Xác ướp “Công chúa Ba Tư” gây chấn động
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2000 ở Pakistan khi cảnh sát phát hiện ra một người đàn ông ở Karachi - thành phố lớn nhất của Pakistan - đang cố gắng bán một xác ướp cổ đại còn nằm trong quan tài trên thị trường chợ đen với số tiền lên tới... 11 triệu USD.
Sau khi bị theo dõi, bắt giữ và thẩm vấn, người đàn ông này khai nhận với cảnh sát rằng, anh ta có được xác ướp này từ một đồng phạm người Iran - kẻ tuyên bố đã phát hiện ra xác ướp cổ đại trên nhờ... một trận động đất.
Các chuyên gia kiểm tra quan tài và xác ướp.
Cả hai gã đàn ông lập tức bắt tay rao bán bán xác ướp với giá "trên trời" và thỏa thuận sẽ chia lợi nhuận 50-50.
Cảnh sát Pakistan ép gã con buôn xác ướp tiết lộ nơi tìm thấy xác ướp và cuối cùng được dẫn đến một địa điểm gần biên giới Iran-Afghanistan. Xác ướp sau đó được đưa đến Bảo tàng Quốc gia Pakistan ở Karachi để kiểm tra và truy tìm danh tính.
Người Pakistan vốn không có phong tục ướp xác. Chuyện bất ngờ phát hiện một xác ướp ở nước này đã làm chấn động giới khảo cổ học. Xác ướp cuối cùng được tuyên bố là được ướp từ 2.600 năm trước và là di thể của Công chúa Rhodugune - con gái quốc vương Ba Tư Xerxes Đệ Nhất (591 - 465 TCN).
Các nhân viên giám định của Bảo tàng cho biết, xác ướp được ướp theo phong cách của Ai Cập cổ và đeo mặt nạ, đội vương miện vàng đồng thời mặc một tấm áo ngực có dòng chữ “Tôi là con gái của Vua Xerxes vĩ đại. Tôi là Rhodugune, chính là vậy”. Cỗ quan tài bằng gỗ cũng được trang trí bằng những thứ có vẻ là chữ khắc hình nêm từ thời Ba Tư cổ đại.
Phát hiện về xác ướp Công chúa Ba Tư thậm chí thời điểm đó còn làm dấy lên tranh chấp ngoại giao giữa Iran và Pakistan khi cả hai nước đều đổi quyền sở hữu nàng "Công chúa cổ đại".
Chính phủ Iran đột ngột đòi Pakistan phải trao trả xác ướp này. Họ lập luận Vương triều Ba Tư là một phần trong lịch sử lập quốc của Iran, nên xác ướp Công chúa Ba Tư cũng tất yếu thuộc về Iran.
Đương nhiên, Pakistan từ chối ngay. Iran không buông tay, thảo đơn kiện Pakistan lên UNESCO để đòi xác ướp Công chúa Ba Tư.
Để tránh căng thẳng ngoại giao vượt tầm kiểm soát, Pakistan lựa chọn lùi một bước. Họ cho phép các nhà khoa học và khảo cổ Iran nhập cảnh, tiếp cận xác ướp Công chúa Ba Tư và hợp tác cùng nghiên cứu.
Truy tìm những kẻ tra tấn, giết người tàn bạo
Trong khi các chính trị gia Pakistan và Iran tranh giành quyết liệt quyền sở hữu xác ướp Công chúa Ba tư, thì các nhà khảo cổ pháp y ra sức phân tích cấu trúc hóa học của xác ướp, còn các chuyên gia văn học dịch nghĩa chữ hình nêm.
Vài tuần sau, nhiều điểm bất thường được phát hiện, báo động các nhà nghiên cứu. Họ đã phát hiện ra rất nhiều dấu vết đáng ngờ, bao gồm vết bút chì, thứ mãi đến cuối thế kỷ 18 mới lần đầu tiên xuất hiện ở châu Âu (mỏ than chì tinh khiết nhất cũng chỉ xuất hiện từ thế kỷ 16, và chắc chắn không thể được sử dụng ở Trung Đông thời điểm đó).
Xác ướp “Công chúa Ba Tư” rốt cuộc lại là giả.
Phân tích mảnh gỗ tách ra từ chiếc quan tài cũng cho thấy, nó chỉ có niên đại khoảng 250 năm (cách thời điểm Công chúa Rhodugune quan đời tận 2.350 năm). Theo đó, xác ướp “Công chúa Ba Tư” bị nghi là đồ giả.
Tuy nhiên, nhóm các nhà khảo Iran vẫn ôm hy vọng, dù chiếc quan tài là giả thì xác ướp Công chúa Ba Tư bên trong sẽ là thật. Họ gỡ lớp băng quấn thi thể, khám nghiệm kỹ lưỡng và kinh ngạc phát hiện xác ướp thực ra là thi thể của một phụ nữ trẻ bị giết hại rồi bị biến thành xác ướp năm 1996.
Kết quả chụp CT, thử nghiệm hóa học và xác định niên đại Carbon14, tất cả đều chỉ ra thực tế xác ướp nói trên không phải là Công chúa Ba Tư, mà là một trò lừa đảo thời hiện đại.
Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ ảnh chụp CT để giúp cảnh sát xây dựng hồ sơ của nạn nhân. Theo đó, cô cao khoảng 1,4m và khoảng 16 tuổi khi bị giết chết với phần xương hộp so và cột sống đã bị đánh vỡ vào năm 1996. Nội tạng của nạn nhân đã bị cắt bỏ toàn bộ trước khi khoang bụng của cô gái bị nhét đầy thứ mà cảnh sát mô tả là '"chất bột lạ".
Giả thiết là những kẻ tội phạm có khả năng đã giết nạn nhân rồi giả làm xác ướp cổ đại, rao bán để lừa tiền. Chúng mổ lấy nội tạng của nạn nhân và ủ thi thể cô bằng hóa chất để làm khô xác trong nhiều tháng. Tiến sĩ khảo cổ học Asma Ibrahim tin rằng, quá trình làm giả xác ướp cổ đại phải có sự tham gia của các học giả có kiến thức giải phẫu để xác ướp trông đủ hoàn hảo, giống y như thật.
Một giả thiết khác là nạn nhân cũng có thể đã bị giết và phi tang trước đó; sau đó mới bị kẻ khác đào lên, biến thành xác ướp.
Tuy nhiên, chân tướng cuối cùng của vụ việc cho đến nay vẫn chưa được làm rõ và những kẻ đã giết hại cô gái trẻ vẫn chưa bị bắt. Còn “xác ướp” thì đã được tổ chức từ thiện Edhi Foundation có trụ sở tại Pakistan, chuyên cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội khẩn cấp tiếp quản và chôn cất lại vào năm 2008.
Đăng nhận xét