Miền Trung còn bao nhiêu điểm nguy cơ sạt lở nguy hiểm và khó lường như Trà Leng, Nam Trà My?

Cảnh báo: Hàng nghìn điểm nguy cơ sạt lở ở miền Trung 

Theo TS Trịnh Xuân Hòa, từ năm 2012, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã thực hiện Đề án: "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam". Đến nay, Đề án đã hoàn thành được 25/37 tỉnh bộ bản đồ hiện trạng và 15/37 tỉnh bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam.

Trong quá trình điều tra, khảo sát, theo TS Trịnh Xuân Hòa, khu vực miền Trung là khu vực xảy ra trượt lở đất đá, xói lở bờ sông, bờ biển phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng. 

Miền Trung còn bao nhiêu điểm nguy cơ sạt lở nguy hiểm và khó lường như Trà Leng, Nam Trà My? - Ảnh 1.

Thượng nguồn khe sạt lở ở xã Trà Leng, Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai.

Trong đó, tỉnh Quảng Nam, nơi đang xảy ra nhiều vụ sạt lở núi, sạt lở đất khiến nhiều người bị thương, tử vong và mất tích như ở Nam Trà My, Phước Sơn,... là địa phương có nhiều vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá nhất.

Theo điều tra hiện trạng trượt lở đất đá năm 2019 của Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn được đánh giá có nguy cơ rất cao về trượt lở đất đá; tiếp đến là các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang có nguy cơ cao.

Theo điều tra, tỉnh Quảng Nam ghi nhận được 723 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá giải đoán từ ảnh viễn thám và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số và 1.286 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá được xác định từ khảo sát thực địa. 

Trong số 1.286  vị trí trượt lở đất đá đã được xác định, có 353 vị trí có quy mô nhỏ,  531 vị trí có quy mô trung bình, 389 vị trí có quy mô lớn, 12 vị trí có quy mô rất lớn và 01 vị trí có quy mô đặc biệt lớn. 

Trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xảy ra tại khu vực dọc các tuyến đường giao thông chính và khu vực dân cư; tập trung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 40B. Ngoài ra, còn xảy ra trên các sườn tự nhiên trồng cây lâm nghiệp, dọc các đường liên xã, liên thôn và đường lâm nghiệp. 

"Mức độ trượt lở đất đá nói chung trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam là rất cao cả về số lượng và mật độ, quy mô chủ yếu là trung bình đến rất lớn. Những khu vực này tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn" - TS Trịnh Xuân Hòa thông tin.

Miền Trung còn bao nhiêu điểm nguy cơ sạt lở nguy hiểm và khó lường như Trà Leng, Nam Trà My? - Ảnh 2.

Các lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích trong vụ sạt lở núi ở Nam Trà My. Ảnh: Đình Thiên.

Trong khi đó, địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xác định được các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Nghi Xuân có biểu hiện trượt lở xảy ra mạnh mẽ, đa dạng, phức tạp, với 235 vị trí trượt lở.

 Trượt lở chủ yếu xảy ra dọc vách taluy dương của QL8, đường Hồ Chí Minh và các đường giao thông chính trong vùng, một số ít xảy ra trên sườn dốc.

Theo TS Trịnh Xuân Hòa, tại Hà Tĩnh, khu vực có nguy cơ trượt lở và các tai biến địa chất khác rất cao, cần di dời dân cư gồm: thôn 1, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân.

Các khu vực có xói lở bờ sông có nguy cơ rất cao cần di dời gồm: thôn Hương Giang, xã Lộc Yên; thôn Tân Hội, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê; các khu vực bị sụt lún gồm thôn Thuận Trị, xã Hương Vĩnh và xóm 6, xã Hương Lâm.

Khu vực có nguy cơ trượt lở và các tai biến địa chất khác cao thuộc khu vực các xã Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Trà, huyện Hương Sơn; các khu vực xã Phúc Đồng, Hương Thủy, Hương Đô, Phương Điền, Hương Trà, Hương Liên của huyện Hương Khê.

Tại tỉnh Quảng Bình, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu đặc điểm của 128 điểm trượt lở đất đá và khoanh định được 3 diện tích có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao và có ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình xây dựng và đời sống dân sinh.

Bao gồm: khu vực xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, với diện tích khoảng 80km2, đề xuất nghiên cứu chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000; khu vực dọc QL12A và đường liên thôn xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa với diện tích khoảng 9,5km2; khu vực dọc theo đường liên thôn đi vào bản Si xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa với diện tích khoảng 7,5km2.

Tỉnh Quảng Trị xác định được 241 vị trí trượt lở đất đá, trong đó có 142 vị trí có quy mô nhỏ,  68 vị trí có quy mô trung bình, 27 vị trí có quy mô lớn, 2 vị trí có quy mô rất lớn và 2 vị trí có quy mô đặc biệt lớn.

 Mức độ tập trung của trượt lở đất đá ở những địa bàn cụ thể lại rất cao, điển hình như số lượng điểm trượt chủ yếu tập trung ở huyện Hướng Hóa (147/241 điểm) và ở huyện Đakrông (71/241 điểm). 

Cũng tại Quảng Trị, Đề án đã khoanh định được 12 vùng có nguy cơ trượt lở đất đá từ trung bình đến rất cao, phục vụ công tác cảnh báo sơ bộ cho chính quyền và nhân dân địa phương. 

Kết quả điều tra trên địa bàn khu vực miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ghi nhận được 151 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá.

Trượt lở thường xảy ra trên các sườn dốc nhân tạo (các sườn taluy) tại khu vực dọc các tuyến đường giao thông chính và khu vực dân cư. Đặc biệt tập trung nhiều dọc tuyến Đường Hồ Chí Minh, đường quốc lộ 74, quốc lộ 71, quốc lộ 49 hai bên hành lang của tuyến đường này. 

Đề án cũng đã khoanh định 3 vùng có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao (thuộc các khu vực trọng điểm trong huyện A Lưới và huyện Phong Điền).

Kết quả điều tra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận được 33 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá, trong đó có 03 vị trí có quy mô lớn.

Miền Trung còn bao nhiêu điểm nguy cơ sạt lở nguy hiểm và khó lường như Trà Leng, Nam Trà My? - Ảnh 3.

Vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Hướng Hóa, Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sỹ tử vong.

Quy hoạch sử dụng đất gắn với bảo vệ rừng đầu nguồn

Theo TS Trịnh Xuân Hòa, các hiện tượng thời tiết thất thường gây mưa lớn, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, mở đường, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng sạt lở xảy ra mạnh, khốc liệt và bất thường.

"Các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá đã đã được chuyển giao đến các địa phương; tuy nhiên, để thực sự phát huy được hiệu quả thì những sản phẩm như bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng cảnh báo cần được các địa phương sử dụng, ít nhất vào hai mục đích. Tức thời sơ tán dân ra khỏi các khu vực đang trượt lở hoặc có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét cao; về lâu dài Những sản phẩm này cần được tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, phục vụ tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng..." - TS Trịnh Xuân Hòa nhấn mạnh.

Năm 2021, Đề án sẽ tiến hành thành lập Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 7 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

TS Trịnh Xuân Hòa cũng kiến nghị, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra, thông tin thời tiết, cảnh báo về nguy cơ thiên tai cần được phổ biến rộng nhất và nhanh nhất có thể, đặc biệt là tới những địa phương có nguy cơ cao để chính quyền địa phương và người dân kịp thời có biện pháp ứng phó, phòng tránh. 

Ở những khu vực có nguy cơ trượt lở đất, xói lở bờ sông, bờ suối nguy hiểm cần lập quy hoạch, kế hoạch phân bố dân cư; di dời các nhà dân nằm trong khu vực nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá, đặc biệt là tại các bẫy lũ quét, sườn dốc, đới phá hủy đứt gãy, ven bờ sông, bờ suối có nguy cơ xói lở. 

Khẩn trương di dời các điểm dân cư, các công trình công cộng (trường học, trạm xá, chợ…) nằm trong vùng có nguy cơ trượt lở đất đá đến các vị trí an toàn. 

Quy hoạch sử dụng đất với mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng ở những vị trí có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá và khoanh vùng canh tác hợp lý tại những vùng có môi trường địa chất ổn định. 

Let's block ads! (Why?)