Chương trình PAK-DA được bắt đầu vào năm 2009, khi Moscow tổ chức một cuộc thi thiết kế máy bay ném bom tầm xa mới. Tupolev, một văn phòng thiết kế máy bay có trụ sở tại Moscow, có nguồn gốc từ trước Thế chiến thứ hai, đã giành chiến thắng trong cuộc thi.
Tupolev đã từng thiết kế toàn bộ 'phi đội' máy bay ném bom hạng nặng của Nga, bao gồm cả máy bay ném bom Tu-95 (tên mã NATO: "Bear"), Tu-22M3 ("Backfire") và Tu-160 ("Blackjack"). Tuy nhiên, giờ đây cả ba máy bay ném bom, có niên đại được giới thiệu từ những năm 1960 đến 1980 đều là những thiết kế cũ, lỗi thời. Nga không có loại tương đương với B-2 Spirit, máy bay ném bom tàng hình của Mỹ được giới thiệu vào năm 1988. B-2 Spirit là loại máy bay ném bom đa nhiệm vụ được trang bị công nghệ tàng hình mang cả bom thông thường và bom hạt nhân. B-2 Spirit được ứng dụng kỹ thuật tàng hình thế hệ 2 nhằm giúp máy bay có thể thâm nhập qua các hàng rào phòng không dày đặc mà máy bay chiến đấu trước đây không thể vượt qua.
PAK-DA, theo Aviation Week & Space Technology, được thiết kế để vượt lên trước B-2 Spirit và cạnh tranh trực tiếp với B-21 Raider sắp ra mắt. Nó sẽ nặng 145 tấn khi cất cánh với trọng tải vũ khí lên tới 30-40 tấn trong khi B-21 Raider là khoảng 15 tấn. Khả năng tải trọng tương đối lớn này có thể là lý do tại sao các quan chức quân sự Nga tuyên bố máy bay ném bom mới của họ sẽ "vượt" khả năng của B-21 Raider.
PAK-DA có khả năng đạt quãng đường bay 9.300 hải lý, trong khi máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit chỉ có 6.600 hải lý. Nga có ít máy bay tiếp dầu trên không để hỗ trợ các nhiệm vụ tầm xa, điều này đòi hỏi tầm bay phải đủ dài để quay trở lại Nga mà không cần tiếp nhiên liệu, nơi các máy bay ném bom có thể được trang bị lại và tiếp nhiên liệu cho nhiệm vụ tiếp theo của họ. Trong khi đó, máy bay ném bom của Mỹ có thể tiếp cận sự hỗ trợ lớn hơn của máy bay tiếp dầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tầm xa, cho phép các nhà thiết kế ưu tiên tải trọng hơn nhiên liệu.
Nga có kế hoạch trang bị cho PAK-DA 12 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-BD (vũ khí tấn công trên không tầm siêu xa của quân đội Nga từ bên ngoài vùng tác chiến của hệ thống phòng không đối phương) mới. Kh-BD có thiết kế giống như tên lửa hành trình Kh-101 thế hệ hiện tại, sẽ mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Chúng cũng sẽ có tầm bắn xa hơn cả Kh-101, 3.400 dặm (khoảng 5472 km), tầm bắn xa nhất trên thế giới đối với tên lửa hành trình. Các tên lửa Kh-101 được cho là có khả năng quan sát thấp bởi một số tính năng tàng hình để giảm khả năng phát hiện ra chúng, cũng như tỷ lệ hỏng hóc cao. Điều này cho thấy rõ ràng PAK-DA cần một tên lửa siêu thanh tầm xa mới như Kh-BD để có hiệu quả hơn trong chiến đấu.
Máy bay ném bom hạng nặng chiến lược là một dấu hiệu thể hiện vị thế cường quốc quân sự, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc mới đủ sức cạnh tranh trên đường đua này. Bởi lẽ vậy nên việc PAK-DA có thể đưa vào sản xuất trong năm 2027 hay không đều nhận được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của giới quân sự toàn thế giới.
Đăng nhận xét