"Đại gia" nuôi lợn lãi lớn
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với tăng trưởng đột biến.
Cụ thể, doanh thu thuần tăng 41% lên 2.550 tỷ đồng trong quý III. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế là 428 tỷ đồng, gấp gần 12 lần. Lãi sau thuế Dabaco thu về gấp 20 lần cùng kỳ, lên gần 387 tỷ đồng.
Kết quả đột biến của Dabaco chủ yếu do biên lợi nhuận gộp tăng vọt. Trong quý III, tỷ lệ này đạt gần 27%, hơn gấp đôi so với cùng giai đoạn năm 2019. Các khoản chi phí hoạt động của Dabaco cũng tăng, nhưng tỷ trọng không quá lớn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Dabaco đạt gần 7.155 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với năm trước. Tuy nhiên, tương tự quý III, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này gấp hơn 16 lần cùng kỳ, đạt 1.231 tỷ đồng và lãi sau thuế gấp 24 lần cùng kỳ với 1.137 tỷ đồng.
So với mục tiêu doanh thu 13.203 tỷ và lãi 457 tỷ đồng đề ra từ đầu năm, kết quả 9 tháng của Dabaco mới hoàn thành một nửa chặng đường về doanh thu nhưng đã vượt gần 150% chỉ tiêu cả năm về lợi nhuận.
Trong buổi gặp chuyên gia phân tích mới đây, Dabaco cho biết mảng chăn nuôi lợn đóng góp 42% doanh thu của toàn tập đoàn. Kết quả này một phần nhờ các trại nuôi mới được đưa vào hoạt động đúng thời điểm giá lợn hồi phục và duy trì mức cao. Sản lượng lợn thịt bán ra chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thu về 2.640 tỷ đồng, cao hơn 111%. Sản lượng lợn giống giảm 5% còn 131.000 con nhưng doanh thu vẫn tăng 72%.
Bên cạnh đó, một số dự án đi vào hoạt động có hiệu quả khác như Nhà máy dầu thực vật Dabaco, Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi lợn công nghệ cao Dabaco Tuyên Quang…
Đến cuối quý III, Dabaco có tổng nguồn vốn hơn 10.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đạt gần 4.000 tỷ đồng, với gần 1.000 tỷ lợi nhuận chưa phân phối.
Điều đáng nói, cùng với tiềm lực tài chính lớn, quy mô nợ của Dabaco cũng đang chiếm "áp đảo" trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này.
Theo đó, nợ phải trả của Dabaco là 6.270 tỷ đồng, lớn gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 4.396 tỷ đồng, chiếm 70% tổng giá trị nợ, riêng giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2.563 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 1.523 tỷ đồng.
Tương tự, Báo cáo tài chính của Công ty Chăn nuôi – Mitraco (MLS) hợp nhất quý III/2020 cũng cho thấy, doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 108 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, lãi sau thuế Công ty Chăn nuôi – Mitraco (MLS) thu về 30 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty lỗ ròng gần 10 tỷ đồng.
Sau 9 tháng, nhờ hưởng lợi lớn từ giá lợn tăng cao trước nguy cơ khan hiếm nguồn cung, Mitraco ghi nhận 307 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 85%. Lợi nhuận sau thuế đạt 85 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 30 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty đã xóa sạch lỗ lũy kế gần 50 tỷ đồng trong năm qua.
So với kế hoạch 275 tỷ doanh thu và 40 tỷ lợi nhuận trước thuế, Mitraco sau 9 tháng đã vượt 12% chỉ doanh thu và 112% chỉ tiêu lợi nhuận.
Được biết, Mitraco là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh - CTCP. Công ty chính thức được thành lập vào năm 2004, hoạt động chủ yếu tại khu vực miền Trung với 2 trung tâm sản xuất lợn giống chất lượng cao tại Hà Tĩnh.
Mới đây, HĐQT Mitraco đã thông qua việc xây dựng bổ sung hệ thống xử lý môi trường, cả tạo chuyển đổi công năng chuồng tại Trung tâm sản xuất lợn giống chất lượng cao Kỳ Phong, lắp đặt hệ thống phân lại trung tâm lợn giống Thạch Vĩnh.
Ngoài ra, Công ty cũng sẽ nhận chuyển nhượng lại khu đất quy hoạch chăn nuôi tại xã Lâm Hợp (Kỳ Lâm), huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm tập trung.
"Vua" thép Việt mỗi ngày bán 550.000 quả trứng gà sạch, lớn nhất miền Bắc
Bên cạnh các doanh nghiệp chăn nuôi có lợi nhuận lớn nhanh như thổi trong 9 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long dù xuất phát điểm không từ lĩnh vực nông nghiệp nhưng sau khi "tay ngang", mảng chăn nuôi lợn, bán trứng gà sạch… đang chiếm một phần không nhỏ trong doanh thu và lợi nhuận của "ông vua thép Việt".
CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 với kết quả vượt trội so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng gấp đôi sản lượng bán hàng.
Tại báo cáo tài chính quý III/2020, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đạt 24.686 tỷ đồng, tăng 63,6% cùng kỳ năm trước. Đây là quý đầu tiên doanh thu của Hoà Phát vượt 1 tỷ USD. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần bán hàng đạt 64.340 tỷ, tăng 40,8% cùng kỳ 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 10.000 tỷ, tăng 47%. Lãi sau thuế của Hòa Phát 8.845 tỷ đồng, tăng 56,4% và gần hoàn thành kế hoạch năm (9.000 tỷ).
Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát tiếp tục tăng trưởng mạnh, đóng góp khoảng 12% doanh thu và 15% lợi nhuận toàn Tập đoàn.
Cụ thể, mảng nông nghiệp đạt doanh thu 2.791 tỷ trong quý III/2020, tăng 53% cùng kỳ năm trước, chiếm 11,3% tổng doanh thu.
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long hiện có hệ thống trang trại lớn cung cấp lợn giống bố mẹ, heo giống thương phẩm, lợn thịt chất lượng cao tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bình Phước. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu nâng công suất chăn nuôi lên tới 450.000 đầu lợn thương phẩm/năm.
Bên cạnh đó, mỗi ngày Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, người được mệnh danh là "vua" thép Việt bán 550.000 quả trứng gà sạch ra thị trường, lớn nhất miền Bắc. Mục tiêu trong thời gian tới của Hòa Phát là nuôi 1,2 triệu gà đẻ trứng, sản xuất 300 triệu quả trứng/năm.
Đăng nhận xét