Mức độ kiểm soát tham nhũng giảm
"Tham nhũng làm suy yếu khả năng thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm của nhà nước. Tham nhũng rút các nguồn lực công ra khỏi giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và cơ sở hạ tầng hiệu quả - những loại hình đầu tư có thể cải thiện hoạt động kinh tế và nâng cao mức sống cho tất cả mọi người" – Đại sứ Solbakken nói.
Theo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), sau 10 năm cải thiện liên tiếp, đến năm 2021, đã nhìn thấy sự sụt giảm trong sự hài lòng của người dân, điển hình như đối với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ do bệnh viện tuyến huyện cung cấp.
Số lượng công dân cho rằng khoản hối lộ là cần thiết để được chăm sóc tốt hơn tại các bệnh viện tuyến huyện công lập hàng năm đã tăng nhẹ (từ 27 lên 28%). Đồng thời, mức độ kiểm soát tham nhũng trong khu vực công lần đầu tiên giảm xuống, mặc dù không lớn (từ 6,90 xuống 6,88 điểm), kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được khởi xướng năm 2016.
Những kết quả này cho thấy sự phức tạp và thách thức của việc quản lý trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, không chỉ xảy ra với Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Những kết quả này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hơn nữa việc phòng chống tham nhũng, nhằm đảm bảo phục hồi sau đại dịch một cách công bằng cho tất cả mọi người và không để lại ai bị bỏ lại phía sau.
Theo một báo cáo về nhận thức của doanh nghiệp đối với mua sắm công do UNDP phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 6/2022, hơn 1/3 số doanh nghiệp đồng ý rằng "trả hoa hồng là điều cần thiết để nâng cao cơ hội giành được hợp đồng". Con số này tăng lên 50% đối với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công.
Tham nhũng trong đấu thầu y tế công dẫn đến việc không thể tiếp cận thuốc và công nghệ y tế, tăng giá cho bệnh nhân, và tiếp tục thách thức việc đạt được SDG 3 liên quan đến sức khỏe tốt và phúc lợi. Vì lý do này, Chính phủ Na Uy đã tài trợ một phần dự án nâng cao năng lực thực thi Công ước phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) tại Việt Nam công bố sáng nay.
Nâng cao năng lực cơ quan chống tham nhũng
Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi Công ước phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) tại Việt Nam được khởi động với sự hỗ trợ của Cục Phòng chống Ma tuý và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và Dự án toàn cầu của UNDP về phòng chống tham nhũng nhằm xây dựng xã hội yên bình và toàn diện.
UNDP nhận định: Nhờ thành tựu đạt được từ công cuộc cải cách kinh tế toàn diện kể từ năm 1986, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tốc độ cao nhất khu vực. Mặc dù vậy, những điểm yếu trong khung pháp lý và thực thi pháp luật thường tạo kẽ hở cho hành vi tham nhũng. Nhận thấy tham nhũng là trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ đã thực hiện nhiều cải cách toàn diện nhằm nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào quản trị công. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ công cuộc cải cách này.
Kết quả mong đợi của dự án sẽ được thực hiện trong 27 tháng tới bao gồm (i) Nâng cao năng lực cơ quan chống tham nhũng nhằm đo lường và giám sát các mục tiêu phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc một cách có hiệu quả; (ii) Hoàn thiện khung pháp lý và thực thi pháp luật nhằm thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của UNCAC về biện pháp phòng ngừa tham nhũng, thu hồi tài sản; và (iii) Nâng cao năng lực trong quản trị công, tăng cường tính minh bạch và liêm chính trong lĩnh vực mua sắm đấu thầu y tế công tại Việt Nam.
Dự án là sự phối hợp giữa UNDP và bảy đối tác quốc gia, bao gồm Ban nội chính TW, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Viện kiểm soát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Y tế, và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh tầm qua trọng của việc tất cả các bên liên quan tham gia vào công tác kiểm soát và phòng chống tham nhũng. Bà Khalidi nói: "UNDP nhận thấy tầm quan trọng của việc đưa công tác phòng chống tham nhũng vào kế hoạch phát triển như một biện pháp xuyên suốt và sự cần thiết của việc kết hợp các biện pháp chống tham nhũng trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Chúng tôi tiếp tục nỗ lực tăng cường vai trò của mạng lưới chống tham nhũng của Chính phủ, xã hội dân sự, doanh nghiệp và giới học giả để thúc đẩy 'cách tiếp cận toàn xã hội'trong công tác phòng chống tham nhũng".
Bà Khalidi cũng cho rằng ICT và các công nghệ mới sẽ là yếu tố quyết định trong việc đẩy lùi tham nhũng. Bà nói: "Chúng ta có thể thấy rõ sức mạnh tổng hợp trong Chiến lược kỹ thuật số của UNDP và Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam và tôi rất mong được phối hợp với Chính phủ trong nỗ lực chuyển đổi số trong những năm tới".
Tài trợ của INL trong dự án này tập trung vào cải thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và năng lực liên quan đến thu hồi tài sản, mở rộng định nghĩa về xung đột lợi ích, hỗ trợ thí điểm Chỉ số đánh giá về chống tham nhũng cấp Bộ và cải thiện sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước về chống tham nhũng.
UNCAC là công cụ chống tham nhũng phổ quát duy nhất có tính ràng buộc pháp lý. UNCAC và Cơ chế Rà soát Thực thi của công ước này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách chống tham nhũng và tăng cường các cam kết quốc gia trong hành động chống tham nhũng. Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn UNCAC vào năm 2009 và kể từ đó liên tục tăng cường việc thực thi công ước này.
Đăng nhận xét