Kỳ 1: Trao lại doanh nghiệp trăm tỷ đồng cho gia đình để chăm lo xóm làng
Với mongg ước được đem sức lực và trí tuệ của mình để cống hiến, xây dựng quê hương, ông Trần Minh (sinh năm 1973, khu phố Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã trao lại doanh nghiệp có trị giá hàng trăm tỷ đồng cho người thân quản lý, trở về quê hương tham gia công tác chung, góp phần xây dựng xóm làng.
Khởi nghiệp từ cậu bé làm thuê...
Không mấy khó khăn khi muốn tìm gặp ông Minh, vì ông luôn có mặt ở khu vực đình làng Đa Hội để chỉ huy, giám sát xây dựng cụm Di tích văn hóa tâm linh đình chùa Đa Hội. Nhưng thật khó để hỏi về những điều riêng tư của bản thân ông, bởi: "Tôi sợ ồn ào lắm, sợ người ta không hiểu hết lại cho mình là người thế này, thế khác".
Phải mất nhiều thời gian thuyết phục, ông Minh mới ngập ngừng kể: Nhà ông có 5 chị em, ông Minh là thứ 2 nhưng là con trai lớn. Học đến lớp 7 ông Minh nghỉ ngang đi làm thuê.
Vì Đa Hội là làng nghề, trong làng có nhiều hộ gia đình sản xuất cân đĩa, bản lề cửa nên ông Minh làm thuê trong làng khoảng 2 năm. Sau đó ông theo mẹ lên tận Lạng Sơn buôn bán rau quả, rồi lại về làng chạy xe lam chở hàng sắt cho những gia đình ở trong làng ra ngoài Hà Nội và đón người làng đi chợ về. Từ lúc đó tôi đã học được nhiều cách để kinh doanh từ ngành nghề sắt thép.
"Năm 1991 tôi lấy vợ lúc mới 18 tuổi. Người làng nghề chúng tôi hay lập gia đình sớm. Sau đó vợ chồng tôi được bố mẹ cho ở riêng. Đầu năm 1992 tôi bắt đầu lập nghiệp. Tôi mua máy móc, thuê đất của HTX nông nghiệp Trịnh Tháp để mở xưởng cán kéo thép. Hồi đó làm rất thủ công, mua thanh đường ray xe lửa cũ về rồi dùng máy hơi cắt ra từng miếng, sau đó kéo thành thép phục vụ xây dựng", ông Minh bồi hồi nhớ lại thuở khởi nghiệp ban đầu.
Miệt mài như thế đến năm 2006, tích lũy chút vốn, ông Minh thành lập công ty gia đình, lấy tên hai vợ chồng là Minh Bích. Đến năm 2008, trên khu công nghiệp Đình Trám - Bắc Giang có chính sách thu hút đầu tư, vợ chồng ông Minh quyết định xây dựng một dây chuyền cán kéo thép trị giá 35 tỷ đồng. Công việc sản xuất và kinh doanh may mắn gặp nhiều thuận lợi.
Đến năm 2010 ông Minh lại quay về khu vực Mả Ông, phường Đình Bảng, quyết định đầu tư 200 tỷ đồng vào khu nhà xưởng cán kéo thép – điều mơ ước của biết bao người làm nghề thép Đa Hội. Khu nhà xưởng vẫn duy trì hoạt động cho tới ngày hôm nay.
Ông Minh chia sẻ: Có nhiều năm doanh thu của công ty gia đình đạt tới con số 300 tỷ đồng, công nhân trong công ty có lúc lên đến 150 người. Rất nhiều người thợ đã gắn bó với ông Minh từ khi ông bắt đầu lập nghiệp - năm 1992.
Đầu năm 2020, "cơn bão" toàn cầu - đại dịch Covid-19 càn quét khiến cho hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị ngưng trệ, thậm chí là giải thể, phá sản. Doanh nghiệp Minh Bích của ông Minh cũng đương đầu với không ít khó khăn. Nhưng ông Minh vẫn tâm niệm, dù khó khăn đến mấy vẫn quyết không để cho công nhân nào phải nghỉ việc. "Mình khó 1 thì công nhân khó 10, vì nhiều người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, lại phải nặng gánh nuôi cả gia đình", ông nhận thức rõ điều đó.
Để duy trì được sản xuất, ông Minh bắt buộc phải đánh đổi, đôi khi phải bán bớt cả một số bất động sản trước kia tích lũy được để trả lương cho công nhân và người lao động.
Giao lại công ty, chú tâm vào công việc xóm làng
Khu phố Đa Hội có 2.100 hộ dân với hơn 10.000 nhân khẩu. Từ những năm 2000, khi mới bắt đầu khởi nghiệp ở làng, ông Minh đã bắt đầu hăng hái tham gia vào mọi hoạt động của thôn xóm. Từ đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng thôn xóm khang trang cho đến góp ý, tham mưu về công tác quản lý thôn sao cho hiệu quả…
"Nhiều người thấy tôi có tâm huyết với những công việc của làng nên giới thiệu tôi vào Ban lãnh đạo thôn. Nhưng lúc đó tôi không đủ tiêu chuẩn vì trình độ văn hóa chưa hết lớp 7", ông Minh tâm sự. Và rồi, tâm huyết với công việc chung nên dù công việc kinh doanh chiếm mất khá nhiều thời gian, ông Minh cũng hạ quyết tâm phải có bằng tốt nghiệp THPT.
Vậy là ông theo học lớp bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Từ Sơn. Và cuối cùng, trời không phụ công người. Giám đốc doanh nghiệp Minh Bích cũng có được tấm bằng tốt nghiệp THPT vào năm 2015.
"Hiện tại tôi đang theo học hệ cao đẳng nghề và sẽ học liên thông lên đại học", ông Minh hào hứng cho biết.
Năm 2016, khi được bà con giới thiệu vào vị trí trưởng khu phố Đa Hội, ông Minh đã về họp gia đình và bàn với vợ - bà Phạm Thị Bích và rồi quyết định giao lại toàn bộ công việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở luyện thép cho vợ quản lý. Cũng trong thời gian đó, ông Minh chính thức được người dân trong khu phố tín nhiệm bầu vào vị trí Trưởng khu phố Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn.
Nói về chuyện thích đi "vác tù và hàng tổng" của chồng mình, bà Bích chia sẻ: "Lúc đầu tôi cũng phản đối ghê lắm, vì công việc sản xuất kinh doanh của gia đình rất bận bịu. Hiện giờ, quy mô của công ty tương đối lớn so với kinh tế hộ gia đình, rất cần anh ý sâu sát hơn nữa trong quản lý. Trong khi đó, làm Trưởng khu phố không chỉ là việc "vác tù và hàng tổng", mà thậm chí nếu không khéo còn bị điều ra tiếng vào. Tôi phân tích vậy, nhưng thấy anh ấy quyết tâm quá nên cuối cùng tôi và các con cũng phải ủng hộ để chồng toàn tâm, toàn ý làm công tác xã hội".
Bà Bích cũng tâm sự với PV: "Từ khi anh Minh làm Trưởng khu phố, bản thân gia đình tôi cũng phải chấp nhận thiệt thòi. Nhưng tất cả đều vui vẻ và hòa thuận vì tin tưởng chồng mình muốn góp công góp sức cho việc chung, cho xóm làng mà thôi".
Ngoài việc lo kinh doanh của gia đình, bà Bích cũng tham gia vào ban vận động quyên góp quỹ xây dựng khu tâm linh Đa Hội để chia sẻ bớt một phần công việc thôn xóm cùng chồng.
Cũng từ đây, câu chuyện về khát vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng của vị Trưởng khu phố trên 50 tuổi được người ta nhắc tới…
(Còn nữa)
Đăng nhận xét