Chuyên gia cảnh báo Nga có thể 'cắt đứt' châu Âu khỏi phần còn lại của thế giới

Chuyên gia cảnh báo Nga có thể 'cắt đứt' châu Âu khỏi phần còn lại của thế giới - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có khả năng tách châu Âu ra khỏi phần còn lại của thế giới (Ảnh: Getty / Teleography)

Sau vụ "phá hoại" đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 khiến khí đốt rò rỉ ra biển Baltic vào tuần trước, tình trạng an toàn của hệ thống đường ống, bao gồm cả cáp internet đặt dưới biển, đã bị đặt dấu hỏi. 

Brandon Weichert, cựu thành viên quốc hội và là tác giả cuốn sách 'Chiến thắng không gian: Cách nước Mỹ duy trì một siêu cường', nói với Express.co.uk: "Nếu Hải quân Nga cắt bỏ dù chỉ một phần nhỏ của những sợi cáp dưới biển, châu Âu sẽ bị ngắt kết nối với phần còn lại của thế giới, và thông tin liên lạc sẽ chậm một cách thảm hại".

"Nga (và Trung Quốc) có kế hoạch vô hiệu hóa các vệ tinh quan trọng của chúng tôi quay quanh Trái đất. Động thái cắt các cáp thông tin liên lạc quan trọng dưới biển nối châu Âu với phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ cô lập châu Âu (và cả Ukraine) khỏi Mỹ".

"Tất nhiên, các dây cáp có thể được sửa chữa, nhưng chúng tôi sẽ cần thời gian để xác định vị trí thực tế của vụ phá hoại, cần thời gian để sửa chữa và thậm chí có thể lâu hơn nếu người Nga tấn công thợ. Ngoài ra, Nga cũng có thể phá hoại các điểm khác trên dây cáp".

"Thời gian sửa cáp càng lâu, tình hình càng trở nên khó khăn", ông nhấn mạnh.

Các bên đều cho rằng việc hư hại đường ống Nord Stream 1 và 2 là do phá hoại có chủ ý, và mỗi bên đều nghi ngờ bên kia là thủ phạm. Nhưng ngay cả các chuyên gia phương tây cũng có các ý kiến khác nhau. 

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc và Đại tá Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Douglas Macgregor tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn đầu tuần lại cho rằng chính phương Tây nhúng tay vào vụ này. Ông nói Washington và London có nhiều khả năng là thủ phạm đằng sau các cuộc tấn công vào đường ống Nord Stream; âm mưu phá hoại nhằm mục đích bắt buộc Đức phải trang bị cho các lực lượng Ukraine chống lại Nga.

Theo Ủy ban Bảo vệ Cáp Quốc tế, cáp dưới biển đóng vai trò quan trọng đối với cơ sở hạ tầng truyền thông toàn cầu, chiếm khoảng 95% tổng lưu lượng dữ liệu xuyên Đại Tây Dương. Tính đến năm 2022, có 530 tuyến cáp ngầm đang hoặc có kế hoạch hoạt động.

Đã có những nỗ lực đang được thực hiện nhằm theo dõi mối đe dọa. Ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã xác nhận rằng London sẽ cử hai tàu chuyên dụng để tuần tra và bảo vệ mạng lưới dưới biển của Anh khỏi Nga vì "internet và năng lượng của nước này phụ thuộc nhiều vào đường ống và cáp".

Một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Hoàng gia Anh cũng được cử đi tuần tra Biển Bắc sau cuộc tấn công vào đường ống dẫn khí Nord Stream, vốn được thiết kế để đưa khí đốt từ Nga sang Đức.

Adblock test (Why?)