Các nguồn tin cho biết, ý tưởng này đã được các quan chức Mỹ đưa ra với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, đây không phải là một yêu cầu chính thức.
Thổ Nhĩ Kỳ đã mua các hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga vào năm 2019. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng giữa Ankara và Washington.
Vào tháng 12/2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) trong đó có điều khoản áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua S-400 của Nga khiến Ankara "nổi đóa".
Washington phản đối mạnh mẽ việc sử dụng các hệ thống vũ khí của Nga trong NATO và nói rằng nó gây ra mối đe dọa đối với F-35.
Tuy nhiên, Ankara cho rằng S-400 có thể được sử dụng độc lập mà không cần tích hợp vào các hệ thống của NATO và do đó không gây rủi ro.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã duy trì một đường lối nhất quán với chính quyền tiền nhiệm. Lập trường của họ là, Mỹ chỉ giảm bớt các lệnh trừng phạt khi Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ S-400 khỏi nước họ.
Washington được cho là đã yêu cầu các đồng minh đang sử dụng các thiết bị, hệ thống vũ khí do Nga sản xuất - bao gồm cả S-300 và S-400 - xem xét chuyển giao chúng cho Ukraine khi nước này đang cố gắng đẩy lùi các lực lượng Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - có chung đường biên giới trên biển với cả Ukraine và Nga đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả 2 Moscow và Kiev. Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo Reuters, các nhà phân tích chắc chắn rằng ý tưởng của Washington đã bị Ankara từ chối. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã không bình luận về bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc chuyển giao các hệ thống S-400 của Ankara cho Ukraine.
Đăng nhận xét