Tại cuộc họp mới đây giữa các Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, Fatih Birol, cho biết các sự kiện ở Ukraine có thể sớm dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Ông nói: "Nga nắm giữ vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng toàn cầu, chính vì thế có thể nói cuộc khủng hoảng nhân đạo này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng", đồng thời ông lưu ý rằng điều quan trọng là phải xác định những biện pháp mà cộng đồng toàn cầu có thể thực hiện để tránh điều này.
"Tình hình hiện tại khẳng định sự cần thiết của việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc tế", ông Birol nhấn mạnh.
Tuần trước, cơ quan giám sát năng lượng toàn cầu thông báo họ đã phát triển một kế hoạch 10 bước nhằm giảm nhu cầu dầu toàn cầu khoảng 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng. Tổ chức đề xuất giảm tốc độ giới hạn trên đường cao tốc đi 10km/giờ, cấm sử dụng ô tô vào Chủ nhật, giảm giá các phương tiện giao thông công cộng, kích thích nhu cầu đi chung xe, tăng thời gian làm việc tại nhà lên ba ngày một tuần và thúc đẩy sử dụng tàu cao tốc và tàu đêm thay vì các chuyến bay, cũng như sử dụng rộng rãi hơn các phương tiện di chuyển chạy điện.
IEA cho biết trong một thông cáo báo chí: "Điều này sẽ làm giảm đáng kể những thách thức có thể gặp phải vào thời điểm chúng ta thiếu hụt một lượng lớn nguồn cung cấp dầu của Nga và nhu cầu cao điểm của tháng 7 và tháng 8 đang đến gần". Theo tổ chức này, những hành động thiết thực của các chính phủ và người dân có thể làm giảm đáng kể nhu cầu về dầu và giảm chi tiêu của người tiêu dùng đối với nhiên liệu ô tô.
Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung dầu từ Nga đang gặp trở ngại do các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này vì hoạt động quân sự ở Ukraine. Nga là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới và là nước sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới.
Mỹ và Anh hồi đầu tháng cho biết họ sẽ ngừng mua dầu của Nga, trong khi EU vẫn còn do dự về vấn đề này. IEA ước tính trong báo cáo tháng 3 rằng Nga có thể mất khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu do các lệnh trừng phạt kinh tế.
Trong khi đó, các chính sách trừng phạt Nga đã phản tác dụng đối với một số quốc gia. Lạm phát ở cả Mỹ và EU đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, trong đó chi phí năng lượng đóng góp nhiều nhất.
Đăng nhận xét