Mạng người quan trọng nhất
Chúng tôi đến nhà anh Thành ít ngày sau khi nước lũ rút, dấu tích của trận lũ dữ vẫn còn. Con đường vào nhà anh bị nước lũ cuốn chỉ còn trơ đá, có chỗ bị xói lở nham nhở.
Anh Thành cho biết, ngày 18/10, trời mưa rất to, Hồ Kẻ Gỗ xả khiến nước lên rất nhanh. Anh vội kê đồ đạc trong nhà lên cao, đưa người bố bị tai biến đến chỗ an toàn, cho vợ con ngồi trên chiếc thuyền nhỏ. Khi nước lên đến nhà gần 1m, anh bắt đầu chèo thuyền đi cứu người.
Trong ngôi nhà của mình, anh Thành chia sẻ với phóng viên Dân Việt về việc đi cứu người của mình: "Lúc đó, tôi chỉ nghĩ được chắc chắn có rất nhiều nhà dân đang bị ngập cũng như nhà tôi. Tôi đi trong xóm cứu một số nhà đưa đến nơi an toàn. Trên đường đi, thấy thuyền của tôi, rất nhiều người dân kêu cứu. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ làm sao cứu được thật nhiều người càng tốt. Khi biết tôi đi cứu người, nhiều người cũng liên tục gọi điện để cầu cứu người thân họ trong nước lũ. Mỗi lúc, nước lại càng lên cao và chảy xiết nên việc di chuyển của thuyền rất khó khăn".
Ngày 19/10, anh Thành chèo thuyền đi cứu dân. Không chỉ cứu người dân trong thôn mà anh còn cứu cả người dân những thôn khác. Nghe ở đâu có người cần giúp là anh lại lao thuyền đến.
Anh Thành kể: "Ở đây, trận lũ vừa qua nhà nào cũng bị ngập sâu, nước lên nhanh nên người dân trở tay không kịp. Khi thấy thuyền của chúng tôi, người dân nhào ra kêu cứu. Có những người nước đã ngập ngang cổ, họ đứng trong nước lạnh, run bần bật. Dù đang rất nóng ruột định về nhà để xem mẹ, vợ con ở nhà như thế nào nhưng nhìn cảnh đó, chúng tôi không thể nào bỏ mặc họ được".
Còn chị Nguyễn Thị Tĩnh (36 tuổi, vợ anh Thành) vẫn chưa hết run kể lại trận lũ vừa qua: "Tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào kinh hoàng như vậy. Nước lên nhanh lại chảy xiết. Trước lúc đi, anh dặn mẹ con tôi ở nhà để anh đi cứu người. Nhưng mãi đến chiều không thấy anh về, tôi gọi điện thì máy không liên lạc được. Lúc đó, tôi rất buồn, sợ nên bật khóc".
"Nước càng ngày càng lên cao, đứa con trai út mới 2,5 tuổi ngồi trên thuyền không may rơi xuống nước, lúc đó may có đứa con đầu thấy và kéo em lên. Sau đó, nó lại bị rơi xuống nước lần nữa. Lúc đó mẹ con tôi hoảng sợ thật sự" - chị Tĩnh run run nói tiếp.
Sau một ngày vật lộn với dòng lũ dữ, đến tối anh về để đưa vợ con mình và đưa vợ con của người em trai có con nhỏ mới vài tháng tuổi đến nơi an toàn. Rồi tới đêm anh lại lao đi cứu người.
Mấy bận thuyền bị lật, máy chìm trong nước nhưng sau khi cố định được chiếc thuyền, các anh lại mò tìm chiếc máy và may mắn tìm được. Do bị nước vào nên máy không chạy được nữa, anh phải sửa vội rồi lại tiếp tục đi cứu dân.
"Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là nhiều người đang cần mình giúp đỡ, thuyền cứu trợ của xã, của huyện to, lại không thông thuộc địa bàn nên không thể biết hết đường để đi. Tôi làm nghề sông nước, có chút kinh nghiệm, thuyền tôi nhỏ, lại thông thuộc địa bàn nên dễ luồn lách trong thôn để cứu từng người hơn" - anh Thành chia sẻ.
"Ai cũng làm như vậy thôi"
Sau những ngày vật lộn với dòng nước xiết cứu bà con, khi trở về nhà, những dụng cụ phục vụ nghề đánh bắt cá trên sông của vợ chồng anh mấy chục triệu cũng đã trôi sạch theo dòng nước lũ. Nhưng anh Thành, chị Tĩnh vẫn vui vì đã cứu được nhiều người dân khỏi dòng nước lũ.
Anh Thành cho biết: "Ngay trong lũ dữ, nhiều người được tôi cứu đã mang tiền để trả ơn nhưng tôi đều từ chối. Bởi trong hoàn cảnh đó không phải tôi mà là người khác, có đủ điều kiện như tôi ai cũng đều làm như vậy".
Sau khi lũ rút, nhà anh chị cũng trở nên nhộn nhịp hơn bởi những người được anh cứu đã mang theo gói bánh, cân gạo để cảm ơn việc cứu mạng.
"Thấy anh đi trong lũ dữ cả ngày tôi rất giận, bởi nhà tôi cả 4 con đều còn nhỏ, còn một mẹ già nữa. Nhưng khi anh về kể đã cứu được nhiều người, tôi không còn giận anh ấy nữa, mà thay vào đó là tự hào" - chị Tĩnh rụt rè.
Những ngày khi lũ bắt đầu rút, những người cần cứu đã cứu xong, cũng là lúc các đoàn từ thiện về ủng hộ bà con, vợ chồng anh lại tình nguyện chèo thuyền đưa các đoàn đi trao quà cho những người còn ở trong vùng lũ.
Nói về hành động của anh Thành, bà Trần Thị Loan, người đã được anh Thành và những người bạn cứu kịp thời kể lại: "Nước lũ lên đến cổ, 4 người trong nhà chúng tôi không còn chỗ trú nữa. Lúc đó rất hoảng loạn, chúng tôi la hét cầu cứu nhưng mãi không thấy ai đến. Đến chiều tối 19/10, may có nhóm anh Thành chèo thuyền tới và chở tôi đến khu vực an toàn. Tôi như được sinh ra một lần nữa vậy".
Cùng giúp sức với anh Thành đi cứu người trong trận lũ dữ những ngày qua còn có anh Lê Văn Công là em trai của anh Thành cùng anh Phạm Văn Đồng và Đậu Văn Hoàng là hàng xóm của anh Thành.
"Nếu như tôi không có sự giúp sức của em trai và anh Đồng, anh Hoàng thì tôi cũng không thể giúp được nhiều người đến vậy" - anh Thành cười hiền.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Võ Tá Kỷ - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết: "Trong trận lũ vừa qua, trên địa bàn có nhiều người đã lao vào lũ dữ để đưa bà con đến nơi an toàn. Tiêu biểu nhất là các anh Thành, Công, Đồng, Hoàng lao trong lũ cứu được rất nhiều người dân. Trước hành động dũng cảm, quên mình cứu người của nhóm anh Thành, UBND huyện Cẩm Xuyên đã tặng Giấy khen".
Vợ chồng anh Thành, chị Tĩnh hành nghề đánh cá trên sông Ngàn Mọ, anh chị có 3 chiếc thuyền, trong trận lũ vừa qua, một chiếc thuyền anh đưa đi cứu người, một chiếc anh cũng cho một người dân mượn để đi cứu người trong lũ. Trong 3 ngày, từ 19 - 21/10, anh cùng nhóm bạn đã cứu được hơn 300 người dân một cách kịp thời.
Đăng nhận xét