2 máy bay đâm nhau trên đường băng dẫn tới thảm kịch ở đảo Tenerife, Tây Ban Nha. Ảnh minh họa: Aerotime
Theo Daily Star, 583 người đã thiệt mạng khi 2 chiếc Boeing 747 Jumbo Jets đâm vào nhau trên đường băng tại sân bay Los Rodeos ở đảo Tenerife, Tây Ban Nha vào ngày 27/3/1977.
Thảm kịch được châm ngòi khi một quả bom phát nổ tại nhà ga của sân bay Gran Canaria của Tây Ban Nha.
8 người bị thương trực tiếp do quả bom và lo ngại về một vụ nổ thứ 2 đã khiến toàn bộ chuyến bay tới sân bay Gran Canaria buộc phải chuyển hướng sang sân bay Los Rodeos.
Trong số các chuyến bay chuyển hướng, có chuyến bay KLM 4805 của hãng hàng không Hà Lan KLM (từ Amsterdam, Hà Lan) và chuyến bay Pan Am 1736 (từ Los Angeles, Mỹ).
Sân bay Los Rodeos khi đó không đủ sức đáp ứng lượng lớn máy bay đột ngột dồn tới (5 chiếc). Điều này dẫn đến việc các máy bay phải dồn vào đường băng của sân bay.
Ngoài ra, sương mù dày đặc xuất hiện ở sân bay Los Rodeos, làm giảm tầm nhìn nghiêm trọng, khiến bộ phận kiểm soát không lưu và phi công gặp khó khăn.
Ban đầu, cả KLM 4805 và Pan Am 1736 không được lên lịch trình để hạ cánh xuống đảo Tenerife mà thay vào đó là đáp xuống thành phố Las Palmas ở hòn đảo lân cận Gran Canaria.
Cơ trưởng của KLM 4805 là Jacob van Zanten, một trong những phi công chính giàu kinh nghiệm nhất của KLM. Nhưng vào ngày 27/3/1977, cơ trưởng này đã mắc một sai lầm khiến các chuyên gia hàng không ngày nay vẫn phải bối rối.
Do trục trặc khi liên lạc với tháp điều khiển ở sân bay, Zanten bắt đầu cho máy bay cất cánh dù chiếc Pan Am 1736 vẫn đang đỗ trên cùng đường băng.
Tệ hơn, sự tác động lẫn nhau giữa sóng phát thanh của 2 chiếc máy bay khiến các hướng dẫn quan trọng bị bỏ lỡ.
Dù kỹ sư của máy bay KLM 4805 tỏ ra phân vân về những hướng dẫn mà cơ trưởng Zanten cho rằng nghe được từ tháp chỉ huy, chiếc máy bay dài hơn 70 mét vẫn được điều khiển bắt đầu quá trình cất cánh. Toàn bộ 248 người trên máy bay không thể ngờ đó là những giờ phút cuối cùng của họ.
Hộp đen trong buồng lái của chiếc Pan Am 1736 lưu lại được bằng chứng cho thấy các phi công trên máy bay này nhìn thấy chiếc máy bay KLM 4805 lấp ló trong màn sương mù.
Cơ trưởng Victor Grubbs của chiếc Pan Am 1736 hét lớn khi phát hiện chiếc máy bay KLM đang tăng tốc trên đường băng để cất cánh: "Nó kia rồi! Khỉ thật, nó đang lao về phía chúng ta"
Dù ông Grubbs đã cố hết sức để đưa máy bay rời khỏi đường băng nhưng không kịp. Chiếc KLM 4805 đã đâm vào phần trên của chiếc Pan Am 1736 với vận tốc gần 260 km/h.
Phần giữa của chiếc máy bay tới từ Mỹ bị xé toạc bởi gầm và động cơ bên trái của chiếc máy bay Hà Lan.
Joan Jackson, tiếp viên hàng không sống sót trong thảm kịch, chia sẻ với PBS: "Khi đó, tôi đã nghĩ: 'Trời ơi, chúng ta đã bị mắc kẹt. Tôi cảm thấy rất áy náy khi không thể làm gì khác để đảm bảo an toàn cho các hành khách'".
Chiếc KLM bay được lên không trung nhưng rơi xuống sau đó ít phút vì 2 động cơ không hoạt động. Nó trượt dài trên đường băng trước khi phát nổ với cầu lửa lớn.
Ảnh: Youtube/Aerotime
Robert Bragg, cơ phó trên chiếc Pan Am, cho biết: "Sau khiđâm vào chúng tôi, chiếc KLM trượt dài trên đường băng và ở gần tháp điều khiển hơn nên xe cứu hỏa và cứu thương đã tới đó trước".
Thực tế, trong thời gian gấp gáp cộng với làn sương mù dày đặc, các đội cứu hộ thậm chí còn không biết rằng có 2 máy bay đã va chạm với nhau và ban đầu chỉ tập trung vào chiếc KLM.
Một số hành khách của máy bay Pan Am sống sót nhờ tự di chuyển khỏi máy bay. "Cơ trưởng nhảy xuống khoang hạng nhất của máy bay và khi rơi xuống sàn của khoang này, ông ấy lại bị rơi xuống khoang chứa hàng. Một lúc lâu nhưng không có ai tới hỗ trợ chúng tôi. Khi đó, tôi từng nghĩ: 'Tại sao không có ai ra cứu chúng tôi?'", cơ phó Bragg chia sẻ.
Khoảng 20 phút trước khi đội cứu hộ tới, 61 người trên chiếc máy bay của Mỹ đã chạy thoát ra khỏi máy bay.
Xác máy bay cháy rụi sau vụ va chạm. Ảnh: ANP
Toàn bộ 248 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay của Hà Lan đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Các nhà điều tra thảm kịch này cho rằng có nhiều yếu tố góp phần dẫn đến tai nạn thảm khốc như bom nổ, sương mù, quá nhiều máy bay trên đường băng, thiếu radar mặt đất giúp kiểm soát viên mặt đất biết được vị trí của máy bay trong điều kiện thời tiết xấu.
Nhưng nguyên nhân chính là do sai lầm từ cơ trưởng Zanten của chiếc KLM. Hãng hàng không của Hà Lan khi đó phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân từ 58.000 - 600.000 USD, tương đương với 245.000 - 2,5 triệu USD (5,6 - 57,7 tỷ đồng) ở thời điểm hiện tại.
Chính phủ Tây Ban Nha đã lắp đặt hệ thống radar mặt đất tại sân bay Tenerife North ngay sau vụ việc, đồng thời, các quy định mới về việc sử dụng ngôn ngữ chính xác trong buồng lái máy bay đã được đưa ra để ngăn thảm kịch lặp lại.
Đăng nhận xét