Trắng tay sau lũ lịch sử, nông dân Quảng Bình nói cần những thứ này nhất

Ngày 24/10, sau 8 ngày đỉnh điểm lũ tại Quảng Bình, PV Dân Việt đã tiếp cận vào vùng rỗn lũ Quảng Bình. Đường vào nhiều thôn, xã của huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh thuộc tỉnh này vẫn khó tiếp cận.

Clip Nông dân Quảng Bình "trắng tay" sau lũ lịch sử

Nằm ở đúng tâm lũ vừa qua, anh Lê Văn Can (SN 1975, thôn Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) khi gặp PV Dân Việt xót xa kể: "Ướt hết rồi, mất hết rồi, nhà tôi vụ này thu hoạch được 2 tấn thóc, định bán đi một nửa để chi trả phân bón, công sá; nửa còn lại để dành ăn cho đến năm sau. Giờ ướt hết sạch rồi, không biết tới đây gia đình tôi sẽ sống bằng gì đây?".

Anh Căn kể, bố mẹ anh bị tật khó đi lại. Lũ về quá nhanh, trong chớp mắt đã tới bụng rồi ngập tới cổ, nên anh chỉ kịp bế bố mẹ tôi chạy thoát còn đâu bỏ lại hết toàn bộ tài sản, bao gồm cả 2 tấn thóc vừa mới thu hoạch.

"Mong ước lớn nhất của gia đình tôi bây giờ là có lúa giống để vào vụ mới và lợn giống để sinh kế cho thời gian tới" - ông Can ao ước.

Cách nhà anh Căn không xa, bà Lê Thị Vinh Tân (xã Võ Ninh, Quảng Ninh) cũng bị mất hết cả thóc, gạo và lợn. Bà buồn bã cho biết: "Lũ khủng khiếp khiếp quá, cả xã ngập chìm trong biển nước. Nhà tôi hơn 1 tấn lúa, hơn 3 tạ gạo bị ngập nước ẩm mốc, nảy mầm, 6 con lợn bị chết sắp xuất chuồng. Hôm nay nước rút dần, trời hửng nắng, tôi tranh thủ đưa lúa, gạo ra phơi để làm thức ăn cho gà, vịt sau này".

Trắng tay sau lũ lịch sử, nông dân Quảng Bình cần gì nhất? - Ảnh 3.

Thóc của nông dân Lê Văn Can (sinh năm 1975, Quảng Bình) mọc mầm sau lũ.

Trên đường vào thôn Tả Phan, xã Duy Ninh, chúng tôi bắt gặp một cụ già tầm hơn 80 tuổi đang loay hoay một mình trong bờ rào với khấc nước còn in dấu bùn trên mái ngói.

Cụ tên là Hoàng Thị Toan (85 tuổi, trú tại thôn Tả Phan), cụ nói 2 ngày nước ngập, cụ chỉ biết bám vào nóc nhà chờ người tới cứu. "Mệ (mẹ) sống một mình. Ba ngày mệ (mẹ) phải nhịn đói rồi" - cụ Toan khóc, nói.

Trắng tay sau lũ lịch sử, nông dân Quảng Bình cần gì nhất? - Ảnh 4.

Bà Hoàng Thị Toan (85 tuổi, trú tại thôn Tả Phan) bên căn nhà cấp 4 tan hoang sau lũ.

Chị Lê Thị Hoài (thôn Tả Phan, xã Duy Ninh) bế theo đứa con mếu máo: "Nhà có mỗi cửa hàng tạp hóa bán loanh quanh cho người dân trong thôn đã trôi sạch. Thóc ước 1 tấn chắc phải bỏ đi vì nước ngập chưa phơi được. Gà vịt chết gần hết. Nghe nói ngoài đường cái (đường lớn) có đoàn từ thiện mang cơm qua, ra xin hộp cơm mà hết rồi. Trưa nay hai mẹ con nhịn vậy".

Trắng tay sau lũ lịch sử, nông dân Quảng Bình cần gì nhất? - Ảnh 2.

Ông Cao Đình Nghị ướt sạch 50 tấn thóc dù đã mang lên cao.

Thiệt hại lớn nhất trong đợt này phải kể đến trường hợp của ông Cao Xuân Nghị (thôn Tả Phan, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) dù đã kê lên rất cao, cao hơn mức bình quân của nhiều năm có lũ, tới giờ, cả 50 tấn lúa ướt sạch hết, khả năng khôi phục lại là rất thấp.

"3 giờ sáng ngày 18/10, nước lũ dâng lên quá đầu người, cả gia đình chỉ kịp chạy bảo toàn mạng sống, 50 tấn lúa ngập trong nước, mất trắng. 10 tấn phân bón cũng hỏng sạch. Gia đình tôi giờ kiệt quệ, trắng tay" - ông Nghị mếu máo. 

Ông Nghị cho biết, giờ ông chỉ mong được cấp hỗ trợ cho con giống như lợn, gà, cá để đem số thóc bị ướt phơi khô tận dụng cho chăn nuôi được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Song toàn bộ con giống trong vùng đã chết, trôi sạch nên chỉ còn biết mong được sự cứu trợ từ bên ngoài.

Chia sẻ với PV Dân Việt, nhiều nông dân vùng lũ Lệ Thủy và Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) mong mỏi nhất là con giống, cây giống, cá tôm giống, lợn bò gà bê giống... để tạo sinh kế lâu dài sau lũ...

Let's block ads! (Why?)