đồng tình với nhau trong tất cả mọi việc. Khi hai người thậm chí không hề tìm cách để thấu hiểu, giải thích để đối phương hiểu mình hơn. Nếu có ấm ức và bạn cứ bỏ qua, không quan tâm thì mối quan hệ vợ chồng sẽ chết dần.

Đặt sang bên các vấn đề quan trọng quá lâu

Ví dụ việc mua nhà, sinh con… khi có bất đồng trong quan điểm một trong hai hoặc cả hai không rốt ráo giải quyết.

Thời gian cứ thế trôi qua và có thể sẽ làm lỡ dở những việc quan trọng trong cuộc sống chung. Khi ấy, sự thất vọng và oán giận có thể sẽ là liều thuốc độc cho hôn nhân của bạn.