Các nhà tài trợ mong muốn Việt Nam cải thiện thủ tục phê duyệt giải ngân

Tăng trưởng ổn định

Tại cuộc họp báo đánh giá hợp tác giữa kỳ năm tài chính 2022 giữa JICA với Việt Nam, Trưởng đại diện JICA Shimizu Akira đã có những đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam: Cho đến nay, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, ngay cả trong dịch Covid-19. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh do nguồn lao động dồi dào, cần cù, chuyển dịch chuỗi cung ứng do mâu thuẫn thương mại Mỹ Trung.

Tuy nhiên, ông cảnh báo, động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng này là nhờ mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Sự phát triển của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi các biến động như chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt, Mỹ tăng lãi suất có thể gây biến động tỷ giá…

Các nhà tài trợ mong muốn Việt Nam cải thiện thủ tục phê duyệt giải ngân - Ảnh 1.

Trưởng đại diện JICA Shimizu Akira tại họp báo. Ảnh: JICA cung cấp.

Để phát triển bền vững, ông Shimizu Akira khuyến cáo: "Một xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng là những yếu tố không thể thiếu tại mỗi quốc gia" – ông Shimizu nói.

Ông cho biết, Trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục tập trung vào hợp tác về cơ sở hạ tầng chất lượng cao hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế. Về tình hình chung ông nhận định: "Trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16-20% so với trước đây. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế".

Để huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng bù đắp cho sự thiếu hụt các khoản vay trên, ODA với lợi thế là khoản vay dài hạn 30 đến 40 năm, với lãi suất thấp và cố định, vẫn tiếp tục là đóng vai trò quan trọng quan trọng.  "Tôi mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng ODA một cách hiệu quả và coi đây là một phương thức huy động vốn thuận tiện, đồng thời là cách thức để có thể đưa công nghệ tiên tiến của nước ngoài áp dụng tại Việt Nam" – ông Shimizu nói.

Tại cuộc họp báo, ông lưu ý thêm: "Khi kinh tế càng tăng trưởng, chi phí bỏ ra hoàn thiện cơ sở hạ tầng càng tăng. Nhưng chi phí đó không tăng nhanh bằng thu nhập đầu người của người dân. Vì thế, một cách tương đối, đi cùng với tăng trưởng kinh tế, gánh nặng vay cải tạo cơ sở hạ tầng sẽ càng nhẹ hơn. Vì thế Việt Nam nên sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nên có lộ trình đi sớm, gánh nặng trả nợ cho tăng trưởng sẽ nhẹ nhàng hơn".

Cần đơn giản hóa thủ tục giải ngân

Một vấn đề nổi bật trong thời gian qua của các dự án ODA là chậm giải ngân vốn dẫn tới đội vốn và lãng phí nguồn lực . Trưởng đại diện JICA giải thích rõ: "Việc đội vốn chịu ảnh hưởng của các biến động gần đây, trong đó có chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến giá dầu mỏ, năng lượng tăng cao đó là nhân tố cộng hưởng các yếu tố khác khiến chi phí tăng lên".

"Đặc biệt, chúng tôi mong rằng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, các vấn đề như: quy định và thủ tục phức tạp, cơ quan đối tác chưa được trang bị đầy đủ để thực hiện dự án, kiểm soát chi ngân sách quá chặt chẽ, thay đổi các điều kiện cho vay lại vv… sẽ được cải thiện, đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các bên hiệu quả hơn".

(Shimizu Akira - Trưởng đại diện JICA)

Để giải quyết tình trạng này, ông cho rằng Việt Nam cần cải thiện thủ tục giải ngân và đảm bảo kế hoạch đã đề ra. "Một nguyên nhân là thủ tục phê duyệt của Chính phủ Việt Nam còn khá chậm. Không chỉ JICA, nhiều tổ chức khác như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một số cơ quan tài trợ khác cũng có cảm nhận và đánh giá tương tự" – ông nói. "Các cơ quan này đều mong muốn Chính phủ Việt Nam cải thiện các vấn đề này…."

Ông khẳng định: "JICA luôn có thái độ hợp tác, thông qua cơ chế đàm phán trao đổi thường xuyên để cùng nhau tìm giải pháp nhằm đơn giản hóa tối đa thủ tục và triển khai vốn nhanh hơn".

Về thông tin cho rằng, có dự án của Nhật Bản mà chi phí tư vấn chiếm phần nhiều trong tổng mức đầu tư dự án, Trưởng Đại diện JICA nói: "Trong phạm vi tôi biết, không có dự án nào chi phí tư vấn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí ngân sách dự án".

Ông cho biết: Quá trình để tiến tới ký kết hợp đồng, chính thức triển khai dự án phải trải qua quy trình theo luật pháp Việt Nam, trước hết Việt Nam cần phê duyệt nghiên cứu khả thi, quy định chi tiết, sau khi thấy đồng thuận mới ký kết, chi phí trong đó là đồng thuận giữa Chính phủ Việt Nam và đối tác. Việc giải ngân vốn vay cũng được tiến hành dựa theo đề nghị của phía Việt Nam theo từng lần và phụ thuộc vào thủ tục phía Việt Nam.

"Có thể có sự chênh lệch đơn giá tư vấn nước ngoài cao hơn tư vấn Việt Nam, nhưng khác đến mức độ chi phí tư vấn chiếm phần rất lớn trong tổng chi phí dự án thì tôi nghĩ là không có" – ông Shimizu Akira nói.

Các nhà tài trợ mong muốn Việt Nam cải thiện thủ tục phê duyệt giải ngân - Ảnh 1.

Trưởng đại diện Shimizu Akira trả lời phỏng vấn sau họp báo. Ảnh: JICA cung cấp.

Xóa bỏ môi giới làm việc bất hợp pháp với thực tập sinh tại Nhật

Một yếu tố nữa để thúc đẩy tăng trưởng bền vững là phát triển nguồn nhân lực. Ông Shimizu Akira cho rằng, hiện Việt Nam vẫn trong  giai đoạn dân số vàng nhưng sẽ qua đi sau 20 – 30 năm nữa. Lao động giá rẻ đang giảm, chi phí nhân công có xu hướng tăng lên. "Trong tương lai tôi nghĩ tiền lương ở Việt Nam, sẽ tăng, già hóa dân số. 2 thực trạng vậy thì mô hình phát triển những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động giá rẻ không còn phù hợp nữa".

Chính phủ Việt Nam đã ý thức được điều này và xác định việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, coi đào tạo, nhân lực nắm giữ vị trí quản lý đang trở thành nhiệm vụ cấp bách – ông Shimizu nói. Đào tạo nhân lực chất lượng cao là lĩnh vực JICA nhìn thấy và hợp tác với Việt Nam từ 10 năm trước. Vì thế, JICA đã triển khai nhiều dự án, nổi bật là dự án hợp tác kỹ thuật và vốn vay hỗ trợ Đại học Việt – Nhật mở thêm chương trình đào tạo tiến sỹ, thiết lập  cơ sở mới tại Hòa Lạc từ năm 2023 với mục tiêu đưa trường Đại học Việt Nhật trở thành trường đại học tổng hợp với quy mô 6.000 sinh viên.

Từ tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022, bao gồm: Khoản vay cam kết trong dự án vốn vay ODA là 10,8 tỷ yên (tương đương 75 triệu USD); Dự án Hợp tác kỹ thuật là 4,9 tỷ yên (tương đương 34 triệu USD); Viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yên (tương đương 5 triệu USD), với hơn 100 dự án lớn nhỏ.

Ngoài ra, JICA dự kiến triển khai Hợp tác kỹ thuật tăng cường kết nối việc làm cho thực tập sinh kỹ năng.  "Khá nhiều thực tập sinh kỹ năng chưa có đủ thông tin khi sang Nhật làm việc: họ sẽ làm gì, cần kỹ năng gì. Dự án nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản thông qua việc xóa bỏ môi giới việc làm bất hợp pháp, vốn là vấn đề tồn tại trong những năm gần đây" - theo ông Shimizu Akira.

Bên cạnh đó, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ việt Nam mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế. JICA đã đưa ra "Sáng kiến Y tế toàn cầu", ngay cả khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống, JICA cam kết hợp tác hơn nữa trong công cuộc xây dựng một xã hội với khả năng ứng phó mạnh mẽ với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trong đó, Việt Nam là quốc gia kiểu mẫu trong "Sáng kiến" này.

Cụ thể, JICA sẽ tiếp tục thông qua ba bệnh viện trung ương đã có lịch sử hợp tác trong thời gian dài - Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế tại Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy tại Tp.HCM, nhằm thiết lập hệ thống đào tạo từ xa cho y tế tuyến dưới. Bên cạnh đó, JICA sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học... nhằm cải tiến kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng… nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với những thách thức mới như tình trạng già hóa dân số nhanh.

Lĩnh vực tập trung hợp tác thứ tư mà JICA hướng đến là năng lượng sạch. Năm qua JICA đã ký thỏa thuận cho vay để phát triển một dự án điện gió ở Quảng Trị, ngoài ra đang xem xét cho vay mới đối với một số dự án sản xuất điện mặt trời và điện gió khác. JICA còn hỗ trợ ban hành và sửa đổi Luật bảo vệ môi trường; Tiếp tục cử chuyên gia về tăng trưởng xanh và chuyên gia về thoát nước, triển khai các dự án khác liên quan đến trung hòa carbon như mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đang nhắm tới.

Về sự chậm trễ tuyến metro số 1 TPHCM:

Mong muốn của chúng tôi là thông xe sớm nhất có thể. Công trình đang tiến triển tốt, đã hoàn thành khoảng 90%, toàn bộ 51 toa xe do Nhật Bản sản xuất đã được chuyển đến Việt Nam. JICA đang tích cực phối hợp UBNDTP và các cơ quan khác giải quyết các vấn đề phát sinh để thông xe sớm cho tuyến này.

(Shimizu Akira - Trưởng đại diện JICA)

Adblock test (Why?)