Theo đó, khoảng 15-20 cựu bộ trưởng và các nghị sĩ cấp cao khác của đảng Bảo thủ đã được mời tham dự "bữa tối của những người trưởng thành" vào ngày 17/10 để bàn về kế hoạch, cách thức và thời điểm loại bà Liz Truss khỏi vị trí lãnh đạo đảng.
Thủ tướng Truss rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" như hiện nay sau các quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, một người bạn thân của bà, và hủy bỏ nhiều phần trong kế hoạch cải cách kinh tế mới gây tranh cãi mà bà đưa ra khi nhậm chức thủ tướng hồi tháng 9. Đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ đã giảm mạnh sau các quyết định của bà Truss.
Cuộc họp dự kiến trên do những người ủng hộ hàng đầu của cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, đối thủ của bà Truss trong cuộc đua ghế thủ tướng vừa qua, triệu tập. Các thành viên tham dự có thể cũng sẽ bàn về việc bầu chọn ông Sunak làm lãnh đạo đảng thay thế bà Truss.
Một số nghị sĩ cấp cao của đảng bày tỏ mong muốn bà Truss từ chức trong vòng vài ngày, trong khi những người khác nói rằng bà hiện "đang tại vị nhưng không nắm quyền thực tế".
Một số nghị sĩ khác đang đe dọa sẽ công khai kêu gọi bà Truss từ chức sau khi chương trình cắt giảm thuế của tân Thủ tướng bị phá sản.
"Chúng ta sẽ phải ngồi xuống và giải quyết mọi việc. Đây là sứ mệnh giải cứu vị thế và hình ảnh cho đảng Bảo thủ và nền kinh tế, là việc chúng ta cần làm", một nghị sĩ nói.
Trong khi đó, các đồng minh trong nội các của bà Truss hiện đang "chiến đấu" để bảo vệ bà. Họ cho biết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và cảnh báo đảng Bảo thủ sẽ "đặt dấu chấm hết" cho chính mình nếu lật đổ nhà lãnh đạo chỉ trong vài tháng.
Những người trung thành đang thúc giục Thủ tướng Truss phải trải qua bỏ phiếu bất tín nhiệm thay vì đồng ý từ chức ngay.
Theo quy định của đảng Bảo thủ, Thủ tướng Truss sẽ được bảo vệ khỏi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với vai trò lãnh đạo trong vòng một năm. Nhưng quy định đó có thể được thay đổi.
Sự ủng hộ dành cho bà Truss đang sụt giảm nghiêm trọng ngay trong nội các. "Thủ tướng đang ở phòng chờ ra đi và bà ấy biết điều đó", một cựu bộ trưởng nói.
Tháng trước, bà Truss đã giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ với cam kết sẽ cắt giảm thuế mạnh và giảm bớt những quy định mà bà cho rằng đang kìm hãm nền kinh tế.
Tuy nhiên, kế hoạch cải cách kinh tế mà bà đưa ra, trong đó đề xuất cắt giảm thuế, đã gây nhiều tranh cãi, và vấp phải sự chỉ trích từ nhiều phía. Thị trường tài chính Anh lao đao, đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng vọt.
Đối mặt với những sóng gió liên tiếp, Thủ tướng Truss ngày 14/10 đã quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt lên tay.
Các cuộc thăm dò cho thấy ủng hộ dành cho đảng Bảo thủ đã sụt giảm mạnh, gây ra sự hoảng loạn trong chính đảng lớn của Anh và khiến bà Truss đối mặt với nguy cơ phải rời nhiệm sở.
Đăng nhận xét