Trung tâm Huấn luyện Tự vệ (SDTC) có trụ sở tại thành phố Lviv - phía tây Ukraine là nơi các cựu lính biệt kích của Mỹ đang huấn luyện chiến thuật chiến tranh du kích cho dân thường nước này chiến đấu với Nga.
Khi nhiều dân thường Ukraine trên khắp đất nước tình nguyện cầm vũ khí bảo vệ quê hương của họ, một số cựu chiến binh Mỹ đã tự mình đến Ukraine để huấn luyện họ. Cựu binh Mỹ Adrian Bonenberger là một trong số đó.
Bonenberger là một trong những huấn luyện viên ban đầu của chương trình SDTC mà anh đã tham gia khởi động từ đầu tháng 3.
Cựu đại úy biệt kích Mỹ từng hai lần được triển khai đến Afghanistan cho biết, các chiến thuật được dạy cho các học viên của SDTC mang phong cách phương Tây, khác hẳn với Nga vì thế, họ có những đơn vị chiến đấu tốt hơn nhiều. "Những đơn vị nơi mọi người yêu quý nhau, phụ thuộc vào nhau và tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của họ", cựu binh Bonenberger cho biết.
Cựu biệt kích Dan Blakeley, người đến Lviv ngay sau cựu binh Bonenberger nói với The Daily Beast rằng khóa học tiêu chuẩn kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Theo Blakeley, sứ mệnh của SDTC bắt nguồn từ việc “dạy các chiến thuật phòng thủ cơ bản, sơ cứu và lãnh đạo" cho các học viên Ukraine.
“Tất cả các học viên đều là dân thường tình nguyện, và trong số những người tham gia chương trình, nhiều người chưa bao giờ cầm súng. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu với những điều cơ bản về xử lý vũ khí, thiện xạ, chiến thuật chăm sóc thương vong, diễn tập chiến đấu, giao tiếp bằng lời nói và không bằng lời nói cũng như các kỹ thuật chiến đấu tay đôi và chiến đấu đô thị", cựu biệt kích Blakeley cho biết.
Blakeley hé lộ, kỹ năng chiến đấu "giáp lá cà" sẽ được rèn giũa trong các nhà máy bỏ hoang, trong khi các cánh đồng thì được sử dụng cho các cuộc tập huấn tấn công mục tiêu ngoài trời, và các khu rừng địa phương cung cấp không gian để thực hành các kỹ thuật “ẩn náu, che giấu” vì “đó có thể là môi trường mà học viên sẽ chiến đấu" sau này.
Huấn luyện viên Jeremy Fisher, Cựu sĩ quan Không quân Mỹ hiện đang ở Lviv, nói rằng hiện có “40-50 học viên đang trong các giai đoạn huấn luyện khác nhau".
Fisher cũng cho biết, anh không hối hận khi từ bỏ cuộc sống bình yên ở Mỹ và tự trả mọi chi phí sinh hoạt khi đến Ukraine huấn luyện các học viên chiến đấu.
Các học viên của SDTC cuối cùng có thể gia nhập Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine (TDF) hoặc được biên chế vào quân đội. Nhưng dù gia nhập lực lượng nào thì điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ trực tiếp ra trận và chiến đấu ở tiền tuyến.
Theo The Daily Beast, chính phủ Mỹ không cho phép các huấn luyện viên người Mỹ đào tạo các thành viên đang phục vụ trong quân đội Ukraine nhưng vì các tình nguyện viên của SDTC là dân thường, nên không có trở ngại pháp lý nào để đào tạo họ. Cựu biệt kích Mỹ Blakeley cũng đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan chính thức nào của chính phủ Mỹ vào chương trình huấn luyện.
Các học viên được The Daily Beast phỏng vấn cũng cho biết, họ vẫn giữ tinh thần chiến đấu cao, bất chấp những thách thức phía trước.
“Mọi người hỗ trợ lẫn nhau và đều nỗ lực vì chiến thắng của chúng tôi (trước Nga)", một học viên tên là Petro cho biết.
"Tôi đã học cách phản ứng trong chiến tranh, cách sử dụng vũ khí, di chuyển chiến thuật, cách lãnh đạo một nhóm, và cách xử trí khi bị pháo kích. Nhưng điều quan trọng nhất đối với tôi là tinh thần. Kiến thức thu được làm giảm sự lo lắng và sợ hãi. Tôi đã biết phải làm gì khi ra trận", Petro, người đã đăng ký nhiều khóa học tại SDTC trong hai tháng qua chia sẻ.
Theo CBS News, Nga đã tăng cường tấn công thành phố lớn thứ 2 của Ukraine, Kharkiv, bằng pháo trong khi bộ binh ngày càng giành được nhiều ngôi làng nhỏ trên khắp vùng Donbass.
Phóng viên Imtiaz Tyab của CBS News cho biết, các lực lượng Nga đang tiến vào từng làng, từng làng trong nỗ lực chinh phục toàn bộ Donbass.
Kharkiv - thành phố lớn thứ 2 Ukraine dù đã nằm dưới sự kiểm soát của Kiev, nhưng các trận chiến vẫn diễn ra ác liệt khắp khu vực, phóng viên Tyab cho biết. Quâ Ukraine được cho là đang được triển khai để bảo vệ Kharkiv đông hơn quân Nga 7 lần.
Khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh tiêu hao, quân đội Ukraine vẫn không nao núng. Họ có sự ủng hộ của người dân là vũ khí bí mật mạnh nhất của mình.
CBS News đã đến thăm một cơ sở ở thị trấn Kryvyi Rih, miền trung nam Ukraine, nơi những người phụ nữ đang làm việc cật lực để khâu lại những chiếc áo giáp cho binh lính ngoài tiền tuyến.
Phó Thị trưởng Kryvyi Rih Serheii Miliutin nói với phóng viên CBS News rằng, những người làm việc ở đây "đều có những người thân đang phục vụ trong quân đội. Vì vậy chúng tôi cẩn thận làm cho mọi thứ để chúng đạt chất lượng cao nhất có thể".
Nhóm phóng viên CBS News tiếp tục đi thăm một cơ sở tình nguyện khá gần đó. Tình nguyện viên địa phương Oleg Zaboyak dẫn nhóm phóng viên đi xem xung quanh cơ sở, nơi anh và những người khác đang "hô biến" đồ nhựa gia dụng cũ thành đồ ngụy trang cho các tay súng bắn tỉa Ukraine.
Một số công việc quan trọng nhất trong nỗ lực kháng cự của quân đội Ukraine đang được thực hiện ở các trung tâm tình nguyện như vậy trên khắp đất nước. Phóng viên Tyab quan sát những người phụ nữ đan lưới ngụy trang cùng nhau để che chở cho xe cộ và quân đội Ukraine trên chiến trường.
Tình nguyện viên Valentyna Kryvda cho biết cô và những người khác đang làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ quân đội ở tiền tuyến. Đối với cô, điều đó có nghĩa là "làm việc ở đây trong ba tháng mà không có một ngày nghỉ nào. Bởi vì chúng tôi cần phải làm điều này".
Mặc dù chịu tổn thất nặng nề ở Donbass, các lực lượng Ukraine vẫn đang phản công sâu hơn về phía nam. Họ tuyên bố đã đẩy lùi quân đội Nga gần 3 ngôi làng xung quanh thành phố lớn Kherson do Nga kiểm soát vào cuối tuần qua.
Nga là một trong những nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Theo Viện Phân bón Mỹ, xét về thị trường xuất khẩu toàn cầu, Nga chiếm 23% amoniac, 14% urê và 21% kali, cùng 10% xuất khẩu phốt phát đã qua chế biến.
Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số giá phân bón đã tăng gần 10% trong quý đầu tiên của năm 2022, lên mức cao nhất mọi thời đại. Mức tăng này theo sau mức tăng 80% của năm ngoái. Theo dự đoán, giá sẽ tăng gần 70% trong năm nay trước khi có dấu hiệu sụt giảm.
Vào tháng 4/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một gói trừng phạt chống lại Moscow, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu phân bón. Ngoài ra, các tàu đăng ký mang cờ Nga cũng bị cấm vào cảng của EU. Khối cho biết: "Các sản phẩm nông nghiệp thực phẩm, viện trợ nhân đạo và năng lượng sẽ được miễn trừ".
Hồi tháng 3/2022, EU đã trừng phạt một nhà xuất khẩu phân bón quan trọng khác vì vai trò của họ trong cuộc xung đột Ukraine, đó là Belarus. Trước đó vào năm 2021, Misnk cũng đã bị trừng phạt vì cáo buộc vi phạm nhân quyền và tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư giả tạo, mặc dù Belarus liên tục phủ nhận.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, một số công ty vận tải biển lớn, bao gồm cả các nhà khai thác tàu container lớn nhất thế giới như A.P. Moller-Maersk A/S và Công ty vận chuyển Địa Trung Hải, đều bị đình chỉ đến các cảng của Nga.
Tất cả những điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá phân bón. Tiến sĩ Brian Baker, chủ tịch của Liên đoàn Quốc tế về Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM) Bắc Mỹ, giải thích về cơ chế thị trường với RT: "Càng ít nhà cung cấp, họ càng dễ định giá thị trường. Hiện tại, thị trường phân bón đang gặp rất nhiều khó khăn bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine".
Giám đốc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ Hungary, Tiến sĩ Dora Drexler, cũng lưu ý rằng "xung đột đã đẩy giá phân bón lên cao hơn bao giờ hết".
"Hai năm trước, khi đại dịch bắt đầu, mọi người đột nhiên nhận ra rằng tích trữ lương thực là rất quan trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến chúng ta. Giờ đây, cuộc khủng hoảng mới một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự trữ lương thực và những rủi ro của việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu", Tiến sĩ Drexler nói.
Thị trường phân bón gặp khó bởi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Getty
Một chuyên gia khác, Giáo sư Aleksandar Djikic từ Đại học Kinh doanh Quốc tế Mitrovica ở Serbia, nói rằng vấn đề chỉ mới bắt đầu. "Thị trường đã bắt đầu cảm nhận được giá của một số mặt hàng cơ bản đang tăng lên, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Không chỉ thực phẩm mà cả phân bón và nhiên liệu cũng sẽ tăng do ảnh hưởng của xung đột. Các yếu tố này sẽ tác động không nhỏ đến thị trường Châu Âu, có thể một số nước ít hơn, một số nước nhiều hơn".
Đồng minh thân cận của Moscow, Serbia đã quyết định không tham gia vào các lệnh trừng phạt - và kết quả là nước này phải chịu áp lực cực lớn từ EU, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tiết lộ.
Bản thân giáo sư Djikic cũng phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. "Phương Tây đang thúc ép chính phủ của chúng tôi tham gia vào chính trường của họ. Serbia không phải quốc gia thích áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ ai, không chỉ riêng Nga, bởi vì bản thân chúng tôi đã phải chịu đựng điều này rất nhiều, đặc biệt là trong những năm 1990".
Giữa những làn sóng trừng phạt đối với Moscow, Washington đã đưa ra lệnh miễn trừ đối với phân bón của Nga. Năm 2021, Mỹ - nhà nhập khẩu phân bón lớn thứ ba thế giới - đã nhập khoảng 1,28 tỷ USD phân bón từ Nga.
Tuy nhiên, bước đi này không đủ để giúp người Mỹ tránh khỏi việc giá cả tăng vọt. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois và Đại học Bang Ohio đã xem xét tác động của cuộc xung đột Ukraine và những hạn chế sau đó gây ra đối với xuất khẩu phân bón. Họ lưu ý rằng mặc dù có nguồn lực sản xuất trong nước mạnh mẽ, tuy nhiên Mỹ cũng vẫn sẽ bị gián đoạn nguồn cung. Nghiên cứu cho biết: "Nông dân Mỹ có khả năng phải đối mặt với tình trạng giá cả cao hơn do tính liên kết lẫn nhau của ngành phân bón toàn cầu".
Một quốc gia khác mà nghiên cứu xem xét là Brazil, quốc gia phụ thuộc nhiều vào phân bón cho nông nghiệp và nhập khẩu khoảng 85% lượng sử dụng, trong đó Nga là một trong những nhà cung cấp hàng đầu. Vào tháng 2/2022, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã đến thăm Moscow và nhất trí về các chuyến hàng phân bón vẫn sẽ đến nước này bất chấp những khó khăn liên quan đến lệnh trừng phạt. "Chúng tôi không đứng về phía nào", ông Bolsonaro nói, đề cập đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. "Đối với chúng tôi, phân bón là một vấn đề riêng biệt".
Vào tháng 3/2022, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil lúc bấy giờ là Tereza Cristina Dias cho biết đất nước của bà đã nhận được sự ủng hộ của Argentina, Bolivia, Chile, Paraguay và Uruguay trong việc đề xuất với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc loại trừ phân bón khỏi danh sách lệnh trừng phạt đối với Nga.
Giá cả tăng cao và nỗi lo thiếu hụt khiến cuộc sống của nông dân trên khắp châu Mỹ Latinh trở nên khó khăn, và nó không chỉ là vấn đề về thức ăn. Tại Ecuador, nơi hoa là một trong những ngành xuất khẩu lớn, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc thiếu phân bón.
Tổng thống Argentina, Alberto Fernandez thể hiện sự lo lắng về hậu quả của các lệnh trừng phạt khi ông gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin vào tháng 5/2022. Ông Fernandez nói: "Các biện pháp trừng phạt kinh tế áp dụng đối với Nga có những tác động tiêu cực đối với Argentina và toàn thế giới, và đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh rằng chúng ta phải nhanh chóng tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột vũ trang".
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng "thực phẩm và phân bón của Nga phải được tiếp cận không hạn chế và không gặp bất kỳ trở ngại nào". Ông cũng đề cập đến việc giá lúa mì đang tăng cao, do xuất khẩu từ Ukraine, một trong những nhà sản xuất lớn, hiện bị gián đoạn do xung đột.
Ông tuyên bố: "Để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực, không còn cách nào khác ngoài tái nhập khẩu lương thực và phân bón từ Ukraine, Nga cũng như Belarus, bất chấp xung đột diễn ra căng thẳng".
Trong bối cảnh giá ngũ cốc và phân bón tăng cao cùng với gián đoạn thương mại, từ "đói" đã bắt đầu xuất hiện trên các tiêu đề truyền thông. Tiến sĩ Brian Baker nói: "Nhiều nơi đã gặp phải tình trạng 'đói'. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tình hình hiện nay phụ thuộc vào vấn đề phân phối lương thực nhiều hơn là sản xuất lương thực".
Tiến sĩ Dora Drexler cũng tin rằng mối nguy hiểm là có thật, nhưng chủ yếu là đối với các nước có nền kinh tế kém phát triển, ví dụ như ở Bắc Phi. "Họ mua hầu hết ngũ cốc từ Ukraine hoặc từ Nga, và tất nhiên sức chi tiêu của họ thấp hơn ở châu Âu. Vì vậy, nếu thiếu nguồn cung và tăng giá, họ sẽ dễ bị thiệt hại hơn nhiều", bà lưu ý.
Nông dân châu Phi cũng đã cảm nhận được ảnh hưởng của sự thiếu hụt, và có thông tin cho rằng một số quốc gia đã tìm đến Moscow để được giúp đỡ. Theo bình luận của Bộ Ngoại giao Nga với RIA Novosti, đã có một vài nước yêu cầu hỗ trợ trong việc cung cấp thực phẩm và phân bón.
Cả Tiến sĩ Baker và Tiến sĩ Drexler đều làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, và họ nhận thấy một giải pháp tiềm năng để đối phó với tình trạng này.
Tiến sĩ Baker nói: "Tôi nghĩ rằng việc phát triển năng lực sản xuất địa phương và áp dụng chuỗi cung ứng ngắn hơn là một cách để giúp mọi người vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu này".
Tiến sĩ Drexler đồng ý rằng hệ thống lương thực địa phương bền vững có tầm quan trọng hàng đầu, đồng thời nói thêm: "Các biện pháp này sẽ đảm bảo rằng con người vẫn có thể sống được mà không bị tác động bởi đại dịch, chiến tranh hay bất kỳ cuộc xung đột nào".
"Giải pháp này sẽ giúp người dân các nước nghèo không phải đối mặt với nạn đói vì xung đột xảy ra cách xa vài nghìn km. Các quốc gia sẽ phụ thuộc vào tài nguyên của họ hơn là giao thương giữa các lục địa", bà nhấn mạnh.
Giải pháp để các nước nghèo giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực là gì?
Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Bảo vệ Thực vật Iran (AIPPSS), Tiến sĩ Mohammadreza Rezapanah, lưu ý rằng tình trạng thiếu phân bón đã được dự đoán từ lâu. Điều này được giải thích một phần là do sự gián đoạn thương mại, nhưng theo Tiến sĩ Rezapanah, thế giới đang tàn phá tài nguyên thiên nhiên của mình. Ông nói: "Chúng ta không thể sử dụng phân bón không giới hạn như trước nữa".
Để ví dụ, Tiến sĩ Rezapanah nói về sự thiếu hụt phốt pho đang diễn ra, từ đó khẳng định rằng nông dân nên thực hiện các phương pháp canh tác hữu cơ một cách nghiêm túc và hiệu quả. "Làm nông nghiệp hữu cơ không quá khó, nhưng tham gia thương mại hữu cơ thì khác. Đồng bộ hóa với nhau, tạo ra đủ sản lượng cho tất cả các quốc gia - đó là những gì sẽ giúp chúng ta vượt qua áp lực từ các lệnh trừng phạt. Chúng ta phải tôn trọng môi trường, chúng ta phải tôn trọng người nông dân, chúng ta phải hướng dẫn họ cách canh tác hữu cơ".
Có thể còn cả một chặng đường dài phía trước, và bất kỳ giải pháp nào - dù là giải quyết những khó khăn trước mắt hay thiết lập một mô hình cho tương lai - đều đòi hỏi sự hợp tác ở mức độ cao, điều này dường như khó đạt được do sự phân cực hiện nay trên thế giới. Ngay cả khi chúng ta dỡ bỏ tất cả các hạn chế ngay bây giờ, liệu có quá muộn để cải thiện tình hình?
"Có thể tôi hơi lạc quan, nhưng tôi tin rằng không bao giờ là quá muộn", Tiến sĩ Baker nhấn mạnh.
Theo Welt - kênh tin tức truyền hình của Đức, từ ngày 30/3 đến ngày 26/5, Ukraine chỉ nhận được hai đợt cung cấp vũ khí từ chính phủ Đức nhưng cả hai đều chỉ chứa các vũ khí cỡ nhỏ.
Theo danh sách do Welt chỉ ra, vào giữa tháng 5, Đức đã gửi tới Ukraine 3.000 mìn chống tăng và 1.600 mìn chống tăng chuyên dụng.
Trong khi đó, chuyến hàng đầu tiên được gửi đến Ukraine một tháng trước đó chỉ bao gồm các phụ tùng thay thế cho súng máy, bật lửa, dây nổ, lựu đạn cầm tay, máy radio, chất nổ và mìn.
Theo phía Ukraine, lần viện trợ vũ khí phòng không và chống tăng cuối cùng từ Đức cho nước này diễn ra cách đây hơn 2 tháng - vào ngày 25/3. Lô vũ khí này bao gồm 2.000 tên lửa Panzerfaust 3 và 1.500 tên lửa phòng không Strela.
Theo Welt, Đức vẫn chưa thực hiện các lời hứa viện trợ vũ khí cho Ukraine mặc dù Thủ tướng Scholz đã công khai hứa hẹn sẽ cung cấp thêm trang thiết bị và vũ khí giúp Ukraine phòng thủ trước Nga. Lần gần đây nhất ông Scholz hứa như vậy là tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào ngày 26/5.
Trước đó, Berlin cũng đã hứa hẹn giao 15 siêu pháo tự hành phòng không Gepard, kèm 59.000 loạt đạn cho Ukraine vào tháng 7 tới. Nếu được thực hiện đúng hẹn, đây sẽ là hệ thống vũ khí hạng nặng nhất mà Đức cung cấp cho Ukraine từ trước tới nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, Gepard là "hệ thống vũ khí phòng thủ" với sức mạnh răn đe đáng nể, có thể bảo vệ các "cơ sở hạ tầng trọng yếu" của Ukraine. Bên cạnh với việc chuyển giao, các chuyên gia Đức cũng sẽ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine cách vận hành siêu pháo tự hành này.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, nhiều người lo ngại rằng, lời hứa của Berlin với Kiev chỉ là "hứa suông".
Ngoài ra, Berlin cũng đã thông qua thỏa thuận cho nhà sản xuất Krauss-Maffei Wegmann chuyển giao hàng chục xe tăng Leopard 1 cho Ukraine. Tuy nhiên, việc chuyển giao rõ ràng đang trong tình trạng lấp lửng mà theo truyền thông là do thiếu đạn dược và phụ tùng thay thế.
Các quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm cả Đại sứ tại Đức, Andrey Melnik, đã nhiều lần chỉ trích giới lãnh đạo ở Berlin, cho rằng chính phủ Đức đang chùn chân trong việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Kiev đang thúc giục các đồng minh bàn giao xe tăng Leopard 1 và xe chiến đấu bộ binh Marder cho họ càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm kéo dài 80 phút với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/5 mới đây, Tổng thống Nga Ukraine Vladimir Putin đã mạnh mẽ chỉ trích việc phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine. Ông Putin cảnh báo, việc phương Tây hỗ trợ quân sự và bơm vũ khí cho Ukraine "có nguy cơ khiến tình hình thêm bất ổn và làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây".
Ngoài việc tài trợ các loại pháo hạng nặng, lực lượng quân đội Ba Lan còn huấn luyện khoảng 100 lính pháo binh Ukraine để vận hành chúng, đài phát thanh giải thích. Pháo 155mm sẽ cung cấp hỏa lực cho ba khẩu đội pháo binh.
"Nhờ viện trợ của Ba Lan, Ukraine hiện có ít nhất 24 xe pháo tự hành của phương Tây", đài truyền hình nêu rõ. Theo báo cáo, các khẩu pháo của Ba Lan đã đến Ukraine.
Kiev đã nhận được pháo tự hành M777 155mm từ Mỹ, cũng như tên lửa chống hạm Harpoon từ Đan Mạch, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết hôm 28/5. Pháp cũng đã cung cấp 6 hệ thống lựu pháo tự hành 155mm có tên Caesar cho Ukraine.
Giống như M777 và Caesar, AHS Krab là loại lựu pháo tiêu chuẩn của NATO với tầm bắn tối đa khoảng 40km. Loại pháo này được thiết kế ở Ba Lan cho quân đội Ba Lan. Hệ thống được vận hành bởi nhóm 5 người và có thể bắn tới 6 quả đạn mỗi phút. AHS Krab được sản xuất bởi nhà thầu quốc phòng Ba Lan Huta Stalowa Wola.
Mặc dù có những sai sót về thiết kế gây nên tình trạng nứt thân tàu, động cơ quá nóng và hệ thống xả nhiên liệu bị rò rỉ, vẫn có 96 chiếc AHS Krab được đưa vào sử dụng tính đến năm ngoái.
Thiết kế của lựu pháo là sự kết hợp khung gầm K9 Thunder của Hàn Quốc và tháp pháo AS-90M Braveheart của Anh.
Warsaw tuyên bố là nhà tài trợ khí tài quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Những vũ khí mà nước này cung cấp bao gồm xe tăng T-72, pháo tự hành Gozdzik, tên lửa không đối không, máy bay không người lái và bệ phóng tên lửa Grad. AHS Krab sẽ cho phép quân đội Ukraine nhắm mục tiêu vào các lực lượng Nga từ khoảng cách xa hơn trong bối cảnh Moscow đang tấn công khu vực Donbass.
Reznikov hôm 28/5 tuyên bố rằng Ukraine sẽ "thắng" trong cuộc xung đột với Nga, một phần nhờ vào vũ khí do nước ngoài cung cấp. Ông nhấn mạnh các tên lửa Harpoon mới được đưa tới sẽ giúp Kiev giành lại quyền kiểm soát các cảng trên Biển Đen.
Trước đó, Nga tuyên bố các kho dự trữ vũ khí của phương Tây ở Ukraine là "mục tiêu hợp pháp" và Moscow sẽ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào chúng.
Bill Gates cảnh báo rằng có 50% khả năng đại dịch tiếp theo sẽ xuất hiện trong vòng 20 năm.
Ngoài những loại virus đã biết, đại dịch tiếp theo có thể là một tác nhân gây khủng bố sinh học do con người tạo ra, hoặc "thứ gì đó tạo ra bước nhảy vọt từ thế giới tự nhiên" do biến đổi khí hậu, ông nói.
Gates đề xuất, để ngăn chặn đại dịch tiếp theo, các quốc gia phải chi hàng tỷ USD để nghiên cứu các mầm bệnh tiềm ẩn, đồng thời kêu gọi thành lập một đội gồm 3.000 chuyên gia với tên gọi GERM (Ứng phó và Huy động Dịch bệnh Toàn cầu), được tài trợ thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cần thêm 1 tỷ USD mỗi năm - tăng 25% ngân sách - để nhóm có thể liên tục hoạt động đề phòng các đợt bùng phát tiềm ẩn.
Trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, ông Gates lưu ý rằng "có rất ít cơ hội" căn bệnh này sẽ trở thành "đại dịch tiếp theo".
Tuy vậy, Gates không hoàn toàn loại bỏ khả năng bệnh đậu mùa khỉ biến đổi và trở nên trầm trọng hơn. Ông lưu ý rằng hàng trăm trường hợp nhiễm virus đã được ghi nhận ở châu Âu, nơi mà trước đây nó hiếm khi xuất hiện. Các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở châu Âu trong năm nay là từ những người đã du lịch đến Tây Phi, nơi dịch bệnh lưu hành, và hầu như chỉ xuất hiện ở nam giới đồng tính hoặc lưỡng tính.
Tuần trước WHO đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ. Giám đốc Chuẩn bị và Phòng ngừa Dịch bệnh và Đại dịch của WHO, bà Sylvie Briand cho biết hôm 27/5 rằng số ca mắc hiện tại chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" và "nhiều trường hợp nữa chưa bị phát hiện trong cộng đồng". Mặc dù vậy, bà cũng trấn an mọi người rằng " đây không phải là một căn bệnh mà công chúng phải lo lắng "vì nó không" lây lan nhanh "như Covid-19.
Hồi đầu tháng, Bill Gates cảnh báo rằng loại coronavirus mới chưa xuất hiện, cho thấy thế giới "vẫn có nguy cơ gặp phải một biến thể có khả năng lây lan cao hơn và thậm chí gây tử vong nhiều hơn".
Ông nói: "Có trên 5% nguy cơ xảy ra đại dịch này, và chúng ta thậm chí chưa thấy điều tồi tệ nhất của nó".
Biến thể Covid-19 phổ biến gần đây nhất, Omicron, ít gây tử vong hơn rõ rệt so với các phiên bản trước đó, khiến một số người tuyên bố đại dịch đã kết thúc.
Hôm 29/5, văn phòng của ông Zelensky đã đăng một video trên Telegram cho thấy hình ảnh tổng thống Ukraine mặc áo chống đạn, xung quanh là các tòa nhà bị phá hủy nặng nề ở Kharkov và những vùng phụ cận.
"Các bạn liều mạng vì tất cả chúng tôi và vì đất nước của chúng ta", trang web của văn phòng tổng thống trích dẫn lời ông Zelensky nói với các binh sĩ Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng tổng thống cũng đã trao những lời khen ngợi và quà tặng cho quân đội.
Trong một đoạn video về chuyến thăm, người ta thấy những chiếc xe tải bị phá hủy ở bên một con đường đi qua cánh đồng.
"Trong cuộc chiến này, đối thủ đang cố gắng giành được ít nhất một kết quả nào đó," Zelensky cho biết trong một bài đăng sau đó. "Nhưng họ lẽ ra phải hiểu từ lâu rằng chúng ta sẽ bảo vệ đất đai của mình cho người cuối cùng. Họ không có cơ hội. Chúng ta sẽ chiến đấu và chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng".
Chuyến thăm của ông cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Ukraine vẫn "trụ vững" trong cuộc chiến chống lại Moscow.
Zein Basravi, phóng viên của Al Jazeera ở Kiev cho biết tổng thống đã tới một khu vực vẫn đang bị Nga tấn công để gặp gỡ và cảm ơn quân đội Ukraine.
"Chắc chắn tổng thống đã có tính toán của riêng mình. Động thái này sẽ nâng cao tinh thần của binh sĩ trong bối cảnh Ukraine tiếp tục chiến đấu với người Nga trên nhiều mặt trận dọc theo phía đông cũng như phía nam của đất nước", Basravi nói.
Ông Zelensky cũng đã gặp các quan chức địa phương - thống đốc vùng Kharkov và thị trưởng thành phố - để thảo luận về các chương trình tái thiết cho khu vực.
Tổng thống nói: "Đây là cơ hội để mang lại một diện mạo mới cho vùng".
Andriy Yermak, chánh văn phòng của ông Zelensky, viết trên ứng dụng Telegram rằng tổng thống đã đến thăm Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, 31% lãnh thổ của vùng Kharkov hiện đã bị Nga chiếm đóng, và 5% đã được các lực lượng Ukraine lấy lại khỏi tay Moscow.
Ở CH Séc cùng gia đình các em trọn 8 ngày, trong tình yêu thương và chăm sóc của các em, vợ chồng tôi đành phải lưu luyến chia tay. Em dâu gói ghém cho chúng tôi nhiều đồ ăn và gia vị Việt Nam, đặc bệt là bắt tôi xách mấy chai dầu ăn về Đức. Bên CH Séc vẫn mua được dầu ăn dù giá cả tăng gấp hơn 2 lần nhưng ở Đức kiếm được chai dầu ăn còn khó hơn lên trời...
Đầu tiên chúng tôi dự tính đi tàu trở về Đức nhưng rồi xem lại lịch trình của xe buýt hợp lý hơn nên chúng tôi thay đổi quyết định. Vậy là em dâu lại chạy xe đưa vợ chồng tôi sang Dresden, từ đó đi xe buýt vào lúc 22h44' về đến Dortmund là 5h30' sáng hôm sau thứ Bảy ngày 7/5. Tuy xe buýt không rộng rãi như tàu hỏa nhưng được cái không phải chuyển tiếp nhiều lần.
Xe chạy suốt đêm, dừng 2 chặng để trả và đón khách, tới Dortmund đúng giờ. Trời đã sáng nhưng không khí còn đẫm sương đêm ngấm vào người khiến tôi run cầm cập. Tôi hỏi đường ra ga tàu hỏa để đi về nhà mình. Vậy là đã "đi đến nơi, về đến chốn", nếu không đi thì làm sao được trải nghiệm hành trình thú vị và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm?
Về đến nhà chúng tôi có thư báo sáng 9/5 tập trung ở trại để đi lên Sở Ngoại kiều lăn tay chụp ảnh. Tôi cứ băn khoăn "sao lại lăn tay chụp ảnh nữa?" nhưng đã có thư gọi thì cứ đi xem sao.
Đúng giờ, xe đón 5 người Việt chúng tôi đến nơi tập trung cùng rất đông người Ukraine toàn những gương mặt mới. Nhân viên của trại đã chuẩn bị giấy tờ để chúng tôi khai lý lịch. Rất may là tờ khai có in bằng 2 thứ tiếng Đức và Nga nên không gặp khó khăn gì. Một dải băng đánh số thứ tự màu xanh lam đeo vào cổ tay. Họ còn rất chu đáo chuẩn bị sẵn nước, bánh mì và táo để phát cho từng người. Phiên dịch cho chúng tôi vẫn là cô gái người Chechnia.
Xe xuất phát đến địa điểm cách xa chúng tôi khoảng 80km, qua những cánh đồng hoa cải vàng rực, những chiếc quạt năng lượng gió kiêu hãnh phía xa và thảo nguyên, đồi núi điệp trùng. Tới nơi, chúng tôi được phát thêm một dải băng màu vàng đánh số thứ tự đeo vào cổ tay nữa. Không hiểu ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt mà hai dải băng đeo vào cổ tay có màu tượng trưng của quốc kỳ Ukraine...
Trong sân của Sở Ngoại kiều đã có một xe buýt đến trước, người lớn đứng ngồi lố nhố và trẻ em chạy nhảy khắp nơi. Mặt trời lên mỗi lúc một cao, ánh nắng chói chang đẩy chúng tôi tìm bóng râm. Lăn tay chụp ảnh thật mất thời gian, mãi mà người của xe buýt thứ nhất chưa xong. Để giết thời gian, tôi hóng chuyện của mấy bà tây vừa thoáng bên tai. Có một bà đã già đi một mình đứng hỏi chuyện cô phiên dịch. Tôi hỏi thăm được biết bà từ Kharkiv chạy nạn sau 2 tuần nằm hầm trú ẩn.
Bà kể rằng bà ở trong ngôi nhà 5 tầng, hầm trú ẩn thực ra là hầm chứa dụng cụ và tích trữ các loại củ quả đóng hộp nên nó nhỏ bé và nhiều mùi vị khác nhau, cứ thấy còi báo động là chui vào đó cảm giác muốn ngộp thở. Báo yên thì lại chạy lên nhà nấu nướng chuẩn bị cho lần báo động tiếp theo. Cứ như vậy 2 tuần chạy lên chạy xuống, con gái bà ở Đức giục bà đi lánh nạn, vậy là bà với một người bạn quyết định liên hệ với những chuyến xe đưa người đi di tản.
Theo lời hẹn, mọi người cùng ra điểm đỗ gần nhà ga Kharkiv, chỉ còn cách vài chục mét thì còi báo động rú lên, tiếp theo là tiếng rít sắc lạnh trong không khí đến rợn người. Bà vội chạy vào một tầng hầm chung cư gần đó, nghe nói có thương vong nhưng cũng có nhiều người may mắn thoát nạn. Rồi báo yên, bà tìm được chiếc xe đã liên hệ để lên đường. Bình thường xe chạy trên quốc lộ rất nhanh, còn lúc đó phải chạy vòng vèo qua những cánh rừng, làng mạc khiến mọi người đều trong tâm trạng hoang mang lo sợ. Thời gian trôi chậm chạp nặng nề và mãi mới tới được biên giới Ba Lan, bà lên tàu qua biên giới, con gái và con rể đến đón bà về Dortmund.
Lúc đầu, vợ chồng cô con gái định đi tàu sang Ba Lan đón bà nhưng lo lắng cho bà nên họ đã thay nhau lái xe hơn một ngày đêm với chặng đường cả đi lẫn về là 2700 cây số, và ơn Trời tất cả đều an toàn... Nghe xong câu chuyện của bà mà tất cả mọi người xung quanh đều xúc động, mừng bà và gia đình đoàn tụ. Bà nói: "Tôi 75 tuổi rồi, chẳng muốn đi đâu cả, nhưng ở lại thì con gái không yên tâm nên đành phải lên đường. Chỗ tôi có nhiều người nằm liệt, con cái đều nhất quyết không đi di tản mà họ kiên quyết ở lại sống chết cùng cha mẹ".
Đến làm thủ tục ở Sở Ngoại kiều có rất nhiều gia đình con cái nheo nhóc, mỗi người mỗi một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm nữa là phải đứt ruột chia ly khi quê hương chìm trong lửa đạn.
4h chiều mới tới lượt chúng tôi, họ nhập thông tin cá nhân vào máy tính và nói các anh chị đã đăng ký rồi, thế là phải chờ đợi mấy người chưa xong thủ tục để về cùng chuyến xe, mất đứt một ngày và khá mệt mỏi vì toàn phải đứng.
Những ngày tiếp theo là chờ đợi đi khám tổng quát, chụp Rơn-ghen và ai chưa tiêm đủ 3 mũi vacxin thì phải hoàn thiện cho xong.
Ngày 23/5, có thư gọi ra Trung tâm xã hội để hoàn tất một số thủ tục liên quan đến trợ cấp và tư vấn việc làm. Những ngày trôi qua dài dằng dặc, nhiều lúc không muốn nghĩ và viết được vài dòng lại thấy nản...
Hôm nay 29/5, Kyiv tròn 1540 tuổi. Nhớ lại hồi con gái tôi còn đi nhà trẻ đã tham gia biểu diễn mừng Ngày Kyiv tại con phố chính - Phố Khrasatik chạy suốt trung tâm thủ đô. Ngày ấy, con gái tôi trong vai chú Rùa Ninza nhỏ xí cùng các bạn tưng bừng chào đón ngày kỷ niệm thủ đô. Và tôi cùng các vị phụ huynh, những công dân Kyiv cũng trong tâm trạng xúc động, hân hoan hòa cùng niềm vui lớn. Ngày ấy đã xa rồi, và biết bao giờ trở lại? Thủ đô xinh đẹp giờ ra sao?
Ukraine vẫn còn nhiều nguy cơ và dù rất muốn trở về nhưng chính quyền thành phố vẫn khuyến cáo người dân không nên quay lại trong lúc này. Nhiều vùng bị gài mìn và nhiều nơi vẫn còn bị pháo kích, chiến sự chưa ngừng lại...
Biết bao giờ mới bình yên? Ai có thể trả lời câu hỏi này? Hàng triệu người dân Ukraine và người nước ngoài ở Ukraine đang đỏ mắt, khắc khoải mong một ngày về với trái tim buốt nhói...
Bộ chỉ huy chiến lược của các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 29/5 ra tuyên bố cho biết, Đại úy Aleksandr Vyguliar, chỉ huy đại đội nhảy dù của Sư đoàn Dù cận vệ 106 đã bị tiêu diệt trong một cuộc giao tranh ác liệt mới đây. Tuyên bố không nói rõ, Đại úy Vyguliar tử trận ở đâu, khi nào, chỉ cho biết, Đại úy Nga từng cùng đại đội tiến hành chiến dịch đổ bộ đường không gần Vyazma nhưng phải rút khi họ chạm trán quân đội Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, tại khu vực Kherson, Lực lượng Hoạt động Đặc biệt Ukraine đã sử dụng mìn để làm nổ tung một chiếc Kamaz Typhoon bọc thép đang vận chuyển binh lính Nga.
Bộ Tư lệnh Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của Ukraine cho biết: "Kamaz Typhoon và toàn bộ lính Nga trên xe đã bị thiêu rụi trong chốc lát".
Theo Bộ, các thành viên của Lực lượng Hoạt động Đặc biệt Ukraine đã cài mìn trên một con đường ở Kherson và chờ xe bọc thép chở quân Nga đi qua rồi kích nổ mìn từ xa.
Ukraine tuyên bố đang mở đợt phản công vào tỉnh Kherson, vốn đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ những ngày đầu xung đột. Theo Ukraine, đợt phản công đã gây tổn thất và "buộc Nga phải tổ chức phòng ngự tại các vị trí bất lợi".
"Những đợt tiến công của lực lượng phòng vệ Ukraine khiến đối phương bị tổn thất và bắt đầu phải phòng ngự ở các vị trí bất lợi gần Andreevka, Lozovoe và Belogorka, tỉnh Kherson. Giao tranh vẫn tiếp diễn", Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo.
Ông Kirill Stremousov, một lãnh đạo chính quyền Kherson do Nga bổ nhiệm trước đó cho biết quân đội Ukraine đã dùng pháo phản lực BM-27 Uragan tấn công khu vực ngoại ô thành phố.
"Một quả đạn bay vào làng Chernobaevka, bắn trúng một ngôi nhà và khiến một người đàn ông 36 tuổi ở đó thiệt mạng. Bố mẹ của người đàn ông này đã bị thương và được đưa tới bệnh viện", ông Stremousov nói và cáo buộc các lực lượng Ukraine pháo kích làng Chernobaevka "mỗi ngày", khiến nhiều người bị thương.
Ông Stremousov ngày 11/5 từng tuyên bố sẽ gửi yêu cầu tới Điện Kremlin để đưa Kherson "thành địa phương hoàn toàn thuộc Liên bang Nga".
Tuy nhiên, ngày 28/5, ông Stremousov cho biết tỉnh Kherson sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga cho tới khi giao tranh tại đây và các tỉnh lân cận gồm Odessa và Mykolaiv kết thúc. Theo đó, tỉnh Kherson có thể tổ chức trưng cầu dân ý vào năm sau, theo vị quan chức này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nhiều lần yêu cầu các nước NATO trang bị vũ khí tối tân hơn để tăng cường khả năng phòng thủ của Kiev trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow.
Mới đây, kênh truyền hình nhà nước Nga Russia One tuyên bố Mỹ sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" nếu cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa cho các lực lượng Ukraine. Người dẫn chương trình Olga Skabeyeva cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin sẽ buộc phải tung ra một "phản ứng gay gắt" chống lại Mỹ.
Trong một chương trình phát sóng, bà nói: "Mỹ dự định sẽ thảo luận về việc cung cấp cho Ukraine những hệ thống tên lửa tầm xa ngay trong tuần tới".
Chuyên gia nhà nước Nga mô tả sự nguy hiểm của việc cung cấp vũ khí tiên tiến như vậy cho các lực lượng Ukraine. Bà Skabeyeva nói: "Hệ thống tên lửa của Mỹ có thể phóng đạn pháo xa hơn 500 km".
Người dẫn chương trình truyền hình Nga tuyên bố động thái của Mỹ sẽ kích động chính quyền Nga và buộc ông Putin đưa ra các biện pháp trả đũa.
Bà Skabeyeva nói: "Nếu người Mỹ làm vậy, rõ ràng họ sẽ vượt qua lằn ranh đỏ. Hành động này sẽ buộc Nga phải phản ứng gay gắt".
"Lằn ranh đỏ" mà bà Skabeyeva mô tả dường như ám chỉ những căng thẳng lịch sử giữa Mỹ và Nga.
Trang thiết bị quân sự của Ukraine đã lỗi thời đáng kể và việc họ không có vũ khí tầm xa đã hạn chế lực lượng phòng thủ nhắm mục tiêu vào các thành trì của Nga bên ngoài chiến tuyến. Mặc dù vậy, các hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất sẽ cho phép quân đội Ukraine nhắm mục tiêu vào các căn cứ chiến lược cách xa 700 km.
Liên quan đến việc cung cấp quân sự của Mỹ, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết các quyết định cuối cùng về thiết bị nào sẽ được vận chuyển đến Ukraine "vẫn chưa được đưa ra".
Đã có những lo ngại rằng pháo tầm xa của Mỹ sẽ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga, gây nguy cơ mở rộng chiến tranh xuyên biên giới.
Trong một chương trình phát sóng trước đó, nhà báo quân sự người Nga Mikhail Khodaryonok đã tiết lộ lực lượng của Moscow sẽ tiến hành những cuộc tấn công có chủ đích để tiêu diệt các pháo binh do Ukraine vận hành. Ông nói: "Chúng tôi tin rằng những chiếc xe pháo này sẽ là mục tiêu ưu tiên cao nhất trong tương lai gần".
Hàng trăm trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được chẩn đoán trong tháng qua trên khắp châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, Israel, UAE và Úc, tuy nhiên đó có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", Giám đốc Cục Dịch bệnh và Đại dịch của WHO Sylvie Briand cảnh báo trong một cuộc họp báo.
Bà Briand gợi ý rằng có thể còn "nhiều trường hợp khác không được phát hiện trong cộng đồng", vì triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ không biểu hiện ngay. Người bị nhiễm ban đầu sẽ gặp các triệu chứng giống cúm như sốt, đau nhức cơ và sưng hạch bạch huyết, sau đó phát ban giống thủy đậu trên mặt và cơ thể. Mặc dù không có cách chữa đặc trị nào nhưng virus này thường biến mất trong vòng hai đến bốn tuần.
Bà Briand khuyến khích mọi người không nên hoảng sợ và nhấn mạnh "đây không phải là căn bệnh mà công chúng nên lo lắng. Nó không phải là Covid-19 hoặc các bệnh lây lan nhanh". WHO vẫn đang tích cực xác định nguồn gốc chính xác của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ gần đây. Không có dấu hiệu nào cho thấy virus đậu mùa khỉ đã biến đổi hoặc trở nên nguy hiểm hơn.
WHO đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào tuần trước để thảo luận về sự bùng phát của dịch bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ do virus đậu mùa khỉ gây ra, cùng họ với virus đậu mùa nhưng ít nghiêm trọng hơn. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở các quốc gia Trung và Tây Phi, gần rừng mưa nhiệt đới.
Quan chức của WHO Maria van Kerkhove xác nhận rằng phần lớn các trường hợp được phát hiện bên ngoài châu Phi là ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Các báo cáo ban đầu về những đợt bùng phát ở Bỉ và Tây Ban Nha có liên quan đến các lễ hội đồng tính nam lớn ở các nước này. Ứng dụng hẹn hò đồng tính Grindr đã phát hành một thông điệp cho người dùng châu Âu và Anh vào đầu tuần này để cảnh báo họ về sự bùng phát và khuyến khích họ tìm cách điều trị nếu gặp phải các triệu chứng.
Hơn 200 trường hợp đã được phát hiện ở 20 quốc gia trên thế giới, theo WHO, với phần lớn các trường hợp được tìm thấy ở Anh. Bỉ tuần trước đã trở thành quốc gia duy nhất tuyên bố bắt buộc cách ly 21 ngày đối với những người bị nhiễm bệnh. Giám đốc WHO châu Âu, ông Hans Kluge, bày tỏ lo ngại rằng căn bệnh này có thể lây lan nhanh chóng trong những tháng mùa hè, thời điểm các lễ hội thường xuyên diễn ra.
Mới đây, Tổng thống Zelensky nói với đài truyền hình Hà Lan NOS rằng Thủ tướng Mark Rutte cần phải làm rõ liệu Ukraine có tương lai trong EU hay không. Rutte là một trong số các chính trị gia hàng đầu của EU bày tỏ nghi ngờ về khả năng Ukraine nhanh chóng gia nhập khối.
Ông Rutte đã nói chuyện với ông Zelensky qua điện thoại vào ngày 26/5, hai tuần sau bài phát biểu trước quốc hội Ukraine ở Kiev. Rutte bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga nhưng không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về việc liệu đơn xin gia nhập EU của Kiev có được chấp nhận trong tương lai gần hay không.
"Tôi đã nói rất cởi mở với ông ấy. Nếu Rutte nghĩ rằng không có chỗ cho chúng tôi ở EU, thì ông ấy nên nói rõ ràng như vậy", ông Zelensky nói với NOS.
Ông tuyên bố: "Tư cách thành viên EU sẽ giúp chúng tôi rất nhiều trong cuộc chiến chống lại Nga".
Rutte trước đây cảnh báo rằng nếu Ukraine có thể dễ dàng trở thành thành viên EU như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất, thì sẽ không công bằng đối với các ứng cử viên khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Montenegro.
Phát biểu trước các nhà lập pháp Hà Lan vào đầu tháng này, Rutte nói rằng Ukraine sẽ cần thực hiện nhiều cải cách trước khi muốn được coi là một ứng cử viên tiềm năng, và nhấn mạnh rằng việc Kiev ứng cử hiện tại là rất 'xa vời'.
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cũng tuyên bố hồi đầu tháng rằng Ukraine có thể mất "15 hoặc 20 năm" để gia nhập khối châu Âu. Trong khi vào tháng 3/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cảnh báo rằng "gia nhập EU không phải là điều có thể thực hiện được trong một vài tháng". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất mời Ukraine tham gia "cộng đồng chính trị châu Âu" như một biện pháp thay thế, tuy nhiên ông Zelensky đã bác bỏ hoàn toàn kế hoạch này.
Vấn nạn tham nhũng của Ukraine được coi là trở ngại lớn đối với tư cách thành viên EU. Đất nước này được xếp hạng là tham nhũng nhất ở châu Âu và là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới.
Trả lời NOS, ông Zelensky bác bỏ những lo ngại này. "Làm thế nào bạn biết rằng có tham nhũng ở Ukraine?" ông hỏi người phỏng vấn Marielle Tweebeeke. "Bạn có sống ở đây không?"
Khi được lưu ý rằng những cáo buộc tham nhũng này đã được nêu ra trong "các báo cáo chính thức", ông Zelensky phản bác: "Điều gì khiến chúng trở nên chính thức?"
"Đúng, có vấn đề", Tổng thống Ukraine thừa nhận. "Nhưng quốc gia nào cũng gặp phải tình trạng như vậy, kể cả những nước EU. Chúng tôi cũng sẽ có những cải cách của riêng mình".
Các nguồn tin EU nói với Bloomberg vào tháng trước rằng quyết định sơ bộ về việc ứng cử của Ukraine có thể được đưa ra sớm nhất là vào tháng 6/2022.
Hans-Georg Maassen, người từng là Chủ tịch Văn phòng Liên bang Bảo vệ Hiến pháp, cơ quan an ninh nội địa của Đức giai đoạn 2012-2018 mới đây cảnh báo rằng, nước này đang “mộng du" vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga bằng cách chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Xuất hiện trên truyền hình Đức mới đây, Maassen cho biết, ông phản đối bất kỳ hành vi chuyển giao vũ khí nào của Đức cho Ukraine, viện dẫn một quyết định trước đó của Tòa án Công lý Quốc tế phán quyết rằng, việc cung cấp vũ khí cho một trong những các bên tham chiến trong một cuộc xung đột cũng làm cho nhà cung cấp trở thành một bên trong cuộc xung đột đó.
"Theo quan điểm của tôi, khi chúng tôi giao vũ khí, không phải mũ bảo hiểm, không phải bông băng, thì điều đó có nghĩa là chúng tôi tự động có nguy cơ trở thành một bên tham chiến”, Maassen lập luận.
Cựu quan chức này cũng cho biết ông rất sợ hãi vì thiếu các cuộc thảo luận công khai về vấn đề này.
Theo ông, bằng cách tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine, Đức có thể trở thành mục tiêu tấn công của Nga.
Cựu Giám đốc tình báo Đức lập luận rằng, trái ngược với những gì truyền thông Đức tuyển truyền, Ukraine không phải là "pháo đài" của nhân quyền, tự do, hòa bình và các giá trị phương Tây.
Ông yêu cầu lãnh đạo Đức xem xét lý do tại sao họ lại khiến đất nước phải đối mặt với “ nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân".
Theo Maassen, Đức có khoảng 119 cơ sở quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của mình và vì thế, có thể là mục tiêu tấn công của Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Ông Maassen thậm chí ví Đức như một "hàng không mẫu hạm của Mỹ với khoảng 80 triệu người bản xứ” sinh sống trên đó.
Cựu Giám đốc tình báo cũng cảnh báo, xã hội Đức chưa chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tranh, vì nước này không có bất kỳ kinh nghiệm nào về những khó khăn mà nó mang lại trong nhiều thập kỷ.
Trên hết, theo ông Maassen, đối đầu quyết liệt hơn với Nga sẽ là không khôn ngoan đối với Berlin, vì Đức phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga, đồng thời không tự sản xuất đủ lúa mì và phân bón.
"Đức đang gây nguy hiểm cho an ninh của mình bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine", cựu quan chức tình báo này cho nhấn mạnh.
Vào cuối tháng 2, vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo rằng Berlin sẽ cung cấp cho Kiev hệ thống phòng không di động cũng như tên lửa chống tăng.
Truyền thông dẫn lời các quan chức Ukraine giấu tên, Berlin còn cung cấp cho quốc gia Đông Âu 100 súng máy, 100.000 quả lựu đạn, 2.000 quả mìn và hơn 16 triệu viên đạn.
Khi xung đột leo thang, dưới áp lực của các đồng minh NATO, chủ yếu là Mỹ, Berlin cuối cùng đã bật đèn xanh cho việc chuyển giao các phương tiện phòng không Gepard cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Đức đã cam kết sẽ gửi 15 phương tiện đầu tiên vào tháng Bảy.
Thủ tướng Scholz cũng hứa tặng 7 xe pháo tự hành 155 mm Howitzer 2000 cho Ukraine. Tuy nhiên, theo DW, Kiev có thể sẽ không nhận được chúng trước mùa hè.
Berlin cũng đã thông qua thỏa thuận cho nhà sản xuất Krauss-Maffei Wegmann chuyển giao hàng chục xe tăng Leopard 1 cho Ukraine. Tuy nhiên, việc chuyển giao rõ ràng đang trong tình trạng lấp lửng mà theo truyền thông là do thiếu đạn dược và phụ tùng thay thế.
Các quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm cả Đại sứ tại Đức, Andrey Melnik, đã nhiều lần chỉ trích giới lãnh đạo ở Berlin, cho rằng chính phủ Đức đang chùn chân trong việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Kiev đang thúc giục các đồng minh bàn giao xe tăng Leopard 1 và xe chiến đấu bộ binh Marder cho họ càng sớm càng tốt.
Nga đã giành quyền kiểm soát thành phố Severodonetsk ở tỉnh Lugansk, ông Kadyrov tuyên bố hôm 28/5.
"Thành phố Severodonetsk đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi. Thành phố đã được giải phóng. Người dân có thể yên tâm, từ nay họ không còn gặp nguy hiểm nữa", ông Kadyrov viết trên kênh Telegram của mình.
Theo ông Kadyrov, ban đầu thời gian dự kiến kiểm soát thành phố là một tuần, nhưng họ đã đạt được mục tiêu nhanh chóng hơn.
"Kế hoạch ban đầu là giải phóng Severodonetsk trong một tuần, nhưng sau đó tôi đã điều chỉnh và đặt nhiệm vụ giành quyền kiểm soát thành phố trong ba ngày. Binh lính của chúng tôi còn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ vượt cả kỳ vọng - chỉ trong ba giờ", ông Kadyrov nói thêm.
Ông Kadyrov cũng quả quyết rằng tất cả lực lượng Ukraine "đã bỏ chạy khỏi Severodonetsk" khi biết binh sĩ tới từ Chechnya tham gia "dọn dẹp thành phố". "Chính những tù binh bị đặc nhiệm của chúng tôi bắt giữ đã thừa nhận điều đó", ông nhấn mạnh.
Ukraine chưa trả lời những bình luận của ông Kadyrov.
Hôm 25/5, lực lượng Chechnya cho biết họ và quân đội Nga đã bao vây thành phố Severodonetsk từ 3 hướng khác nhau.
Sau 3 tháng chiến sự, Ukraine mất kiểm soát phần lớn tỉnh Donetsk và Lugansk ở Donbass, tỉnh Kherson cùng một số khu vực ở vùng duyên hải phía Nam.
Tuần trước, ông Kadyrov tuyên bố trên một video trực tuyến: "Tình hình ở Ukraine đã xong, giờ chúng tôi đang quan tâm đến Ba Lan".
"Sau khi chiến dịch ở Ukraine hoàn thành, chúng tôi sẽ cho thấy mình có thể làm được gì chỉ trong vòng 6 giây nếu có lệnh", ông nhấn mạnh.
Là một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Kadyrov thường xuyên đăng những lời chỉ trích đối với phương Tây trên mạng xã hội, đặc biệt là Instagram.
"Đây là những đơn vị thường trú ở khu vực Lugansk, đang cố gắng tấn công và đang cố gắng đạt được lợi ích theo bất kỳ hướng nào có thể", ông Gaidai nói trên truyền hình Ukraine.
Với những chiến thắng quan trọng gần đây, quân đội Nga đang tiến gần đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk, một trong những nhiệm vụ chính trong chiến dịch quân sự đặc biệt kéo dài suốt hơn ba tháng qua của họ.
Nga hôm 28/5 đã tuyên bố giành được thành phố Lyman - thành phố công nghiệp có tuyến đường sắt quan trọng ở Lugansk.
Ông Haidi cho biết, quân đội Ukraine có thể phải rút khỏi Severodonetsk để tránh tình huống bị quân Nga bao vây.
"Chúng tôi có đủ sức mạnh và nguồn lực để tự vệ. Tuy nhiên, rất có thể, để không bị bao vây chúng tôi sẽ phải rút lui", ông Gaidai nhấn mạnh,
Ông xác nhận lực lượng Nga đã tiến vào ngoại ô Severodonetsk, kiểm soát ít nhất một khách sạn làm bàn đạp cho đợt tiến công sắp tới.
"Severodonetsk vẫn chưa bị cô lập. Chúng ta vẫn còn cơ hội gửi thêm viện trợ nhân đạo", ông Gaidai nói thêm.
Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng, Ukraine đang mong đợi "tin tốt" sớm nhất là vào tuần tới từ các đối tác liên quan đến việc cung cấp vũ khí và thiết bị cần thiết để nước này phòng thủ trước Nga.
"Mỗi ngày chúng tôi đang nỗ lực để củng cố hàng phòng thủ của mình. Trên hết, điều này có nghĩa là phải đảm bảo nguồn cung cấp vũ khí. Mỗi ngày, chúng tôi càng đến gần ngày áp đảo được lực lương Nga về mặt kỹ thuật và lực lượng tấn công. Nhưng rõ ràng, điều này phần lớn phụ thuộc vào các đối tác của chúng tôi. Họ nói rằng, sẵn sàng cung cấp mọi thứ cần thiết để Ukraine bảo vệ tự do của mình. Và tôi đang mong đợi tin tốt về vấn đề này sớm nhất là vào tuần tới", ông Zelensky tuyên bố.
Đại tá Steven McCraw, Giám đốc Sở An toàn Công cộng Texas, không đề cập đến tên của quan chức này trong cuộc họp báo hôm 27/5, nhưng nói rằng ông đã đưa ra "quyết định sai lầm" là không giao chiến với tay súng sớm hơn.
Cảnh sát trưởng Học khu Uvalde là Pedro "Pete" Arredondo.
Những đứa trẻ bên trong các lớp học 111 và 112 của trường tiểu học Robb ở Uvalde liên tục gọi 911 và cầu xin sự giúp đỡ, ông McCraw nói.
"Theo quan điểm của tôi, tất nhiên đó không phải là quyết định đúng đắn", McCraw nhận xét về quyết định không đối đầu với tay súng. "Đó là một quyết định sai lầm. Không có lý do gì để bào chữa cho điều đó".
Khi được các phóng viên hỏi rằng liệu Arredondo có ở hiện trường vụ nổ súng hay không, McCraw từ chối bình luận.
Hôm 27/5, Thống đốc Texas, Greg Abbott cho biết ông đang xem xét đầy đủ những gì đã xảy ra trong vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, tuy nhiên ông nói vẫn chưa có quyết định về việc liệu cảnh sát trưởng của học khu có bị sa thải hay không.
"Đó là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi và tôi không hề biết về nó", Abbott nói. "Mọi hành vi của tất cả các quan chức đó sẽ được giải thích rõ ràng cho công chúng".
Arredondo đã không lên tiếng công khai về vụ xả súng kể từ sau hai tuyên bố báo chí ngắn gọn vào ngày xảy ra thảm kịch.
CNN đã cố gắng liên lạc với Arredondo tại nhà của ông vào 27/5, nhưng không có phản hồi.
Theo trang web của khu học chánh Uvalde, Arredondo được xác định là cảnh sát trưởng, ông cũng được giới thiệu là cảnh sát trưởng tại các cuộc họp báo hôm 24/5, sau vụ xả súng tại trường tiểu học Robb.
Tại các cuộc họp báo, Arredondo tuyên bố tay súng đã chết, mặc dù vậy ông cung cấp rất ít thông tin khác về vụ thảm sát.
Arredondo có gần ba thập kỷ kinh nghiệm thực thi pháp luật, theo khu học chánh, và gần đây đã được bầu một ghế trong hội đồng thành phố của Uvalde.
Hội đồng quản trị của khu học chánh đã chấp thuận cho Arredondo làm cảnh sát trưởng vào năm 2020. Giám đốc học khu, Hal Harrell, cho biết trong một bài đăng trên Facebook vào thời điểm đó rằng hội đồng "rất ấn tượng với kinh nghiệm, kiến thức của Arredondo".
Arredondo nói với Uvalde Leader-News sau khi được bổ nhiệm rằng ông rất vui khi trở lại làm việc tại quê nhà.
Vào tháng 3/2022, Arredondo đã đăng trên Facebook rằng bộ phận của ông đang tổ chức "Huấn luyện bắn súng tích cực" tại trường trung học Uvalde nhằm nỗ lực chuẩn bị ứng phó với "bất kỳ tình huống nào có thể phát sinh".
Arredondo trước đây từng là đội trưởng tại sở cảnh sát học khu ở Laredo, Texas, và đảm nhiệm nhiều vai trò tại Sở cảnh sát Uvalde.
Hành vi hiện tại của các quốc gia phương Tây tương đương "cuộc chiến tổng lực đối với toàn bộ nước Nga", Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết hôm 27/5 trong cuộc họp với những người đứng đầu các khu vực của đất nước.
Ông nói thêm, toàn thể xã hội Nga và các lực lượng chính trị lớn luôn ủng hộ quyết định của chính phủ trong việc đối mặt với thách thức này.
Ông Lavrov lập luận: "Các quốc gia phương Tây đang tăng gấp đôi, gấp ba và gấp bốn lần nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn Nga. Họ sử dụng một loạt các biện pháp, từ đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đến tuyên truyền tin giả trên các phương tiện truyền thông toàn cầu".
"Phương Tây đã tuyên bố chiến tranh tổng lực chống lại chúng ta, chống lại toàn bộ nước Nga. Không ai có thể che giấu sự thật này", Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố.
Nga có thể đối phó với áp lực này bằng sự đồng lòng của "tất cả các lực lượng yêu nước lành mạnh" cũng như sự ủng hộ của công chúng đối với chính sách đối ngoại của Moscow, ngoại trưởng nêu rõ.
Ngoại trưởng Lavrov cũng lưu ý rằng cuộc khủng hoảng đã phơi bày bản chất thực sự của những lời hứa với Nga cách đây 30 năm, sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông nói: "Giờ đây chúng ta đã thấy rõ bản chất của những lời hứa về các giá trị cốt lõi và sự cần thiết trong việc biến châu Âu thành một ngôi nhà chung từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương".
Bài phát biểu của nhà ngoại giao cấp cao diễn tại cuộc họp của một hội đồng Bộ Ngoại giao bao gồm tất cả các nguyên thủ khu vực của Nga là thành viên. Với tư cách là ngoại trưởng, ông Lavrov làm chủ tịch hội đồng.
Theo New Daily, Lyman, nơi một trung tâm đường sắt quan trọng, là chiến trường ác liệt trong tuần qua khi các lực lượng Nga đẩy mạnh tấn công thành phố từ phía bắc.
Lực lượng ly khai của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cho biết, hiện họ đã nắm toàn quyền kiểm soát thành phố.
Ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã lên tiếng xác nhận sự sụp đổ của Lyman trong một cuộc phỏng vấn trong đêm 27/5. Ông Arestovych cho biết, trận chiến ở Lyman cho thấy Moscow đang cải thiện chiến thuật của mình.
“Theo dữ liệu chưa được xác minh, chúng tôi đã mất thành phố Lyman. Quân đội Nga đã chiếm được thành phố”, ông Arestovych tuyên bố trong một video được đăng trên mạng xã hội.
“Về nguyên tắc, điều này cho thấy trình độ quản lý tác chiến và kỹ năng chiến thuật của quân đội Nga ngày càng được nâng cao. Họ đã tiến bộ. Tất nhiên, họ không tiến bộ ở khắp mọi nơi, nhưng chắc chắn họ đã tiến bộ", ông Arestovych nói thêm.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, trận chiến ở khu vực phía đông Donbass có kết quả như thế nào còn tùy thuộc vào việc các lực lượng Nga có thể duy trì đà tiến công hay hết động lực.
Xa hơn về phía đông, các lực lượng Nga đang cố gắng bao vây quân đội Ukraine tại các thành phố Sievierodonetsk và Lyshchansk, sau khi đột phá các phòng tuyến của lực lượng Ukraine ở phía nam thành phố Popasna vào tuần trước.
Popasna, được các nhà báo của Reuters tiếp cận hôm thứ Năm 26/5, được mô tả là trông như "một vùng đất bỏ hoang" với những căn hộ cao tầng bị cháy rụi và những tòa nhà thành phố đổ nát, đường phố chất đầy gạch đá, bê tông.
Trong một bài phát biểu cùng ngày, Tổng thống Ukraine Zelensky chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) đã mất quá nhiều thời gian để cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng EU đã chuyển cho Moscow một tỷ Euro mỗi ngày để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong cuộc gọi với các phóng viên: "Ban lãnh đạo Ukraine liên tục đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau. Điều này khiến chúng tôi không thể hiểu những gì phía Ukraine muốn".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó tuyên bố ông đã nhiều lần cố gắng tổ chức một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột, nhưng dường như Nga vẫn chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc.
"Chúng tôi có nhiều điều cần thảo luận với nhà lãnh đạo Nga. Người dân Ukraine rất muốn tôi nói chuyện với ông ấy, nhưng thực tế không dễ dàng như vậy, đặc biệt là đối với tình hình mà chúng tôi đang phải trải qua", ông Zelensky cho biết trong một bài phát biểu.
"Chúng tôi muốn gì từ cuộc gặp này? Đương nhiên là chúng tôi muốn cuộc sống của mình trở lại. Chúng tôi muốn trở thành một quốc gia có chủ quyền trong lãnh thổ của riêng mình", ông kết luận.
Các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp cuối cùng diễn ra vào ngày 29/3. Hai bên tiếp tục liên lạc từ xa thêm một thời gian nhưng các nhà chức trách nói rằng hiện tại họ đã dừng lại.
Cô đã viết như vậy trên trang web của Trường Tiểu học Robb, bên cạnh các thông tin chi tiết khác về gia đình bao gồm cả thành tích của hai con trai và hai con gái.
Garcia là một trong số 21 người bị giết hôm 24/5 bởi tay súng 18 tuổi, người đã bước vào trường học Uvalde, Texas với một khẩu súng trường. 19 đứa trẻ và đồng nghiệp của Garcia, Eva Mireles, cũng thiệt mạng.
Hai ngày sau cái chết của Garcia, chồng cô Joe bị một cơn đau tim gây tử vong, Tổng giáo phận San Antonio nói với CNN. Gia đình nói rằng người đàn ông đã chết với trái tim tan vỡ.
"Joe và Irma Garcia là giáo dân của Nhà thờ Công giáo Sacred Heart ở Uvalde, và Irma là người lãnh đạo mục vụ phụ nữ tại đây", Jordan McMorrough, phát ngôn viên của tổng giáo phận, nói với CNN vào tối 26/5.
Joe đã chết với trái tim tan vỡ
Theo thông báo từ chiến dịch GoFundMe được đăng tải bởi anh họ của Irma Garcia, Joe Garcia đã chết vào sáng 26/5 "vì một trường hợp khẩn cấp y tế".
"Xin hãy cầu nguyện cho gia đình của chúng tôi", bài đăng trên GoFundMe viết. "Tôi thực sự tin rằng Joe chết với một trái tim tan vỡ bởi mất đi tình yêu 25 năm của cuộc đời, điều đó thật quá sức chịu đựng!"
Cháu trai của Irma Garcia viết trên Twitter: "Lạy chúa, làm ơn hãy giúp đỡ gia đình chúng con, chú Joe đã qua đời sáng nay do một cơn đau tim ở nhà. Chú ấy và vợ đã lên thiên đường, hai người có trái tim thuần khiết nhất. Xin cả hai hãy phù hộ cho gia đình!"
CNN đã liên hệ với gia đình Garcia để xin bình luận thêm.
Cặp đôi đáng mến từ thời trung học
Một chiến dịch GoFundMe khác do John Martinez, cháu trai của Irma thành lập, mô tả hai người là "một cặp đôi đáng mến từ thời trung học" được nhiều người "yêu thích".
"Số tiền này sẽ được sử dụng để trả bất kỳ chi phí nào trong việc nuôi dạy con cái họ trong tương lai và cho các nhu cầu của gia đình", chiến dịch cho biết.
Bài đăng trên GoFundMe gọi giáo viên Irma Garcia là "một người ngọt ngào, tốt bụng, yêu thương" và nói thêm rằng cô đã hy sinh để bảo vệ học sinh của mình.
"Cô ấy đã hy sinh bản thân để bảo vệ những đứa trẻ trong lớp học của mình. Cô ấy là một anh hùng".
Irma Garcia đã làm giáo viên ít nhất 23 năm, theo trang tiểu sử của trường học Robb.
Theo New York Post, ông Patrushev và ông Putin có mối quan hệ bền chặt vượt lên trên công việc. Họ là bạn bè. Cả ông Putin và ông Patrushev đều xuất thân từ cùng nhóm "Chekists", thuật ngữ dùng để chỉ các nhân viên tình báo Liên Xô và Nga. Từ "Chekists" bắt nguồn từ ChK - tên viết tắt tiếng Nga của cơ quan an ninh bí mật và quyền lực của Liên Xô. Những người "Chekists" tự coi mình là những chiến binh ưu tú, tận tụy bảo vệ tổ quốc khỏi kẻ thù.
Cả hai người đàn ông quyền lực ở Điện Kremlin đều có nền tảng quân sự, được đào tạo bài bản để sử dụng các loại vũ khí và nổi tiếng cứng rắn.
Tình bạn của ông Putin và Patrushev bắt nguồn từ việc họ phục vụ cho KGB - Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô. Ông Putin gia nhập KGB vào năm 1975, một năm sau khi ông Patrushev được tuyển dụng.
Cả hai vào những thời điểm khác nhau cũng từng là người đứng đầu FSB, Cơ quan an ninh nội địa của Nga, vốn là cơ quan kế nhiệm của KBG và tương đương với FBI của Mỹ.
Tính theo cấp bậc trong quân đội, ông Patrushev đã lên hàng tướng, trong khi ông Putin có hàm cấp tá.
Năm 1998, ông Patrushev tiếp quản chức vụ Phó Chánh văn phòng Tổng thống dưới thời ông Boris Yeltsin từ ông Putin khi nhà lãnh đạo Nga chuyển sang điều hành FSB. Sau này, khi trở thành lãnh đạo của FSB, ông Patrushev từng lãnh đạo một chương trình chống khủng bố kêu gọi “thanh trừng các thủ lĩnh của phong trào ly khai Chechnya".
Sự cứng rắn của ông Patrushev được thể hiện rõ trong thời kỳ này, khi ông cử các đặc nhiệm FSB truy lùng và tiêu diệt các chiến binh Chechnya khét tiếng, bao gồm 2 chiến binh Shamil Basayev vào tháng 7/2006 và Aslan Maskhadov vào tháng 3/2005.
Một tờ báo nổi tiếng của Nga mô tả, ông Patrushev đóng vai trò như một “người tận tụy và có cùng chí hướng” với Tổng tư lệnh của mình (ông Putin).
Ông Patrushev cũng được cho là có ảnh hưởng lớn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại và chiến lược an ninh của Nga.
Là người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga từ năm 2008, ông Patrushev gần như chắc chắn có ảnh hưởng đến học thuyết quân sự hiện đại của nước Nga, vốn chính thức hệ thống hóa NATO là mối đe dọa an ninh hàng đầu của Nga.
Ông Patrushev không uống rượu mạnh, thay vào đó ông thích uống một ly rượu vang trắng và uống thường xuyên.
Ông không bao giờ đi muộn và không thích nói chuyện với các nhà báo, một thói quen chuyên nghiệp của một người từng là điệp viên.
Nhưng một khi phát biểu trước truyền thông, ông Patrushev luôn cẩn thận cân chỉnh lời nói của mình, ý thức cao rằng, những gì ông nói sẽ được phân tích bởi các cơ quan tình báo nước ngoài.
Giống như Tổng thống Putin, ông Patrushev là một người nghiện công việc và luôn đưa ra ý kiến, chia sẻ với lãnh đạo hàng ngày.
Cả ông Putin và Patrushev đều yêu thích thể thao, Nếu ông Putin là một võ sư judo, thì Patrushev đam mê bóng chuyền và rất thích bơi lội.
Mặc dù công việc bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian bơi lội 4 ngày/tuần, để giảm bớt mệt mỏi và rèn luyện sức khỏe.
Theo New York Post, ông Patrushev có thể là một trong những kiến trúc sư của chiến dịch sáp nhập Crimea của Nga vào năm 2014.
Người ta tin rằng, ông cũng là người tạo ra một loạt các kế hoạch quân sự tuyệt mật, bao gồm các khái niệm hoạt động rộng rãi cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga.
Giống như Tổng thống Putin, ông Patrushev là một nhà tuyên truyền chống Mỹ gay gắt. Ông gần đây cáo buộc Mỹ lên kế hoạch thả bom hạt nhân ở Ukraine rồi sau đó đổ lỗi cho Nga.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 24/5 với tuần báo AiF của Nga, ông Patrushev cho biết, Nga không áp đặt thời hạn cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và sẽ chỉ kết thúc chiến dịch khi đạt được mục tiêu "phi hạt nhân hóa, phi phát xít hóa" tại đây.
Ông nhấn mạnh rằng, Moscow đang tìm cách diệt trừ chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Nga đã hứa sẽ ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa quốc xã sau khi Thế chiến II kết thúc.
"Chúng tôi không chạy theo thời hạn. Chủ nghĩa quốc xã hoặc phải bị tiêu diệt 100% hoặc nó sẽ phát triển lại sau một vài năm với một hình thức thậm chí còn đáng ngại hơn", ông Patrushev nhấn mạnh.
Khi AiF hỏi về khả năng Nga có thể chiến thắng trong "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine, ông Patrushev khẳng định chắc nịch rằng, Nga sẽ đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine.
"Tất cả các mục tiêu mà Tổng thống Nga đề ra sẽ được hoàn thành. Không thể khác được, vì sự thật, kể cả sự thật lịch sử, đều đứng về phía chúng ta", ông Patrushev nhấn mạnh.
Hôm thứ Tư 25/5, ông cáo buộc cho phương Tây đang tìm cách tiêu diệt Nga.
Có một câu nói cổ của Nga được dịch theo nghĩa đen có nghĩa là: "Hai chiếc ủng tạo nên một đôi ủng". Câu nói này hoàn toàn phù hợp với ông Putin và Patrushev - 2 người đặc biệt ăn ý với nhau, là "cặp bài trùng" của nhau, theo New York Post.
Trong cuộc họp trực tuyến với các sinh viên Ukraine, tổng thống cho biết chiếc máy bay mới sẽ được dành tặng cho các phi công thiệt mạng trong cuộc xung đột, đặc biệt là những người đã ngã xuống khi bảo vệ Mariupol.
Ông Zelensky nói: "Hồi sinh lại Mriya để tưởng nhớ các vị anh hùng là một hành động đúng đắn".
Được đặt tên theo từ tiếng Ukraine có nghĩa là "giấc mơ", Mriya là một máy bay chở hàng khổng lồ do hãng sản xuất máy bay Antonov chế tạo vào cuối những năm 1980.
Mriya phiên bản đầu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1988. Chiếc máy bay giữ một số kỷ lục thế giới về kích thước, sải cánh, trọng lượng và trọng tải trước khi bị phá hủy. Máy bay khổng lồ nặng 285 tấn, có kích thước 84m và có sải cánh dài 88m (khoảng năm rơ moóc bán tải được thiết lập từ đầu đến cuối).
Antonov ban đầu dự định tung ra hai chiếc Mriya, nhưng việc xây dựng chiếc thứ hai đã bị chấm dứt vào năm 1994 do thiếu kinh phí.
"Chúng tôi muốn xây dựng nó, chúng tôi cần 800 triệu USD", ông Zelensky nói thêm. "Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về đề xuất thiết kế chiếc Mriya thứ hai, nhưng vẫn chưa thấy tiền".
Chiếc máy bay mới chỉ hoàn thành khoảng 70% và đã nằm không trong 30 năm qua. Các thiết bị điện tử hàng không và nhiều thành phần khác đã lỗi thời, vì vậy việc hồi sinh chiếc máy bay sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Tổng thống Zelensky đề nghị 800 triệu USD, nhưng con số thực sự có thể nhiều hơn.
Ukroboronprom, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ukraine do Antonov điều hành, cho biết hồi tháng 2/2022 rằng việc đóng một chiếc Mriya mới sẽ tiêu tốn hơn 3 tỷ USD và mất 5 năm để hoàn thành. Không chỉ vậy, An-225 tốn khoảng 30.000 USD một giờ để vận hành.
Antonov thậm chí đã thử huy động vốn từ cộng đồng cho dự án. Hy vọng rằng giấc mơ này có thể trở thành hiện thực.
Trung tướng Konstantinos Loukopoulos, giảng viên dạy chiến đấu bằng xe tăng tại các học viện quân sự ở Kiev và Moscow, nói: "Trên xe tăng và xe bọc thép có các vị trí người lái, pháo thủ, người nạp đạn và chỉ huy, tất cả đều cần huấn luyện cá nhân và huấn luyện đồng đội".
"Lực lượng Ukraine cần được huấn luyện chiến thuật, bao gồm cả bắn thử và tập trận, và họ không thể thực hiện trong vài tuần. Chu kỳ huấn luyện ít nhất là sáu tháng và điều đó không thay đổi kể cả trong thời chiến", ông lập luận.
Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Cộng hòa Séc đã cam kết mua nhiều loại áo giáp và pháo cho Ukraine, điều đó làm phức tạp thêm vấn đề, ông Loukopoulos nhấn mạnh.
Ví dụ, trong số 90 lựu pháo M777 do Mỹ gửi đến Ukraine, khoảng 18 quả đã được triển khai, ông nói và cho biết thêm rằng không biết có bao nhiêu trong số 14 khẩu pháo tự hành César do Pháp gửi đang được sử dụng.
"Để Ukraine có thể nắm vững được vũ khí từ phương Tây và đưa chúng vào hoạt động, thành lập các đơn vị phù hợp và huấn luyện chúng, cần khoảng 8, 9 tháng", Loukopoulos nói.
Ông tin rằng đó là khung thời gian mà Tổng thống Putin phải giành chiến thắng trong cuộc chiến trên thực địa và đạt được một thỏa thuận thương lượng.
"Trong điều kiện cân bằng lực lượng hiện nay, Moscow đang chiếm lợi thế, không có gì phải bàn cãi về điều đó. Nhưng sau một vài tháng, sau khi Ukraine được huấn luyện đầy đủ, nước này có thể thực hiện một cuộc phản công chiến lược và đánh bại Nga".
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục tấn công tại ba điểm chính để bao vây quân phòng thủ Ukraine, bao gồm Izyum ở phía bắc, Severodonetsk ở phía đông và Popasna ở phía nam.
Hôm 20/5, tại Popasna, lực lượng Nga đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine, chiếm một số khu vực. Ba ngày sau, họ kiểm soát Myronovsky, điểm xuất phát dẫn đến Sloviansk, nơi cả ba mũi nhọn trong chiến dịch của Nga có khả năng hội tụ với nhau.
Ở mặt trận phía bắc, Moscow cũng liên tục pháo kích vào Izyum, nhiều nhà chức trách Ukraine mô tả đây là động thái mở đầu cho một cuộc tấn công toàn diện.
Các lực lượng Nga dường như đang cố gắng di chuyển gọng kìm từ Izyum và Popasna để cô lập toàn bộ đội quân chiến thuật của Ukraine, gồm khoảng 50.000 người, ở các vùng Luhansk và Donetsk.
Hôm 24/5, ba học sinh đã bị bắn bên ngoài một trường tiểu học ở Washington D.C. Một ngày trước đó, ba thanh thiếu niên bị bắn khi họ rời trường trung học ở Philadelphia. Tuần trước, đã xảy ra ba vụ xả súng vào các học sinh tốt nghiệp trung học ở Michigan, Louisiana và Tennessee.
Đặc biệt là trong hôm 24/5, một tay súng 18 tuổi đã giết chết 19 trẻ em và hai giáo viên tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas.
Theo David Riedman, trưởng nhóm nghiên cứu tại Cơ sở dữ liệu bắn súng K-12 tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Nội địa của trường Đại học Hải quân, đã có 137 vụ nổ súng xảy ra tại các trường học trong năm nay - gần như mỗi vụ một ngày. Con số này trong năm ngoái là 249 vụ.
Riedman nói với Reuters: "Việc xả súng có hệ thống tại các trường học đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở các trường trung học".
Riedman cho biết, trước vụ việc kinh hoàng hôm 24/5 tại trường tiểu học Robb, đã có nhiều vụ việc tương tự. Tiêu biểu nhất là vụ tấn công trường tiểu học Sandy Hook năm 2012, trong đó một tay súng đã giết chết 26 trẻ em và nhân viên trường học. Bên cạnh đó còn có vụ xả súng năm 2018 tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida, cướp đi sinh mạng của 17 người.
Mối đe dọa bạo lực chết người đeo bám những học sinh Mỹ. Từ khi còn nhỏ, học sinh đã thường xuyên phải thực hành các bài tập bắn súng nhằm mục đích phòng vệ, học cách ẩn náu trong các lớp học tắt đèn và rào chắn cửa ra vào.
Mỗi ngày để đề phòng, một số trường học không chỉ khóa cửa chính mà còn khóa cả cửa lớp học, với hy vọng có thể chặn được các tay súng đột nhập vào tòa nhà. Ở Texas, thậm chí còn có một chương trình đặc biệt trong trường học, nơi các giáo viên được đào tạo có thể mang súng ngắn. Không chỉ vậy, nhiều trường học đã lắp đặt cửa sổ và cửa ra vào chống đạn, khóa đặc biệt, máy dò kim loại. Một số còn thuê cả vệ sĩ có vũ trang.