Dân Việt phỏng vấn độc quyền người Việt còn bám trụ lại trong vùng chiến sự Kiev

Dân Việt phỏng vấn độc quyền người Việt còn sót lại trong vùng chiến sự Kiev - Ảnh 1.

Phóng viên: Xin chào anh! Tình hình ở Kiev hôm nay có ổn không?

-Anh Đỗ Hồng Quang: Chào bạn! Hôm nay 18/3, những giờ đầu tiên của ngày mới Kiev vừa có báo động xong. Từ khi bắt đầu có chiến tranh, thành phố Kiev luôn có còi báo động để người dân sơ tán, sau khi yên tĩnh trở lại thì thành phố tiếp tục báo yên để người dân quay trở lại sinh hoạt. Tiếng còi báo động rú lên như các nhà máy tan tầm, ngoài ra hệ thống báo động cũng được cài đặt trên điện thoại thông minh thông qua các app.

Mỗi ngày có khoảng từ 7-10 lần báo động, mỗi lần như vậy cách nhau tầm 2 đến 3 giờ tùy vào diễn biến chiến sự. Nhà tôi nằm ở phía cuối thành phố, vẫn nghe thấy tiếng nổ rất rõ, có những lần nổ còn cảm nhận được cánh cửa nhà mình rung lên.

Hôm đầu tiên thành phố Kiev bị tấn công, có một nhà ở phố ngay bên cạnh phố nhà tôi bị trúng tên lửa hành trình. Ngày hôm kia (16/3-PV), tòa nhà ngay gần chỗ nhà tôi đây cũng bị dính một đuôi tên lửa vào tầng 11. Chúng tôi thấy báo có 1 người chết và nhiều người bị thương, nhưng tôi không kiểm chứng được thông tin này.

Tôi sẽ chỉ cho bạn xem đây là hướng tấn công vào Kiev và tòa nhà trúng đuôi tên lửa hôm kia (vừa nói anh Quang vừa quay màn hình video chỉ cho phóng viên thấy).

Phóng viên: Vì sao anh không di tản?

-Anh Đỗ Hồng Quang: Rất nhiều người hỏi tôi câu này. Có nhiều nguyên nhân khiến tôi ở lại, nhưng hơn tất cả, vợ tôi là người Ukraine, các con tôi mang quốc tịch Ukraine. Tôi có hai cậu con trai, các cháu đều đang trong lứa tuổi cấm rời khỏi biên giới Ukraine đi di tản. Sau khi chiến sự xảy ra, chính phủ Ukraine ra sắc lệnh những người đàn ông trong độ tuổi từ 18-60 đều phải ở lại đất nước, không được ra khỏi biên giới để sẵn sàng cầm súng chiến đấu khi được lệnh triệu tập. Nữ giới trong độ tuổi này và trẻ em dưới 18 tuổi thì thoải mái rời đi nếu họ có nguyện vọng.

Các con tôi ở lại, có thể các con không đủ bình tĩnh để xử lý những tình huống bất ngờ, vợ chồng tôi không thấy yên tâm và chúng tôi quyết định ở lại.

Hơn nữa, vợ tôi không muốn di tản, mặc dù ở ngoại ô Kiev, cách chỗ chúng tôi đang sống chỉ 40km thôi gia đình tôi cũng có một khu nhà vườn ở đó. Chúng tôi có thể về trú ẩn ở dưới đấy vì vợ tôi vẫn còn người thân, họ hàng ở khu vực ấy, nhưng cô ấy không muốn đi, không muốn xa Kiev và các con.

Dân Việt phỏng vấn độc quyền người Việt còn sót lại trong vùng chiến sự Kiev - Ảnh 2.

Phóng viên: Ở Kiev hiện nay còn nhiều gia đình người Việt chọn ở lại bám trụ như anh chị không?

-Anh Đỗ Hồng Quang: Không nhiều. Người Việt ở Kiev tập trung đông nhất ở khu chợ, nhưng chỗ tôi sống cách khu ấy hơi xa. Ngoài tôi ra, còn một cậu em chơi thân nữa cũng chọn ở lại. Cậu ấy cũng có vợ là người Ukraine nhưng vợ và các con đã đi sơ tán. Ở Kiev, 95-97% đã đi di tản hết, theo kết nối của chúng tôi thì còn có tôi và cậu bạn ấy là còn ở lại, còn lại mọi người đã di tản hết ra khỏi Ukraine.

Phóng viên: Anh có sợ không?

-Anh Đỗ Hồng Quang: Nói không sợ thì không đúng, ai mà chả sợ chiến tranh, nhưng sợ quá thì không! Tôi đã trải qua chiến tranh đạn pháo rồi, đó là cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, nên tôi đã hiểu được cảm giác chiến tranh là gì.

Trong tình hình hiện nay, có khi chạy đi lại không an toàn, không ai biết được trên đường tháo chạy mình gặp phải những gì. Từ đây lên biên giới Ba Lan mất 400 km, bình thường chỉ đi mất 4 giờ thôi, nhưng những ngày qua, mọi người phải đi hết 2 ngày mới đến nơi, phải đi tắt đường rừng, dọc đường thường xuyên gặp phải các ụ phòng thủ. Như tòa nhà tôi đang sống đây có 26 tầng thì chỉ còn 6 nhà ở lại. Riêng tầng tôi ở chỉ còn mỗi gia đình tôi.

Hiện nay, người di tản chủ yếu tập trung sang Ba Lan. Theo thống kê có khoảng 3 triệu người từ Ukraine đã sang Ba Lan, khiến các trại tị nạn đang quá tải. Nhiều người Việt sang rồi gọi về cho tôi kể đã 2 tuần đến nơi nhưng họ vẫn chưa được vào trại tị nạn, phải ở những lán trại tạm thời mà chính quyền sở tại trước đây lập nên cho các hoạt động Covid. Người trong những khu trại này rất đông, điều kiện sống khó khăn, nhất là các vấn đề về vệ sinh.

Đi di tản thì an toàn cho tính mạng, nhưng cũng chưa biết trước mắt sẽ thế nào, con cái sẽ học hành ra sao. Được cái, ngôn ngữ Ba Lan và Ukraine khá tương đồng nên nếu các cháu đang ở độ tuổi đi học sẽ có cơ hội hòa nhập tốt hơn.

Phóng viên: Ở lại Kiev, gia đình anh sinh hoạt như thế nào trong thời chiến?

-Anh Đỗ Hồng Quang: Chúng tôi vẫn sinh hoạt bình thường, duy chỉ có tất cả đều không ai làm việc nữa. May mắn thay đến giờ này các dịch vụ điện, nước đang ổn định. Giờ giới nghiêm hàng ngày là từ 20 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Trước 20 giờ đêm, mọi người xuống hầm trú ẩn, trong thời gian này thang máy tòa nhà sẽ khóa lại. Có người thì ngủ luôn dưới đấy qua đêm, sáng ra bình yên lại quay lên nhà. Tôi không ngủ đêm ở hầm trú ẩn, tôi vẫn sinh hoạt trong nhà bình thường, nhưng khi có báo động, tôi sẽ xuống hầm trú ẩn và lúc đó thì phải chạy thang bộ.

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi gián đoạn trong giây lát. Anh Quang quay sang bên cạnh và nói với tôi rằng, chị Valentina - vợ anh muốn gửi lời chào phóng viên Việt Nam. Chị Valentina, còn được gọi với tên thân mật là Valia, xuất hiện với nụ cười rất tươi, chị chào tôi bằng tiếng Ukraine.

Trước khi chiến tranh xảy ra, chị Valia là một huấn luyện viên yoga có thâm niên 20 năm nay. Chị có trang Facebook Kiev_yoga được nhiều người theo dõi. Vì khác biệt ngôn ngữ nên chúng tôi không trao đổi được gì nhiều.

Anh Quang diễn giải tâm trạng của vợ: "Em thấy đấy, cô ấy rất bình tĩnh, vui vẻ và không sợ hãi. Trước cô ấy rất thích được đi du lịch, nói đến sang Ba Lan thì thích lắm, nhưng giờ anh bảo sang Ba Lan nhé thì nhất quyết không chịu đi, cô ấy ở lại vì các con. Chúng tôi ở lại vì các con!"

Chị Valia cười đồng tình với câu nói của chồng. Sau đó chị chào tạm biệt tôi để cuộc phỏng vấn được tiếp tục.

Phóng viên: Thế còn lương thực, thực phẩm, anh chị mua bằng cách nào?

-Anh Đỗ Hồng Quang: Chính quyền thành phố thông báo lượng lương thực, thực phẩm dự trữ đủ cho khoảng 2 tuần nữa. Cũng may người dân thành phố đã di tản gần hết rồi chứ nếu tất cả ở lại thì lượng dự trữ này chỉ đủ cho 2-3 ngày. Ở Ukraine, chuỗi cung ứng thực phẩm cũng giống như bên Việt Nam mình, có các nhà cung ứng lớn, vừa và nhỏ. Hiện nay các nhà cung cấp vừa và nhỏ đã không còn lương thực, thực phẩm để bán, chỉ còn các nhà cung ứng lớn và các hộ nuôi trồng nhỏ lẻ cung cấp từ ngoại ô vào.

Các mặt hàng gia dụng, rau củ  thì vẫn còn nhiều, nhưng các mặt hàng thiết yếu như thịt, gạo và mì sợi, bánh mì thì không còn nhiều. Tình hình cũng khá căng thẳng. Tí nữa tôi sẽ lái xe ra ngoài đến chỗ mua đồ ăn để quay cho bạn xem cảnh người dân xếp hàng mua bánh mì nhé.

Còn gia đình tôi, trước khi chiến tranh xảy ra cũng đã dự báo được tình hình khó khăn nên chúng tôi đã kịp tích trữ được một ít thực phẩm để dùng dần. Bây giờ chủ yếu là ăn đồ đông lạnh thôi. Ngoài ra, những bạn bè người Việt của chúng tôi đã đi di tản hết cũng gửi lại chìa khóa nhà cho chúng tôi để thi thoảng ghé qua nhà  tưới cây, trông coi, đề phòng trộm cắp. Gia đình những người bạn đó trước khi đi vẫn còn lương thực đồ khô để trong nhà, chúng tôi cũng có thêm những đồ đó để dùng.

Phóng viên: Nhắc đến nạn trộm cướp ở Kiev, tôi chợt nhớ ra đã đọc đâu đó trên mạng xã hội nói rằng khi chiến sự xảy ra ác liệt ở Ukraine, nạn trộm cướp đồng thời cũng xảy ra càng khiến người dân bất an hơn, anh có thấy điều đó xuất hiện ở Kiev không?

-Anh Đỗ Hồng Quang:Không có đâu, cuộc sống ở đây vẫn rất trật tự. Ngoài giờ giới nghiêm, còn lại chúng tôi vẫn đi ra đường, lái xe đến chỗ những nhà hàng, căn hộ của người thân để lại để kiểm tra, chăm sóc, mọi thứ đều ổn, không có nạn đập phá, trộm cướp.

Dân Việt phỏng vấn độc quyền người Việt còn sót lại trong vùng chiến sự Kiev - Ảnh 4.

Phóng viên:  Như vậy là có thông tin không chính xác đang lan tràn trên mạng, thậm chí bây giờ còn có cả hình ảnh, video được dựng lên để minh họa cho các thông tin đó. Chắc hẳn mỗi ngày anh đều theo dõi sát những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông Ukraine, anh có tin vào những gì họ cung cấp?

- Anh Đỗ Hồng Quang: Tôi không hoàn toàn tin hết. Như bạn biết đấy, đây là một cuộc chiến toàn diện, bên cạnh cuộc chiến súng đạn thì còn có chiến tranh thông tin, lượng thông tin không chính thống truyền tải trên mạng rất nhiều. Tôi nói ví dụ, không cứ là trên mạng xã hội đâu, hôm rồi tôi còn đọc được một bài báo bằng tiếng Việt nói rằng hiện nay các cây cầu ở Kiev đã bị quân Nga đánh sập, hoặc bị Ukraine đánh sập để ngăn bước tiến của quân Nga. Đây là thông tin không đúng.

Làm gì có cây cầu nào ở Kiev bị đánh sập?! Chỉ có các tuyến đường dẫn đến các cây cầu họ lập nên các ụ chắn để ngăn và giảm lưu lượng lưu thông qua đây. Như đường vào cây cầu lớn nhất Kiev là Klitchko Pedestrian thì có rất nhiều vật cản như một trong những tuyến phòng thủ của thủ đô. Kiev được xây dựng trên bờ sông Dnepr, nếu các cây cầu bị đánh sập thì cắt đứt hoàn toàn liên lạc với nhau. Có những thông tin rất sai lệch như vậy. Kể cả các thông tin đài truyền hình Ukraine đưa ra về sự thảm bại của quân Nga tôi cũng không hoàn toàn tin. Tôi chỉ hoàn toàn tin vào những thông tin và hình ảnh mà ở những nơi có người Việt bạn bè tôi quay được, chụp được gửi cho tôi thôi. Ở những nơi như Mariupol, bạn bè tôi quay được thì có đến khoảng 80% cơ sở hạ tầng đã bị tan hoang, rất đau lòng. 

Phóng viên: Khó ai nói được chính xác rằng chiến sự Ukraine khi nào thì kết thúc, nhưng dự cảm của riêng anh thì sao khi anh đang là một trong những người cảm nhận được chân thật nhất không khí của chiến tranh nơi đây?

- Anh Đỗ Hồng Quang: Thật sự là rất khó để nói điều này, không ai biết chắc chắn khi nào chiến sự Nga-Ukraine sẽ kết thúc. Nhưng theo quan sát của cá nhân tôi, với lượng khí tài và binh sĩ Nga như hiện nay thì khó mà rút khỏi Ukraine ngay được. Hiện nay hai bên chưa đạt được những thỏa thuận với nhau về đình chiến. Thời gian kéo dài cuộc chiến phụ thuộc vào ý chí của hai ông tổng thống Putin và Zelensky, họ có nhượng bộ hay không.  Như tôi biết thì cả Nga và Ukraine đến thời điểm này chưa có tiếng nói chung, để đạt được điều đó hai bên đều phải điều chỉnh các yêu cầu của mình ở mức không bên nào cảm thấy mình thua cuộc.

Nhưng, trong cuộc chiến này nói cho cùng không có ai chiến thắng, người thua cuộc vẫn là người dân. Kể cả khi đình chiến, thì công cuộc tái thiết thành phố vẫn đổ lên đầu người dân, vẫn là tiền đóng thuế của nhân dân.

Phóng viên:  Quan điểm của vợ và các con anh về cuộc chiến này như thế nào?

-Anh Đỗ Hồng Quang: Tôi có 2 cậu con trai, cậu cả 25 tuổi, cậu út 21 tuổi. Chỉ riêng trong nhà tôi thôi quan điểm về cuộc chiến này cũng có nhiều khác biệt. Con trai út của tôi thì trung lập, con trai cả của tôi theo chủ nghĩa dân tộc. Con trai cả Misha của tôi cũng tham gia vào việc khuân vác dựng chướng ngại vật để xây dựng tuyến phòng thủ của thành phố. Vợ tôi - cô ấy có chính kiến của riêng mình. Cô ấy nói không có ai đúng hay sai hoàn toàn trong cuộc chiến này. Vợ tôi không muốn đất nước theo phương Tây.

Phóng viên: Anh ước điều gì lúc này?

- Anh Đỗ Hồng Quang: Mong muốn lớn lao cháy bỏng nhất của tôi và gia đình tôi lúc này là chấm dứt chiến tranh, không còn thương vong để người dân trở lại cuộc sống bình yên như trước.

Khu chợ của người Việt ở Kiev chưa bị bắn phá, nhưng ở Kharkov, khu chợ người Việt mà trước đây do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập nên thì hiện nay đã bị bắn phá, hàng hóa của bà con ta bị phá hủy. Nếu mọi người quay trở lại thì cuộc sống cũng sẽ rất khó khăn, có nhiều người Việt là chủ hàng, nay vốn liếng mất hết, họ ra đi di tản với chiếc túi nhỏ trên tay. Ngày quay trở lại không biết nhà cửa, hàng hóa còn không hay là cháy trụi hết. Rất đau lòng!

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn anh Đỗ Hồng Quang đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này. Báo điện tử Dân Việt rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng người Việt mình trong những ngày qua. Cầu chúc gia đình anh và bà con người Việt mình được bình an, mạnh khỏe! Cầu mong hòa bình sớm trở lại với đất nước và người dân Ukraine!

Dân Việt phỏng vấn độc quyền người Việt còn bám trụ lại trong vùng chiến sự Kiev - Ảnh 6.

 

Adblock test (Why?)