Theo thông tin chính thức, 5 người đã bị thương do hậu quả của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.
Vụ tấn công diễn ra đúng Ngày Hải quân Nga. Người đứng đầu thành phố Sevastopol thông báo hủy bỏ tất cả các sự kiện lễ hội vinh danh Ngày Hải quân vì lý do an ninh. Cư dân của Sevastopol được yêu cầu ở nhà.
Trước đó được biết rằng sau những lời đe dọa từ chính quyền Kiev, lực lượng phòng thủ của cây cầu Crimea nối Crimea với Nga đã được tăng cường. Các phần dễ bị tổn thương của cây cầu chiến lược dài 18,1km đã được bảo vệ bằng xà lan đặc biệt, che cây cầu khỏi tên lửa chống hạm.
Video về vụ tấn công sau khi lan truyền rộng rãi trên các trang tin tức và mạng xã hội của Ý đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận nước này. Nạn nhân là Alika Ogorchukwu - một người nhập cư đến từ Nigeria đang bán hàng rong trên phố ở Ý.
Bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ tấn công, Enrico Letta, cựu Thủ tướng và là người đứng đầu Đảng Dân chủ Cánh tả của Ý viết trên Twitter rằng: "Vụ sát hại ông Alika Ogorchukwu thật kinh hoàng. Không ai thấy sự hung tợn. Sự thờ ơ lan rộng. Không thể có lời biện minh nào".
Lãnh đạo cánh hữu Matteo Salvini và là lãnh đạo đảng Liên đoàn cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ việc và tuyên bố rằng, quyền được sống an toàn không phân biệt màu da cần phải được thiết lập lại.
Theo NZ Herald, nạn nhân là Ogorchukwu, 39 tuổi, đang bán hàng trên con phố chính của Civitanova Marche, một thành phố bãi biển hôm 29/7 thì bị một người đàn ông da trắng tấn công dã man đến chết.
Video về vụ tấn công cho thấy, người đàn ông Ý đuổi theo ông Ogorchukwu, dùng nạng đánh khiến nạn nhân ngã xuống đất. Sau đó, kẻ tấn công ngồi lên người nạn nhân đang nằm ngửa trên vỉa hè rồi đánh nạn nhân dã man cho đến chết.
Các nhân chứng chỉ gọi cảnh sát sau khi kẻ tấn công bỏ trốn. Khám nghiệm tử thi sẽ xác định xem liệu cái chết của ông Ogorchukwu có phải do những cú đấm, ngạt thở hay vì nguyên nhân khác.
Cảnh sát đã sử dụng camera đường phố để lần ra hành tung của kẻ tấn công và bắt giữ hắn. Kẻ tấn công được xác định là Filippo Claudio Giuseppe Ferlazzo, 32 tuổi. Nguyên nhân Ferlazzo tấn công người nhập cư Ogorchukwu vẫn chưa được công bố.
Ông Daniel Amanza, người điều hành hiệp hội ACSIM dành cho những người nhập cư ở vùng Marche (Ý) cho biết, ông Ogorchukwu, có vợ và hai con, phải bán hàng trên đường phố sau khi bị ô tô đâm và mất việc làm.
"Sự thật bi thảm là có rất nhiều người ở gần đó. Nhưng họ chỉ quay phim và nói "Dừng lại đi". Không ai tiến lên để ngăn vụ tấn công lai", ông Amanza nói.
Thị trưởng của thành phố Civitanova Marche, ông Fabrizio Ciarapica đã gặp gỡ cộng đồng Nigeria sau khi hàng trăm người tổ chức biểu tình đòi công lý cho ông Ogorchukwu vào ngày 30/7.
"Sự lên án của tôi không chỉ đối với tội ác mà còn sự thờ ơ. Điều đó đã khiến người dân bị sốc", ông Ciarapica tuyên bố.
Các lực lượng vũ trang của Nga đã tiêu diệt một "tiểu đoàn tấn công tinh nhuệ" của Tổng thống Ukraine và hàng chục máy bay chiến đấu từ đội hình phát xít mới Kraken, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết hôm thứ Bảy 30/7.
Cập nhật về tiến trình hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, ông Konashenkov cho biết, ngày 28/7, tại nhà ga đường sắt Krasnoarmeysk ở Cộng hòa Donetsk ly khai, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công trực diện "bằng vũ khí chính xác cao trên không” nhằm vào chuyến tàu vận chuyển “một tiểu đoàn tấn công tinh nhuệ của Lữ đoàn Biệt động số 1 của Tổng thống Ukraine”.
“Hơn 140 người theo chủ nghĩa dân tộc đã bị tiêu diệt ngay tại chỗ. Khoảng 250 chiến binh khác bị thương ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau” - ông Konashenkov tuyên bố và cho biết tất cả các thiết bị quân sự đã bị vô hiệu hóa.
Ngày hôm sau, tại khu vực Bogodukhov thuộc Khu vực Kharkov, tên lửa Iskander đã bắn trúng nhà chứa máy bay tại một nhà máy chế biến thịt, nơi lực lượng dân tộc chủ nghĩa Kraken đặt căn cứ tạm thời, theo phát ngôn viên quân đội. “Hơn 30 tên phát xít và 10 đơn vị thiết bị quân sự đã bị phá hủy” - tướng Konashenkov cho biết.
Kraken tự gọi mình là đơn vị trinh sát và phá hoại đặc biệt trực thuộc Bộ Quốc phòng, hoạt động tách biệt với Lực lượng vũ trang Ukraine. Moscow đã cáo buộc tiểu đoàn này đã phạm một số tội ác chiến tranh kể từ khi bắt đầu xung đột.
Cũng trong ngày 29/7, các lực lượng Nga đã tiêu diệt 30 quân nhân Ukraine, một nhà kho chứa tên lửa cho các phương tiện chiến đấu Grad và thiết bị quân sự tại khu định cư Yasnobrodovka ở Donetsk. Tại khu vực Artemovsk, theo Konashenkov, thiệt hại của Ukraine lên tới 50 quân nhân và 8 đơn vị thiết bị quân sự.
“Tổng cộng, kể từ khi bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt, những thứ sau đây đã bị phá hủy: 261 máy bay, 145 trực thăng, 1.644 thiết bị bay không người lái, 361 hệ thống tên lửa phòng không, 4.190 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 772 xe chiến đấu của các hệ thống phóng tên lửa, 3.217 khẩu pháo dã chiến và súng cối, cũng như 4.573 đơn vị xe quân sự đặc biệt” - vị tướng nói.
Bộ Quốc phòng Nga không cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về con số thiệt hại của Ukraine hoặc Nga. Vào ngày 4 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo rằng chỉ trong hai tuần trước đó, Ukraine đã mất gần 5.500 quân, trong đó có hơn 2.000 người thiệt mạng.
Về thương vong của chính mình, Moscow đã không cập nhật con số kể từ tháng 3, khi họ báo cáo 1.351 quân nhân thiệt mạng.
Kiev không tiết lộ tổng thiệt hại quân sự kể từ đầu cuộc xung đột nhưng tuyên bố rằng con số này thấp hơn nhiều lần so với Nga. Đánh giá của Nga về các con số là ngược lại.
Truyền hình quân đội Nga Zvezda vừa công bố hình ảnh các mảnh vỡ của pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine mà Moscow thu thập được tại nhà tù ở Yelenovka, vùng Donetsk, miền đông Ukraine.
Nhà tù ở Yelenovka - nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk - bị pháo kích hôm 29/7 khiến ít nhất 53 tù binh Ukraine thiệt mạng và gần 100 người bị thương.
"Các nhà điều tra đã thu được nhiều mảnh đạn pháo HIMARS như thế này. Có những mảnh lớn đến mức một người không thể tự nhấc được. Tất cả là bằng chứng cho vụ án hình sự", phóng viên truyền hình quân đội Nga tuyên bố.
Trước đó, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine dùng pháo phản lực HIMARS tập kích trại tù binh. Quân đội Nga cho rằng, đây là "hành động khiêu khích trắng trợn nhằm đe dọa các binh sĩ Ukraine và ngăn họ đầu hàng". Moscow cũng tuyên bố mở cuộc điều tra hình sự liên quan đến vụ pháo kích này.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/7 cho biết đã mời các chuyên gia từ Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ đến điều tra về cái chết của các tù nhân Ukraine. Bộ nhấn mạnh, họ hành động vì muốn "tiến hành một cuộc điều tra khách quan" vào nhà tù này.
Về phần mình, Ukraine phủ nhận các cáo buộc của Nga, thậm chí tố ngược rằng các lực lượng của Moscow đã cố ý nã pháo nhà tù rồi đổ lỗi cho họ. Các quan chức Ukraine cáo buộc Nga pháo kích nhà tù để che giấu hành vi tra tấn và hành quyết tù nhân Ukraine".
Các nhà hàng ở vùng tây bắc nước Mỹ - nơi không thường xuyên sử dụng điều hòa - phải dừng khu ăn ngoài trời, thậm chí là đóng cửa cả quán, khi nắng nóng khắc nghiệt kéo dài.
Hôm 27/7, nhiệt độ trong căn bếp chật hẹp tại Blotto - một nhà hàng pizza ở Seattle - lên tới 42,2 độ C. Giống như nhiều nhà hàng khác trong thành phố, Blotto không có máy lạnh. Quay mặt về phía tây, nhà hàng này hứng trọn ánh nắng mặt trời vào buổi chiều mỗi mùa hè trong hàng giờ liền.
Chủ tiệm bánh pizza, Jordan Koplowitz và Caleb Hoffmann, làm việc trong nhà bếp - khu vực nóng nhất của cửa hàng nhỏ. Để đối phó với cái nóng, họ uống nhiều nước và đắp khăn ướt lên người.
“Chúng tôi cố gắng làm pizza xong càng sớm càng tốt để tắt lò nướng, đồng thời cho nhân viên rời cửa hàng”, ông Koplowitz cho biết.
Blotto chỉ là một trong số hàng trăm nhà hàng ở vùng Tây Bắc nước Mỹ ven biển Thái Bình Dương đang cố gắng chống chọi với đợt nắng nóng kéo dài cả tuần qua. Nhiệt độ đạt kỷ lục trong khi điều hòa nhiệt độ không quá phổ biến tại khu vực này.
Tuy nhiên, cái nóng khắc nghiệt này - do con người gây ra dẫn tới biến đổi khí hậu - giống như một thực tế mới với ngành công nghiệp nhà hàng tại Mỹ. Dần dần, chuyện ăn uống ở ngoài trời là gần như không thể, trong khi chi phí làm mát tăng cao, còn nhiệt độ trong bếp đạt đến mức nóng không thể chịu nổi, theo New York Times.
"Gần như không ai chọn ăn ngoài trời"
Nhiệt độ tăng cao dự kiến kéo dài đến hết tuần và đạt đỉnh 43,3 độ C ở khu vực phía đông Oregon và Washington. Đợt nắng nóng này gợi nhớ đến hiện tượng “vòm nhiệt” vào năm ngoái khiến hàng trăm người ở Oregon, Washington và British Columbia (Canada) tử vong.
Blotto mở cửa cách đây hơn một năm, ngay trước khi hiện tượng “vòm nhiệt” xuất hiện. Sức nóng đã buộc nhà hàng phải đóng cửa trong một ngày và tạm thời thay đổi thực đơn. Để có thể mở cửa trong mùa hè này, chủ nhà hàng đã phải rút ngắn thời gian phục vụ và khuyến khích khách hàng gọi đồ ăn mang về.
Tuy vậy, có những người muốn cặm cụi làm việc suốt cả đợt nắng nóng cũng không được, ví dụ như Erica Montgomery - chủ sở hữu và đầu bếp tại Erica's Soul Food, một xe bán đồ ăn ở Portland, Oregon.
Vào đợt nắng nóng năm ngoái, cô đã đóng cửa xe bán đồ ăn khi tất cả thực phẩm bị hỏng vì mất điện. Năm nay, cô không còn lựa chọn. Cô đã đóng xe bán đồ ăn cả tuần nay và cất mọi thực phẩm trong gian bếp có máy lạnh.
“Nếu bên ngoài là 35 độ C, thì bên trong xe ít nhất cũng phải nóng hơn vài độ”, cô nói.
Ở Washington, chỉ 53% hộ gia đình sử dụng một số loại điều hòa không khí. Ở Oregon, con số này là 76%, theo báo cáo năm 2022 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Nhưng mặc dù không có máy lạnh trong căn hộ nhỏ, Kirsten Weiler McGarvey - sinh viên 33 tuổi ở Portland - vẫn không tìm nhà hàng có máy lạnh bởi lo ngại tình hình Covid-19.
Năm ngoái, khi nhiệt độ ở Portland lên tới 46,6 độ C, cô nói việc đi ăn hàng khá khó khăn bởi nhiều quán đã đóng cửa.
“Portland hoàn toàn không chuẩn bị cho sóng nhiệt”, cô nói. “Nhiều người ở vùng khác coi điều hòa là thứ rất bình thường. Năm ngoái, mọi thứ tan chảy theo đúng nghĩa”.
Nostrana, một nhà hàng Italy ở Portland, đã phải đóng cửa trong đợt nắng nóng năm ngoái. Năm nay, nhà hàng dự tính chỉ dừng hoạt động khu vực ăn uống ngoài trời.
Cathy Whims, đầu bếp và chủ quán, cho biết gần như không có ai lựa chọn ngồi ngoài trời vào hôm 27/7. Bà nói nhà hàng sẽ đóng cửa khu vực này vào cả 29-30/7.
Bà Whims cho biết khó có thể bỏ hẳn khu ăn ngoài trời bởi nhiều người không thoải mái khi ăn trong nhà vì số ca Covid-19 lại tăng trong thời gian gần đây.
Trải qua những đợt nắng nóng thế này khiến hoạt động kinh doanh của cửa hàng giảm 30-40%, trong khi đây thường là thời gian bận rộn nhất trong năm của các nhà hàng ở Portland. Bà nói thêm chi phí năng lượng của nhà hàng cũng tăng đột biến trong thời kỳ nắng nóng cao điểm.
Thay đổi thực đơn nếu trời quá nóng
Double Mountain Brewery, cách Portland khoảng 1 giờ lái xe về phía đông, có phục vụ pizza kèm bia, nhưng chỉ khi thời tiết mát mẻ.
Matt Swihart, chủ sở hữu và người nấu bia, cho biết khách hàng tại Double Mountain không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đợt nắng nóng lần này, khi máy lạnh và bia có thể giúp họ thoải mái.
Thế nhưng, nhà bếp lại là nơi gánh chịu sức nóng. Hệ thống hút mùi của lò nướng bánh pizza giúp dẫn khói ra khỏi tòa nhà, nhưng cũng đồng thời mang không khí nóng từ bên ngoài vào.
Sau khi phải đóng cửa vào mùa hè năm ngoái, ông Swihart giờ yêu cầu tắt lò nướng bánh pizza khi nhiệt độ trong bếp đạt 37,8 độ C vào hôm 20-21/7. Lúc này, Double Mountain chuyển thực đơn chỉ có bánh sandwich.
Vào những ngày Double Mountain chỉ có thể phục vụ bánh mì kẹp, ông Swihart ước tính doanh thu hàng ngày sẽ mất 30-40%. Trong khi đó, hóa đơn điện tăng 25%.
Năm ngoái, chi phí năng lượng tại nhà hàng tăng lên hàng nghìn USD. Ông Swihart đang trồng thêm cây dọc theo khu vực ăn uống ngoài trời để tạo bóng mát, đồng thời lắp thêm bộ làm mát trị giá 20.000 USD.
Nhưng tại Blotto, ông Hoffmann và ông Koplowitz không có kế hoạch sửa lại nhà hàng để ứng phó với nắng nóng. Vì nhà hàng không có máy lạnh, họ phải giảm nhiệt độ tủ lạnh xuống khi trời quá nóng, khiến chi phí năng lượng tăng lên.
“Nó (nắng nóng) chỉ ảnh hưởng tới chúng tôi khoảng 2 ngày trong năm”, ông Koplowitz nói. “Thật khó khăn nếu phải bỏ tiền hoặc thời gian để giải quyết một vấn đề gần như không tồn tại”.
“Chúng tôi vô cùng may mắn vì chỉ phải chịu cảnh này khoảng một lần trong năm. Nhưng rõ ràng là tần suất, thời gian và mức độ nghiêm trọng (của nắng nóng) ngày càng tăng. Điều này thật đáng sợ”, ông Hoffman nói thêm. "Nhưng thời gian còn lại trong năm, mọi thứ khá dễ chịu”.
Trong khi đó, ông Swihart không lạc quan đến vậy: “Khí hậu ngày càng ấm lên qua mỗi năm. Tôi hy vọng những tình huống như thế này sẽ không thường xuyên xảy ra nữa, nhưng tâm trí tôi biết mọi thứ sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn”.
Nhà Trắng cho biết, ông Biden "không tái phát các triệu chứng và tiếp tục cảm thấy khá khỏe" và kết quả là sẽ không tiếp tục điều trị. Theo bác sĩ O'Connor ông đã xét nghiệm âm tính vào tối thứ 26/7, sáng 27 - 29/7 trước khi xét nghiệm dương tính trở lại vào sáng 30/7.
“Với kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính, Tổng thống sẽ bắt đầu lại các quy trình cách ly nghiêm ngặt", bác sĩ lưu ý. Ông Biden đã ngừng cách ly vào hôm 27/7 sau khi kết quả âm tính với các xét nghiệm kháng nguyên liên tiếp.
Ông Biden không gặp bất kỳ triệu chứng nào nhưng ông sẽ cách ly tại Nhà Trắng. Ông đã hủy kế hoạch về nhà mình ở bang Delaware vào 31/7 và đến Michigan vào 2/8 để giới thiệu dự luật vừa được thông qua nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, Nhà Trắng cho biết .
“Hôm nay tôi lại xét nghiệm dương tính với Covid”, Biden viết trên Twitter. "Điều này xảy ra với một số ít người. Tôi không có triệu chứng gì nhưng tôi sẽ cách ly vì sự an toàn của mọi người xung quanh. Tôi vẫn đang làm việc và sẽ sớm quay lại”.
Bác sĩ Connor giải thích rằng Tổng thống có thể bị cái gọi là nhiễm trùng "tái phát", có thể ảnh hưởng đến những bệnh nhân đang dùng thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer.
Ông Biden đã được chủng ngừa hai lần và được tiêm hai liều tăng cường. Ông cũng đã dùng Paxlovid, một loại thuốc kháng virus được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép khẩn cấp vào tháng 12.
Sau khi được xét nghiệm âm tính hôm đầu tuần này, Tổng thông Biden đã mô tả Paxlovid là “kẻ thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống lại Covid-19, và kêu gọi người Mỹ mua thuốc từ các hiệu thuốc trên khắp đất nước.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã kêu gọi chính phủ Mỹ nghiên cứu các trường hợp tái nhiễm một cách có hệ thống hơn, nói rằng hiện tượng này cần được xác định tốt hơn để hiểu ai là người có nguy cơ cao nhất và liệu quá trình điều trị tiêu chuẩn 5 ngày bằng thuốc có nên được kéo dài để ngăn ngừa bệnh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người có thể truyền bệnh cho người khác trong thời gian tái nhiễm - đó là một lý do khác để hiểu rõ hơn về nó.
Pfizer, công ty sản xuất Paxlovid, cho biết các nghiên cứu của họ cho thấy tình trạng tái phát rất hiếm và xảy ra ở những người dùng thuốc cũng như những người đã dùng giả dược (liệu pháp điều trị y tế không dựa vào hoạt chất của thuốc mà dựa vào trấn an tâm lý người bệnh). Họ ghi nhận hiện tượng này ở cả hai nhóm, nên công ty không tin rằng nó có liên quan đến thuốc.
Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Tiến sĩ Anthony Fauci cũng trải qua tái nhiễm Covid-19. Các triệu chứng của ông trở nên tồi tệ hơn khi ông quay trở lại làm việc sau khi điều trị và các bác sĩ đã kê cho ông một đợt điều trị Paxlovid khác.
Theo Robb Report, nhà đấu giá Sotheby's New York mới đây thông báo rằng họ đã bán đấu giá một bộ xương khủng long hoàn chỉnh trong tháng này với giá 6,1 triệu USD. Đây là bộ xương đầu tiên của loài Gorgosaurus được bán. Đây cũng là lần đầu tiên một hóa thạch khủng long hoàn chỉnh được bán kể từ khi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago mua được bộ xương hoàn chỉnh của Sue the T-Rex vào năm 1997 với giá 8,4 triệu USD. Nhà đấu giá đã không tiết lộ tên của người mua hoặc người bán cho công chúng.
Các nhà cổ sinh vật học đã chỉ trích giao dịch này, đồng thời bày tỏ rằng, họ lo lắng về việc thương mại hóa quá mức các phát hiện lịch sử như thế này
Mặc dù việc mua bán là hợp pháp vì bộ xương được tìm thấy thuộc sở hữu tư nhân ở Mỹ, nhưng các nhà phê bình nói rằng bộ xương Gorgosaurus không nên nằm trong các bộ sưu tập tư nhân.
Thomas Carr, một nhà nghiên cứu của trường Đại học Carthage, người nghiên cứu về khủng long bạo chúa bình luận với New York Times rằng: “Tôi hoàn toàn đau khổ và thất vọng vì thiệt hại sâu rộng cho khoa học từ việc mất những mẫu vật này. Đây là một thảm họa".
Gorgosaurus là một thành viên của họ Tyrannosaurid và được biết đến là loài ăn thịt hung dữ từ kỷ Phấn trắng muộn có niên đại hơn 77 triệu năm trước. Gorgosaurus sinh sống trên Trái đất 10 triệu năm trước khi người anh em họ của nó, T-Rex xuất hiện.
Bộ chỉ huy tác chiến miền Nam của quân đội Ukraine ngày 30/7 cho biết, họ đã cắt đứt tuyến giao thông đường sắt đến Kherson qua sông Dnipro và có khả năng cô lập thêm lực lượng Nga ở phía tây con sông khỏi nguồn tiếp viện từ bán đảo Crimea và miền Đông Donbass.
Ukraine đã sử dụng các hệ thống tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để làm hư hỏng nặng ba cây cầu bắc qua sông Dnipro trong những tuần gần đây, chia cắt thành phố Kherson khiến Tập đoàn quân 49 của Nga đóng quân ở bờ Tây con sông lâm vào tình thế dễ bị tổn thương.
Bộ chỉ huy tác chiến miền Nam của Ukraine cho biết, hơn 100 binh sĩ Nga và 7 xe tăng đã bị tiêu diệt trong cuộc giao tranh hôm 29/7 ở các khu vực miền nam Kherson, Mykolaiv và Odessa.
Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng khu vực Kherson, Yuri Sobolevsky đã yêu cầu người dân tránh xa các bãi chứa đạn dược của Nga vì quân đội Ukraine sẽ tấn công các mục tiêu này.
“Quân đội Ukraine đang tấn công dồn dập người Nga nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu", ông Sobolevsky tuyên bố.
Thống đốc vùng Kherson của Ukraine, Dmytro Butriy cho biết quận Berislav bị ảnh hưởng nặng nề bởi giao tranh. Berislav nằm bên kia sông Dnipro về phía tây bắc của nhà máy thủy điện Kakhovka.
“Ở một số ngôi làng, không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Tất cả cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy, mọi người đang sống trong những căn hầm”, ông Butriy viết trên Telegram.
Các quan chức quốc phòng và tình báo Anh đã miêu tả các lực lượng Nga đang vật lộn để duy trì động lực chiến đấu. Reuters không thể xác minh các tuyên bố một cách độc lập.
Về phần mình, các quan chức từ chính quyền do Nga bổ nhiệm điều hành vùng Kherson đã bác bỏ đánh giá của phương Tây và Ukraine về tình hình ở Kherson.
Phía chính quyền quân sự - dân sự Kherson không có nhiều phát ngôn đao to búa lớn, tuy nhiên họ đã khẳng định và đang chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập với Nga trong thời gian tới.
Theo SCMP, một số đoạn đã hoàn thành của hầm núi tuyết Cáp Ba dài 9 km ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang bị ép nhỏ lại do các mảng kiến tạo Á - Âu và Ấn Độ va chạm. Theo đó, đường rộng 12m giờ đây giảm xuống còn chưa đầy 3m chỉ trong 20 ngày. Vì bị ép nhỏ, đường hầm này giờ đây còn không đủ rộng cho một chiếc ô tô chạy qua - các kỹ sư của dự án tuyên bố.
Kết quả đo đạc cho thấy các khối đá xung quanh đường hầm phải chịu áp lực lên tới 30 megapascal, tương đương tổng trọng lượng của 75 con voi đứng trên một chân. Các khối đá chủ yếu hình thành từ dung nham nên không đủ cứng để chịu áp lực.
"Hầm núi tuyết Cáp Ba hoàn toàn vượt qua hiểu biết của tôi về việc xây dựng đường hầm. Hiện tại, đây là đường hầm nhiều thách thức nhất ở Trung Quốc với tốc độ biến dạng, thời gian xây và sự hư hại đều phá vỡ các kỷ lục trước kia", Tian Weiquan, quản lý dự án tại Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 6 nhấn mạnh.
Các kỹ sư đã cố gắng nâng đỡ đường hầm bằng những cấu trúc bê tông cốt thép siêu chắc chắn được chế tạo nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao. Tuy nhiên, sức ép khổng lồ biến xi măng thành bụi và làm biến dạng cả những thanh thép chắc chắn nhất.
Ông Tian và các đồng nghiệp cho biết, hiên họ đã tìm ra giải pháp để sửa chữa và hoàn thiện hầm Cáp Ba. Theo đó, họ sẽ khoan một đường hầm nhỏ hơn xuyên qua núi, giúp giải phóng phần lớn áp lực tích tụ trong đá. Khi các điều kiện ổn định, họ sẽ mở rộng kích thước đường hầm để đáp ứng yêu cầu thiết kế. Hiện tại, hơn 1.200 người đang làm việc ở khu vực đường hầm cả ngày lẫn đêm, nhiều gấp 4 lần so với kế hoạch trước đó.
"Chúng tôi sẽ trả thù cho tất cả đồng đội của chúng tôi, những người đã bị giết hoặc bị thương bởi Liên bang Nga.... Và chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong phạm vi quyền hạn của mình để trừng phạt những ai phạm tội ác chống lại dân thường và đồng đội của chúng tôi", ông Zaluzhnyi tuyên bố, theo Pravda.
Nga và Ukraine ngày 29/7 cáo buộc lẫn nhau nã pháo vào một nhà tù ở Olenivka thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, miền đông Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, quân đội Ukraine dùng pháo HIMARS tập kích nhà tù nhưng Kiev bác bỏ và cho rằng Nga làm điều này.
Chính quyền ly khai và các quan chức Nga cho biết, cuộc tấn công hôm 29/7 đã khiến 53 người thiệt mạng, 71 người bị thương, trong đó có cả tù binh Ukraine và quản giáo.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine phủ nhận việc thực hiện bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa hay pháo binh nào vào nhà tù ở Olenivka. Họ cáo buộc người Nga pháo kích vào nhà tù để che đậy các cáo buộc tra tấn và hành quyết tù binh Ukraine ở đó.
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak kêu gọi "điều tra nghiêm ngặt" về vụ tấn công và kêu gọi Liên Hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế khác lên án vụ việc này.
Ukraine hôm nay 30/7 kêu gọi Tòa Hình sự Quốc tế vào cuộc điều tra vụ pháo kích trại tù binh ở Olenivka, cáo buộc đây là "tội ác chiến tranh của Nga".
"Chúng tôi kêu gọi Văn phòng Công tố của Tòa Hình sự Quốc tế khẩn trương chú ý đến hành vi của lực lượng Nga trong quá trình điều tra tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của công dân Nga trên lãnh thổ Ukraine", Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 29/7 cho biết.
Theo People, năm 2019, Roy Holden Jr, cựu nhân viên của Spectrum - công ty con của Charter Communications, một công ty cáp viễn thông của Mỹ - đã đâm chết dã man cụ bà Betty Thomas ở thành phố Irving, Texas (Mỹ) tại nhà nạn nhân.
Ban đầu, Roy được Spectrum cử đến nhà bà Thomas ở Irving vào ngày 11/12/2019 để sửa máy fax theo yêu cầu của nạn nhân.
Nhưng ngày hôm sau, Roy mặc đồng phục, lái xe công ty quay lại nhà bà Thomas, giả vờ tiếp tục việc sửa chữa.
Nhưng mục đích của Roy là trộm thẻ tín dụng của nạn nhân. Khi bị bà Thomas phát hiện, Roy đã đâm bà cụ nhiều nhát cho đến chết. Sau đó, hắn dùng thẻ tín dụng của nạn nhân để đi mua sắm.
Roy nhận tội vào tháng 4/2021 và đã lĩnh án chung thân sau vụ giết người.
Nhưng mới đây, hôm 26/7, một tòa án ở Dallas (Texas) đã ra phán quyết rằng, Charter Communications phải chịu trách nhiệm về cái chết của bà Thomas và bồi thường cho gia đình nạn nhân lên tới 7 tỷ USD. Khoản tiền này tách riêng với khoản bồi thường 375 triệu USD USD mà tòa án đã tuyên hồi tháng 6.
Lý do khiến Charter Communications phải bồi thường số tiền kếch xù trên là vì bồi thẩm đoàn nhận thấy nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà Thomas gần như xuất phát từ sai sót nghiêm trọng của công ty này.
Các luật sư của nguyên đơn đã chỉ ra rằng, Charter Communications không thực hiện kiểm tra lý lịch của nhân viên bao gồm Roy Holden Jr trước khi ký hợp đồng. Sự cẩu thả này của Charter Communications được cho là có thể giúp Roy nói dối về quá trình làm việc của anh ta. Các luật sư cũng đệ trình bằng chứng rằng, Holden đã nhiều lần tìm kiếm sự giúp đỡ từ người giám sát và quản lý cho các vấn đề cá nhân của anh ta.
Luật sư Chris Hamilton, người đại diện cho gia đình Thomas trong vụ án nhấn mạnh: ”Đây là sự vi phạm nghiêm trọng lòng tin của khách hàng đối với một công ty chuyên cung cấp nhân viên đến làm việc tại hàng triệu ngôi nhà mỗi năm".
Ngoài ra, các luật sư của gia đình Thomas cũng công bố bằng chứng cho thấy, Spectrum phải chịu trách nhiệm cho hơn 2.500 vụ trộm tài sản của khách hàng trong vài năm trước khi vụ giết người xảy ra nhưng công ty này đã từ chối điều tra hoặc báo cảnh sát. Theo các luật sư, Spectrum đã liên tục từ chối “sửa chữa các quy định cẩu thả của họ".
Charter thậm chí còn bị phát hiện hủy các bằng chứng đáng lẽ phải được lưu giữ, bao gồm cả thông tin theo dõi và giám sát video đối với Roy. Tòa án thậm chí cho rằng Spectrum còn phạm tội khinh thường khi không cung cấp các tài liệu khác.
Sau khi nhận phán quyết với mức bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân lên tới 7 tỷ USD vì “những lỗi hệ thống” trong quá trình sàng lọc, tuyển dụng và giám sát nhân viên hôm 26/7, Charter Communications tuyên bố sẽ kháng cáo. Công ty này cho rằng, cái chết của nạn nhân là không thể lường trước và trách nhiệm cho tội ác khủng khiếp này hoàn toàn thuộc về cựu nhân viên Roy.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều vừa có chuyến thăm một số nước châu Phi trong tuần này. Bà Samantha Power, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cũng đã đến thăm Kenya và Somalia vào tuần trước. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Linda Thomas-Greenfield dự kiến đến Ghana và Uganda vào tuần tới.
William Gumede, giám đốc của Democracy Works, một tổ chức thúc đẩy quản trị tốt bình luận: “Tình huống này giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra ở châu Phi, nơi các bên đối địch nhau đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng”.
Ông Lavrov, trong chuyến thăm châu Phi đã cố miêu tả phương Tây là "kẻ xấu", đổ lỗi cho họ về việc giá lương thực tăng cao vì các chính sách môi trường "liều lĩnh". Ông Lavrov cũng cáo buộc phương Tây tích trữ lương thực trong đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây tố, Điện Kremlin sử dụng lương thực như "một loại vũ khí" và tấn công Ukraine theo "kiểu đế quốc" - một thuật ngữ nhằm mục đích gieo ác cảm với Nga ở châu Phi,
Trong chuyến công du châu Phi của mình, Tổng thống Pháp Macron đã cáo buộc Điện Kremlin sử dụng các kênh truyền hình như RT để tuyên truyền cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp cáo buộc Điện Kremlin đe dọa thế giới khi cản trở việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Cuối cùng, ông Macron kêu gọi người châu Phi không đứng về phía Nga.
Nga đã nỗ lực để giành được sự ủng hộ ở châu Phi trong vài năm qua. Moscow đang ra sức củng cố lại tình bạn với các nước ở châu lục này, vốn từng khăng khít nửa thế kỷ trước, khi Liên Xô ủng hộ nhiều phong trào đấu tranh của châu Phi để chấm dứt chế độ thuộc địa.
Ông Gumede cho rằng, hiện nay, chiến dịch "quyến rũ" của Nga ở châu Phi đang ở giai đoạn cao trào.
Ảnh hưởng của Moscow ở châu Phi đã được thể hiện vào tháng 3 trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc nhằm lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. 28 quốc gia châu Phi bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết nhưng 25 quốc gia ở lục địa này đã bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu.
Anton Harber, Giáo sư báo chí tại Đại học Witwatersrand ở Nam Phi bình luận: "Nga hiện xem châu Phi là mảnh đất màu mỡ để vun đắp ảnh hưởng của mình, và tất nhiên, những lá phiếu của họ tại Liên Hợp Quốc cũng rất quan trọng".
Hãng tin CNA dẫn lời một quan chức Tòa án Tối cao cho biết lệnh trên được đưa ra hôm 27/7 liên quan tới ít nhất một trong số những đơn tố cáo các chính trị gia và các quan chức chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Sri Lanka.
Ông Rajapaksa đã rời đất nước đến Singapore, sau đó gửi đơn từ chức tới Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka trong bối cảnh người dân biểu tình phản đối ông. Ông Rajapaksa hiện được gia hạn lưu trú 14 ngày và có thể ở Singapore đến ngày 11/8.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.
Quốc hội Sri Lanka ngày 20/7 đã nhất trí bầu ông Ranil Wickremesinghe làm Tổng thống mới, thay thế ông Rajapaksa. Hiện Sri Lanka đang áp dụng tình trạng khẩn cấp nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng bất ổn xã hội cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Theo Aljazeera, hơn 9 tháng sau khi Iraq tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10/2021, các nhà lãnh đạo chính trị vẫn không thể thành lập chính phủ.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Iraq lên đến đỉnh điểm khi đám đông biểu tình vượt qua hàng rào bê tông, xông vào Vùng Xanh và tràn vào trong tòa nhà quốc hội ở thủ đô Baghdad hôm 27/7. Mục đích của người biểu tình là để phản đối tham nhũng và việc các đảng thân Iran đề cử thủ tướng mới.
Vùng Xanh là khu vực được bảo vệ cẩn mật, vì là nơi tọa lạc một số tòa nhà quan trọng nhất của thủ đô, trong đó có tòa nhà quốc hội và các đại sứ quán.
Cuộc biểu tình nổ ra sau khi liên minh các đảng thân Iran ở Iraq, Coordination Framework, ngày 25/7 đề cử ông Mohammed al-Sudani làm tân thủ tướng thay thế ông Mustafa al-Kadhimi.
Giáo sĩ Muqtada al-Sadr, người có ảnh hưởng lớn trong chính trường Iraq đã phản đối đề cử này.
Ảnh hưởng lớn của giáo sĩ Muqtada al-Sadr
Marsin Alshamary, một nhà nghiên cứu của Trường Harvard Kennedy bình luận trên Al Jazeera rằng: “Al-Sudani chỉ là một cái cớ hoàn hảo để giáo sĩ Muqtada al-Sadr bày tỏ sự không hài lòng của mình với toàn bộ Coordination Framework và hệ thống chính trị ở Iraq".
Ông Alshamary thậm chí cho rằng, giáo sĩ Muqtada al-Sadr sẽ vẫn có khả năng kích động người biểu tình dù "bất cứ ai khác được đề cử".
"Al-Sudani thực sự đại diện cho một trong những nhân vật ít gây tranh cãi nhất của Coordination Framework”, ông Alshamary bình luận.
Những người biểu tình đã mang theo chân dung của giáo sĩ al-Sadr và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ ông. Họ chỉ rời tòa nhà quốc hội để về nhà sau khi vị giáo sĩ này yêu cầu họ làm điều đó trên Twitter và nhấn mạnh rằng, thông điệp của họ đã được ghi nhận.
Sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn ở Iraq trong những ngày tới?
Quốc hội Iraq dự kiến tổ chức phiên họp trong vài ngày tới để bầu ra tổng thống mới trong số 25 ứng viên. Tân tổng thống Iraq sẽ chỉ định thủ tướng mới. Quốc hội Iraq được cho là nhiều khả năng sẽ phê chuẩn đề cử ông al-Sudani.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng, sự rạn nứt giữa các nhóm Shia của Iraq sẽ gây chia rẽ chưa từng có và nếu giáo sĩ al-Sadr hay Coordination Framework bị gạt sang một bên, phản ứng dữ dội sẽ gần như không thể tránh khỏi.
Quốc hội Iraq vốn đã rơi vào khủng hoảng kể từ sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 10/2021, khi các cuộc đàm phán giữa các đảng phái chính trị không đạt kết quả để chọn ra thủ tướng mới. Các nghị sĩ Iraq đã 3 lần thất bại trong việc bầu ra một tổng thống mới, bước quan trọng đầu tiên trước khi chọn ra thủ tướng và sau đó là thành lập chính phủ mới. Hai nhóm theo dòng Shia trong quốc hội Iraq gồm liên minh do giáo sĩ Sadr đứng đầu và nhóm Coordination Framework đều tuyên bố chiếm đa số trong Quốc hội và có quyền bổ nhiệm thủ tướng.
Vụ việc người biểu tình ủng hộ giáo sĩ al-Sadr tràn vào quốc hội hôm 27/7 và việc vị giáo sĩ này thể hiện quyền kiểm soát đối với những người ủng hộ ông rõ ràng đã gửi một cảnh báo ngầm đối với Coordination Framework về khả năng khủng hoảng leo thang nếu ông al-Sudani trở thành thủ tướng.
Al-Sadr đã chỉ ra rằng, ngay cả khi những người ủng hộ ông không tràn vào quốc hội, ông vẫn không thể bị các chính trị gia Iraq "phớt lờ".
Vật thể không xác định được chụp bởi tàu thăm dò Perseverance của NASA vào ngày 12/7. Thật kỳ lạ, khi con robot quay trở lại vị trí cũ bốn ngày sau đó, vật thể đã hoàn toàn biến mất.
Các chuyên gia tin rằng nó có thể đã bị thổi bay bởi các cơn gió sao Hỏa được tác động bởi sự thay đổi nhiệt độ trên bề mặt hành tinh.
Vật thể kỳ lạ này đã làm dấy lên những đồn đoán trên mạng, một người đăng trên Twitter rằng nó trông giống như một "con sứa", trong khi những người khác cho rằng nó giống như đĩa mì spaghetti.
Các quan chức NASA cho biết vật thể chưa xác định có khả năng là một mảnh vỡ từ tàu thám hiểm hạ cánh xuống Hành tinh Đỏ.
Người phát ngôn của một phòng thí nghiệm NASA nói với AFP: "Chúng tôi đã thảo luận về việc nó đến từ đâu, vật thể này được cho là một đoạn dây từ chiếc dù hoặc hệ thống hạ cánh giúp đưa robot xuống đất. Tuy nhiên vẫn chưa có gì chắc chắn".
Tàu thăm dò Perseverance của NASA được phóng vào ngày 30/7/2020 và hạ cánh thành công xuống sao Hỏa vào ngày 18/2/2021. Nhiệm vụ của tàu là tìm kiếm các môi trường sao Hỏa có khả năng hỗ trợ sự sống, tìm kiếm bằng chứng về sự sống của vi sinh vật, thu thập các mẫu đá và thử nghiệm sản xuất oxy trong khí quyển để chuẩn bị cho các nhiệm vụ phi hành đoàn trong tương lai.
Bầu khí quyển trên sao Hỏa mỏng hơn nhiều so với Trái đất, chúng chứa hơn 95% carbon dioxide và ít hơn 1% oxy.
Liên quan đến việc Đức ngừng cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông mẫu mới màu xanh tím than của Việt Nam, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã cung cấp thêm thông tin cho Dân Việt.
Ngày 27/7/2022 Đại sứ quán đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo việc này. Công hàm có đoạn viết:
“Những hộ chiếu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7/2022 tại Việt Nam tạm thời không được công nhận ở Đức và vì thế không thể cấp thị thực vào những hộ chiếu đó được
Nguyên nhân là do thiếu thông tin về nơi sinh. Chỉ có thể xác định được nơi sinh thông qua số định danh cá nhân có 12 chữ số và thông qua việc đối chiếu với một danh sách dài 7 trang.
Không có nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt vì nhiều trường hợp trùng họ. Đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được. Trong khi kiểm tra ở Đức (khi nhập cảnh, xuất cảnh, khi kiểm tra trong nước) sẽ phải luôn đối chiếu bằng thủ công với danh sách. Không thể cho rằng, mỗi một người làm nhiệm vụ kiểm tra đều có danh sách này.
Thêm vào đó hiện nay có nhiều hộ chiếu nộp vào Đại sứ quán mà không có số định danh cá nhân, đa số là hộ chiếu của vị thành niên, cũng như một số hộ chiếu mà nơi sinh tìm thấy được lại không trùng khớp với nơi sinh thực sự.
Hiện nay những người mang hộ chiếu mới của Việt Nam không được nhập cảnh vảo Đức để lưu trú ngắn hạn“.
Trước đó thông tin trên trang web của Đại sứ quán Đức thông báo ngừng cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam. Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nội địa Đức, thậm chí với người đã được cấp thị thực, Đại sứ quán cũng “khẩn thiết khuyên quý vị không nên đến Đức. Bởi vì nguy cơ quý vị sẽ bị từ chối cho nhập cảnh tại biên giới”. Hồ sơ xin thị thực sẽ không được tiếp nhận cho tới khi có thông báo khác.
Theo News Week, lực lượng Ukraine đang nỗ lực tạo ra các điều kiện thuận lợi cho một cuộc phản công lớn mà họ hy vọng sẽ đánh bật quân đội Nga ra khỏi Kherson ở phía Nam, mở ra một con đường tới bán đảo Crimea ở Biển Đen được sáp nhập vào Liên bang Nga kể từ năm 2014.
Trong những tuần gần đây, các đơn vị pháo binh, lực lượng đặc biệt và du kích Ukraine đã nỗ lực làm điều đó bằng cách phá hủy các trung tâm trọng yếu, tấn công các tuyến đường sắt và cầu quan trọng của quân đội Nga.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, bình luận cuộc phản công được chờ đợi từ lâu có thể đã bắt đầu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết các lực lượng của ông đang tiến "từng bước" để tiến tới giải phóng hoàn toàn Kherson.
Chuyên gia an ninh Ukraine Alexander Khara đã gợi ý cuộc phản công của người Ukraine "có cơ hội thành công rất lớn".
Ông Hanna Shelest, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh tại tổ chức tư vấn an ninh và chính sách đối ngoại Ukraine Prism chia sẻ với Newsweek rằng, Kherson, ở phía Nam - là mục tiêu hợp lý có thể giúp Ukraine xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến với Nga.
Lý do là, ở phía Bắc, Kharkov - thành phố lớn thứ 2 của Ukraine - sát biên giới với Nga, cung cấp cho các lực lượng Nga mạng lưới tiếp tế vững chắc. Ở phía Đông, Nga đã đổ quân cũng như vũ khí vào chiến trường Donbass và đang giành được những chiến thắng nhỏ.
Nhưng ở phía Nam, các lực lượng Nga đã không đạt được tiến bộ nào đáng kể nhiều tháng qua. Các tuyến tiếp tế từ Crimea đến khu vực này quá xa, lực lượng Nga trong khu vực suy yếu do phải tiếp viện cho chiến trường Donbass, trong khi chính quyền do Moscow hậu thuẫn ở Kherson đang thất bại trong việc trấn áp cuộc nổi dậy đang âm ỉ.
Các hệ thống pháo tầm xa mới - cụ thể là HIMARS do Mỹ sản xuất và các loại vũ khí có độ chính xác cao với tầm bắn khoảng 80km được phương Tây viện trợ đã giúp người Ukraine tấn công nhiều mục tiêu xa hơn, gây ra thiệt hại lớn hơn cho các lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết, các lực lượng Ukraine đã phá hủy 50 kho đạn và nhiên liệu của Nga bằng HIMARS trong những tuần gần đây, cũng như phá hoại nhiều cây cầu chiến lược ở Kherson, làm gián đoạn tuyến đường tiếp viện của quân đội Nga.
Người Ukraine đã cố gắng không phá hủy hoàn toàn các cây cầu, mà phá hoại chúng liên tục để gây tác động tâm lý cho quân đội Nga.
Alexander Khara, một cựu cố vấn an ninh của chính phủ Ukraine nói với Newsweek rằng, tình trạng sa sút tinh thần của quân đội Nga ở phía Nam có nghĩa là một cuộc phản công của Ukraine "có cơ hội thành công rất lớn".
Các nhà phân tích nhấn mạnh, nếu thành công để lấy lại Kherson, các lực lượng Ukraine sẽ mở ra cánh cửa để tiến tới nhiều khu vực khác.
Chiến thắng lớn hơn ở phía Nam rõ ràng mang lại cho Ukraine quá nhiều lợi ích chiến lược khi đẩy các lực lượng Nga ra xa hơn về phía đông, sẽ khiến đối phương ngày càng cách xa thành phố cảng quan trọng là Odessa và các tàu thương mại đang hoạt động ở đó.
"Odesa là cửa ngõ của chúng tôi với thế giới. Tầm quan trọng của Odessa cực kỳ lớn. Do sự phong tỏa của Nga, hàng triệu người trên toàn cầu đang thiếu lương thực", chuyên gia an ninh Ukraine Khara bình luận.
Lấy lại vùng lãnh thổ miền Nam cũng giúp Ukraine giành lại quyền tiếp cận với các ngành nông nghiệp và công nghiệp chiến lược trong khu vực.
Hơn nữa, Moscow giành quyền kiểm soát Kherson là vì họ muốn có một hành lang đất liền từ bán đảo Crimea qua Donbass tới Nga. Nếu các lực lượng Ukraine đánh bật quân đội Nga khỏi Kherson, thì hành lang đó sẽ bị phá vỡ.
“Nga cần những vùng lãnh thổ phía Nam để đảm bảo hành lang trên bộ với Crimea và đảm bảo nguồn cung cấp nước cho bán đảo này không bị gián đoạn. Nga cũng đang tìm cách chuyển hướng cung cấp điện từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia dọc sông Dnepr", ông Khara bình luận.
Ngay cả khi Ukraine chỉ giành lại được thành phố Kherson, thì đây cũng sẽ là một đòn giáng mạnh vào người Nga. Nếu kiểm soát được toàn bộ khu vực, họ sẽ cắt Crimea khỏi các khu vực ở Donbass đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, các chuyên gia nhận định.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 đang trở thành tâm điểm trong căng thẳng giữa Nga và các thành viên EU trong những tuần gần đây, khi Brussels vật lộn tìm cách đảm bảo tích trữ đủ lượng khí đốt để đưa các nước thành viên vượt qua mùa đông châu Âu sắp tới.
Gazprom, gã khổng lồ khí đốt do nhà nước kiểm soát của Nga, đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải "đau đầu" khi liên tục thông báo về việc nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị gián đoạn do các vấn đề kỹ thuật và công tác bảo trì.
Hôm thứ Ba 26/7, các bộ trưởng năng lượng của EU đã họp tại Brussels để thông qua một kế hoạch khẩn cấp nhằm đối phó với việc Nga giảm mạnh dòng chảy khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1.
Người đứng đầu chính sách năng lượng của EU, ông Kadri Simson nhấn mạnh rằng, thông báo của Gazprom để giảm nguồn cung khí đốt xuống 20% công suất của đường ống kể từ ngày 27/7 là "có động cơ chính trị".
Vậy đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 là gì và tại sao nó quan trọng với Châu Âu?
Dòng chảy phương Bắc 1 do Gazprom sở hữu phần lớn, là đường ống lớn nhất duy nhất đưa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng của Nga đến châu Âu thông qua Đức.
EU lâu nay phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Năm ngoái, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên mà EU cần.
Nhưng nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm đáng kể trong năm nay do cuộc chiến giữa nước này và Ukraine. Điều này gây căng thẳng cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và đẩy giá hàng hóa tăng vọt.
Công việc bảo trì như những gì Gazprom mô tả phần lớn không được chú ý trong quá khứ, nhưng đường ống hiện được cho là đã trở thành "một con bài mặc cả" khi Nga và phương Tây tung ra các đòn kinh tế nhắm vào nhau sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng Hai.
Nga đã cắt giảm lượng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 40% công suất của đường ống vào tháng 6, với lý do việc đưa tuabin đang được bảo dưỡng ở Canada trở lại bị trì hoãn vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Moscow sau đó khóa van khí đốt hoàn toàn trong 10 ngày với lý do để bảo trì đường ống thường niên trong tháng này và chỉ vừa khởi động lại vào ngày 21/7 ở mức 40% công suất như trước. Nhưng đầu tuần này, Gazprom thông báo họ đã tạm dừng hoạt động của một trong hai tuabin của đường ống vì lý do kỹ thuật. Do đó, lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu sẽ giảm xuống còn khoảng 20% công suất của đường ống kể từ hôm nay 27/7.
Giám đốc chính sách năng lượng của EU, Kadri Simson hôm thứ Ba 26/7 tuyên bố: "Chúng tôi biết rằng không có lý do kỹ thuật nào để làm như vậy".
Ông Simson nói thêm rằng EU đã phải đối phó với các động thái của Moscow bằng cách giảm tiêu thụ khí đốt.
Nhưng vì sao các quan chức châu Âu cáo buộc động thái của Moscow có "động cơ chính trị"? Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói với các phóng viên hôm thứ Hai 25/7 rằng Nga không tính đến việc cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Tuy nhiên, “nếu châu Âu tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế một cách liều lĩnh gây ảnh hưởng đến họ, thì tình hình có thể thay đổi”, ông Peskov cảnh báo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã báo trước về sự cắt giảm mới nhất, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng, các lệnh trừng phạt tiếp tục có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng thảm khốc đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bình luận trên hãng thông tấn DPA rằng, Tổng thống Putin “đang chơi một trò chơi khôn ngoan”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm Chủ nhật 24/2 cáo buộc rằng Nga đang tiến hành một "cuộc chiến tranh khí đốt công khai" chống lại châu Âu, đồng thời kêu gọi EU "đáp trả" bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Bất chấp những lời cam đoan, Nga được cho là có thể cắt giảm nguồn khí đốt đến châu Âu vào mùa đông này, khiến nước Đức rơi vào suy thoái và khiến giá lương thực cũng như năng lượng ngày càng tăng cao hơn do xung đột Nga-Ukraine.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt để sưởi ấm các ngôi nhà trong mùa đông này.
Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu hôm thứ Ba 26/7 đã đạt được thỏa thuận về một đề xuất khẩn cấp yêu cầu tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt vào giữa tháng 9 tới 15% để tiết kiệm khoảng 45 tỷ mét khối khí đốt cần thiết cho mùa đông.
EU có thể đưa yêu cầu này trở thành bắt buộc nếu các quốc gia thành viên không đạt được mục tiêu, bất chấp sự phản đối của các nước như Hy Lạp, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 24/7 đã lần lượt có các cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Sisi và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tại Cairo trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 5 ngày tới một loạt các nước châu Phi của ông.
Ngay trước chuyến thăm Ai Cập của ông Lavrov, tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom của Nga đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ai Cập với 4 lò phản ứng.
Ai Cập vốn là quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arab, vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Mỹ, ngay cả sau khi Điện Kremlin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24/2.
Ai Cập cũng là một trong những nước nhập khẩu lúa mỳ nhiều nhất thế giới, trong khi Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu chính mặt hàng này.
Các nước châu Phi nằm trong nhóm chịu tác động nặng nề nhất từ cuộc xung đột tại Ukraine. Giá cả toàn cầu của các mặt hàng thiết yếu tăng phi mã, trong khi hàng tỷ USD tiền viện trợ được chuyển sang hỗ trợ cho những người phải sơ tán khỏi Ukraine do xung đột.
Tình hình này khiến hàng triệu người trong các khu vực xung đột ở châu Phi và Trung Đông rơi vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng cũng như các hỗ trợ thiết yếu khác.
Theo New York Times, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã không che giấu ý định sẽ sử dụng chuyến công du châu Phi của mình để đổ lỗi cho phương Tây về tình trạng thiếu lương thực ở các nước trong khu vực này cũng như thuyết phục lục địa này coi Nga là đồng minh thân cận.
Ngoài ra, Tổng thống Vladimir V. Putin tự nhận ông là "người lãnh đạo phong trào toàn cầu chống lại sự thống trị của Mỹ và các đồng minh". Ngoại trưởng Lavrov đã trực tiếp gửi thông điệp này tới châu Phi để thuyết phục các đồng minh trong khu vực đứng về phía Nga.
Theo hãng tin Sputnik, sau Ai Cập, dự kiến ông Lavrov sẽ tới Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo nhằm thảo luận về một loạt vấn đề quốc tế và khu vực cũng như triển vọng hợp tác song phương giữa Nga và các nước này.
Về phía Mỹ và đồng minh, trước chuyến thăm của ông Lavrov tới châu Phi, các nhà ngoại giao phương Tây ở Cairo đã âm thầm vận động Ai Cập không tiếp đón nhà ngoại giao Nga quá nồng nhiệt.
Đặc phái viên của Mỹ tại vùng Sừng châu Phi, Mike Hammer, cũng đến thăm khu vực này vào Chủ nhật 24/7. Ông Hammer dự kiến tới Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ethiopia để tiến hành các cuộc đàm phán chưa được tiết lộ chi tiết về nội dung.
Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày mang tên Hán Quang (Han Kuang) bắt đầu từ ngày 25/7 ở Đài Loan được thiết kế dựa trên việc mô phỏng mọi kịch bản mà đối phương có thể tấn công hòn đảo.
Hôm 25/7 Đài Loan bắt đầu khoa mục tập trận phòng không và đối phó tập kích tên lửa được gọi là "Vạn An" kéo dài khoảng 30 phút. Còi báo động phòng không được kích hoạt ở nhiều khu vực trên đảo Đài Loan từ 13h30 cùng ngày. Người dân nhiều khu vực bao gồm Đài Bắc được yêu cầu ở yên trong nhà, không được ra ngoài đường.
Tin nhắn "cảnh báo tên lửa" đã được gửi đến điện thoại di động của người dân, yêu cầu họ lập tức sơ tán đến nơi an toàn.
Ông Su Tzu-yun, một chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan cho biết, hòn đảo có các boong-ke ngầm trong lòng đất cung cấp chỗ ẩn náu cho người dân và quân đội, để họ đẩy lùi lực lượng đối phương.
Lực lượng cứu hỏa cũng diễn tập kịch bản nhiều công trình bốc cháy dữ dội do trúng tên lửa.
Thị trưởng Đài Bắc Ko Wen-je cho biết, cuộc tập trận là điều cần thiết để chuẩn bị khả năng chiến tranh xảy ra do máy bay đại lục thường xuyên áp sát đảo Đài Loan những năm gần đây.
"Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2, nhắc nhở chúng tôi phải luôn duy trì cảnh giác", ông Ko Wen-je cho biết.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất của đại lục và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc gần đây trở nên căng thẳng, khi quân đội Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan bằng hàng loạt chuyến bay áp sát hòn đảo với lượng phi cơ cao kỷ lục đồng thời tiến hành nhiều cuộc tập trận đổ bộ chiếm bờ biển ở khu vực gần Đài Loan.
Gần đây, thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có kế hoạch thăm đảo Đài Loan vào tháng 8 đã khiến Bắc Kinh giận dữ. Bắc Kinh đã phát cảnh báo mạnh mẽ đến Mỹ và thậm chí tuyên bố để ngỏ hành động quân sự nếu bà Pelosi thăm Đài Loan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh hôm 25/7 rằng, Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm với mọi hậu quả nghiêm trọng nếu chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra.
"Nếu Mỹ kiên quyết thực hiện kế hoạch, Trung Quốc sẽ có những biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ để đáp trả", ông Triệu Lập Kiên tuyên bố.
Tàu ngầm Belgorod đã được chuyển giao cho Hải quân Nga vào đầu tháng này tại cảng Severodvinsk, theo nhà máy đóng tàu lớn nhất của đất nước, Sevmash Shipyard.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng, thiết kế của tàu ngầm Belgorod là phiên bản sửa đổi của tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường lớp Oscar II của Nga.
Tuy nhiên, Belgorod được chế tạo dài hơn với mục đích cuối cùng là để trang bị ngư lôi tàng hình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên trên thế giới và các thiết bị thu thập thông tin tình báo.
Theo CNN, các chuyên gia bình luận, nếu Belgorod có thể bổ sung thành công những khả năng mới đó vào hạm đội Nga, thì trong thập kỷ tới, nó có thể tạo tiền đề cho sự quay trở lại Chiến tranh Lạnh dưới lòng đại dương, với việc tàu ngầm của Mỹ và Nga theo dõi và săn đuổi nhau một cách kịch tính và nguy hiểm.
Với chiều dài 184m, Belgorod là tàu ngầm dài nhất hiện nay, dài hơn cả các tàu ngầm tên lửa dẫn đường và tên lửa đạn đạo dài 171m thuộc lớp Ohio của Mỹ.
Tàu Belgorod vốn được hạ thủy từ năm 2019 và dự kiến được bàn giao cho Hải quân Nga vào năm 2020, sau giai đoạn chạy thử, nhưng phải hoãn lại do đại dịch Covid-19, Tass đưa tin.
Theo CNN, điều khiến Belgorod khác biệt với bất kỳ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nào trong hạm đội Nga - hoặc bất kỳ tàu ngầm hạt nhân nào trên thế giới - là sứ mệnh của nó.
TASS cho biết, tàu ngầm này sẽ mang ngư lôi hạt nhân Poseidon vốn được thiết kế để phóng đến mục tiêu từ cách xa hàng trăm km và xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ ven biển bằng cách di chuyển dọc theo đáy biển.
"Ngư lôi siêu lớn có khả năng hạt nhân này là vũ khí duy nhất trong lịch sử thế giới. Poseidon là một loại vũ khí hoàn toàn mới. Nó sẽ định hình lại sức mạnh hải quân của cả Nga và phương Tây, dẫn đến các yêu cầu mới và vũ khí đối phó mới", chuyên gia tàu ngầm người Mỹ HI Sutton bình luận trên trang Covert Shores hồi tháng 3.
Cả hai quan chức Mỹ và Nga đều cho biết ngư lôi Poseidon có thể gây ra sóng phóng xạ khiến vùng bờ biển của đối phương không thể ở được trong nhiều thập kỷ.
Vào tháng 11/2020, ông Christopher A. Ford, khi đó là Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân cảnh báo, Poseidons đang được thiết kế để "làm ngập các thành phố ven biển của Mỹ bằng sóng thần phóng xạ.
Theo báo cáo của CRS, tàu ngầm Belgorod có khả năng chở tối đa tới 8 ngư lôi Poseidon, mặc dù một số chuyên gia vũ khí cho rằng trọng tải của nó nhiều khả năng là 6 ngư lôi loại này.
Số liệu được công bố vào cuối ngày 24/7 cho thấy số trẻ mới sinh vào năm 2021 là thấp nhất trong nhiều thập kỷ ở một số tỉnh.
Global Times cho biết, số lượng ca sinh ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc đã giảm xuống dưới 500.000 lần đầu tiên sau gần 60 năm. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Đông, miền nam của Trung Quốc có hơn 1 triệu ca sinh mới.
Trung Quốc đang cố gắng khắc phục tình trạng tốc độ gia tăng dân số tự nhiên giảm nhanh chóng trong bối cảnh nhiều người trẻ quyết định không sinh con do các yếu tố bao gồm chi phí cao và áp lực công việc.
Dân số Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu giảm vào giai đoạn 2021-2025, Global Times cho biết, dẫn lời Yang Wenzhuang, người đứng đầu các vấn đề dân số và gia đình tại Ủy ban Y tế Quốc gia.
Năm ngoái, Trung Quốc đã thay đổi luật và cho phép phụ nữ có ba con, tuy nhiên phương án này dường như không tỏ ra hiệu quả vì nhiều phụ nữ cho rằng sự thay đổi này là quá muộn, họ cũng lưu ý thêm rằng các nhà chức trách không cung cấp đủ việc làm cũng như chưa đảm bảo bình đẳng giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết Warsaw muốn tạo ra lực lượng mặt đất mạnh nhất trong số các thành viên châu Âu của NATO. Ông Blaszczak đưa ra nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Sieci, các đoạn trích trong đó được công bố hôm 24/7.
Quan chức này cho biết ông coi Nga, cũng như đồng minh Belarus, là những đối thủ tiềm tàng và cần phải chuẩn bị một quân đội hùng mạnh để ứng phó.
Blaszczak nói: "Chúng tôi chú ý tới khu vực biên giới với Nga ở phía bắc, cũng như phía Belarus".
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã hứa đưa Bundeswehr trở thành "quân đội quy ước lớn nhất" trong số các quốc gia NATO ở châu Âu.
"Quân đội Ba Lan phải đông đảo và mạnh đến mức chính sự tồn tại của nó sẽ khiến đối phương phải sợ hãi. Chúng tôi sẽ cải tổ cả về pháo binh và xe tăng, để đến cuối cùng sẽ không có quốc gia nào ở châu Âu mạnh hơn Ba Lan", Bộ trưởng tuyên bố.
Blaszczak nói rằng để bảo vệ mình khỏi các cuộc pháo kích có độ chính xác cao, Ba Lan đã đặt hàng các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, dự kiến sẽ được chuyển giao trong năm nay. Warsaw cũng sẽ mua một hệ thống phòng không không xác định "giống hệt" với Sky Sabre của Anh, Bộ trưởng nói thêm.
Ba Lan hiện đang cố gắng bổ sung kho vũ khí sau khi nước này chuyển hơn 200 xe tăng T-72 từ thời Liên Xô cho Ukraine để sử dụng trong cuộc xung đột với Nga. Tuần trước, Blaszczak thông báo mua khoảng 116 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams đã qua sử dụng từ Mỹ, bên cạnh một thỏa thuận riêng bao gồm 250 xe tăng mới.
Ban đầu, Warsaw dự kiến bổ sung kho dự trữ bằng xe tăng Leopard 2 của Đức, nhưng thỏa thuận này không thành công, khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cáo buộc Berlin phá vỡ cam kết thay thế vũ khí của Ba Lan.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố, nhà máy Nhiệt điện Vuhelhirska gần biên giới hành chính giữa Donetsk và Lugansk hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine bất chấp các nỗ lực đánh chiếm của lực lượng Nga trong 24 giờ qua.
Theo Bộ trên, tại mặt trận Bakhmut, lực lượng Nga tiến hành các hoạt động tác chiến nhằm tiến tới Bakhmut và chiếm Vuhlehirska. Quân đội Nga đã bắn phá các khu vực xung quanh Zaitseve, Vershyna, Berestove, Shumy, Bakhmut, Niu-York, Bakhmutske, Pokrovske, Novoluhanske, Vesele và nhiều thành phố, làng mạc khác, đồng thời triển khai các máy bay tấn công và lục quân.
Tại mặt trận Avdiivka, Novopavlivka và Zaporizhzhia, lực lượng Nga bị cáo buộc nã đạn vào các khu vực xung quanh Zolota Nyva, Vuhledar, Vesele, Avdiivka, Krasnohorivka cũng như nhiều thành phố, làng mạc khác. Lực lượng Nga cũng triển khai các UAV gần Mala Tokmachka và Novodarivka. Tại một số khu vực, lực lượng Nga đang thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu nhằm củng cố các vị trí của họ.
Tại mặt trận Sloviansk, Nga đã sử dụng lực lượng pháo binh bắn phá các khu vực xung quanh Chepil, Bohorodychne và Adamivka.
Ở mặt trận Kharkov, quân Nga bắn phá khu vực xung quanh Pytomnyk, Petrivka, Novomykolaivka, Staryi Saltiv, Blahodatne, Prudianka, Lisne, Lebiazhe, Korobochkyne, Derhachi, Peremoha và một số khu vực khác bằng pháo và rocket.
Tại mặt trận Kramatorsk, lực lượng Nga khai hỏa vào các khu vực xung quanh Starodubivka, Dronivka, Pyskunivka, Siversk, Spirne và Ivano-Dariivka. Người Nga cũng triển khai UAV ở những khu vực này.
Ở mặt trận Pivdennyi Buh, các nỗ lực chính của Nga chỉ là tập trung vào việc duy trì các vị trí hiện tại của họ. Nga bị cáo buộc đã bắn vào cơ sở hạ tầng gần Chervona Dolyna, Kyselivka, Ternivka, Dobrianka, Oleksandrivka, Kobzartsi, Lepetykha cũng như các thị trấn và làng mạc khác.
Video núi lửa ở Nhật Bản phun trào dữ dội hôm 24/7. Nguồn Daily Mail/NHK
Theo SCMP, ngọn núi lửa phun trào vào khoảng 20h55 ngày 24/7 theo giờ địa phương. Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp và cảnh sát địa phương cho biết, đá núi lửa đã rơi xuống địa điểm cách ngọn núi khoảng 2,5 km song chưa có báo cáo thiệt hại về người.
Mức cảnh báo phun trào đã được nâng lên cấp 5 - mức cao nhất, trong đó người dân ở một số khu vực gần ngọn núi đã được khuyến cáo sơ tán khẩn cấp, NHK cho biết.
Đoạn video được quay hôm Chủ nhật về vụ phun trào tại núi lửa Sakurajima cho thấy một khối chất lỏng màu đỏ tuôn trào và chảy xuống một bên của ngọn núi lửa, trong khi đá núi lửa màu đỏ bắn ra cùng với cột khói khổng lồ cuồn cuộn bốc lên.
Sakurajima là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Nhật Bản và được kết nối với bán đảo Osumi thuộc đảo Kyushu phía tây nam đất nước.
NHK cho biết phần lớn thành phố Kagoshima nằm bên kia vịnh nhưng một số khu dân cư cách miệng núi lửa khoảng 3 km cũng có thể được lệnh sơ tán.
Các quan chức tại văn phòng của Thủ tướng Fumio Kishida đang thu thập thông tin về tình hình. Sakurajima là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Nhật Bản và thường xảy ra các vụ phun trào ở nhiều cấp độ khác nhau.
Vào năm 2019, Sakurajima phun ra cột tro bụi cao 5,5 km và vào tháng 6/2018, một lượng lớn tro bụi từ ngọn núi lửa này đã chặn ánh nắng mặt trời sau khi phát tán lên bầu trời.
Pravda dẫn tuyên bố từ Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết, OMON là lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga. OMON hoạt động như là lực lượng cảnh sát chống bạo động hoặc một lực lượng bán quân sự giống hiến binh.
"Gần Lysychansk, Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt một biệt đội OMON của Nga đóng tại Sakhalin", Trung tâm Truyền thông Chiến lược Ukraine cho biết.
Họ cũng nói thêm rằng, Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công khi biệt đội OMON đang thực hiện chuyến công tác gần Lysychansk. 12 cảnh sát đặc nhiệm OMON của Nga đã thiệt mạng trong khi những người khác bị thương nặng.
Cũng theo Pravda, các sĩ quan phản gián quân sự thuộc Cơ quan An ninh Ukraine hôm nay 24/7 vừa tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tiêu diệt một xe tăng T-72 của Nga.
Cuộc tấn công đã khiến 15 binh sĩ Nga thiệt mạng, Trung tâm báo chí của Cơ quan An ninh Ukraine tuyên bố nhưng không tiết lộ địa điểm vụ tấn công diễn ra.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hôm nay bước sang ngày thứ 150 24/2-24/7. Sau 5 tháng chiến sự ác liệt diễn ra ở Ukraine, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cho biết, 5.110 dân thường đã thiệt mạng và 6.752 người bị thương. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự cản trở quá trình xác minh và thống kê thương vong.
Trong khi đó, Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo gần 9,6 triệu lượt người đã phải rời Ukraine và gần 3,8 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong suốt 5 tháng xung đột. UNHCR cũng ghi nhận gần 6 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.
Theo Inews, giao tranh ác liệt đã diễn ra ở tỉnh Kherson do Nga kiểm soát trong 48 giờ qua khi các lực lượng Ukraine đẩy mạnh tấn công các lực lượng của Moscow. Các quan chức quốc phòng Anh cho biết, tình hình ở Kherson diễn ra khi Moscow đang phải đối mặt với "sự thụt lùi đáng kể về quân sự và chính trị".
Quân đội Nga được cho là đang bắn phá các vị trí của Ukraine bằng pháo nhằm mục đích làm chậm bước tiến dọc sông Ingulets ở miền nam Ukraine, theo Bộ Quốc phòng Anh (MoD)
Các tuyến tiếp tế của lực lượng Nga ở phía tây sông Dnipro rộng lớn đang "ngày càng gặp rủi ro", MoD cho biết thêm.
Các cuộc tấn công của Ukraine đã gây thêm thiệt hại cho cây cầu Antonivskyi quan trọng - một trong hai cầu nối duy nhất tới lãnh thổ mà lực lượng Nga đang kiểm soát ở bờ Tây sông Dnipro.
Đầu tuần trước, các cuộc pháo kích của Ukraine đã làm hư hại nặng cây cầu, chính quyền khu vực do Moscow bổ nhiệm ở Kherson cho biết.
Cây cầu đã trở thành mục tiêu chính của lực lượng Ukraine trong những ngày gần đây. Kiev đã sử dụng các tên lửa có độ chính xác cao do Mỹ cung cấp để cố gắng phá hủy nó.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã sửa chữa tạm thời cho phép một số phương tiện giao thông lưu thông.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tuyên bố rằng, Nga có khả năng hứng chịu hàng trăm thương vong mỗi ngày ở Ukraine và đã mất hàng nghìn sĩ quan trong cuộc chiến.
Các thiệt hại của Nga bao gồm hàng nghìn trung úy và chỉ huy, làm tổn hại đến chuỗi chỉ huy của quân đội nước này, vị quan chức giấu tên nói với hãng tin Reuters.
Mỹ tin rằng 15.000 quân Nga đã thiệt mạng ở Ukraine và 45.000 người bị thương. Ngoài các sĩ quan cấp trung đã thiệt mạng, "nhiều" tướng Nga cũng được cho là đã mất tích trên chiến trường.
Nga nói chung không thường xuyên cập nhật chi tiết về thương vong quân sự trên chiến trường Ukraine. Vào ngày 25/3, Nga thừa nhận rằng 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng ở Ukraine và từ đó đến nay chưa cập nhật thêm.
Một quan chức quốc phòng cấp cao khác của Mỹ nói với hãng tin AP rằng cuộc chiến giành Donetsk ở miền đông Ukraine "có khả năng kéo dài qua mùa hè". Nga được dự đoán sẽ giành được lợi ích một cách chậm chạp với cái giá phải trả khá cao.
Quan chức này cho biết Nga đang tung ra hàng chục nghìn quả đạn pháo mỗi ngày và đã sử dụng rất nhiều loại "vũ khí thông minh hơn" nhưng "không thể duy trì điều đó mãi mãi".
Một người đàn ông Trung Quốc đã bị tử hình vì châm lửa đốt vợ cũ ngay trên sóng livestream.
Tang Lu và Lamu kết hôn với nhau vào năm 2009, nhưng họ chia tay 11 năm sau đó vì Tang Lu thường xuyên đánh đập vợ mình.
Hai người ly hôn vào tháng 6/2020, kể từ đó Tang Lu liên tục tìm cách thuyết phục Lamu quay lại.
Vào ngày 14/9/2020, chỉ ba tháng sau khi ly hôn, Tang Lu đến nhà cha của Lamu và thực hiện vụ tấn công kinh hoàng dẫn đến cái chết của cô.
Theo Global Times, khi Lamu đang phát sóng trực tiếp (livestream) trong nhà bếp, Tang Lu đã lao đến đổ xăng vào người cô và bắt đầu châm lửa.
Lamu ngay lập tức được đưa đến bệnh viện. Mặc dù vậy, cô qua đời sau nhiều tuần điều trị.
Sinh năm 1990, Lamu có khoảng 75.000 người theo dõi trên Douyin, phiên bản TikTok tại thị trường Trung Quốc. Cô sử dụng nền tảng này để chia sẻ về cuộc sống hàng ngày của mình.
Thời điểm ấy, tòa án cho rằng hành động của Tang Lu là "cực kỳ tàn ác và gây hậu quả rất nghiêm trọng". Tang Lu bị tuyên án tử hình vì tội cố ý giết người vào tháng 10/2021.
Hôm 23/7, người đàn ông này đã bị một tòa án ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc xử tử, theo lệnh của Tòa án Nhân dân Tối cao. Trước khi hành quyết, Tang Lu đã được sắp xếp gặp gia đình để nói lời cuối.
Bộ Tình báo Iran cho biết trong một tuyên bố hôm 24/7 rằng, các thành viên của một nhóm "khủng bố" liên kết với Mossad đã bị lực lượng an ninh Iran xác định và bắt giữ trước khi họ có bất kỳ hành động nào để thực hiện hành vi phá hoại ở bên trong nước này.
Bộ tiếp tục nói rằng những kẻ khủng bố có liên hệ với các điệp viên Mossad đã lẻn vào Iran từ khu vực Kurdistan của Iraq.
Iran cáo buộc các thành viên của mạng lưới gián điệp Israel dự định thực hiện các hành động phá hoại và tấn công khủng bố vào một số khu vực nhạy cảm của nước này bằng cách sử dụng các thiết bị hiện đại nhất cũng như chất nổ mạnh. Iran cho biết thêm rằng, các mục tiêu của nhóm này đã được xác định trước.
Tuy nhiên, Iran cho biết, tất cả các thành viên của nhóm gián điệp Israel đã bị bắt bởi "các hoạt động nhiều giai đoạn và phủ đầu" của lực lượng an ninh Iran. Tuyên bố của Bộ Tình báo Iran cũng lưu ý rằng chi tiết về hoạt động sẽ được công bố sau khi cuộc điều tra hoàn tất.