Trước đó, Nga đã cảnh báo rằng tuyến đường vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen có thể bị lạm dụng bởi những kẻ buôn lậu. Moscow sau đó tạm hoãn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen vào thứ Bảy 29/10 sau một "cuộc tấn công khủng bố" vào các tàu liên quan đến việc đảm bảo an ninh cho hành lang vận chuyển này.
"Nó hoàn toàn là quyết định thái quá... Nó sẽ làm gia tăng nạn đói. Không có ích lợi gì đối với những gì họ đang làm. Liên Hợp Quốc đã đàm phán về thỏa thuận đó và động thái này (của Nga) sẽ là dấu chấm hết cho nó”, ông Biden nói với các phóng viên ở Delaware hôm thứ Bảy.
Hôm thứ Bảy, Nga thông báo rằng họ đã ngừng tuân thủ thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi đầu năm nay. Động thái này diễn ra sau khi Kiev tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Hạm đội Biển Đen và các tàu dân sự liên quan đến việc đảm bảo hàng hóa nông nghiệp qua lại an toàn từ các cảng của Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga giải thích.
Các nhà chức trách Ukraine không xác nhận cũng không phủ nhận đã thực hiện vụ tấn công, nhưng cáo buộc quyết định của Nga là “hành vi tống tiền”. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, hàng chục tàu hiện đang bị mắc cạn tại cảng và cáo buộc Nga “có chủ ý phong tỏa” khu vực, dẫn đến nguy cơ xảy ra “nạn đói quy mô lớn cho châu Phi và châu Á”.
Sau vụ nổ trên cây cầu chiến lược Crimea hồi đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng nếu Ukraine sử dụng các hành lang ngũ cốc để buôn lậu chất nổ, thì "sự tồn tại của những hành lang này sẽ bị xem xét lại”. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cáo buộc, tình báo quân đội Ukraine là chủ mưu vụ đánh bom. Theo tuyên bố, chất nổ có nguồn gốc từ thành phố cảng Odessa và đã đi qua Bulgaria, Georgia và Armenia trước khi đến đích.
Thỏa thuận đột phá giữa Moscow và Kiev cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen ký tại Istanbul vào tháng 7 nhằm khơi thông việc xuất khẩu nông sản qua Biển Đen từ Nga và Ukraine - hai trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Thỏa thuận này được ca ngợi là rất quan trọng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới tránh khỏi nạn đói.
Tuy nhiên, Nga liên tục cáo buộc các quốc gia phương Tây "chiếm đoạt" ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine, thay vì chuyển đến các nước đang phát triển. Cuối tháng trước, ông Putin nói rằng, trong số 203 tàu rời các cảng của Ukraine tính đến ngày 23/9, chỉ có 4 chiếc đến các nước nghèo nhất.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev hôm thứ Bảy 29/10 đã phát tín hiệu rằng Moscow sẵn sàng gửi tới các nước nghèo nhất thế giới 500.000 tấn ngũ cốc trong vòng 4 tháng tới. Ông lưu ý rằng khi xem xét vụ thu hoạch năm nay, Nga “hoàn toàn sẵn sàng thay thế ngũ cốc Ukraine” và sắp xếp việc giao hàng cho “tất cả các nước quan tâm” với mức giá hợp lý.
Đăng nhận xét