Bom và tên lửa nhiệt áp rất hiệu quả trong việc gây hủy diệt hàng loạt nếu như Nga sử dụng chúng ở Ukraine. Theo Lầu Năm Góc Mỹ, Nga đã bắn hơn 625 tên lửa trong hai tuần kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine với khoảng một trăm tên lửa được phóng trong vài giờ đầu tiên.
Hầu hết chúng là tên lửa đạn đạo tầm ngắn và một số là tên lửa đất đối không. Nhưng có một loại vũ khí gây sát thương lớn hơn các cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường, đó là vũ khí nhiệt áp, hay là bom rút chân không và tên lửa chùm gây cháy.
Ngoài loại bom nhiệt áp mạnh nhất từng được thử nghiệm cho đến nay là "Cha của các loại bom" (FOAB), thì Nga là nước duy nhất trên thế giới đang sở hữu hệ thống súng phun lửa hạng nặng với đạn tên lửa nhiệt áp 'độc nhất' hiện nay: TOS-1 “Buratino”, TOS-1A “Solntsepёk”, TOS-2 “Tosochka” và tên lửa chống tăng 9M1133F-1 với đầu nổ nhiệt áp.
Những vũ khí này đều được trang bị cho Lực lượng phòng chống vũ khí NBC (vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm hạt nhân, sinh học và hóa học) của quân đội Nga.
Các nhà phân tích và chuyên gia dự đoán rằng trong trường hợp xấu nhất nếu Nga sử dụng vũ khí nhiệt áp trong chiến dịch quân sự ở Ukraine thì việc không chỉ căn cứ quân sự mà cả các khu vực dân sự, đô thị, thậm chí các khu hầm trú ẩn hay căn cứ bí mật và các địa hình phức tạp khác cũng sẽ bị tàn phá hoàn toàn chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bởi ngay cả khi Nga chỉ nhắm mục tiêu vũ khí nhiệt áp vào các cơ sở quân sự thì ảnh hưởng của vụ nổ vẫn có khả năng mở rộng sang các khu vực dân sự. Và điều đáng quan ngại hơn nữa là mặc dù rất nguy hiểm nhưng vũ khí nhiệt áp hoàn toàn không bị cấm bởi các công ước quốc tế từ trước đến nay.
Vũ khí nhiệt áp hay vũ khí nguyên tử chiến thuật không phát ra phóng xạ
Một loại vũ khí nhiệt áp có thể được sử dụng trong tên lửa hoặc bom, và nó chứa đầy nhiên liệu dạng phun và các kim loại dạng bột độc hại. Khi nó phát nổ, nhiên liệu nổ sẽ phân tán nhanh chóng, tạo ra một đám mây lớn nhiên liệu sau đó bốc cháy khi nó tiếp xúc với oxy xung quanh.
Nhà phân tích nghiên cứu Sam Cranny-Evans của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Hoa Kỳ giải thích: "Vụ nổ gây ra hai tác nhân: nhiệt độ cực lớn, có thể lên tới 3.000 độ C và áp lực tại tâm của vụ nổ có thể đạt tới 430 lbf/in² (3 MPa, 30 bar). Mặc dù áp suất hoặc sóng nổ tạo ra không cao như thuốc nổ thông thường (HE), nhưng nó tồn tại lâu hơn, tạo ra nhiều hiệu ứng sát thương hơn khi sóng chấn động bên ngoài vụ nổ có thể di chuyển với vận tốc 2 dặm/s ( tương đương khoảng 3 km/s)".
FOAB, theo RT, là một quả bom nhiệt áp. Loại vũ khí này phát nổ trong không trung, đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu-không khí.
Sau giai đoạn nổ ban đầu tạo ra sóng chấn động, nhiệt và áp lực cao gây sát thương sẽ là tình trạng rút không khí vào trong ngọn lửa khiến môi trường xung quanh vụ nổ gần như là chân không khiến cho mọi sinh vật xung quanh nó bị ngộp thở và mất cân bằng áp lực đột ngột.
Chính việc rút không khí này mà ngọn lửa sẽ rút các hạt nhiên liệu chưa bắt cháy của đám mây nhiên liệu trở lại ngọn lửa nơi mà chúng sẽ bắt cháy sau đó khi có thêm dưỡng khí duy trì ngọn lửa của vụ nổ và tỏa nhiệt lâu.
Hiện tượng ngạt thở và tổn thương vẫn có thể xảy ra cho mọi sinh vật ở xa vụ nổ chính, đặc biệt là khi nó xảy ra trong các môi trường hẹp như đường hầm hay hang động, nơi mà vụ nổ có thể rút gần như toàn bộ không khí trong không gian kín và sức nóng cũng như áp lực của nó truyền đi rất xa trong môi trường này.
Chẳng hạn, khi tất cả oxy bị đốt cháy trong khu vực xung quanh, nếu vũ khí nhiệt áp được sử dụng để tấn công một tòa nhà, chính áp suất có thể giết chết bất kỳ ai ẩn nấp bên trong.
Những vũ khí như vậy hoạt động rất hiệu quả trong các khu vực đô thị và có thể xâm nhập vào các boong-ke hoặc ga tàu điện ngầm, những nơi mà người dân có thể đang trú ẩn, bằng cách hút không khí ra khỏi phổi của những người cư ngụ.
Nga là "bá chủ thế giới" về vũ khí nhiệt áp
Bom nhiệt áp đã được Liên Xô sử dụng để chống lại Trung Quốc trong cuộc xung đột Trung-Xô năm 1969 và ở Afghanistan năm 1979. Tuy nhiên, các phiên bản thô sơ của vũ khí nhiệt áp đã được Đức phát triển trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong giai đoạn 1970-1980, như một phần của vũ khí nhiệt áp chuyên dùng để tấn công các công trình quân sự, xe thiết giáp và bãi mìn, Trung tâm Phát triển vũ khí Hải quân Mỹ chế tạo bom nhiệt áp 500 pound BLU-95 và 2.000 pound BLU-96.
Trong những năm đầu thập niên 2000, GBU-43B được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom” (MOAB) với khoảng 8,5 tấn hóa chất đặc chủng, tạo ra sức nổ tương đương 11 tấn TNT trở thành niềm tự hào của Không quân Mỹ.
Ngày 13/4/2017, Không quân Mỹ lần đầu tiên thả quả bom GBU-43B xuống một căn cứ của tổ chức IS tại Afghanistan - là loại bom phi hạt nhân mạnh nhất từng được Mỹ sử dụng trên chiến trường.
Liên Xô trước đây có bom nhiệt áp ODAB-1500 dùng để tấn công các cụm căn cứ lớn trên đất liền và các mục tiêu lớn trên biển. Loại bom nhiệt áp mạnh nhất từng được thử nghiệm cho đến nay là "Cha của các loại bom" (FOAB) do Nhà máy Bazalt chế tạo, có sức công phá tương đương 44 tấn thuốc nổ TNT (mạnh hơn 4 lần mẹ của các loại bom GPU-43/B).
FOAB nặng 7,1 tấn - nhẹ hơn 30% so với MOAB, được thiết kế để thả từ máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Bán kính hủy diệt của FOAB khoảng 300 m (gấp đôi so với GBU-43) và có khả năng sát thương trên diện tích rộng gấp 20 lần GPU-43 nhờ sử dụng công nghệ nano tạo hiệu ứng chân không. T
heo Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Rukshin thì bom nhiệt áp FAOB có thể được so sánh với bom hạt nhân chiến thuật về hiệu quả và khả năng tác chiến, nhưng không gây ô nhiễm môi trường xung quanh như bom hạt nhân, góp phần vào việc gìn giữ an ninh cho nước Nga cũng như chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào và ở bất cứ khu vực nào.
Nó sẽ là thứ vũ khí phi hạt nhân có khả năng răn đe và kiềm chế mọi đối thủ trên phạm vi toàn cầu.
Sự phát triển của các hệ thống súng phun lửa hạng nặng và đạn tên lửa nhiệt áp đặc biệt bắt đầu xuất hiện ở Liên Xô vào những năm 1970. Năm 1980, sau khi thử nghiệm thành công, hệ thống TOS-1 “Buratino” được cho phép đưa vào sử dụng.
Hệ thống TOS-1 “Buratino” có bệ phóng gồm 30 ống dẫn hướng để phóng đạn nhiệt áp, được đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, một loạt phóng có khả năng phá hủy mọi thứ trong một vùng phạm vi rộng 2 km2.
Tương tự với xe tăng, kíp lái TOS-1 có thể thực hiện nhiệm vụ xác định mục tiêu và khai hỏa mà không cần rời khỏi xe. Trong chiến đấu, TOS-1 “Buratino” lần đầu tiên được sử dụng vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Afghanistan (cuối những năm 1980).
Năm 2001, một phiên bản cập nhật của TOS-1 “Buratino” đã được phát triển là TOS-1A “Solntsepёk”, với số lượng ống dẫn hướng phóng đạn giảm xuống còn 24. Đây là phiên bản cải tiến từ TOS-1, hệ thống tên lửa nhiệt áp 24 ống phóng cỡ nòng 220 mm có khả năng gây sát thương khu vực rộng đến 40.000 m2 (tương đương diện tích của 6 sân bóng).
Tạp chí Popular Mechanics của Mỹ từng gọi TOS-1A là "địa ngục trần gian" có thể gieo rắc kinh hoàng cho bất cứ mục tiêu nào bị đầu đạn nhiệt áp của nó nhắm bắn.
Hệ thống vũ khí này đã được sử dụng tích cực trong các hoạt động chống khủng bố ở Syria. Năm 2018, sau khi thăm trụ sở lực lượng Nga ở Syria, Tướng Alexander Lapin đã khẳng định: “Hệ thống súng phun lửa hạng nặng mới TOS-1A “Solntsepёk” đã chứng tỏ khả năng rất tốt. Đó là vũ khí độc đáo nhất, giúp chúng ta rất nhiều khi cần phải tiêu diệt các nhóm chiến binh trong hầm trú ẩn dưới lòng đất hoặc nửa dưới lòng đất”.
Trên cơ sở kinh nghiệm thu được trong chiến dịch ở Syria, các nhà thiết kế của NPO Splav đã cho ra đời TOS-2 “Tosochka”. Nhà phát triển đã quyết định chuyển sang khung gầm bánh lốp, dựa trên khung gầm xe tải quân sự Ural-63704-0010, với khả năng chuyên chở cao và di chuyển xuyên quốc gia.
Đây là phiên bản nhẹ hơn, ít tốn kém hơn và cơ động hơn của hệ thống TOS-1A. Một số phiên bản đầu tiên được tiết lộ công khai vào năm 2020 trong một cuộc diễu hành quân sự. Tuy nhiên vào thời điểm đó hệ thống này vẫn chưa đi vào hoạt động. Trong cùng năm, TOS-2 đã được chuyển giao cho quân đội để thử nghiệm và đánh giá. Hệ thống này có thể được quân đội Nga áp dụng trong tương lai gần.
Ngoài ra, TOS-2 có ít đường dẫn phóng hơn (giảm còn 18 so với 24 của TOS-1A). Theo đánh giá của Rostec, điều này sẽ được bù đắp bằng sự gia tăng sức mạnh và tầm bắn của đạn pháo. Đồng thời, TOS-2 có thể sử dụng các loại đạn từ hệ thống TOS-1 “Buratino” và TOS-1A “Solntsepёk”, vì có cùng cỡ nòng 220 mm với đầu đạn nặng 45kg, tầm bắn tối đa khoảng 6 km và phạm vi tối thiểu là khoảng 400 m.
TOS-2 không thể sánh được với các hệ thống TOS-1 và TOS-1A trước đó về khả năng bảo vệ giáp. Các hệ thống trước đây dựa trên khung gầm xe tăng và có mức độ bảo vệ tương tự như xe tăng chiến đấu chủ lực. Tuy nhiên, TOS-2 cơ động hơn và có thể nhanh chóng tự triển khai trên các con đường với khoảng cách xa.
Không giống như những hệ thống tiền nhiệm trước đó, TOS-2 được trang bị thiết bị nâng riêng, động cơ diesel YaMZ-652, công suất 440 mã lực, có thể tự triển khai trên những quãng đường dài, nhờ đó nhu cầu về một phương tiện chuyên chở hỗ trợ là không cần thiết.
Các hệ thống TOS-1 và TOS-1A trước đây yêu cầu xe đầu kéo có sơ mi rơ moóc để di chuyển trên những khoảng cách đáng kể. TOS-2 được gắn cần cẩu thủy lực, được sử dụng để nạp đạn cho tên lửa. Hệ thống này có thể lấy và tải tên lửa từ mặt đất, hoặc từ xe tải tiếp tế hộ tống. Do đó không cần xe tải chuyên dụng. Điều này cũng làm giảm chi phí mua sắm và vận hành.
Bên cạnh đó, TOS-2 được trang bị thiết bị dẫn đường hiện đại, bao gồm máy đo xa laser, định vị vệ tinh, máy đo tốc độ và đo quán tính. Ngoài ra, hệ thống có thể khai hỏa từ các vị trí chiến đấu không chuẩn bị trước, và việc nhắm, bắn và điều khiển hỏa lực được tự động hóa. Phương tiện phóng có thể dừng và bắn vào mục tiêu có thể nhìn thấy trong vòng 90 giây kể từ khi di chuyển.
Xe có cabin mở rộng có sức chứa toàn bộ phi hành đoàn khoảng 5 người. Tất cả các quy trình hướng dẫn và khai hỏa đều được thực hiện từ bên trong xe tải mà không để cả phi hành đoàn phải hứng chịu hỏa lực của đối phương.
Nhà máy vũ khí Tula, thuộc công ty quân sự nhà nước Nga ROSTEC, đã công bố việc sản xuất tên lửa chống tăng 9M1133F-1 với đầu nổ nhiệt áp vào năm 2019. Tên lửa 9M133F-1 được bắn bởi hệ thống tên lửa chống tăng Kornet đặt trên khung gầm của xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M.
Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet do Cục Chế tạo Thiết bị Shipunov phát triển có thể tiêu diệt xe tăng và các mục tiêu bọc thép khác. Nga được cho là đã tiếp tục thử nghiệm phiên bản mới nhất của hệ thống tên lửa chống tăng tự hành có thể thả được Kornet-D1 vào cuối năm 2021 khi nước này đang xây dựng quân đội ở biên giới Ukraine.
Đăng nhận xét