Giải mã bí ẩn thiên thạch bằng loại độc tố khiến lợn nôn mửa

Giải mã bí ẩn thiên thạch bằng loại độc tố khiến lợn nôn mửa - Ảnh 1.

Phần lớn của thiên thạch Lafayette được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Anh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Anh.

Mẩu thiên thạch Lafayette được tìm thấy trong ngăn kéo tại khoa sinh học thuộc Đại học Purdue ở Indiana (Mỹ) vào năm 1929, nhưng không ai ở đây biết nó đến từ đâu, theo BBC.

Một giả thuyết cho rằng thiên thạch được một "sinh viên da đen" tặng lại cho khoa sau khi người này bắt gặp viên đá rơi xuống ao trong lúc anh đang câu cá.

Tiến sĩ Aine O'Brien, một nhà địa hóa học môi trường và hành tinh tại Đại học Glasgow, Scotland, đã bắt đầu công việc khám phá nguồn gốc của viên đá cách đây hai năm. Công việc của bà đã phần nào làm sáng tỏ câu hỏi người sinh viên da đen nói trên là ai và thời điểm viên đá được tặng cho nhà trường.

Giải mã bí ẩn thiên thạch bằng loại độc tố khiến lợn nôn mửa - Ảnh 2.

Tiến sĩ Aine O'Brien. Ảnh: Đại học Glasgow.

Bà O'Brien bắt đầu công việc khi nhóm của bà được Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London tặng một phần nhỏ của thiên thạch.

Tiến sĩ O'Brien cho biết: “Đó là một thiên thạch từ Sao Hỏa và thực sự rất hiếm. Chỉ điều đó thôi đã khiến nó trở nên quý giá và không phải tất cả thiên thạch từ Sao Hỏa đều ở trong tình trạng nguyên vẹn như Lafayette”.

Tiến sĩ O'Brien đã nghiền nát mảnh nhỏ của thiên thạch và sử dụng phương pháp khối phổ để tìm hiểu xem cấu tạo viên đá.

Tiến sĩ O'Brien cho biết: “Chúng tôi đã tìm ra một danh sách dài gồm hàng trăm hợp chất hóa học khác nhau”.

"Hầu hết chúng đều có những cái tên hóa học thực sự dài và nhàm chán. Nhưng tên của một loại chất độc gây nôn mửa khiến tôi cảm thấy có vẻ hay ho nên tôi bắt đầu tìm hiểu về nó", bà nói.

Deoxynivalenol là loại độc tố gây nôn mà bà O'Brien tìm được. Nó được tìm thấy trong loại nấm gây bệnh trên các loại cây ngũ cốc như ngô, lúa mì và yến mạch và có thể gây bệnh cho người hoặc động vật khi ăn phải, đặc biệt là lợn.

Các tài liệu cho thấy loại nấm này đã gây ra sự sụt giảm rõ rệt về năng suất cây trồng lần lượt trong năm 1919 và năm 1927 tại Indiana.

Nhóm nghiên cứu của bà O’Brien cho rằng độc tố có thể đã rơi xuống các đường nước xung quanh các cây trồng. Do vậy, thiên thạch Lafayette có thể đã bị nhiễm chất này nếu như nó rơi xuống cái ao như câu chuyện giả thuyết.

Trùng hợp, các nhà nghiên cứu cũng tìm ra ba sinh viên người da đen Julius Lee Morgan, Clinton Edward Shaw và Hermanze Edwin Fauntleroy đã đăng ký học tại Đại học Purdue trong năm 1919, và một sinh viên da đen khác có tên Clyde Silance đã học ở đây vào năm 1927.

Từ những phát hiện trên, các nhà nghiên cứu tin rằng một trong 4 sinh viên này có thể là người đã tìm thấy thiên thạch Lafayette tại vùng nước ở Indiana, nơi gần những cây trồng nhiễm độc tố deoxynivalenol.

Adblock test (Why?)