"Liên minh châu Âu vừa phê duyệt La bàn chiến lược", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs thông báo sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao châu Âu tại Brussels. Ông nói kế hoạch này cung cấp "một công cụ cần thiết để EU trở thành một tổ chức quốc phòng và an ninh địa chính trị thực sự cùng với NATO" và đây chỉ là "bước khởi đầu" cho tương lai quân sự của khối.
Bản thân kế hoạch này đã có từ năm 2020, được đề xuất bởi Hội đồng Châu Âu. Tuy nhiên khi đó, kế hoạch không được sự đồng ý quốc gia Đông Âu, những nước này ưu tiên dựa vào NATO và Mỹ đối với các nhu cầu quốc phòng.
Mặc dù vậy, xung đột ở Ukraine góp phần không nhỏ khiến kế hoạch được thông qua. "La bàn chiến lược" nhằm mục đích cải thiện hợp tác giữa các quân đội châu Âu hiện tại, thúc đẩy quan hệ với NATO, củng cố khả năng phòng thủ mạng và tạo điều kiện đầu tư chung vào nghiên cứu và phát triển.
Kế hoạch cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập "lực lượng phản ứng nhanh" 5.000 quân của EU, đánh dấu bước đầu tiên mà khối này thực hiện nhằm tạo ra một quân đội chung. Bước tiến quân sự hóa này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt bởi nó diễn ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ cung cấp số vũ khí và đạn dược trị giá 497 triệu USD cho Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã là người đề xuất thành lập một quân đội EU và giảm bớt sự phụ thuộc của khối vào NATO. Trước đó vào đầu tháng 3/2022, ông tiếp tục nhấn mạnh một lực lượng chiến đấu của EU độc lập với NATO là cần thiết, đồng thời tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã "thay đổi kỷ nguyên" của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, một số nước Đông Âu vẫn hài lòng với việc dựa vào NATO trong lĩnh vực quốc phòng, Phó Thủ tướng Ba Lan Piotr Glinski nói với The Telegraph hôm 19/3 rằng EU chưa sẵn sàng cho xung đột và nhận xét của ông Macron có nguy cơ "gây bất ổn cho châu Âu".
Đăng nhận xét