Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đầu tiên trên cả nước để đảm bảo cung ứng nguồn thịt sạch là mục tiêu khả thi khi căn cứ vào thực tế chăn nuôi và công tác phòng chống dịch mà Bình Dương đã và đang làm được.
Chăn nuôi an toàn sinh học
Năm 2019, DTHCP đã gây thiệt hại cho gần 1.400 hộ, trại chăn nuôi, với tổng số heo phải tiêu hủy hơn 87.000 con, chiếm 15% tổng đàn. Đầu năm nay, toàn tỉnh có 3 xã phát sinh DTHCP, tiêu hủy 30 con. Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh đều đã qua 30 ngày không ghi nhận phát sinh ổ dịch mới. Cuối tháng 3, Bình Dương công bố hết DTHCP.
Nhiều trại heo không những an toàn đi qua mùa cao điểm dịch tả heo châu Phi mà còn duy trì đà sản xuất hiệu quả cao.
Nằm lọt thỏm giữa vườn cây cao su và tách biệt khỏi khu dân cư, trại heo của anh Nguyễn Văn Linh ở huyện Bàu Bàng (Bình Dương) là 1 trong số ít những trang trại không bị dịch tả heo châu Phi (DTHCP) "ghé thăm". Hiện trang trại này đang duy trì tổng đàn với 1.000 con các loại. Anh Linh cho biết, tổng số này đã giảm 10% so với năm 2019 do trại tự giảm đàn để giảm áp lực dịch bệnh.
Trong mùa cao điểm DTHCP năm 2019, an toàn sinh học được anh Linh áp dụng triệt để, nhất là hạn chế tiếp xúc nguồn lây nhiễm bệnh. Các nhân viên kỹ thuật, nhân công trong trại đều được hạn chế, thậm chí cấm ra ngoài. Các loại xe đến bắt heo, và tài xế cũng không được vào trại nuôi mà ở đứng hết ở ngoài.
Bên trong chuồng trại được vệ sinh, sát trùng kỹ từng ngày. Điều quan trọng là trại nuôi nằm cách xa các trại khác, cách xa cả khu dân cư. "Mật độ nuôi trong chuồng cũng giảm xuống vì nếu mật độ nuôi quá dày đặc thì làm an toàn sinh học cho mấy cũng rất dễ nhiễm bệnh", anh Linh kể.
Sau DTHCP, nguồn cung thiếu hụt đã đẩy giá heo hơi và heo thịt các loại luôn nằm ở mức cao. Đáng chú ý là giá con giống trên thị trường thời gian qua sốt cao với mức hơn 3 triệu đồng/con.
Theo tính toán nuôi của nhiều trại, hiện bình quân giá thành sản xuất mỗi ký heo hơi phải hơn 55.000-65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhờ giữ lại được đàn nái để gầy heo giống, giá thành xuất chuồng ở trại anh Linh chỉ khoảng 45.000-47.000 đồng/kg.
Đến nay, công tác phòng chống DTHCP trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, nhiều địa phương trong tỉnh không còn dịch bệnh tái phát. Theo Chi cục Chăn nuôi-Thú y và Thủy sản, sau khi dịch bệnh được khống chế, người chăn nuôi đã tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn heo nái để có con giống tái đàn.
Ở các địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của ngành, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân khi thực hiện tái đàn, tuân thủ nghiêm các biện pháp tiêu độc, khử trùng, nhập heo giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh tái đàn ồ ạt… Trong quá trình chăn nuôi thực hiện đúng quy trình an toàn sinh học và ATDB.
UBND tỉnh vừa ban hành công văn về việc triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTHCP, giai đoạn 2020-2025. Theo công văn, mục tiêu chung là bảo đảm thực hiện chăn nuôi ATDB; chủ động giám sát phát hiện sớm, áp dụng kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống DTHCP nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật do dịch bệnh DTHCP gây ra.
Mục tiêu cụ thể là trên 50% số xã, phường, thị trấn không có DTHCP trong 2 năm đầu thực hiện kế hoạch; trên 60% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTHCP trong 2 năm tiếp theo và trên 70% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTHCP trong 2 năm cuối thực hiện kế hoạch.
Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, trên 70% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học.
Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng ít nhất 20 trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh DTHCP. Xây dựng được phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 1 để đáp ứng việc chẩn đoán, xét nghiệm nhanh bằng công nghệ Realtime PCR đối với bệnh DTHCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có nguy cơ lây sang người theo quy định.
Xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB
Ông Võ Bá Cang, chủ hệ thống trang trại heo Vĩnh Tân cho biết, từ năm 2012, ông đầu tư xây dựng trại heo Vĩnh Tân 5 tại xã huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Hiện tại, Vĩnh Tân đang duy trì tổng đàn heo với 2.900 con nái, 42.000 con thịt, và 5 trại nuôi ở Bình Dương.
Tại các trại nuôi của mình, ông Cang kể, không chỉ làm trại kín mà còn đầu tư cả nhà lưới để chống chim chóc, côn trùng; cùng với rất nhiều khoản đầu tư khác mới mong giữ được đàn heo.
Các phương tiện vận chuyển heo phải sát trùng nhiều lần mới được vào trại. Xe chở cám cũng phải được sát khuẩn từ cách xa trại 3km. Việc quản lý con người cũng nghiêm ngặt không kém.
Trước đây, nhân công vào trại chỉ phải cách ly 2 ngày, nay tăng lên 16 ngày. Trong đó có 14 ngày nhân công phải cách ly vì dịch Covid-19. Tất cả những biện pháp này đều nhằm bảo vệ "tử huyệt" của ngành chăn nuôi là an toàn dịch bệnh và được triển khai đồng bộ cho tất cả các trại heo.
Ngay tại Bình Dương, ông Cang đánh giá tỉnh này có vùng đệm tốt hơn so với Đồng Nai đang phát triển chăn nuôi với mật số dày đặc. "Đây là điều kiện tốt để Bình Dương tiếp tục cung cấp nguồn thịt heo sạch bệnh cho thị trường", ông Cang nói.
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi-Thú y và Thủy sản đã khuyến khích các công ty, trang trại triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh DTHCP, gồm trang trại heo Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 5, Vĩnh Tân 6 và trại heo Mai Thị Thảo.
Đây là 4 trang trại đầu tiên trên cả nước được chứng nhận an toàn dịch đối với bệnh DTHCP. Theo Chi cục, dự kiến đến hết tháng 9/2020, đơn vị sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, hoàn tất thẩm định hồ sơ để công nhận thêm 15 trang trại chăn nuôi.
Ông Trần Phú Cường - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y và thủy sản Bình Dương cho biết, tỉnh có quy mô chăn nuôi nông hộ ít hơn hẳn so với Đồng Nai. Đến cuối năm 2019, tổng đàn heo của tỉnh gần 645.000 con. Trong đó, chăn nuôi nông hộ chiếm hơn 8%.
Năm 2020, ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương tiếp tục quy hoạch theo hướng phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại 4 huyện phía bắc của tỉnh là Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. Đến hết quý I năm nay, tổng đàn heo của tỉnh hơn 785.800 con. Trong đó, chăn nuôi nông hộ giảm xuống chỉ còn 6%.
Với đàn heo, dù tổng đàn toàn tỉnh hiện nay giảm khoảng 1,9 % so với cùng kỳ năm 2019, số lượng heo chỉ giảm nhiều ở đàn heo chăn nuôi nông hộ. Thời gian qua ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn phát triển ổn định. Hiện tổng đàn heo khoảng 853.000 con, tăng 30% so với cùng kỳ.
"Điều này cho thấy hiệu quả trong công tác quản lý để khống chế bệnh DTHCP. Đồng thời các trang trại và các công ty chăn nuôi đều được tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp nguồn sản phẩm sạch cho thị trường", ông Cường nói.
Ông Bạch Đức Lữu - Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, Bình Dương là 1 trong 2 tỉnh được Cục Thú y bỏ kinh phí thực hiện giám sát lưu hành virus dịch bệnh. Chương trình sẽ tiếp tụ triển khai trở lại gián đoạn dịch Covid-19. Cho đến nay, Bình Dương là tỉnh duy nhất trên cả nước xây dựng được vùng ATDB với dịch tả heo cổ điển và dịch lở mồm long móng ở cấp huyện. "Bằng nguồn kinh phí tiêm phòng do tỉnh hỗ trợ, Bình Dương đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch thời gian qua", ông Lữu nhận định.
Đăng nhận xét