Ở nước Mỹ, luật pháp hiện hành không bắt buộc nhưng theo thời gian đã định hình thông lệ là tổng thống đương nhiệm trong khoảng thời gian một năm từ khi chính thức nhậm chức công bố chiến lược an ninh quốc gia riêng.
Văn kiện này thể hiện nhận thức và đánh giá của chính quyền mới về tình hình và cục diện thế giới ở bên ngoài nước Mỹ và những định hướng chính sách cho nhiệm kỳ cầm quyền. Nó không có tính ràng buộc đối với chính phủ. Sau khi tổng thống mãn nhiệm, chiến lược an ninh quốc gia của người không còn cầm quyền thường nhanh chóng bị quên lãng.
Ông Biden phải trì hoãn việc công bố chiến lược an ninh quốc gia riêng cho tới tận ngày 11.10 vừa qua vì cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Nhưng nếu soạn thảo và công bố chiến lược an ninh quốc gia của riêng trước khi bùng phát cuộc chiến ở Ukraine thì bây giờ chắc chắn ông Biden và cộng sự phải điều chỉnh cơ bản chiến lược ấy hoặc đưa ra chiến lược khác.
Nguyên nhân ở chỗ cuộc chiến ở Ukraine làm thay đổi cơ bản đánh giá của Mỹ về tiềm lực và thực lực sức mạnh quân sự của Nga. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, diễn biến cho tới nay của cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine đã cho Mỹ thấy Mỹ và đồng minh lâu nay đánh giá quá cao về sức mạnh quân sự của Nga. Mỹ vẫn coi Nga là một mối đe doạ an ninh trực tiếp nhưng chỉ bởi Nga có vũ khí hạt nhân.
Nhận thức này là điểm xuất phát cho một trong 4 điều đáng được chú ý nhất ở chiến lược an ninh quốc gia vừa được ông Biden công bố: Hai đối thủ và địch thủ chính của Mỹ trên thế giới hiện tại vẫn là Nga và Trung Quốc, nhưng Nga ở vị trí sau Trung Quốc, Mỹ phải cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc trong khi chỉ phải kiềm chế Nga.
Mỹ có đủ tiềm lực về vũ khí hạt nhân để chơi cuộc chơi hạt nhân với Nga trong khi phải ganh đua chiến lược trên mọi lĩnh vực với Trung Quốc. Nếu không thành công trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc thì Mỹ sẽ bị thất thế trước Trung Quốc.
Trong chiến lược nói trên, Mỹ cho rằng Trung Quốc không chỉ có chủ định thay đổi hoặc cấu trúc lại trật tự thế giới mà còn là đối thủ duy nhất hiện tại của Mỹ có đầy đủ năng lực về ngoại giao và kinh tế, quân sự và công nghệ để thực hiện chủ định kia. Không phải Nga mà Trung Quốc mới là thách thức an ninh lớn nhất đối với Mỹ.
Ông Biden đã xác định lại thứ bậc ưu tiên về đối thủ và đối địch an ninh của nước Mỹ. Trong văn bản chiến lược dày 48 trang có hẳn hai chương dành riêng cho trình bày chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc và Nga - lần đầu tiên kể từ trước đến nay.
Điều đáng chú ý thứ hai ở chiến lược an ninh quốc gia của ông Biden là hệ luỵ trực tiếp của điều trên. Mỹ tập trung trước hết nhằm vào Trung Quốc nên khu vực địa lý được ông Biden dành cho ưu tiên quan tâm cao nhất là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không phải là châu Âu hay khu vực Trung Đông, vùng Vịnh hoặc châu Phi, càng không phải khu vực Bắc Mỹ hay Trung và Nam Mỹ.
Trong chiến lược này, Mỹ xác định sẽ tiến hành cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện và toàn cầu với Trung Quốc, nhưng trước hết và sẽ quyết liệt nhất ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ở khu vực lớn này sẽ quyết định ai hơn ai và ai thắng ai giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặt khác, từ sự xác định ưu tiên như thế của ông Biden về đối tượng Mỹ phải đối phó và khu vực địa lý còn có thể thấy Mỹ hiện tin rằng Nga không thể thắng nổi trong cuộc chiến ở Ukraine và Mỹ cùng đồng minh quyết tâm không để cho Nga thắng ở Ukraine. Mỹ sẽ còn tận dụng và lợi dụng cuộc chiến này để làm lụi bại Nga về nhiều phương diện, đặc biệt về kinh tế và quân sự, để Nga chỉ còn là một quốc gia có vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Qua đó cũng còn có thể thấy Mỹ muốn cuộc chiến ở Ukraine còn dai dẳng chứ không mặn mà với giải pháp chính trị hoà bình vào thời điểm hiện tại và mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc còn tồi tệ nữa và không thể sớm được cải thiện.
Điều đáng chú ý thứ ba là chiến lược an ninh quốc gia của ông Biden nhiều lần nhấn mạnh Mỹ đề cao và coi trọng chủ nghĩa đa phương, tranh thủ đồng minh và đối tác, đối địch Nga và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc nhưng vẫn sẵn sàng hợp tác với Nga và Trung Quốc để giải quyết những vấn đề đang đặt ra chung cho cả thế giới, dành cho EU và NATO sự tán dương đặc biệt.
Suy xét kỹ càng hơn điều này thì sẽ thấy ẩn hiện sau đấy là nhận thức rất thức thời và thực tế của ông Biden và cộng sự rằng nước Mỹ tuy hiện vẫn có được nhiều ưu thế nổi trội về kinh tế và tài chính, quân sự và công nghệ nhưng không thể một mình mà phải cần các đồng minh và đối tác, cần liên minh và liên kết, cần hợp tác với và tranh thủ các đối tác khác đồng hành thì mới bảo toàn được lợi ích và đạt được những mục tiêu đề ra.
Điều đáng chú ý thứ tư ở chiến lược an ninh quốc gia của ông Biden là ông Biden không định nghĩa lại lợi ích cơ bản của nước Mỹ và không khác biệt gì so với những người tiền nhiệm trên phương diện này.
Nhưng ông Biden xác định cách làm mới. Cách thực hiện mới ở đây là xác định lại ưu tiên về đối tượng và khu vực, dùng chủ nghĩa đa phương và tăng cường quan hệ hợp tác với các đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng làm công cụ để thực hiện lợi ích và đạt được mục đích.
Ngoài ra, cách làm mới của ông Biden còn là xoá nhoà ranh giới giữa đối nội và đối ngoại, dùng tăng cường thực lực ở trong nước thông qua đầu tư nhiều hơn vào phát triển kinh tế xã hội, công nghệ và kỹ thuật hiện đại cũng như tiềm lực quân sự để phục vụ cho đối ngoại và an ninh, đồng thời làm gì về đối ngoại và an ninh thì cũng đều phải phục vụ cho đối nội.
Sau khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại thì chưa biết thế nào chứ còn trong thời gian hai năm cầm quyền tới, chính sách đối ngoại và an ninh của ông Biden về cơ bản chắc sẽ dựa theo chiến lược này.
Đăng nhận xét